Được biết, ông bắt đầu tham gia kháng chiến từ những năm 1963. Thời kỳ ông khoác lên mình màu áo lính như thế nào?

Thời đó tôi ở Trung đoàn 202, được học lái xe tăng. Sau một thời gian tôi được chuyển sang làm báo, làm cán bộ tuyên huấn. Phải nói là gian khổ vô cùng. Những khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến trường có những thời điểm mà tưởng như không thể vượt qua được.

Thế hệ chúng tôi chống Mỹ thời bấy giờ là lớp thế hệ kế cận của cha anh thời kỳ chống Pháp. Tôi nghĩ lại đấy là một thời đẹp lắm, đẹp vô cùng. Thế hệ bỏ dở những ước mơ, bỏ dở con đường đại học để khoác lên mình màu áo lính, là một anh bộ đội cụ Hồ.

Những tháng ngày hành quân vào chiến trường miền Nam dài đằng đẵng, đói rét đủ kiểu, đó là chưa kể tới bom đạn địch ném hằng ngày. Nhưng đứng trước chuyện sống chết, chúng tôi chưa bao giờ bị xao động. Chúng tôi xác định vào chiến trường đã cầm chắc cái chết, coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Tôi vẫn nhớ trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, khi ấy mình là một phóng viên. Tôi theo xe tăng vào tới tận trận địa rồi kẹt lại ở đó. B52 của địch thì cứ thả hằng ngày. Sống chết khi ấy mong manh vô cùng. Sau này tôi có trải qua cả những chiến trường máu lửa khác như ở Quảng Trị, Tây Nguyên hay chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng có lẽ ấn tượng để lại sâu sắc nhất với tôi vẫn là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Đó là chiến dịch mà quân ta đại thắng, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động.

Trong những tác phẩm viết về chiến tranh của nhà thơ Hữu Thỉnh, “Phan Thiết có anh tôi” là tác phẩm có lẽ đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Bài thơ cũng được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của ông. Ông viết bài thơ đó trong xúc cảm thế nào?

Khi đang theo chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi nghe tin anh trai mình hy sinh ở Phan Thiết. Tôi thương anh vô cùng. Khi theo các chiến dịch, tới đâu tôi cũng tìm anh. Lúc đến Phan Thiết, tôi biết đây là nơi anh hy sinh, nhưng đó chưa phải lúc để tìm. Sau này khi giải phóng miền Nam xong, tôi mới quay trở lại để tìm anh. Phải rất lâu, tận 34 năm sau khi anh mất, tôi mới tìm thấy di hài của anh.

“Phan Thiết có anh tôi” được tôi viết trong những năm tháng đi tìm anh. Phan Thiết có xương máu của anh tôi đã ngã xuống. Những vần thơ ấy bật ra trong nỗi thương sót anh ngay khi tôi tới Phan Thiết và nhận tin anh hy sinh. Nhưng đó cũng chưa phải lúc làm thơ vì vẫn còn phải đuổi giặc. Tới sau này khi có dịp trở lại Phan Thiết, tôi nhớ lại và viết bài thơ này.

Suốt ngần ấy năm khi chưa tìm thấy anh, tôi chưa bao giờ thấy yên lòng. Thậm chí, hiện tại cũng vậy. Tôi có cuộc sống đầy đủ, được sống trong thời kỳ hòa bình, có gia đình, con cháu đầy đủ. Nhưng đêm đêm nghĩ tới anh trai mình mãi mãi nằm lại ở tuổi ngoài 30 mà xót xa lắm. 

Không chỉ xót xa cho anh trai mình mà cả những đồng chí đồng đội, rồi những gia đình cũng có người ngã xuống, hy sinh. Có những lần mà tôi phải nuốt nước mắt, đào hố chôn đồng đội. Có những người hôm qua vừa gặp cười nói mà tới hôm sau đã hy sinh. Nhưng đó là hiện thực của chiến tranh mà không thể tránh khỏi được.

Cũng vì thế mà chúng ta có mắc nợ những ân tình với thế hệ cha anh đã ngã xuống. Đất nước trải qua bao chiến thắng, có được hòa bình như ngày hôm nay, nhưng làm sao để các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh có thể sống lại, làm sao trả được lại con cho những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

“Phan Thiết có anh tôi” là nỗi đau xót xa của ông với người anh trai liệt sĩ. Đó là nỗi đau mất người thân. Vậy ngoài ra, tác phẩm nào về chiến tranh mà ông cảm thấy ám ảnh, xót xa nhất?

“Phan Thiết có anh tôi” có lẽ vẫn là tác phẩm để lại cho tôi nhiều nỗi khắc khoải nhất. Ngoài ra thì đó là trường ca “Đường tới thành phố”. Đó là tác phẩm mà tôi viết về những người lính xe tăng, những người đã hy sinh trước giờ giải phóng một tiếng đồng hồ hay là chỉ vài chục phút. Qua được phút giây đó, những người lính ấy sẽ mãi mãi trở về. Nhưng không, họ đã ngã xuống.

Tôi viết ra những dòng ấy mà xúc động lắm. Họ đã vô tư hy sinh, sự hy sinh cao thượng, đẹp đẽ. Đó là sự hy sinh cao cả của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong “Giao hưởng Điện Biên”, tôi cũng nhắc tới những tấm gương hy sinh ám ảnh suốt trong cả trường ca từ chương đầu tới chương cuối. 

 

Sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn (2024), gia đình nhà thơ Hữu Thỉnh về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên. Sau mấy lời khấn quen thuộc, nhà thơ Hữu Thỉnh khấn nguyện: “Xin ông bà phù hộ cho con đủ sức khỏe, minh mẫn để hoàn thành trường ca viết về Điện Biên Phủ. Đây là tác phẩm tâm huyết của con…”. Cả gia đình ông nháo nhác nhìn nhau, choáng váng. Ông cụ đã 83 tuổi rồi đó! Không phải là tập thơ, mà hẳn một trường ca. Mọi người xôn xao, gặng hỏi. Nhà thơ chỉ tủm tỉm cười, chẳng chịu nói gì… 

Đó là câu chuyện được con gái nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguyễn Việt Thanh chia sẻ trước ngày tập trường ca “Giao hưởng Điện Biên” ra mắt.  

Để thực hiện thành công tác phẩm “Giao hưởng Điện Biên”. Chắc hẳn, với ông cũng có nhiều kỷ niệm với mảnh đất này?

Trước năm 2000, khi ấy lên Điện Biên đã có máy bay rồi. Nhưng tôi quyết định mình sẽ đi bộ, theo con đường mà cha anh ta đã đi những năm kháng chiến. Đó là con đường số 6 gập ghềnh. Tôi tới những nơi trọng điểm mà giặc Pháp ném bom ác liệt nhất thì tôi dừng lại như là Mường Phăng, Noong Nhai,... để cảm nhận cái không gian, từ đèo cao, suối sâu, dốc thẳm, cảm nhận những khó khăn, hy sinh mất mát của thế hệ cha anh.

Tới một lần sau, tôi tổ chức một đoàn văn công khoảng 200 người do tôi trực tiếp chỉ huy, hành quân đi biểu diễn ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, phục vụ cho cựu chiến binh, đồng bào. Những kỉ niệm trên đường hành quân đó, đã cho tôi thêm rất nhiều những chất liệu để sau này viết thành thơ.

Khi hoàn thiện tác phẩm này, người đầu tiên mà ông nghĩ tới là ai?

Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt cho Đảng ta kết tinh giá trị về một thế hệ lãnh đạo rất sáng suốt. Có Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì mới có chiến thắng Điện Biên Phủ. Thứ hai, cũng nhờ tác phẩm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” và cuộc gặp gỡ với của Đại tướng năm 2001 mà tôi mới có niềm cảm hứng để viết lên tác phẩm này.

Trong buổi ra mắt “Giao hưởng Điện Biên”, ông cũng đã chia sẻ cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2001 đã tạo nguồn cảm hứng để ông viết “Giao hưởng Điện Biên”? Cụ thể hơn về kỷ niệm đó như thế nào?

Tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu năm 1975. Khi giải phóng miền Nam, binh chủng Tăng - Thiết giáp tổ chức tổng kết chiến dịch và Đại tướng có tham dự. Khi ấy tôi đang là cán bộ tuyên huấn và được tiếp đón, quây quần bên Đại tướng trước khi bước vào buổi tổng kết. Ấn tượng của tôi lúc ấy là bàn tay của Đại tướng ấm áp và mềm mại lắm.

Đầu Xuân Tân Tỵ (2001), tôi có vinh dự thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội cho tác phẩm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do nhà văn Hữu Mai chắp bút. Tôi vốn là một người thích lịch sử nên khi bắt gặp cuốn sách này, tôi thấy quá hay nên giới thiệu cho Hội đồng xét giải thưởng. Rất may là ý kiến của tôi được Hội đồng ủng hộ và quyết định trao giải thưởng cho Đại tướng.

Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách đó rất nhiều lần. Sức truyền cảm của tác phẩm đối với tôi rất lớn. Đại tướng thực hiện tác phẩm năm 2000, tức là sau 46 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Cái nhìn của Đại tướng khi ấy về chiến dịch này thật sự toàn diện và sâu sắc. Bên cạnh đọc rất nhiều cuốn sách lịch sử của Việt Nam, Đại tướng còn đọc cả những cuốn sách của nước Pháp, bởi Đại tướng biết cả tiếng Pháp. Đại tướng đưa ra các góc nhìn đa chiều, người Pháp phục Việt Nam chỗ nào, không phục chỗ nào…

Vậy nên, tác phẩm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên giáp đã gợi mở cho tôi rất nhiều. Nhưng khi viết, tôi cũng phải khéo léo để viết thành cái riêng của mình. Bởi Đại tướng viết bằng văn xuôi, bút ký… còn tôi thì viết thơ nên phải có những sáng tạo riêng.

Nhưng để tạo nên trường ca “Giao hưởng Điện Biên” thì một cuốn sách của Đại tướng thôi là không đủ. Cuốn sách của Đại tướng là nguồn cảm hứng, kích thích tôi quyết tâm phải viết một tác phẩm về Điện Biên Phủ. Để toàn thành tác phẩm, tôi phải tìm kiếm thêm những chất liệu. Tôi phải đọc thêm rất nhiều để có thêm những tư liệu và để tránh những cái đã có, đã viết rồi.


Ví dụ, trong chương cuối “Khúc tưởng niệm”, tôi có nhắc tới vấn đề biển đảo: “Một thế hệ ra đời sau thống nhất/Ra Trường Sa giữ tổ quốc từng ngày”. Đây là vấn đề mà các tác giả viết về Điện Biên trước đây chưa đặt ra. Đó có thể coi là một sự bổ sung. Hay “Ta cứ tưởng Điện Biên là trận cuối/Bác bảo “thắng to nhưng là mới bắt đầu”/Kẻ thù mới, một siêu cường số một/Điện Biên Phủ trên không mười tám năm sau”.

 

Đặt tên cho trường ca của mình là “Giao hưởng Điện Biên”. Phải chăng, chủ ý của ông là muốn ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ như một bản hợp xướng?

Hoàn toàn chính xác. Các tác phẩm trước đây bao gồm thơ ca, tiểu thuyết viết về Điện Biên Phủ chỉ giống như một bài ca, chỉ nhắc tới một ý về chiến dịch Điện Biên Phủ thôi. Chưa có tác phẩm nào có thể nhắc tới toàn bộ chiến dịch.

Trong khi để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đã có biết bao nhiêu binh chủng, những đoàn dân công tới biết bao nhiêu những hoạt động từ phá thác, mở đường, phá bom,... bao nhiêu những mặt trận, bao nhiêu trận đánh tới những người hi sinh. Rất nhiều điều để nói về chiến thắng Điện Biên Phủ đều được tôi viết trong 21 chương của “Giao hưởng Điện Biên”. 

Lúc đầu, tôi đặt tên là “Điện Biên Phủ trường ca”, trong đó cũng có ý nghĩa một phần giao hưởng rồi, nhưng không rõ ràng lắm. Sau khi đã viết xong rồi, tôi nhờ con gái đánh máy lại thì con gái tôi có hỏi: “Tại sao bố không dùng ý ở trong thơ là Giao hưởng Điện Biên”. Từ câu hỏi đó của con gái tôi mà thành ra một gợi ý nên tên tác phẩm được đặt là “Giao hưởng Điện Biên” như hiện nay.

Ông nhờ con gái đánh máy lại, tức là trước đó ông đều viết bằng tay?

Đúng vậy. Tôi có sử dụng được máy tính đâu. Tôi cũng không nhớ nổi bao nhiêu trang giấy, bao nhiêu mực để có tác phẩm hoàn chỉnh. Cả một đống bản thảo. Có những chương tôi viết đi viết lại tới ba lần. Sau đó rồi cũng sửa đi sửa lại từng từ. Có những chương tôi phải viết lại hoàn toàn.

Hiện tại, tôi cũng đang tiếp tục sửa lại để kịp tái bản vào dịp cuối năm 22/12. Tôi muốn có những câu thơ hay hơn. Bản hiện tại mang nhiều tính chiến đấu, sự bay bổng trong tâm hồn rất ít.

Những người lính Điện Biên Phủ họ cũng trẻ như tôi lúc mới nhập ngũ và tôi nghĩ rằng họ cũng mơ mộng, tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ lắm. Tôi nghĩ phải cân bằng cả những yếu tố đó nữa, chứ không chỉ thấy mỗi khó khăn ác liệt thì chưa thể ra được hoàn toàn chất “giao hưởng Điện Biên”: Dũng cảm, phi thường nhưng cũng rất yêu đời, lạc quan. Đó là những điều mà tôi nghĩ cần phải bổ sung thêm.

Ông sẽ giải quyết tính chiến đấu và tính bay bổng hay nói cách khác, ông phải yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình thế nào? 

Đó là điều vô cùng khó khăn. Để giải quyết vấn đề đó, tôi phải bám vào nguồn tư liệu mình có được. Nếu không có yếu tố tự sự thì không thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng ta nói về dũng cảm, phi thường, nhưng cụ thể là thế nào? Đó là lý do yếu tố trữ tình không thể thiếu. Trữ tình nằm ở trong tâm hồn mình luôn luôn bay bổng, xúc động. Kinh nghiệm trong sự nghiệp của tôi là cuối cùng người đọc chỉ nhớ được một vài câu, vài đoạn, thế là đã thành công rồi.

Để làm nên được những câu, những đoạn như thế, đó phải là kết tinh của cả hai yếu tố trữ tình và tự sự; vừa thấy được chiến thắng Điện Biên Phủ mà cũng vừa phải thấy được tâm hồn tác giả. 

GS Phong Lê có nhận xét,“Giao hưởng Điện Biên” là một pho sử nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong ấy tác giả gần như không để sót bất cứ một sự kiện, một diễn biến, một địa danh, một tên đất, tên người nào có liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc đưa tất cả những điều trên vào “Giao hưởng Điện Biên”, phải chăng ông muốn truyền tải một điều gì đó? 

Rất nhiều nhà thơ, nhà văn như Hữu Mai, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu,... Những người ấy viết rất nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng chính bản thân họ lại không có ai nhắc tên tới trong các sáng tác về Điện Biên Phủ. Vậy nên tôi muốn dành hẳn một chương nhắc về “binh chủng tinh thần”. Những người nghệ sĩ ấy tới Điện Biên Phủ với tư cách giống như Bác Hồ cũng gọi những nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.

Tôi còn dành ra hai chương cho hai nhân vật tiêu biểu là nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Chính Hữu. Tôi cũng muốn dành một chương riêng thống kê tất cả các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ ấy. Hiện nay tôi vẫn đang tiếp tục sửa lại vì vẫn còn thiếu rất nhiều người như nhà văn Nguyễn Trần Thiết, Nguyễn Chu Phác, Hồ Phương.

Nhắc tới nhà thơ Hữu Thỉnh là phải nhắc tới trường ca. Phải chăng mạch cảm xúc của ông quá nhiều mà tác phẩm thơ bình thường không thể truyền tải hết được nên ông phải dụng tới trường ca?

Đúng là như vậy. Trường ca là thể loại có ưu điểm là phản ánh được rất nhiều mặt, nhiều phương diện nhưng thật sự rất khó để viết. Đã 70 năm kỷ niệm rồi, biết bao nhiêu tác phẩm đã được sáng tác, việc chọn chủ đề chiến thắng Điện Biên Phủ để viết quả thực là một thử thách. Viết một bài thơ 20 câu đã khó chứ chưa kể là trường ca mấy nghìn câu.

Trong 30 tác phẩm của Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản lần này để hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ có duy nhất cuốn sách của tôi là sách mới. Còn lại đều là những cuốn sách tái bản.

Đó là còn chưa kể tới trong bối cảnh hiện nay, bạn đọc quay lưng với thơ, in tập thơ rất khó để bán. Nhưng tôi tin là hiện nay có thể người ta chưa đọc. Nhưng năm mười năm nữa, khi kỷ niệm 80 năm hoặc 90 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong hàng triệu người, sẽ có người ngồi lại để đọc “Giao hưởng Điện Biên”. 

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có ý tưởng sẽ mang “Giao hưởng Điện Biên” lên nghĩa trang liệt sĩ như tại đồi A1 để đọc cho những liệt sỹ đang an nghỉ tại đó?

Tôi cũng đã có ý định như vậy. Tôi cũng định mang cuốn sách này tặng cho Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ và thư viện của tỉnh Điện Biên. Nhưng có lẽ, tôi phải chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh trong lần tái bản sắp tới rồi mới làm điều này!

Cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh vì cuộc trò chuyện này!

 

 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN