(Sóng trẻ) - NSƯT Lệ Ngải với giọng ca ngọt ngào và sâu lắng, đã trở thành nguồn động viên quý báu cho các chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Tiếng hát “át tiếng bom” của bà như đưa người nghe về với quê hương, tạo nên sức mạnh tinh thần vững chắc giữa khói lửa chiến tranh.
Bà Nguyễn Thị Ngải (tên thường gọi là Lệ Ngải), sinh năm 1951 tại làng Ngang Nội, Tiên Du, Bắc Ninh – vùng đất nổi tiếng với truyền thống hát quan họ lâu đời. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, cha của bà, cụ Nguyễn Đức Xôi, là một nghệ nhân quan họ. Chính vì vậy, từ thuở nhỏ, cô bé Lệ Ngải đã sớm nuôi dưỡng trong mình tình yêu mãnh liệt dành cho điệu hát quan họ quê hương.
Khi 18 tuổi, thay vì theo học Trung cấp Sư phạm Hà Bắc như dự định, bà Lệ Ngải lại quyết định thay đổi hướng đi. Trong một lần đi khám sức khỏe để vào trường sư phạm, bà nhận được lời khuyên từ bố: “Con không đi sư phạm nữa. Bố đã làm hồ sơ cho con vào Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc rồi. Con cứ nghe bố, tiếng hát quan họ bây giờ như thế nhưng sau này bay ra ngoài thế giới đấy con ạ…”.
Với quyết định này, bà Ngải chính thức gia nhập Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc (cũ). Chỉ sau 6 tháng học, bà không chỉ sở hữu giọng hát điệu nghệ mà còn nhanh chóng phát triển khả năng biểu diễn và tổ chức các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Năm 1969, Trung ương Văn hóa Hà Bắc thành lập Đoàn Quan họ Hà Bắc, và bà Lệ Ngải đã trở thành một trong những thành viên đầu tiên của đoàn.
Vào năm 1970, bà Lệ Ngải cùng một nhóm nghệ sĩ tài năng được tuyển chọn vào Đoàn Văn công xung kích Hà Bắc, lên đường mang tiếng hát ra chiến trường. Tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, bà háo hức chuẩn bị hành trang, không chỉ là lời ca mà là niềm tin, sức mạnh của tinh thần, sẵn sàng "át tiếng bom" để động viên các chiến sĩ nơi trận mạc. Đó vừa là niềm vinh dự lớn lao, vừa là trách nhiệm thiêng liêng mà bà tự hào gánh vác.
Cùng năm ấy, bà Ngải chia tay người yêu – giờ là chồng bà – khi anh lên đường vào chiến trường. Cuối năm 1970, bà tạm biệt gia đình, mang theo khát vọng và tiếng hát lên những chiến tuyến dọc dài Trường Sơn, để lời ca của mình tiếp sức cho những người lính can trường.
Ngày bà Ngải lên đường vào chiến trường, gia đình và chị em trong nhà không giấu được nỗi xúc động, bởi "đi chiến trường là không còn hy vọng gì". Bà Ngải nhớ lại: “Ngày tiễn tôi đi, mấy chị em cứ khóc nức nở, đưa tôi ra tận cuối làng, mãi đến khi cụ nhà tôi mới mắng: ‘Ôi mấy đứa này, sao lại khóc? Em mày đi chiến trường, phải vui mừng, phấn khởi chứ, nó đi làm nhiệm vụ chứ đâu phải đi đâu mà khóc’...".Đoàn văn công Hà Bắc khi ấy có khoảng 15 nghệ sĩ trẻ, với tài năng đa dạng từ chèo, quan họ đến ca múa, nhạc, mang theo lời ca tiếng hát truyền thống phục vụ chiến trường. Bà Ngải vẫn không thể quên chuyến hành trình đầu tiên xa nhà, đầy ắp tiếng cười nhưng cũng không thiếu những lần sinh tử cận kề, khi đoàn phải đối mặt với bom đạn dọc đường.
Đoàn văn công xung kích Hà Bắc đã vượt qua những con đường khốc liệt như C599, Bắc Quảng Trị, đèo Khỉ, Savanakhet của Lào và mặt trận đường 9 Nam Lào từ cuối tháng 12/1970 đến hết năm 1971,... Nhưng dù đối diện với bom đạn, họ vẫn kiên cường dựng lên những sân khấu dã chiến, mang theo những bài hát, điệu múa bất kể đêm ngày, có một người cũng diễn để thắp lên ngọn lửa tinh thần cho các chiến sĩ.
Bà Ngải chia sẻ với giọng trầm lắng: "Sự sống và cái chết lúc nào cũng liền kề, nó có trừ ai đâu, chẳng trừ ai cả. Nó mong manh, giữ cũng không được. Cứ đi thôi, không màng gì cả...". Dù nguy hiểm luôn rình rập, bà và các nghệ sĩ vẫn quyết bước tiếp, mang theo những khúc hát động viên các chiến sĩ, như một tia nắng giữa bão táp phong ba, dù biết rằng sự sống - cái chết chỉ là một khoảnh khắc mong manh.
Những ngày đầu tiên trên chiến trường, bà Ngải không thể tìm được giấc ngủ, không phải vì nhớ nhà mà vì sự mệt mỏi sau những ngày hành quân và biểu diễn liên miên. Dù ai cũng muốn được nghỉ ngơi một chút, nhưng mỗi khi vừa thả mình xuống, tiếng "bùm" của bom lại vang lên gần bên, làm giấc ngủ chẳng thể đến. Các chiến sĩ xung quanh an ủi bà: "Nghe gần thế thôi nhưng phải cách 3-4km…." Dần dần, bà đã quen, có thể ngủ yên bình dù âm thanh của chiến tranh vẫn văng vẳng quanh mình.
Là một nghệ sĩ giữa chiến trường, bà Ngải cũng không ít lần phải đối diện với cái chết. Một lần, đoàn phải vượt qua bãi B52 để tiến vào khu vực bên kia. Khi đi đến giữa bãi, bất ngờ có lệnh phải quay lại vì bom chuẩn bị rơi xuống. Trong lúc hoảng loạn, bà và đồng đội cố gắng lùi lại nhưng lại rơi vào hố bom, không thể lên được. Mỗi lần cố gắng leo lên lại bị tụt xuống, hoảng sợ không biết phải làm sao. Sau những phút giây căng thẳng, bà cuối cùng cũng tìm được đường lên cửa hầm chữ A, thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc.
Khi những đợt bom cuối cùng lắng xuống, bà Ngải cùng đoàn văn công lại tiếp tục băng qua khói lửa để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Trong những chuyến đi ấy, bà Ngải đã nhiều lần đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, và mỗi lần như thế, bà lại càng cảm nhận sâu sắc những hy sinh vô cùng to lớn của các chiến sĩ.
Bà Ngải tâm sự: “Có một lần, sáng vừa diễn cho tiểu đoàn đó xem. Diễn toàn những bài hào hùng, khích lệ tinh thần anh em…Tiểu đoàn có 9 người. Đến chiều nghe tin tiểu đoàn đã hy sinh. 9 người đi nhưng về lại còn 5 balo cùng 4 người. Tôi bàng hoàng nhưng cũng chỉ biết hát tiễn đưa các anh…”.
Mọi kỷ niệm về những ngày tháng gian khổ ấy đều được bà Ngải ghi lại tỉ mỉ trong quyển nhật ký năm nào. Trở về với thời bình, những nghệ sĩ ngày xưa, người còn, người mất, nhưng những ký ức về năm tháng hào hùng ấy vẫn sống mãi trong tâm trí của những người đã từng cống hiến hết mình trên đỉnh Trường Sơn. Những hình ảnh về sự hy sinh, tinh thần chiến đấu và tiếng hát vang vọng giữa bom đạn vẫn không bao giờ phai mờ.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.