(Sóng trẻ) - Huyện Kim Sơn là khu vực nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình trong nuôi trồng thủy hải sản. Thế nhưng những năm trở lại đây, việc mất mùa liên tiếp do nguồn nước bị ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con nơi đây.

Đã từng là …rừng vàng biển bạc

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Duy Quang (SN 1957, trú tại xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) - Phó Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn. Ông là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi trồng thủy hải sản tại vùng đất bãi bồi này. 

Trải qua gần 30 năm lặn lội với nghề, ông là người hiểu hơn hết về từng sự biến đổi dù là nhỏ nhất của thiên nhiên nơi đây. Ông Quang bồi hồi nhớ lại: 

“Trước đây, vùng biển Kim Sơn là một trong những vùng biển trù phú với rừng ngập mặn xanh ngát trải dài, tôm, cua, cá trù phú. Chỉ cần lấy rổ ra hớt cá tôm cũng đầy cả rổ. Thậm chí hồi ấy, chúng tôi phải gánh những thúng to cũng không hết tôm, cua cá”.

Khu sinh cảnh Bãi Ngang - Cồn Nổi Kim Sơn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ Sông Hồng. Đồng thời với những tiềm năng của mình, nơi đây cũng đã trở thành khu kinh tế ven biển của tỉnh Ninh Bình.

Ông Quang cho biết: “Trước đây với nguồn nước sạch, môi trường nước rất thuận lợi cho việc nuôi thủy sản. Hầu như nhà ai nắm vững kỹ thuật đều có thể được mùa. Còn cá tôm ngoài biển, đánh bắt gần bờ cũng có thể được cả tạ”.

Từ chia sẻ của ông Quang, chúng tôi được biết rằng người dân vùng biển Kim Sơn thời kỳ đói nghèo sau khi thống nhất đất nước thậm chí thiếu gạo, thiếu thịt, nhưng lại thừa hải sản. Họ phải ăn tôm cua cá mà sống qua ngày. Giá hải sản khi ấy không đắt, cả gánh cá cũng chỉ đổi được 3 bơ gạo.

Hình ảnh về những người dân cong mình vác đôi đòn gánh nặng trĩu cá tôm, về khu biển chỉ nhìn bằng mắt cũng thấy đầy những thủy hải sản bây giờ đã trở thành kí ức về một thời vàng son ở nơi đây. 

Từ năm 2005, với nhiều lý do từ con người, thiên nhiên, cụ thể nhất là việc chất lượng nguồn nước đi xuống. Thủy hải sản tự nhiên tại vùng đất này đã giảm xuống một cách trầm trọng, việc nuôi trồng tại các ao, đầm cũng không còn được mùa như trước.

Sự tàn phá môi trường từ chính con người

Sự phát triển về kinh tế đã kéo theo nhiều hệ lụy đến môi trường. Ông Nguyễn Duy Quang chia sẻ rằng, việc xả nước thải từ nhiều nhà máy công nghiệp đã dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước biển. Cũng từ đây, việc nuôi thủy hải sản gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phải xử lý nguồn nước.

Ngoài ra, phải kể đến những mô hình nuôi thủy hải sản mới cũng đã tàn phá sự trong lành của môi trường nước. Trong đó có nhiều mô hình xả nước thải gây ô nhiễm môi trường như nuôi tôm công nghiệp.

Đỉnh điểm, khoảng 3 năm trở lại đây, sự xuất hiện bùng nổ của loại sâu biển trên các bãi thả ngao đã gây ra vòng ảnh hưởng đến hầu hết người nuôi trồng thủy sản ở huyện Kim Sơn. Trong đó ảnh hưởng nhất là những người nuôi hàu giống và ngao giống.

Để tìm hiểu sâu về vấn đề, chúng tôi đã tìm gặp ông Phạm Văn Phương (SN 1970, xã Kim Trung) - chủ một bãi ngao.

Từ thông tin của ông Phương, loài sâu biển là sinh vật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến con ngao. Bởi chúng sẽ ăn con ngao và ức chế sự phát triển của ngao. Cùng với đó, sự phát triển bùng nổ của loại sâu này đã gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế của người dân nuôi ngao tại bãi.

Ông Phương chia sẻ: “Chúng tôi không thể làm ngơ cho con sâu biển hoành hành, nhưng cũng chẳng có loại thuốc nào đặc trị loại côn trùng này. Sau quá trình tìm hiểu, chúng tôi biết có loại thuốc dùng để diệt sâu cho lúa có thể áp dụng để tiêu diệt loại sâu này”.

Ông Phương cũng như nhiều người dân nuôi ngao khác dù biết những hậu quả mà loại thuốc này có thể tàn phá đến môi trường nước nhưng cũng bắt buộc phải dùng, vì họ không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, ông Phương đã từ chối chia sẻ thêm thông tin sâu về vấn đề này.

Chính vì thế, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Sinh (SN 1974, xã Cồn Thoi) - một người đi bắt ngao thuê: “Loại thuốc thường được nhiều hộ nuôi ngao khác sử dụng là Formol và Difterick. Người ta dùng cả 20 đến 30 gói thuốc cho một bình phun thuốc sâu. Cứ hết bình này lại đến bình khác. Mỗi khi người ta phun thuốc là tôi phải bịt mũi chạy nhanh ra chỗ khác mới thở được.

Nhiều khi chúng tôi phải mò ngao trong khi loại thuốc này vẫn còn trong biển. Người tôi bị ngứa ran. Cá, tôm khi tiếp xúc với thuốc thì nhảy “đanh đách”.

Ông Trần Văn Duy (SN 1996, xã Kim Hải) - Kỹ sư thủy sản xác nhận: “Việc phun loại thuốc sâu này quá liều đã làm nguồn nước biển không còn trong lành. Dù không thể nhìn thấy sự ô nhiễm đó bằng mắt thường nhưng có thể kiểm bằng cách thử độ Ph và độ kiềm trong nước”.

Những người nuôi ngao phía ngoài đê phun thuốc, rồi nguồn nước ấy lại được lấy vào phía trong đê, khu vực nuôi trồng của các hộ dân nuôi ngao giống, hàu giống và tôm cua. Chính vì thế mà những năm gần đây, nhiều hộ mất mùa vì không thể xử lý được nguồn nước.

Được giá nhưng … mất mùa

Sau khi dịch Covid đã được khống chế cơ bản, người dân hăng hái trở lại làm kinh tế nhưng lại gặp phải nỗi lo - được giá mất mùa. Việc nuôi trồng thủy hải sản giờ đây rất khó khăn. “Cả làng hầu như ai cũng mất mùa, số ít người may mắn làm ăn được. Chính nhà tôi năm nay nuôi ngao giống cũng chỉ cầm được gốc”. - Ông Nguyễn Duy Quang thất vọng nói. 

Với ông Quang và nhiều người dân nuôi thủy sản khác, yếu tố quyết định nhất để có thể thành công là nguồn nước, thứ hai là con giống, cuối cùng mới là kĩ thuật. Thế nhưng với tình trạng nước đang ô nhiễm, bà con nuôi thủy hải sản đang gặp những khó khăn lớn.

Để đi sâu vào thực tế, chúng tôi tìm đến một trong những trại hàu giống lớn nhất tại vùng. Đó là trại hàu của anh Trần Văn Tuấn ( SN 1990, trú tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Toàn bộ trang trại nuôi hàu giống của anh Tuấn có tổng chi phí xây dựng là 5 tỷ đồng trên quy mô 3 ha.

Khoảng 4 năm trước, nuôi hàu giống vừa được mùa vừa được giá. Bà con nhân dân nhiều người đã nhờ đó mà phất lên và trở thành tỷ phú. Chính bởi thấy mô hình nuôi hàu giống quá thành công, nhiều người đã không tiếc tiền tỷ để xây dựng trại. Anh Tuấn là một trong những người như thế. 

“Dịch Covid 19 ập đến, việc giao thương bị đình trệ. Trong 2 năm dịch, trại của tôi chỉ hoạt động cầm chừng. Bởi dù ươm giống thành công nhưng giá lại rẻ hơn cả một nửa. Đến đầu năm 2022, dịch đã ổn định hơn, giao thương cũng bình thường trở lại, chúng tôi được giá nhưng lại mất mùa” - Anh Tuấn giãi bày.

Trang trại nuôi hàu giống của anh Tuấn để hoạt động, chi phí vận hành toàn bộ lên đến 70.000.000 đồng/ 1 tháng. Thế nhưng đến hết tháng 4 anh vẫn chưa thu được lãi mà chỉ đủ tiền gốc. 

Anh Tuấn cho rằng nguồn nước kém chính là yếu tố quyết định dẫn đến sự thất bại trong việc ươm hàu giống. Dù anh có bể lọc nước và đã thử thay đổi nguồn nước lấy từ nhiều ao khác nhau xong vẫn không thành công. Giá một chùm hàu giống hiện tại đã đạt đến mức cao nhất: 170.000 đồng đến 210.000 đồng trên một chùm. Anh Tuấn đành bất lực: “Giá thì cao nhưng tôi chẳng thể có lãi vì ươm giống không đậu”.

Cũng như anh Tuấn, nhiều hộ dân nuôi ngao giống, tôm cua đều gặp khó khăn chung vì nguồn nước bị ô nhiễm. Thế nhưng cũng chưa ai biết phải giải quyết bằng cách nào cho hợp tình hợp lý.

 

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN