Xuất phát từ Cầu Giấy về xóm cuối của thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với Nguyễn Thị Hồng. Cô gái được người ta hay gọi là “Đồ Chiểu” của những người khiếm thị bởi đã tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội cho những người khiếm thị như cô. 

Có hẹn từ trước nên khi gõ cửa nhà, Hồng ra mở cửa cùng nụ cười thân thiện chào khách. Tôi nhìn người phụ nữ mà mình cảm phục vô cùng bởi trước đó đã biết đến qua lời kể của mọi người, qua mạng xã hội và trên báo chí. Gặp Hồng lần đầu tiên, tôi cảm nhận sự ấm áp lan tỏa và sự tự tin mà không phải người khuyết tật nào cũng có được điều đó. 

 

 

Nguyễn Thị Hồng vốn sinh ra lành lặn nhưng thình lình, một cú va đập mạnh bất ngờ khiến cô học trò chìm vào mê man, mắt mũi tối sầm. Hồng bị vỡ nhãn cầu, tê liệt toàn bộ dây thần kinh và đôi mắt cứ thế mờ dần. 


Người khuyết tật bẩm sinh, họ đã làm quen với cuộc sống khi thiếu những bộ phận trên cơ thể. Nhưng với Hồng, từ một người lành lặn, vì tai nạn không may bị hỏng mắt, thì bắt đầu làm quen với cuộc sống không màu quả thực không dễ dàng.  Tâm sự với chúng tôi, cô gái đã ngoài 30 không giấu được cảm xúc khi nhớ lại những ký ức không vui. Trên khuôn mặt đã điểm vài đốm tàn nhang, đôi mắt ứ đọng nước mắt, Hồng kể: 


“Mình đi đối diện trực tiếp thì mọi người không nói gì. Nhưng mà chỉ cần qua hai bước chân thôi là ngay lập tức bắt đầu rì rầm rằng ừ đấy, con bé đấy, nó bị như thế, nó bị hỏng mắt, nó không nhìn được, tất cả mọi người bắt đầu theo dõi để xem là người mù đi lại như thế nào, làm như thế nào? Lúc đấy mình có cảm giác như là một một sinh vật lạ hoặc một động vật trong vườn thú để mọi người soi, mọi người ngắm.”

hong-1.jpg

Không đến được trường như bao bạn bè cùng trang lứa, hằng ngày nghe lũ trẻ hàng xóm đạp xe cóc cách đến trường mà nghĩ tủi, nước mắt Hồng cứ ứa ra. Hồng kể bản thân thấy buồn, thấy tiếc vì không được đi học tiếp, không được ra ngoài chơi với bạn, cũng không đọc truyện, không được xem hoạt hình. Cuộc sống với Hồng lúc ấy như đã khép lại, đau như cắt từng khúc ruột.

“Chỉ có mỗi một mình mình đen đủi, không may là bị hỏng mắt.” Đó là những điều Hồng đã luôn nghĩ sau cú sốc lớn kia. Những chán nản, tuyệt vọng bủa vây lấy cô gái nhỏ bé mới hơn 14 tuổi. Suốt 3 năm đầu, hầu như Hồng không dám bước chân ra khỏi nhà. Thế giới vốn chật chội ấy giờ lại càng thu nhỏ lại với bốn bức tường.

Không bạn bè, không ánh sáng, mọi sự hiểu biết của Hồng chỉ qua một chiếc đài radio. Một lần tình cờ, cô gái trẻ nghe được trên đài câu chuyện về một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được. Nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca vì“Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười”. Câu nói ấy đã giúp Hồng bước tiếp. 


Lần khác nghe đài, Hồng biết được câu chuyện của những học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là lần đầu tiên, Hồng biết đến những người giống như mình. Họ vẫn đang làm việc, vui vẻ học Âm nhạc, tiếng Anh, chơi cờ vua. 

Gạt bỏ suy nghĩ “trên đời này chỉ có một mình mình hỏng mắt”, Hồng tự nhủ “mình không thể như thế này mãi được”. Cô gái nhớ lại và nói rằng cô đã khóc thật nhiều vì sợ bản thân là kẻ tật nguyền sẽ tăng thêm gánh nặng cho mẹ già. Vậy là Hồng xin mẹ cho đi học. 


Dù bị phản đối, Hồng quyết tâm phải thuyết phục gia đình bằng mọi giá. Bố mẹ Hồng đành phải bàn nhau đi tìm trường cho con. Thương bố mẹ chở đi vất vả quá, Hồng cũng quyết định xin bố mẹ tự đi xe bus đến trường. “Trong tuần, tôi đi xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi tháng nhận được 600.000 đồng. Số tiền này tuy nhỏ nhưng vẫn đủ để nuôi sống bản thân” – Hồng rưng rưng kể lại.

Chúng tôi tự hỏi, ngay cả bản thân là người lành lặn, 2 người đi trên chiếc xe số mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi, đường xa, băng qua mấy cánh đồng rộng mênh mông, ổ gà chi chít và có những khúc cua gấp. Vậy suốt dọc đường, làm thế nào để một cô bé 15 tuổi khi đó, không nhìn thấy đường, có thể dăm ba ngày lại tự tìm đường đến trường thu nạp con chữ?

Muốn mình cũng như số đông, Hồng muốn học cao, có cái chữ, có bằng cấp, có công việc và giúp ích cho người khác. Vì vậy, hoàn thành chương trình lớp 12, cô gái nộp hồ sơ đăng ký xét ưu tiên vào ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để tiếp tục hành trình tìm kiếm con chữ.


“Đến năm 28 tuổi, mình mới đi học Đại học và học cùng các bạn kém 9 tuổi. Khi gặp tai nạn, mình đã dừng việc học. Lúc đấy mình không hề biết thông tin về Hội người mù hay trường dành cho người khiếm thị. 6 năm sau mới tham gia sinh hoạt Hội người mù và học chữ nổi. Đến năm 2007, mình bắt đầu vào Hội và năm 2008 bắt đầu đi học trở lại”, Hồng chia sẻ.


Lên đại học, khó khăn dường như nhân lên gấp bội.  Mỗi ngày, Hồng đi học và đi làm đều bằng xe buýt với sự hỗ trợ của tất cả mọi người xung quanh, trong trường hợp bất đắc dĩ không nhờ được ai thì sẽ chống gậy đi.


Hồng cũng cho biết, cô thường phải đi dưới lòng đường vì trên vỉa hè người ta để nhiều đồ, nên có những lúc va quệt không thể tránh được: “Có lần từ trên xe buýt bước xuống, có xe máy đi vọt lên nên khi đặt chân xuống mình bị bánh xe máy quẹt vào chân. Do không nhìn thấy nên phản xạ của mình rất là chậm. Nhiều khi mình chưa kịp phản ứng gì người ta đã mắng cho. Ban đầu cũng thấy ức chế, nhưng giờ quen rồi”.

Ở trường, chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến Hồng không thể ghi chép. Chán nản, bất lực vì không có tài liệu, cô sinh viên cứ “tay không bắt giặc” do không thể đọc được giáo trình. 


Những tưởng không thể tiếp tục, cô gái ấy vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Hồng  xúc động tâm sự với chúng tôi: “Hóa ra, ai rồi cũng có thể nỗ lực tỏa sáng theo cách riêng. Có những cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại nhiều đẹp đẽ cho cuộc đời”.

Cô ghi lại từ khoá trong các bài giảng, sau đó về nhà tìm kiếm giáo trình trên mạng. Việc tìm giáo trình cũng rất khó vì nếu tìm được nguyên bộ giáo trình như cô giảng dạy trên lớp là không có. Cách duy nhất mình có thể làm là tìm kiếm tư liệu cho từng bài học.


Cứ như thế, suốt trong những năm đại học, bằng những phương pháp đặc biệt này cô gái khiếm thị đã vượt qua tất cả các môn, thậm chí đã thu về cho mình những “trái ngọt” xứng đáng.

Trong quá trình học, Hồng tự đánh giá mình mạnh về những môn đại cương hơn chuyên ngành vì có tuổi đời và sự trải nghiệm nhiều hơn các bạn cùng lớp. Không những vượt qua các môn, Hồng còn làm được điều không tưởng khi hoàn thành chương trình học chỉ mất 3,5 năm và đạt danh hiệu thủ khoa Xã hội học, á khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng 81 sinh viên xuất sắc nhận bằng khen tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sau khi tốt nghiệp, công việc của Hồng không được thuận lợi như mong đợi. Một công việc ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân là ước mong không chỉ của Hồng mà là của tất cả những người khuyết tật. Tuy nhiên, những định kiến vô hình đã là rào cản trên con đường hòa nhập của người khiếm khuyết.

Hồng kể lại, một lần đi phỏng vấn không thành, người đó nói thẳng rằng: “Xét về kinh nghiệm và kiến thức của em là quá đủ. Nhưng chị tuyển nhân viên không chỉ về chuyên môn.” Không xin được việc, Hồng thất vọng hoàn toàn, “bao nhiêu năm học như vậy rồi không làm được gì, thật uổng phí, có người nặng lời thì bảo: ‘Đấy, mang tiếng đi học, tốt nghiệp thủ khoa cuối cùng cũng chỉ thế mà thôi’”.

Hồng nghẹn ngào nhớ lại khoảng thời gian bản thân lại chịu khủng hoảng tinh thần sau khi thông tin báo chí đưa về mình với tấm bằng thủ khoa. “Mình đâu có khoe khoang cái gì, tự nhiên mọi người kéo đến viết bài chứ mình có rủ mọi người đến đâu.”

copy-of-nguyen-ba-tu-vang-danh-nguoi-linh-tren-chiec-xe-tang-tien-vao-dinh-doc-lap-4000-x-3000-px-3.jpg

Trong khoảng thời gian này, Hồng học tiếng Anh và đến cuối năm 2010 làm cho tổ chức phi chính phủ của Australia ACCV (Australia Charity For Children Of Vietnam) tới hết tháng 4/2017. Sau đó, Hồng đã giành được cơ hội đi tập huấn ở nước ngoài. Đây cũng chính là dấu mốc trong hành trình đầy nghị lực và bản lĩnh của cô gái khiếm thị.

Không chỉ cố gắng vì bản thân, cô gái luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ những người phụ nữ khiếm thị khác, ở điều kiện khó khăn hơn, thậm chí có những người còn không được người nhà hỗ trợ quá nhiều. Hồng nghĩ rằng cần có một giải pháp để người khiếm thị có thể tạo thu nhập khi ở nhà. 


Cực kỳ hứng thú với việc là trồng nấm, cô bắt đầu tìm hiểu thử xem người khiếm thị có thể trồng được nấm hay không và bắt tay ngay vào dự án dạy nghề trồng nấm cho người khiếm thị Hà Nội với hai hoạt động: “Hành vi bất bình đẳng trong gia đình đối với người khuyết tật - Nguyên nhân và giải pháp” và lớp học dạy nghề trồng nấm cho 20 phụ nữ khiếm thị ở Hà Nội với mong muốn lên tiếng bảo vệ sự bình đẳng của những người khuyết tật, tạo cơ hội cho họ có công ăn việc làm.

Ðến cơ sở, chúng tôi gặp những người học trò đang miệt mài, say sưa với học nghề. Nhờ tham gia lớp học trồng nấm, nhiều người khiếm thị đã có những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời: “Cầm trong tay thành quả do chính mình làm ra, mình đã vô cùng xúc động. Nhân đây mình cũng muốn cảm ơn Hồng đã cho mình được tham gia quá trình trồng nấm và nhiều bài học quý giá với nghề”.

Bên cạnh đó, cô gái phi thường ấy còn đang là chủ nhiệm Trung tâm Hòa nhập và cố vấn đào tạo cho người khuyết tật. Hoạt động chính là tư vấn tâm lý và trợ giúp các hoạt động công tác xã hội cho người khuyết tật và gia đình. Bằng một nghị lực phi thường nào đó, “vầng trăng khuyết” ấy đã vượt qua mọi định kiến, rào cản để vươn lên, hiên ngang tỏa sáng giữa đời.

Trước đó Hồng không có tư tưởng lập gia đình vì nghĩ sẽ có nhiều phiền phức. Bản thân cô luôn nghĩ rằng không thể nào mà lấy được một người lành lặn, sẽ lấy một người cùng khuyết tật như mình. “Hỗ trợ một người khuyết tật đã khó rồi, lại còn thêm hai người khuyết tật thì làm thế nào? Chẳng may đẻ con ra cũng bị khuyết tật nữa thì làm sao? Ai là người chịu trách nhiệm, ai là người chăm sóc, ai là người nuôi dưỡng cho cả cái gia đình khuyết tật.”, Hồng nói. 

Nhưng duyên trời đã cho Hồng và chồng gặp gỡ, và thành vợ chồng. Họ có một mái ấm và sinh được một bé trai kháu khỉnh, lành lặn và phát triển bình thường. 

Có một tổ ấm, có con, Hồng ngày càng yêu cuộc sống hơn. (Ảnh: NVCC)
Có một tổ ấm, có con, Hồng ngày càng yêu cuộc sống hơn. (Ảnh: NVCC)

Có con, động lực và ước mơ của Hồng càng lớn. "Trước đây mình từng trách số phận nhưng bây giờ thì không. Đây là số phận của mình, mình phải học cách chấp nhận. Mình nghĩ điều gì đến sẽ phải đến, quan trọng là thái độ tiếp nhận. Không thay đổi được số phận, mình nghĩ cần phải vui bởi khi vui sẽ thoải mái tư tưởng, sức khỏe tốt, có đủ năng lực, đủ tự tin để làm những việc khác".

Lo cho bản thân, lo cho gia đình, lo cho cả những hoàn cảnh khiếm khuyết như mình, cô gái phi thường Nguyễn Thị Hồng vẫn luôn làm tốt vai trò của mình. Khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng với trái tim nhân hậu, nghị lực “thép”, chúng tôi tin rằng người cô sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường tương lai sắp tới.

 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN