Xin chào nhà thơ Hữu Thỉnh! Sau một thời gian nghỉ hưu, không còn đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cuộc sống của ông hiện tại như thế nào?

Những năm tháng về hưu, cuộc sống của tôi hiện tại rất bình lặng. Người ta về hưu nhàn rỗi hay thế nào đó, còn tôi, đây là quãng thời gian rất thú vị. Tôi được làm rất nhiều những điều mình yêu thích. Tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân, bù lại khoảng thời gian công tác bận rộn. Tôi đi đây đi đó nhiều hơn, quan sát thực tế và bổ sung cho vốn sống của mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng đọc nhiều hơn, từ sách báo trong nước và nước ngoài; có bộ sách tôi đọc dung lượng tới 10 tập. Tôi có thời gian nghiền ngẫm sâu hơn về sáng tạo văn chương. Sáng tạo văn học là thế nào và sáng tạo thơ ca là thế nào? Tôi có thời gian tập trung hơn cho nghiệp vụ của mình, đó là viết. Đây quả thực là những ngày tháng rất tốt đẹp. 

Ông từng đảm đương rất nhiều các chức vụ của Hội Nhà văn Việt Nam, tới hiện tại là một người hưu trí bình thường, có nhiều thời gian để đọc sách, nghiền ngẫm giống như ông vừa chia sẻ. Ở tuổi 83, đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống và cũng đã có những bước dài với văn chương, thi ca. Liệu có gì thay đổi nào trong suy nghĩ về văn chương, thi ca so với những gì ông từng định nghĩa trước đây?

Những quan niệm về cuộc sống, về con người, về văn chương thơ ca của tôi không có gì thay đổi. Bởi vì đó là những nguyên lý, những gì tôi theo đuổi hay những khát vọng đã dẫn đường chỉ lối cho tôi mấy chục năm qua.

Tôi không nghĩ khác mà nghĩ sâu sắc hơn về cuộc đời, con người và xã hội. Bao trùm lên những suy nghĩ đó của tôi là nghĩa tình, tình người, là sự nhân văn con giữa người với con người. Đó đều là những giá trị đạo đức tốt đẹp nhất, nhân văn nhất của của dân tộc Việt Nam ta mấy ngàn đời qua. 

Vậy có điều gì mà ông còn trăn trở khi hiện nay, ông không còn là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam?

Có một điều mà tôi vẫn còn trăn trở mãi. Sức sống của văn học - nghệ thuật có ảnh hưởng tới công chúng thế nào? Làm thế nào để trả lời được những câu hỏi mà độc giả quan tâm. Còn cả trách nhiệm, bổn phận của người sáng tạo nghệ thuật nữa.

Các nhà văn, nhà thơ hay cả những nhà báo đi và tiếp xúc nhiều, viết cũng rất nhiều. Nhưng thử hỏi giá trị của văn học nghệ thuật hay thông tấn báo chí đi vào lòng người được bao nhiêu? Những tác phẩm ấy tác động thế nào tới người đọc, giúp người đọc nhận ra vấn đề gì và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thế nào? Đó là những vấn đề muôn thuở.

Chưa kể tới, cuộc sống hiện nay phát triển rất nhanh, đạt được những thành tựu trước kia chưa từng có. Nhưng tại sao, văn học nghệ thuật chưa phản ánh được những mặt tốt đẹp trong đổi mới của đời sống. Văn học nghệ thuật chưa trở thành sức mạnh, lôi cuốn tạo thành hiện tượng, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Cuộc sống phát triển nhanh, bao nhiêu vấn đề đặt ra giữa sáng - tối, tốt - xấu. Nhà văn nhà thơ làm thế nào để có sáng tác hay, có dấu ấn ở trong sự phát triển ấy. Không dễ đâu!

Trong 20 năm làm lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam, trải qua ba nhiệm kỳ áp lực lớn nhất đối với ông là gì?

Áp lực lớn nhất là bạn đọc luôn luôn đòi hỏi văn học phải trả lời được những vấn đề của xã hội hiện đại. Nhưng mà hình như văn học của chúng ta hiện nay chưa có nhiều tác phẩm như thế; chưa giúp bạn đọc trả lời được những vấn đề như vậy. Qua mỗi nhiệm kỳ, tôi rút ra được một điều, để có được tác phẩm lớn, tác phẩm hay phải là cả một quá trình. Không thể “ăn xổi ở thì” mà đó phải là kết tinh giá trị trong cả một thời kỳ.

Áp lực nữa là tôi đảm nhiệm rất nhiều công việc về văn chương, nhưng lại thiếu tác phẩm hay. Tài năng chúng ta không hề thiếu, nhưng để có tác phẩm hay, sống mãi với thời gian và có sức sống lâu bền thì không phải là thách thức với thời nay mà cha ông ta thời trước cũng phải chịu. Thời gian sàng lọc rất kỹ càng điều đó. Có những tác phẩm chỉ nổi lên được một thời gian nhưng về sau chẳng còn ai nhớ.

 

Áp lực nữa là toàn bộ công tác lãnh đạo, quản lý của Hội Nhà văn Việt Nam phải đáp ứng được nguyện vọng của hội viên. Họ có những yêu cầu đổi mới cả về phương thức hoạt động, về nội dung, về các chủ trương của hội. Đó là cái khát vọng tìm tòi, sáng tạo để có những tác phẩm kết tinh được sự nghiệp của cả một đời người. Đây là điều buộc các lãnh đạo của hội phải suy nghĩ. Tất cả phải vì hội viên, làm thế nào để mỗi người đều phát huy, vượt qua chính mình để phát triển.

Công tác hội nhiều công việc như thế có khiến cho việc sáng tác của ông trong thời kỳ đó ít thời gian hơn không?

Không lúc nào tôi quên sáng tác. Với tôi không có khái niệm là “ông quan văn học”. Muốn động viên cho anh em sáng tác thì mình phải đi trước làm gương. Tất nhiên, tôi không thể toàn tâm toàn sức sáng tác được vì công việc của hội rất bận, nhưng việc sáng tác của tôi không hề bị ngắt quãng. Khoảng thời gian đó thôi có khoảng hơn 10 tác phẩm.

Ngoài ra, tôi có viết được 2 cuốn lý luận phê bình. Chưa kể là các thể loại văn học khác như bút ký, tôi cũng xuất bản 2 cuốn. Điều mà trước đây tôi chưa từng làm được. Trước đây tôi chủ yếu là sáng tác thơ. Không những động viên được anh em mà còn làm phong phú khả năng của mình.

 

Trong những nhiệm kỳ ông còn làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khó có thể tránh khỏi những sự đàm tiếu, những tranh cãi về những quyết định của ông. Trong số những vấn đề gây ồn ào đó, đâu là vấn đề khiến ông phiền lòng nhất?

Đó là giai đoạn những năm đầu đổi mới, giữa việc kế thừa và phát triển. Nhà văn của chúng ta nhân danh đổi mới, nhưng mà đổi mới như thế nào để để kế thừa được những thành tựu trong quá khứ mà vẫn mang được cái dáng vẻ của ngày hôm nay, hơi thở có ngày hôm nay, sinh khí của ngày hôm nay.

Trong trao đổi với nhau quan niệm về đổi mới thì mỗi người một cách nghĩ khác. Có người thì chỉ nhắc hình thức hoặc có người chỉ tiếp thu yếu tố của nước ngoài mà quên mất cái nội dung tư tưởng, quên mất tính dân tộc mới là quan trọng nhất. Đổi mới phải phù hợp với nền văn hóa của dân tộc ta. Tranh cãi nhiều cũng chính là về vấn đề này.

Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng nói “sau cùng là một chữ hay”. Đổi mới nhưng phải hay. Đúng là chúng ta cần đổi mới nhưng có phải cái mới nào cũng hay đâu. Có những cái mới nhưng nó rất lạ lùng, không đi vào lòng người. Tôi lấy ví dụ về đổi mới, đó là sau cách mạng Tháng Tám, nền văn học của chúng ta là nền văn học mới nhưng rất có sức sống, có rất nhiều cái hay và đi vào lòng người.

Các bạn trẻ hiện nay thì háo hức muốn cách tân văn học, đổi mới cách viết. Điều này Hội Nhà văn Việt Nam rất hoan nghênh, ủng hộ. Nhưng như tôi đã nói, nó phải đi vào lòng người, phải phù hợp với truyền thống văn hóa, tập tục của người Việt Nam. Còn đổi mới mà chỉ quan tâm tới hình thức, câu cú mà không quan tâm đến số phận con người thì không thể hấp dẫn được bạn đọc. 

Đó có phải giai đoạn khó khăn nhất với ông trong thời gian làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam?

Đúng vậy, có nhiều ý kiến khác nhau và việc thỏa mãn được tất cả là điều cực kỳ khó. Các chuẩn mực của mỗi người không giống nhau. Nhưng tôi đã đi vào gốc rễ của vấn đề. Đó là cái mới và cái hay như thế nào, hiệu quả của việc đổi mới ra sao? Thời gian qua đi người ta có được sự kiểm chứng các vấn đề đó. Nhưng phải mất tới khoảng 10 năm mới có được những sự đồng tình chứ ban .

Trong quá trình công tác, điều tôi cảm thấy khó khăn là phải giải quyết vấn đề giữa cái thiện và cái ác. Có một thời kỳ, người ta nhân danh đổi mới, đi vào những mặt trái của đời sống xã hội. Người ta phản ánh những mặt xấu của nhưng không kiểm soát được cảm xúc của mình mà quên đi việc hướng tới cái thiện. Cái xấu đúng là cần phải lên án nhưng cuối cùng là để hướng tới cái thiện.

Thời kỳ đó tranh cãi ghê gớm lắm. Một tác phẩm viết ra mà không được in là cả vấn đề. Người ta quy kết cho tôi là hạn chế tự do sáng tác hoặc là không dám đổi mới, nhát gan,... Tôi không hạn chế việc nhắc tới những mặt trái, nhưng người sáng tác phải nhận thức được việc nhắc tới mặt trái là để khẳng định những mặt phải. Mặt phải, cái thiện mới là điều chính. Nếu nhìn cuộc sống mà chỉ toàn là đen tối xấu xa thì làm sao chúng ta có ngày hôm nay được. Yếu tố cơ bản của văn học phải nhắc tới chân - thiện - mỹ. Nếu xa rời ba yếu tố cơ bản đó thì chúng ta sẽ bị mất phương hướng. 

Có phải vì thế mà người ta cho rằng thời kỳ ông làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là thời kỳ mà nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại nhất?

Tôi nghĩ là rất ít. Từ lúc tôi còn làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ tới lúc làm chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng không có ai chống đối ra mặt. Tôi không đánh đồng công tác chung của hội vào với cá nhân mình. Người ta thắc mắc với hội là thắc mắc chung với hội, không nên cho rằng đó là người ta thắc mắc hay khiếu nại với cá nhân tôi.

Tôi không bao giờ cố chấp hay định kiến, đó là điều tôi không bao giờ cho phép bản thân mình mắc phải. Thậm chí người ta có thể bất đồng ý kiến, phê phán, chửi rủa độc ác nhưng tôi cũng không muốn biến người ta thành đối trọng với mình. Tôi có câu thơ giống như là phương châm sống “Tôi ngăn mọi vết thương không trở thành thù hận”. Nếu biến người ta thành đối trọng với mình thì không bao giờ có thể tháo gỡ được.

Có khi có những điều người ta thắc mắc rất gay gắt, nhưng đó cũng chỉ là bức xúc nhất thời của họ thôi. Nhưng nếu vì thế mà mình lại có thành kiến với họ thì nguy hiểm vô cùng, khiến mình mất hết sáng suốt.

Cho nên có nhiều người những năm đầu đổi mới có rất nhiều ý kiến phê phán tôi, cho rằng tôi là người bảo thủ, không mạnh dạn đổi mới. Họ phát biểu, thắc mắc trong cái cuộc họp nhưng tôi cho đó là điều bình thường. Có những điều giải quyết được ngay thì giải quyết, còn những gì chưa giải quyết được ngay thì chờ đợi chứ không bao giờ được phép có thành kiến, định kiến,... 

Tôi không có kẻ thù cá nhân. Chính những người phê phán tôi thời kỳ đầu đổi mới; sau một thời gian, họ nghĩ lại và tôi cũng nghĩ lại rồi trở nên thân thiết. Trên cương vị là người lãnh đạo, tôi phải biết cách nhìn, mình được gì và mất gì ở những điều như thế. Nếu không hài hòa, ứng xử như vậy thì làm sao tôi có thể tái đắc cử ở ba nhiệm kỳ được. 

Nhưng dẫu sao cũng là một con người có đủ những hỉ nộ ái ố. Đã bao giờ ông mềm lòng trước những lời phê phán, muốn từ bỏ tất cả để trở lại làm người sáng tạo nghệ thuật bình thường?

Đó là điều tôi thường xuyên nghĩ tới. Nhất là khi về hưu, tôi lại càng thấm thía vấn đề đó. Sung sướng nhất vẫn là được tự do và dành thời gian cho tình yêu văn chương, các chuyện khác đều là chuyện nhỏ. Cuộc đời ngắn lắm, mất thì giờ vào những tranh cãi như thế làm gì. 

Vậy nên từ khi về hưu tôi rất bình tĩnh, không dễ bị cáu gắt và cũng không dễ mất lòng. Đối với một nhà văn, nhà thơ đó là điều khó vô cùng bởi đa phần các nhà văn, nhà thơ đều rất cảm tính. Chỉ cần điều gì đó trái ý thôi là rất dễ căng thẳng. Trong việc đánh giá tác phẩm lại càng căng thẳng hơn. Chỉ có việc tác phẩm của họ có giải thưởng hay không thôi là có thể giận nhau suốt đời hoặc khiến tôi sẽ bị mất phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ tiếp theo.

 

Nhưng tôi cứ thực tâm, thực lòng thì trước sau họ cũng sẽ hiểu. Qua thời gian họ hiểu ra rồi sẽ lại thân thiết với mình. Cuộc đời của tôi có rất nhiều trường hợp như thế. Nhất là khi về hưu tôi mới thấy được rất rõ. Người ta có nhớ tới mình hay không, còn quý mến mình hay không? Hay lúc còn đương nhiệm thì có người quấn quýt bên cạnh, còn về hưu rồi thì người ta lại quay lưng. Tôi may mắn vì mình về hưu rồi vẫn còn có rất nhiều anh em thân thiết, quý mến. Bằng chứng là thông qua những vị khách tới nhà tôi, hoặc những lần họ mời tôi đi các buổi lễ ra mắt sách hay các buổi tiệc sinh nhật,... Không chỉ những người bạn ở Hà Nội mà còn trên khắp cả nước.

 

 

Nhân kể lại câu chuyện ngày xưa, trở thành một nhà văn, nhà thơ có phải là ước mơ lớn nhất kể từ nhỏ của ông hay không?

Đó là ước mơ lớn nhất của đời tôi. Ngay từ lúc còn đang ngồi trên ghế nhà trường khoảng 15-16 tuổi tôi đã có tác phẩm đăng báo. Cha tôi thời bấy giờ cũng rất khuyến khích. Cụ biết tôi thích đọc sách, nên đi đâu thấy có sách hay cũng mua về cho. Cụ thấy tôi bấy giờ chăm học, chăm đọc sách là rất mừng.

Nhưng thời bấy giờ nghèo lắm, không phải lúc nào cũng có tiền mua sách. Tôi phải bớt tiền ăn để có tiền thuê sách. Rồi thì để tiết kiệm đèn dầu trong nhà, tôi ra đường, lấy ánh sáng từ đèn đường để đọc sách. Tôi vẫn nhớ có những hôm đang đọc sách, xung quanh có những con thiêu thân rơi đầy người. Ngứa vô cùng nhưng vẫn say mê đọc. Bởi vì mai phải trả sách cho thư viện rồi nên phải cố gắng đọc cho thật nhanh.

Thần tượng của tôi thời còn nhỏ là nhà thơ Nguyễn Bính. Ông là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ dân dã, mộc mạc. Tôi cũng là người nhà quê nên thơ của Nguyễn Bính ngấm vào tôi nhiều nhất. Tôi từng ước làm thế nào để tôi có được một phần nhỏ như Nguyễn Bính.

Cả đời nhà thơ Hữu Thỉnh sống trọn với cái đam mê văn chương, sống trọn với tình yêu với văn học, với thơ ca, với tất cả những gì thuộc về văn học nghệ thuật. Ông cảm thấy ngọn lửa tình yêu của lớp trẻ hiện nay với văn học nghệ thuật thế nào?

Thế hệ trẻ ngày nay khác với thế hệ của chúng tôi rất nhiều. Hôm ra mắt sách, nhiều người thích một câu thơ của tôi trong trường ca “Giao hưởng Điện Biên”: “Một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/ Một Điện Biên trong mỗi con người”.

“Một ngọn đuốc” ấy là những cái chung của cả hai thế hệ. Đó là sự nghiệp của đất nước, dân tộc. Mỗi thế hệ lại có những vấn đề cần giải quyết và rồi cũng lại trao lại ngọn đuốc ấy cho thế hệ kế tiếp. Tôi tin tưởng vào thế hệ hiện nay có nhiều ưu điểm hơn thế hệ chúng tôi. Họ được học hành cơ bản hơn. Trước kia học tới cấp trung học cơ sở hay trung học phổ thông thôi nhưng hiện nay đại học đã là phổ thông rồi. Con người phát triển như thế thì tất nhiên đất nước sẽ phát triển theo.

Thời tôi đi học, học hết trung học phổ thông cũng đâu thể học đại học ngay được. Tôi phải mất tới gần 10 năm nhập ngũ, tới khi thống nhất đất nước rồi tôi mới học đại học. Thời ấy tôi khao khát được học đại học lắm dù nhà nghèo, điều kiện khó khăn. Rồi đất nước kêu gọi, mình phải là một người lính trước đã rồi mới quay trở lại tiếp tục đại học. 


(Còn nữa….)

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN