(Sóng trẻ) - Đây là tiêu đề một bài viết gây tranh cãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội trong hai tháng vừa qua. Theo đó, đại bộ phận công chúng đồng tình giả thiết này có thể xảy ra vì giá nhà tại các thành phố lớn hiện nay quá cao so với thu nhập trung bình của người lao động.
Theo báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, đầu năm 2024, giá căn hộ rao bán tại Hà Nội ghi nhận tăng liên tục trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại), tăng khoảng 38% so với năm 2019.
Trong nửa đầu năm 2024, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP.HCM thuộc phân khúc cao cấp với mức giá trên 50 triệu đồng/m2. Thậm chí, các dự án ở vị trí trung tâm có giá bán và giao dịch lên đến 100 - 150 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, không riêng phân khúc cao cấp, tình trạng tăng giá nhà chung cư tại Hà Nội diễn ra ở tất cả các phân khúc, khu vực và dự án.
Dù lên kế hoạch mua nhà ngay từ khi kết hôn nhưng vợ chồng chị Phan Thị Ngọc Hân (28 tuổi, Ngọc Thuỵ, Long Biên) vẫn chật vật tìm kiếm một căn nhà phù hợp với điều kiện tài chính.“Gia đình mình đang hướng đến các khu nhà ở xã hội hoặc chung cư tầm trung, diện tích khoảng 60 - 70m2. Tuy nhiên, với điều kiện tài chính dao động khoảng 2 - 3 tỷ đồng, mình phải chấp nhận tìm những khu ở xa trung tâm thành phố và chưa có nhiều tiện ích xung quanh. Đây cũng là điều khiến vợ chồng mình khá cân nhắc khi đưa ra quyết định”.
Sống ở Hà Nội hơn 20 năm, anh Nguyễn Vũ Quang (44 tuổi) cho biết “Chưa bao giờ tôi thấy giá nhà lại có thể loạn như bây giờ”. Với tài chính hơn 4 tỷ đồng, ban đầu anh Quang tự tin có thể mua một căn nhà mặt đất tại trung tâm thành phố để tiện chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, giá nhà tăng đến chóng mặt, thay đổi theo từng tuần, thậm chí từng ngày. “Tôi không hiểu có sự trao đổi hoặc thông đồng không khi hỏi cùng 1 căn thì bên này báo giá X, bên kia báo giá X tăng thêm 5 - 10%, khi quay lại người ban đầu thì họ cũng tăng giá mới rồi. Họ thiết lập mặt bằng giá mới rất nhanh, không tuân theo quy luật tăng trưởng nào”, anh Quang chia sẻ.
Thực trạng trên khiến nhiều người có nhu cầu mua nhà “cố mãi không nổi” tỏ ra bức xúc. Một tháng trở lại đây, trên mạng xuất hiện hàng chục hội nhóm kêu gọi cẩn trọng khi mua nhà tại Hà Nội. Điển hình như “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” đã lên đến gần 110.000 thành viên, mỗi ngày có cả chục bài đăng chia sẻ các tình huống “dở khóc dở cười” khi mua nhà. “Chúng tôi không cần mua rẻ, chỉ muốn mua đúng giá trị thật”, một thành viên ẩn danh trong nhóm nêu quan điểm.
Thị trường thiếu nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng giá căn hộ chung cư tăng liên tục. Đơn vị nghiên cứu BĐS Indochina Capital chỉ ra, tại Hà Nội, thị trường căn hộ đã đạt gần 10.400 giao dịch trong nửa đầu năm 2024, tăng 101% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua tổng số giao dịch của cả năm 2023. Tuy nhiên từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ vẫn thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ so với nhu cầu của người dân.
Nguồn cung khan hiếm, nhu cầu tăng cao khiến giá nhà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực cầu mua nhà tăng mạnh đến từ nhu cầu chuyển dịch của các hộ gia đình thành phố, sự gia tăng không ngừng của lực lượng lao động, sinh viên đổ về các thành phố làm việc, học tập, nhất là tại Hà Nội.
Đặc biệt, thực tế ghi nhận nhu cầu sở hữu một căn hộ riêng của người trẻ ngày càng cao. Một khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2024 bởi tập đoàn công nghệ bất động sản PropertyGuru chỉ ra rằng, nhóm khách hàng chính của thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đang có sự trẻ hoá về độ tuổi. Theo đó, người trẻ từ 22 đến dưới 39 tuổi đang trở thành nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà chủ lực, thay thế nhóm trung lưu trên 40 tuổi như trước đây.
Nhóm khách hàng trẻ quan tâm đến bất động sản có xu hướng tăng lên, họ hướng vào các sản phẩm ở mức giá tầm trung hoặc phân khúc bình dân. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ ở các phân khúc này còn hạn chế. Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường gần như không có dự án căn hộ phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2). Căn hộ chung cư giá 40 - 50 triệu đồng/m2 cũng bắt đầu khan hiếm tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, từ quý IV/2023, trên thị trường sơ cấp, giá chung cư trung bình ở Hà Nội đạt 51,7 triệu đồng/m2 và TP.HCM đạt 71 triệu đồng/m2. Nguồn cung mới chủ yếu ghi nhận ở các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh… với lượng sản phẩm “nhỏ giọt”. Điều này tạo ra khoảng cách nhất định cho người trẻ đối với việc tiếp cận sản phẩm nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM.
Dù hầu hết người trẻ hiện nay đều cho rằng, quyền sở hữu nhà là dấu hiệu thành công hàng đầu, tuy nhiên, cái khó cho họ là giá nhà đã tăng quá cao so với thu nhập. Theo Numbeo (nền tảng dữ liệu về chi phí sống), giá nhà trung bình tại Việt Nam đang cao gấp 22,6 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình.
Do đó, dù nhu cầu mua nhà ở người trẻ tăng cao nhưng tỷ lệ bán và giao dịch thành công trên thực tế không nhiều. Xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Báo cáo ngày 13/08/2024 của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý II chỉ bằng 72,2% quý I. Bên cạnh đó, Nhà nước khẳng định trong tháng 6 cuối quý II, một trong những lĩnh vực cho vay chính của tăng trưởng tín dụng là bất động sản đã và đang giảm mạnh, nhu cầu vay vốn của người dân chậm lại.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.