(Sóng trẻ) - Thanh Lịch (sinh năm 2000, quê Sơn La) là một nhà thiết kế trẻ của thời trang Việt Nam. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, song Thanh Lịch đã có cho mình nhiều bộ sưu tập và các thành tích ấn tượng ở trong nước và quốc tế.

Tuổi thơ lớn lên ở vùng núi Tây Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách thiết kế của Thanh Lịch. Đây là nguồn cảm hứng bất tận để chàng trai Thanh Lịch tạo nên những trang phục độc đáo, từ đó lan tỏa hình ảnh quê hương đến bạn bè khắp nơi trên cả nước cũng như trên thế giới. 

PV: Thanh Lịch hãy chọn ra ba từ để miêu tả về phong cách thiết kế của mình?

- NTK Thanh Lịch: Ba từ miêu tả rõ nhất phong cách thiết kế của mình là văn hóa, truyền thống và thanh lịch. Đây cũng là ba yếu tố mình luôn cố gắng thể hiện trong các thiết kế. Văn hóa luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là “mảnh đất” màu mỡ để mình nảy ra ý tưởng cho các bộ sưu tập (BST). 

Còn truyền thống là nguồn chất liệu để mình hiện thực hóa các ý tưởng, bằng cách sử dụng rất nhiều chi tiết, chất liệu đến từ những loại trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, “thanh lịch” - cũng là nghệ danh của mình, để chỉ sự mềm mại, thanh thoát trong từng thiết kế mà mình sáng tạo nên.

PV: Bạn có thể chia sẻ về BST thể hiện rõ nhất phong cách thiết kế của mình?

- NTK Thanh Lịch: BST thể hiện rõ nhất phong cách thiết kế của mình là “Dệt ước mơ trên cao nguyên đá”. Giá trị cốt lõi của BST nằm ở từ “dệt”. Để khai thác hình ảnh “dệt” ấy, mình thiết kế năm bộ trang phục tương ứng với các “chặng” trong cuộc đời của người con gái.

Ba trang phục đầu tiên thuộc BST ứng với ba giai đoạn tập "trưởng thành" của người con gái. Mình sử dụng chất liệu thổ cẩm và vải lanh thô do chính mẹ mình dệt, gắn thêm chuông "Má hính" (loại chuông nhỏ được phụ nữ dân tộc Thái đeo trên thắt lưng) để tái hiện hình ảnh cô gái trẻ với vẻ đẹp hoang dã, tự do sải bước trên cao nguyên.

Đến bộ thứ tư là giai đoạn người con gái chuẩn bị trở thành người phụ nữ của gia đình. Mình đã xé thổ cẩm, tạo thành các mảnh ghép, tượng trưng cho những trằn trọc giằng xé trong tâm trí người phụ nữ khi phải tạm gác ước mơ, xa gia đình đi lấy chồng. 

Trang phục cuối cùng khắc họa hình ảnh người mẹ đang ngồi trên tảng đá, nghĩ về những ước mơ từ thuở niên thiếu và giờ họ hy sinh ước mơ để vun vén cho tổ ấm của mình. Với tông màu đen chủ đạo, trang phục cuối cùng này thể hiện những suy tư và tình yêu thiêng liêng của mọi người mẹ, người vợ của gia đình.

Với tất cả những ý nghĩa sâu sắc ấy qua năm thiết kế của “Dệt cao nguyên trên đá”, mình mong muốn lan tỏa các giá trị của trang phục truyền thống đồng bào miền núi Tây Bắc, của người con gái, người phụ nữ Tây Bắc duyên dáng. Đây cũng là bộ sưu tập giúp mình trở thành thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. 

Khi còn nhỏ, cậu bé Lịch lớn trong tiếng kẽo kẹt từ guồng quay dệt vải của mẹ. Những xấp vải vốn gắn liền với tuổi thơ của cậu giờ đã trở thành niềm đam mê, là động lực để Thanh Lịch không ngừng nỗ lực mỗi ngày.

PV: Cơ duyên nào đã đưa Thanh Lịch đến với ngành thiết kế thời trang?

- NTK Thanh Lịch: Mình sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tây Bắc. Từ nhỏ, mình không biết về nghệ thuật hay thời trang, nhiều lúc quần áo còn không có để mặc chứ đừng nói đến việc mặc đẹp. Nhưng khi lớn lên, mình bắt đầu thích những cái đẹp, thích được nhìn thấy mọi người mặc quần áo đẹp, nên mình đã nghĩ nếu được đi học mình sẽ học về thiết kế thời trang.

Từ bé đến giờ mình chưa bao giờ đi học vẽ, chỉ là ngày xưa học môn mỹ thuật mình thấy rất hứng thú. Mình thường tự vẽ ở nhà, vẽ chân dung tặng thầy cô hay tham gia vẽ báo tường trên trường.

Việc vẽ tranh đối với mình đơn giản chỉ là năng khiếu và sở thích, mình cũng mong rằng sau này sẽ trở thành một người sáng tạo ra những thứ đẹp đẽ nên khi có cơ hội đi học đại học, mình chỉ mua đúng một tờ giấy đăng ký và đăng ký một nguyện vọng duy nhất là ngành thiết kế thời trang. 

Lần đầu tiên xuống Hà Nội để tham gia thi năng khiếu vào trường Đại học Kiến trúc, mình thậm chí còn không biết mình phải chuẩn bị những gì. Mình hỏi bán họa cụ ở gần trường, rồi nhờ cô sắp xếp giúp để sáng hôm sau đi thi. May mắn là điểm thi vẽ của mình vừa đủ để đỗ vào trường.

PV: Như Thanh Lịch vừa chia sẻ, bạn sinh ra và lớn lên ở miền núi, trong một gia đình không mấy khá giả. Điều này nghe có vẻ hơi trái ngược một chút với ngành thiết kế thời trang - một nghề thường đi với những tính từ như xa hoa, lộng lẫy, đắt đỏ… Động lực nào đã khiến bạn quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mơ ước, dù có nhiều cách trở như vậy?

- NTK Thanh Lịch: Động lực lớn nhất để mình không ngừng cố gắng mỗi ngày là mẹ - người luôn bên cạnh và ủng hộ mình trong mọi quyết định. Mẹ là một người dệt vải, ngày ngày cặm cụi dệt để nuôi mình ăn học, tạo nguồn sống cho gia đình. Vải cũng chính là ước mơ của mình: Ước mơ được đi học, được sống với thời trang.

Mẹ mình là người không biết chữ nên chỉ cần mình học tốt đã là phấn đấu thay phần của mẹ. Dù là một người không được học hành nhưng mẹ đã dành hết tâm huyết, dành hết hy vọng, dành hết cơ hội, dành hết niềm đam mê để cho mình đi học. 

Hiện tại mẹ mình đang đi làm thuê ở thành phố. Mình cũng thủ thỉ với mẹ bây giờ con kiếm được tiền rồi mẹ không cần đi làm nữa, nhưng mẹ vẫn muốn làm. Từ nhỏ đến giờ mình chưa bao giờ thấy mẹ muốn nghỉ ngơi, nên mình sẽ nỗ lực thật nhiều để mẹ mình cũng như gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây cũng là nguồn động lực để mình không bao giờ từ bỏ con đường đã chọn. 

PV: Để tạo nên thành công thì chúng ta cần phải trải qua không ít những chông gai, thử thách. Vậy thì những thử thách trên hành trình theo đuổi đam mê Thanh Lịch là gì và bạn đã vượt qua chúng như thế nào?

- NTK Thanh Lịch: Đúng là ngành thiết kế thời trang thường đi kèm với những tính từ như “xa hoa”, “đắt đỏ” nên vấn đề tài chính cũng là một thử thách lớn với mình. Trong những năm tháng là sinh viên, mình đã từng trải qua rất nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập. 

Nhưng có lẽ mình cũng đã rất may mắn vì trong những năm tháng đó mình đã trải nghiệm và học hỏi được nhiều thứ. Mình từng làm nhân viên thiết kế ở một xưởng áo dài, công việc giúp mình biết thêm nhiều thứ trong công đoạn sản xuất ra những tác phẩm nghệ thuật. Sau đó mình chuyển hướng sang thời trang công sở khi tham gia làm thêm tại thương hiệu NARCISI, sau đó mình làm thực tập sinh tại thương hiệu thời trang Orchid và trở thành nhân viên chính thức… 

Đó là những công việc đúng chuyên ngành và tạo ra thu nhập cho bản thân mà mình từng làm. Mỗi công việc đều mang lại rất nhiều cơ hội và kiến thức cho mình, mình đã biết nhìn nhận khách quan hơn về công việc thiết kế mà mình đang theo đuổi, và cũng từ những công việc đó mà mình đã có nhiều cơ hội để gặp gỡ và làm quen thêm rất nhiều người…

PV: Nghề thiết kế thời trang đã đem đến và lấy đi của Thanh Lịch những gì? 

- NTK Thanh Lịch: Nghề thiết kế thời trang đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình. Từ một cậu bé miền núi chẳng có gì ngoài năng khiếu vẽ, mình đang từng bước trở thành một NTK thời trang đúng như ước mơ. Nếu ngày ấy mình không theo đuổi ngành thời trang, chắc mình sẽ làm công nhân và tiếp tục cuộc sống ở quê nhà. 

Mình được sống với niềm đam mê thời trang, được thỏa sức sáng tạo để tạo ra những bộ trang phục làm đẹp cho người, làm đẹp cho đời. Mình được thoải mái theo đuổi những điều mình yêu thích mà trước đây không có cơ hội thể hiện. 

Ngành thiết kế thời trang cũng giúp mình có cơ hội làm quen nhiều người mới, có thêm bạn bè và các mối quan hệ chất lượng. Mình được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ chung đam mê, được gặp gỡ rất nhiều người bạn, người thầy tài năng. Bên cạnh đó, ngành này cũng giúp mình có thêm thu nhập cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Việc có thể “kiếm tiền” từ đam mê khiến mình cảm thấy rất hạnh phúc. 

Và mình cũng cảm thấy ngành thiết kế thời trang chưa lấy đi của mình điều gì cả. Dĩ nhiên có những lúc mệt mỏi, song mình nghĩ rằng người trẻ nào cũng cần có những giai đoạn khó khăn khi bắt đầu sự nghiệp chứ không chỉ những bạn trẻ theo đuổi ngành thiết kế thời trang. Vì vậy, đây là một sự lựa chọn sáng suốt của mình và mình sẽ không bao giờ hối hận. 

Nếu dành một lời khuyên cho các bạn trẻ đang trên hành trình theo đuổi đam mê, Thanh Lịch muốn nói gì?

- NTK Thanh Lịch: Mình muốn dành lời khuyên đến những bạn trẻ nói chung và những bạn trẻ đam mê thời trang nói riêng rằng hãy luôn tin vào bản thân, tin vào ước mơ và hành trình mà mình đang đi. Chúng ta là những chiến binh thực thụ khi chúng ta nỗ lực để theo đuổi đam mê của chính mình. 

Hãy luôn trau dồi kiến thức, vượt lên nghịch cảnh để khẳng định bản thân mình. Không có hành trình nào dễ dàng nhưng chắc chắn mọi thứ trên đời đều có ý nghĩa nên hãy mạnh mẽ lên nhé, chúc các bạn sẽ có một hành trình tuổi trẻ thật tươi đẹp. Mình không tin rằng thành công ở cuối con đường, theo mình thành công là cả hành trình.

Nhà thiết kế trẻ Thanh Lịch đã chinh phục một số cột mốc nổi bật như: Top 30 thiết kế Quốc phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2019, trở thành 1 trong 16 Nhà thiết kế tại Thailand Fashion Week 2022, Nhà thiết kế tại Bangkok Kids Fashion Week 2023… Hiện tại, Thanh Lịch đã sở hữu một thương hiệu váy cưới và vẫn đang phát triển với sự nghiệp thời trang của mình.

 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN