(Sóng trẻ) - Giá nhà tăng lên nhanh chóng trong khi mức thu nhập “chậm chạp” theo sau khiến nhiều người trẻ lựa chọn "3 không": Không kết hôn, không sinh con và không nhà. 

Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho rằng việc người trẻ lựa chọn xu hướng độc thân, không kết hôn, không sinh con phần lớn do tác động trực tiếp của giá nhà. 

Thực tế cho thấy, từ năm 2019, giá nhà ở Hà Nội liên tục tăng cao. Đồng thời, Thủ đô cũng “vươn lên" trở thành thành phố có chi phí sinh hoạt theo không gian (SCOLI) đắt đỏ nhất nước, độ tuổi kết hôn ngày càng cao với mức sinh giảm sút. 

Made with Flourish

 

Kết hôn hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị Thủy (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) và chồng dự định sẽ mua nhà và sinh con trong 2 năm tới. Tuy nhiên, trước “cơn sốt” nhà đất hiện nay và mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ tháng, chị Thủy e rằng kế hoạch này sẽ phải chậm lại ít nhất từ 3 - 5 năm. 

“Giá nhà hiện tại đang rất cao trong khi mình chưa có sự kiểm soát đủ về tài chính, chưa ổn định kinh tế, muốn mua nhà thì phải vay số tiền lớn và trả lãi cao hàng tháng. Như vậy, mua nhà còn áp lực hơn thuê nhà với chi phí 7 - 8 triệu/ tháng”, chị Thuỷ chia sẻ. 

“Cơm, áo, gạo tiền” là nỗi lo chung của nhiều gia đình trẻ. Thế nhưng, dù áp lực, vợ chồng chị Thủy vẫn quyết tâm mùa nhà: “Có con rồi thì đắt mấy vẫn phải mua, vì môi trường sống cho con rất quan trọng. Dù phải vay nợ, đó cũng vừa là áp lực vừa là động lực cho mình cố gắng hơn”. 

Một phần căn nhà chị Thủy hiện tại. (Ảnh: NVCC)
Một phần căn nhà chị Thủy hiện tại. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, việc sở hữu một căn nhà riêng không đồng nghĩa với “an cư lập nghiệp” nếu người trẻ không tìm hiểu kỹ và thiếu cân đối tài chính. Vòng luẩn quẩn “đi làm - mua nhà - trả nợ” khiến anh N.Ư.H (26 tuổi, TP.HCM) cảm thấy mua nhà là một quyết định sai lầm. Hiện anh H. đang sở hữu một căn chung cư tại quận 9 mua từ năm 2020 với mức giá 3,2 tỷ đồng. Thời điểm đó, anh chỉ có 1 tỷ đồng, phần lớn số tiền còn lại do anh liều lĩnh vay ngân hàng. 

“Thu nhập hàng tháng của tôi khoảng 60 triệu. Đầu năm ngoái lãi lên tới 14%, mỗi tháng phải trả đến 35 triệu. Đây là lãi suất thả nổi, khác xa với những gì môi giới tư vấn về mức lãi dành cho sinh viên, người thu nhập thấp có thể dễ dàng trả nợ”, anh H. chia sẻ.

Để gồng gánh trả lãi ngân hàng, anh H. phải làm 3 công việc cùng lúc. “Kỳ vọng trả nợ sớm khiến tôi bỏ qua nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, đầu tư cho bản thân. Những mối quan hệ bạn bè dần lạnh nhạt hơn để nhường chỗ cho công việc”, anh tâm sự. 

Khi chưa đủ khả năng mua nhà, nhiều người phải tìm đến những khu trọ giá rẻ để giảm áp lực kinh tế, chờ đợi cơ hội. Theo thống kê sơ bộ, hiện Hà Nội có khoảng hơn 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ. 

Còn tại TP.HCM có khoảng 42.000 nhà trọ kiểu chung cư mini, đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho khoảng 1,8 triệu người dân, tương đương gần 40% tổng người lao động tại thành phố này. Điều đó cho thấy chung cư mini là một giải pháp hỗ trợ vấn đề nhà ở cho hàng triệu lao động thu nhập thấp.

Tại Hà Nội, không khó để tìm thấy những khu trọ nằm sâu các con ngõ ngoằn nghèo, chật hẹp. Trong một con ngõ nhỏ chỉ dài khoảng 500m tại Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) có tới 6 căn chung cư mini lớn nhỏ từ 3 đến 5 tầng. Gia đình anh Nguyễn Quốc Toàn (31 tuổi, Hải Phòng) đang thuê tạm một phòng nhỏ để sinh sống và kinh doanh. Anh cho biết nơi đây tập trung dày đặc nhà trọ cho thuê, mức giá từ 3 triệu đồng/ tháng. Phòng của anh vì ở tầng 1 nên có giá thuê là 5 triệu đồng/ tháng. 

Lối ra vào chật hẹp tại khu trọ nhà anh Toàn (Ảnh: NVCC) 
Lối ra vào chật hẹp tại khu trọ nhà anh Toàn (Ảnh: NVCC) 

Tuy nhiên, ở sâu trong ngõ có nhiều bất tiện như đường đi chật hẹp, hệ thống dây điện chằng chịt, ít được kiểm tra bảo dưỡng nên nguy cơ cháy nổ cao, ô nhiễm tiếng ồn vì các khách trọ khác thường xuyên ra vào. Bên cạnh đó, một nửa chỗ ở dành cho buôn bán nên không gian sinh hoạt của gia đình chỉ vỏn vẹn trong căn phòng khoảng 9m2. Để tiết kiệm diện tích, vợ chồng anh chuyển phần bếp ra ngoài chung với chỗ để xe của khu trọ. 

Phần bếp gia đình anh bố trí bên ngoài phòng để tiết kiệm diện tích (Ảnh: NVCC) 
Phần bếp gia đình anh bố trí bên ngoài phòng để tiết kiệm diện tích (Ảnh: NVCC) 

Anh Toàn cho biết: "Sống ở đây cũng có nhiều lo lắng. Mỗi khi có tiếng động lạ, tôi lại lo sợ có sự cố xảy ra. Con mình thì còn nhỏ nên cũng muốn nó có một môi trường sống tốt hơn. Tuy nhiên, với mức thu nhập hiện tại, chỗ này là phù hợp nhất rồi. Hai vợ chồng sẽ cố gắng tích lũy từ từ để xây nhà dưới quê". 

Dù ở bất tiện và tù túng là thế, gia đình anh Toàn vẫn chưa có ý định chuyển đi. Bởi hiện tại, để tìm được một căn phòng giá rẻ, ở mặt đường giao thông tiện đi lại là khá khó khăn. "Đi thuê trọ thì phải chấp nhận được cái này, mất cái kia, không thể tiện lợi như nhà riêng được", chị Ngọc Anh (vợ anh Toàn) nói. 

Phần bếp gia đình anh bố trí bên ngoài phòng để tiết kiệm diện tích (Ảnh: NVCC) 
Phần bếp gia đình anh bố trí bên ngoài phòng để tiết kiệm diện tích (Ảnh: NVCC) 

Chị Mai Hương (32 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cũng ôm mối lo khi sống trong chung cư mini chật hẹp. Con đường sâu hun hút khoảng 4km dẫn vào toà nhà chị đang ở phố Triều Khúc, Thanh Xuân, chiều rộng chỉ vừa hai xe máy di chuyển, muốn quay đầu xe cũng khó. 

“Chẳng may có hoả hoạn ở đây thì không biết xử lý như thế nào, lối vào vừa xa vừa hẹp, xe cộ đi còn khó mà khi sự cố xảy ra, mọi người mất bình tĩnh, không gian không đủ ứng cứu. Tôi thực sự lo lắng.”

Lối đi vào chỉ vừa 1 xe máy đang “gánh”nhiều toà nhà mini. (Ảnh: Hương Ly)
Lối đi vào chỉ vừa 1 xe máy đang “gánh”nhiều toà nhà mini. (Ảnh: Hương Ly)

Dù phải sống trong “hang cùng ngõ hẻm" nhưng với mức giá rất hợp túi tiền các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình, chung cư mini vẫn là lựa chọn hàng đầu. Chị Mai Anh cho biết, gia đình chị cũng chủ động sắm thêm các bình cứu hoả và cố gắng gia tăng thu nhập để có thể mua được nhà riêng. 

Những chung cư mini mọc lên san sát tại một ngõ hẹp ở phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội)
Những chung cư mini mọc lên san sát tại một ngõ hẹp ở phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Theo Công an TP. Hà Nội thông tin về công tác tổng kiểm tra, rà soát các loại hình có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024, 36.972 cơ sở nhà trọ đã được kiểm tra, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động. Đối với chung cư mini, cơ quan đã tổ chức kiểm tra đối với 193 cơ sở và yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động. Tại TP HCM, theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố, trên địa bàn có có đến 12.800/60.500 nhà trọ không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, chiếm tỷ lệ 21%.

Tình trạng khan hiếm nhà ở, giá nhà đất tăng cao khiến giấc mơ có một căn nhà riêng của nhiều người trẻ trở nên xa vời. Việc sống trong những căn phòng trọ chật hẹp chỉ là giải pháp tạm thời để họ có thể trụ lại thành phố lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng cuộc sống và môi trường sống của người dân.

Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc mở phòng trưng bày dành riêng cho "Oegyujanggak Uigwe"

Tin nổi bật10 giờ trước

(Sóng trẻ) - Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NMK) sẽ chính thức khai trương phòng trưng bày cố định đầu tiên dành riêng cho bộ sưu tập "Oegyujanggak Uigwe" vào thứ sáu,15/11.

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

196 thầy cô được vinh danh trong lễ trao giải “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

Tin nổi bật11 giờ trước

(Sóng trẻ) - Ngày 14/11, lễ trao giải "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” diễn ra tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Chúng ta thường ít lắng nghe hơn trong thời đại ngày nay

Tin nổi bật12 giờ trước

(Sóng trẻ) - Là một hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chuỗi workshop âm thanh “Lắng Nghe Sâu” mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo giúp người tham gia tương tác, cảm nhận và kết nối với không gian xung quanh.

XEM THÊM TIN