PV: Từng là cậu thanh niên chỉ có 38kg, ở thời điểm đó, ông đã làm cách nào để để được nhập ngũ như những người khác?

Thành thực, năm 1954 tôi không phải nhập ngũ mà theo diện thanh niên xung phong. Năm đó, còn là cậu học trò trường làng, cân nặng chỉ đạt 38kg và sức vóc rất nhỏ. Vậy nên, dù tôi có ứng tuyển vào các trường quân đội nào đều không đạt.

Tôi vẫn nhớ như in, đầu tháng 2/1954 có lớp thanh niên xung phong tuyển đi làm đường phá đá trên Cao Bằng, Lạng Sơn để thông biên giới, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi bèn trốn gia đình đi học và đi vào lớp thanh niên xung phong. Đến đầu tháng 3/1954, khi ấy chiến sĩ hy sinh ở trận địa Điện Biên Phủ nhiều quá, đại đội (C) 268, Tiểu đoàn (D) 531, Sư đoàn (F) 312 về đơn vị thanh niên xung phong nơi tôi đang công tác tuyển quân. 

Bản thân luôn ước mong được trở thành anh bộ đội, tôi lén giấu hai viên gạch vào người, tuy nhiên vẫn chưa đủ tiêu chuẩn cân nặng để nhập ngũ. Nhìn cả cảnh đơn vị được chuyển sang quân đội, sót lại mỗi mình là anh thanh niên xung phong, tôi buồn lắm. Đơn vị hành quân khoảng được 1km, tôi vác balo chạy theo năn nỉ. Sự nhiệt tình đó đã tác động đến trưởng đơn vị, và thế là nghiễm nhiên tôi được nhập ngũ từ ngày 02/3/1954. 

Sau thời gian được huấn luyện cùng đồng đội, tôi được trở thành chiến sĩ 12 ly 7 phòng không bắn máy bay bảo vệ cho bộ binh đánh đồi Him-Lam, Điện Biên Phủ. Đơn vị tôi bắn được 20 máy bay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và lập được nhiều thành tích. Mặc dù, 75 năm đã trôi qua, hoà bình trên mọi miền tổ quốc, nhưng cả đời tôi không bao giờ quên một trận địa Him-Lam ác liệt, tận mắt chứng kiến đồng đội “mãi mãi tuổi đôi mươi” để huỷ diệt “cánh cửa thép” Him-Lam - mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

PV: Được biết, ông đóng vai trò quan trọng trong việc hạ gục “pháo đài bay” B52 trong trận địa Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Ông còn nhớ tình hình nước ta thời kỳ đó? 

Sau chiến thắng Điện Biên, tôi trở về làng. Nhưng chẳng bao lâu, tôi lại cầm súng, tham gia kháng chiến chống Mỹ và làm Tiểu đoàn trường tiểu đoàn 77-E257-F361. Năm đó, Mỹ tuyên bố một cách rất ngạo mạn rằng đưa B52 vào Hà Nội, chỉ cần 3 ngày 3 đêm chúng có thể khiến thủ đô ta trở về thời kỳ đồ đá, gây sức ép buộc ta phải nối lại các cuộc đàm phán ở Paris.

Hồi đó, Mỹ là “trùm sò” đế quốc, chiến đấu toàn những loại trang vũ khí hiện đại, tiên tiến. Trong khi ấy, miền Bắc ta thực hiện phương châm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Trải qua 2 cuộc chiến ròng rã liên tục từ 1946 đến 1972, từ Pháp rồi đến Mỹ, đất nước còn khó khăn, đương nhiên khí tài phục vụ cho cuộc chiến không đầy đủ và hiện đại, làm sao để bắn hạ được B52 của Mỹ đây?

Trong tình cảnh đó, tôi lại nhớ đến nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đầu xuân năm 1968, “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua (…) Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua … nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Nó giống như một lời hịch, đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng cho toàn quân toàn dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tăng lòng quyết tâm cho những người trực tiếp cầm súng bắn B52.

PV: Nhớ lại những ký ức khó quên nhất trong 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội tháng 12/1972, khoảnh khắc nào khiến ông xúc động nhất trong chiến dịch? 

12 ngày đêm không ngủ, cũng là 12 ngày đêm đau đáu lời dặn của Bác “Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Cả tiểu đoàn với tinh thần “biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”, trong suốt 2 năm trời, từ đầu 1971 đến cuối 1972, cả một kíp chiến đấu dày công luyện tập, hiểu và nắm được hết tất cả những phương hướng đánh của địch. Từ đường bay, vũ khí địch sử dụng, ý đồ cho đến chiến thuật, đơn vị của tôi đều được học và thực nghiệm nhuần nhuyễn. 

Với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, mang theo lời thề “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, toàn đơn vị chiến đấu với tinh thần nhiệm vụ chưa hoàn thành không được hy sinh cho xứng đáng là người quân đội, chứ đừng để hy sinh khi sứ mệnh chưa thành. Với tinh thần đó, vào đêm ngày 18/12/1972, đơn vị đã lập được chiến công hiển hách, mà đến bây giờ thế giới chưa thôi nể phục là bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên ở cánh đồng Chuôm, huyện Sóc Sơn. Chưa bao giờ tôi sung sướng bằng khi đơn vị mình trực tiếp bắn rơi B52. Chiếc “pháo đài bay” đầy tự hào của Mỹ thời điểm đó, giờ đây lại nổ tung, rực lửa trên bầu trời Hà Nội. 

Những đêm sau, đặc biệt nhất là đêm 20 rạng sáng 21/12/1972, đơn vị lập được 1 chiến công lừng lẫy khi bắn rơi 4 chiếc B52 tại chỗ. Chúng từng mạnh mẽ tuyên bố san phẳng ta, đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá. Ấy thế mà, chính đêm thứ 3 trong 12 ngày đêm ấy, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cả quân và dân đồng lòng bắn rơi rất nhiều B52. Xác máy bay khi ấy chất thành đống tự trên mảnh đất thủ đô. 

Vậy là đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận thua trên bầu trời Hà Nội đúng như lời Hồ chủ tịch đã nói năm 1968: “Năm qua thắng lợi vẻ vang. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào. Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn”.  

PV: Khi Mỹ tuyên bố rằng sẽ san phẳng Hà Nội chỉ trong 3 ngày, bố trí rất nhiều tiêm kích và cường kích nhằm làm nhiễu sóng để chúng ta không thể nhìn ra B52, tiểu đoàn 77 lúc đấy làm thế nào để tìm cách tấn công B52?

Phải biết rằng ở thời điểm đó, về vũ khí khó có quốc gia nào có thể vượt qua đế quốc Mỹ. Mọi thứ của chúng đều hiện đại, tối tân nhất. Để bảo vệ “pháo đài bay” B52, Mỹ nghĩ ra đủ mọi biện pháp nhằm “bịt mắt” bộ đội tên lửa của ta. Mỗi chiếc B52 có từ 9-15 máy gây nhiễu điện tử nhằm “che mắt” các loại radar của ta. Đặc biệt khó khăn hơn cho phía quân mình, đi kèm B52 là các loại máy bay hộ tống, giả dạng B52 hòng nhử tên lửa ta phát sóng, để phóng tên lửa diệt radar. Mình đánh lên, nó đánh xuống, lợi dụng cánh sóng điện tử của mình mà bắn, hiệu quả gần như 100%. 

Tận dụng khả năng tối ưu của khí tài, đổi từ phương pháp 3 điểm (TT) sang phương pháp vượt nửa góc (PS). Bắn bằng phương pháp này xác suất trúng coi như 100%, nhưng đồng thời sự hy sinh cũng rất cao, đòi hỏi các trắc thủ phải dũng cảm, thao tác nhanh gọn, phối hợp đồng đội vì nếu tắt sóng radar chậm thì địch phát hiện và có thể dùng tên lửa Shrike bắn vào trận địa. 

Đến bây giờ, nhiều nhà khoa học vẫn chưa khỏi thắc mắc tại sao ta lại có thể bắn rơi nhiều B52 trong khi cả thế giới chưa ai làm được. Thì tôi mới nói thế này: Việt Nam nếu chỉ có lòng dũng cảm thôi chưa đủ, vì nếu đánh theo kiểu điếc không sợ súng, Mỹ có thể đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá trong vòng ba ngày là điều hết sức dễ dàng. Thế nhưng, quân ta không chỉ có lòng dũng cảm, mà còn có trí thông minh, dám đánh và dám quyết, quyện vào đó là truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm nay thì không kẻ thù nào thắng nổi dân tộc Việt Nam. Ngay cả người Nga cũng nhận định “giao vũ khí cho Việt Nam là giao cho những bàn tay vàng và những bộ óc thông minh”. 

PV: Phương pháp đánh nửa góc có rất nhiều rủi ro vì khi thực hiện có thể làm lộ vị trí và địch dễ phát hiện ra, ông đã chỉ huy hướng nào để có thể bảo toàn được lực lượng? 

Cổ nhân có câu “biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”, mà muốn biết được địch thì phải học. Cho nên càng phải học sâu, luyện tập thường xuyên để biết được tất cả những tính năng kỹ thuật của địch: Khi vào Hà Nội sẽ dùng máy bay nào, dùng vũ khí nào để đánh Hà Nội. Khi hiểu được mạnh yếu đôi bên thì điểm yếu ta phải khoét sâu mà đánh, còn điểm mạnh mình phải tránh đi. Cái mạnh của nó là hoả lực rất nhiều, khối lượng bom lớn nên tín hiệu phản xạ ra-đa về rất sáng, thế là chúng tôi phát đi được rất xa. 

Phải hiểu là Shrike (hay còn được gọi là Sơ-rai) có đầu tự dẫn, hoạt động theo nguyên tắc “tự động điều khiển theo bức xạ sóng điện từ”, tức là khi nó phát hiện ra cánh sóng ra-đa của ta, phi công Mỹ sẽ phóng hoả tiễn Sơ-rai vào cánh sóng đó. Quả Sơ-rai cứ theo trục cánh sóng của ta mà lao xuống. Nếu ta không có biện pháp đối phó hữu hiệu thì nó sẽ rơi trúng đài ra-đa của ta, hoàn toàn chính xác. Nghiễm nhiên, nếu chúng muốn phóng Sơ-rai trúng đài ra-đa thì mình phải phát sóng mới trúng trọn mục tiêu, khi đó thế chủ động là ở mình. 

Lợi dụng tình thế đó, tôi nghĩ ra cách là khi ở xa thì theo dõi bằng nhiễu, gần đến khoảng cách 40km thì phát sóng nhanh, khi gặp đúng dải nhiễu B52, theo dõi không quá 10 giây là tắt ngay. Để đề phòng tên lửa của ta đi dọc đường gặp nhiễu, đơn vị đã dùng ngòi nổ chậm 11,5 giây. Hiểu đơn giản thì chỉ cần cách mục tiêu 2-3km thì mới bật ngòi nổ. Đội hình máy bay hộ tống của B52 luôn thả nhiễu tiêu cực chống ra-đa và tên lửa của ta, ngòi nổ rời bệ phóng gặp nhiễu sẽ phát nổ. Bằng cách đánh này, tỷ lệ trúng B52 đạt hơn 90%. Cứ thế, nó chưa kịp bắn trùng mình thì mình đã bắn trúng nó. 

Phương pháp để hạ gục “giặc trời” khi đó chỉ có hai là 3 điểm và vượt nửa góc. Mặc dù dùng phương pháp vượt nửa góc đòi hỏi ở người chiến sĩ sự tập trung cao độ và sự nguy hiểm lớn, tuy nhiên xác suất bắn trúng là 98%. Còn phương pháp 3 điểm xác suất chỉ còn 50-60%, so với vượt nửa góc kém 30-40%. Cho nên tôi chỉ huy toàn đội tận dụng hoàn toàn phương pháp đánh vượt nửa góc, kết quả là hạ gục được nhiều B52. 

PV: Trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt, sức mạnh nào khiến ông - một Tiểu đoàn trưởng với vóc dáng nhỏ bé cùng các chiến sĩ trong tiểu đoàn để chiến đấu mạnh mẽ đến vậy? 

Cả đất nước hừng hực khí thế chiến đấu, từ cụ già cho đến anh thanh niên, từ đàn ông cho đến phụ nữ, ai ai cũng sẵn sàng cầm súng ra trận. Cùng với lời ngạo mạn của đế quốc Mỹ, dám nói chỉ 3 ngày đêm sẽ đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá, bắt Việt Nam nối đàm phán ở Paris. Chúng tôi là những người chiến sĩ tiền tuyến, trực tiếp đối đầu với quân Mỹ làm sao có thể nghe lọt tai những lời đó. Nó càng làm tăng thêm lòng tự tôn dân tộc, quyết tâm diệt “giặc trời”, phải trả lại từng câu từng chữ mà chúng đã nói. 

Năm ấy, chứng kiến quê hương mình lỗ chỗ đâu cũng thấy dấu bom đạn, tôi càng hạ quyết tâm phải chiến đấu đấu đến cùng. Tôi vẫn nhớ Phố Khâm Thiên khi đó, cả con phố huyên náo ngày nào giờ đây bị san phẳng, tường sập, nhà bay, dấu tích còn lại sau cuộc huỷ diệt chỉ là những hố bom lổn nhổn gạch đất. Tôi nhìn hình ảnh ấy đau lắm, xót lắm. Từ ấy, chúng tôi biến căm thù thành sức mạnh chiến đấu, quyết để Mỹ bại trận trên bầu trời Hà Nội, đơn vị khi đó càng lập nhiều chiến tích hơn. 

Hay như qua lời chúc tết của Bác mùa xuân năm 1968, không chỉ đơn thuần là câu chúc, mà còn là nhiệm vụ mà chiến sĩ chúng tôi phải hoàn thành. Những lời căn dặn của Người đã thúc đẩy tinh thần chiến đấu của người chiến đấu phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng như lời Bác nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa và bài học được rút ra sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không - 1972”? 

Rất quý giá! Dân tộc Việt Nam ta đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi đến thăm đền Hùng “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, dựng nước đã khó, giữ nước lại càng khó hơn. Đất nước 4000 nghìn lịch sử, ta từng 3 lần đánh thắng quân Nguyên, một lực lượng quân giặc mà từ Á sang Âu khi đó hiếm có quốc gia nào chiến thắng được. Từ Điện Biên Phủ 1954 “Lừng lẫy năm châu - Chấn động địa cầu” cho đến Điện Biên Phủ trên không 1972 oanh liệt. Đó đều là những cường quốc mà không một đất nước nào nghĩ Việt Nam ta có thể chiến thắng. Phải nói là một thế kỷ 20 đặc biệt xuất sắc. 

Bản thân tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, đời này không bao giờ phải ngậm ngùi với quá khứ của mình. Những khó khăn đã qua đi, đến tuổi bát tuần, bản thân tôi cũng dần cảm thấy thanh thản và mong muốn truyền lửa đến nhiều người trẻ hơn nữa. Cái giá của chiến tranh rất đắt, cả tiểu đoàn chiến đấu khi ấy, có thể hy sinh chục người, cả một đất nước thanh bình có thể đổ nát, tan thương sau một đợt ném bom. Tôi không mong gì hơn ngoài việc lớp trẻ nhớ được, hiểu được vì sao có hoà bình như ngày hôm nay.  

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN