Năm cuối cấp phổ thông, thay vì tiếp tục con đường học tập, nhà văn Khuất Quang Thuỵ đã tình nguyện nhập ngũ và được điều động về Sư đoàn 320 phục vụ Tổ quốc. Từ năm 1967, ông có mặt ở hết các điểm nóng của chiến trường chống Mỹ như miền Nam, Tây Nguyên, Quảng Trị… Chính cuộc sống đời lính nhiều hy sinh và mất mát đã thôi thúc ông cầm bút để ghi lại cuộc chiến một cách tỉ mỉ, sinh động nhất. Từ chàng thanh niên cầm súng, ông bắt đầu tranh thủ giờ nghỉ ngơi giữa các trận đánh để cầm bút làm thơ, viết văn. 

Những tác phẩm đầu tiên của người lính trẻ phản ánh trực tiếp trải nghiệm của ông trên chiến trường, mang đậm dấu ấn của những kỷ niệm chiến đấu cùng đồng đội. “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình, cuộc chiến của mình, đồng đội của mình”, nhà văn bồi hồi nhớ lại. Ông chia sẻ: “Ở đâu có chiến công thì ở đó có tác phẩm, ở đó có những bài hát.” Những tác phẩm văn học và âm nhạc trong thời kỳ kháng chiến đã ghi dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người chiến sĩ lúc bấy giờ, ảnh hưởng đến cả hành trình sáng tác của ông.

Nhà văn quân đội không chỉ kế thừa di sản văn học của những thế hệ đi trước, mà còn phát triển phong cách riêng của mình. Ông khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục nối tiếp những truyền thống ấy, chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình cảm, khát vọng của những nhà văn, nhà thơ trong quân đội”. Ông đã làm phong phú thêm bức tranh văn học quân đội, vừa mang tính hiện thực, vừa trữ tình, thể hiện sâu sắc tâm tư và tình cảm của người lính trong những năm tháng kháng chiến.

“Trên vai của người lính không có gì ngoài balo và khẩu súng. Trong balo chỉ có thể mang được vài quyển sách, vài tờ báo”, nhà văn bồi hồi nhớ lại. Chiến đấu ở chiến trường gian khổ, không có giấy bút hay điều kiện thuận lợi để sáng tác, ông cùng đồng đội đã tận dụng những thân cây làm "giấy" viết. Ông chia sẻ: “Chúng tôi thường làm báo tường ngay trong hầm chiến đấu. Chẳng hạn, ở sư đoàn 320, trong những trận đánh tại dãy cao điểm Tây sông Pô Cô, anh em đã sáng kiến chặt cây bầu, bổ ra, và viết lên đó những sáng tác của mình”. 

Những sáng tác của ông lúc bấy giờ không chỉ ghi lại những khoảnh khắc của đời lính mà còn trở thành chỗ dựa tinh thần, tiếp sức cho đời sống tâm hồn của người chiến sĩ giữa chiến trường khốc liệt. "Chúng tôi không dám mơ rằng những tác phẩm ấy sẽ đến được với bạn đọc rộng rãi", ông Thụy tâm sự, "nhưng may mắn đã mỉm cười khi tác phẩm của tôi được in trên tờ tin nội bộ ‘Tin Chiến Thắng’ của sư đoàn, một ấn phẩm nhỏ bé nhưng định kỳ xuất hiện hai tháng một lần". 

Khoảnh khắc khi đang trực tiếp tham chiến trên cao điểm, được triệu tập để nghe bài thơ của mình vang lên trên làn sóng phát thanh, ông chia sẻ: “Khi tôi chạy đi đến nơi thì cái bài thơ đó đã phát được gần hết rồi, còn mấy câu thôi nhưng mà là rất xúc động. Nó là cái động lực rất lớn, về bảo là à, tiếng nói của mình đã có cái cách để đến được với đồng đội và đã có sự đồng điệu với người hậu phương”.

Với vai trò là một nhà văn quân đội, nhà văn Khuất Quang Thụy đã có những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, đặc biệt trong bối cảnh kháng chiến chống Mỹ. Ông nhấn mạng tầm quan trọng của chủ trương “văn hóa hóa kháng chiến,  kháng chiến hóa văn hóa” lúc bấy giờ: "Trong bối cảnh chiến tranh, văn hóa được coi là một mặt trận quan trọng. Những tác phẩm của chúng tôi không chỉ là nguồn động viên cho các chiến sĩ, mà còn là tiếng nói cổ vũ tinh thần kháng chiến cho toàn dân”. 

Trong thời bình, Nhà văn, Đại tá Khuất Quang Thụy tiếp tục hành trình sáng tác, kế thừa truyền thống văn học quân đội và đổi mới để phù hợp với thời đại. Trước khi nghỉ hưu, ông mang quân hàm Đại tá, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng biên tập báo Văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt nam từ 1982, là Ủy viên Ban Chấp hành và làm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 9, 10). 

Trong quá trình tái kiến thiết đất nước, nhà văn Khuất Quang Thuỵ tìm thấy những đề tài phong phú không kém về cuộc sống thời bình với những vui buồn, thử thách, hy vọng. Trong tiểu thuyết "Trong cơn gió lốc" và "Trước ngưỡng cửa bình minh", ông khắc họa sự phức tạp của cuộc sống thời kỳ hậu chiến. Đến “Không phải trò đùa", ông tiếp tục thể hiện chân thực những biến động của xã hội thời bình. Các tác phẩm của ông vẫn đậm chất hiện thực, nhưng đã mở rộng hơn về mặt nội dung và chiều sâu, phản ánh chân thực những mâu thuẫn và thách thức mà xã hội phải đối mặt trong thời bình.

Một trong những điểm nổi bật có thể thấy ở sáng tác của nhà văn là sự đổi mới không ngừng về phong cách viết. Dù luôn giữ vững tinh thần kiên trung của người lính nhưng ông không ngại thử thách mình với những hình thức và phong cách viết mới để phù hợp với nhu cầu của độc giả hiện đại. Các tác phẩm của ông mang trong mình giá trị thời đại, phản ánh chân thực những thách thức của một xã hội đang thay đổi nhanh chóng. 

Báo chí quân đội không chỉ đơn thuần là công cụ truyền tải thông tin mà còn là một mặt trận, nơi mà những câu chuyện về sự cống hiến và hi sinh của người lính được lan tỏa. Đại tá Khuất Quang Thuỵ khẳng định “Báo chí quân đội luôn có mặt tại những nơi nóng bỏng, khó khăn nhất, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh về những tấm gương điển hình của quân đội và nhân dân”. Trong những sự kiện như chiến dịch chống COVID-19 hay các cuộc chiến đấu chống lại thiên tai, hình ảnh của người lính không chỉ là biểu tượng của sự kiên trung mà còn là hiện thân của sự hi sinh thầm lặng, luôn sẵn sàng đứng bên nhân dân trong mọi hoàn cảnh.

“Trong bất kỳ giai đoạn nào, người lính cũng luôn hòa mình vào cuộc sống xã hội. Thời bình không có nghĩa là không có xung đột hay mâu thuẫn. Những thử thách mới, như đại dịch COVID-19, thiên tai hay các cuộc chiến chống lại sự bất công, đều đòi hỏi sự dấn thân và cống hiến không kém gì thời chiến. Người lính vẫn phải gánh chịu những mất mát, hi sinh, nhưng không phải trong khói lửa mà trong những trận chiến thầm lặng giữa thời bình”, nhà văn chia sẻ thêm.

Ông coi những thử thách này là “cuộc chiến của thời bình”, nơi người lính không chỉ bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí mà còn bằng lòng dũng cảm và sự hi sinh cho cộng đồng. Hình ảnh những bác sĩ quân đội tham gia chống dịch, những chiến sĩ vượt qua lũ lụt để cứu dân là minh chứng cho tinh thần đó. 

Dù chiến tranh đã đi qua, văn học quân đội vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ. Nhà văn Khuất Quang Thụy và các nhà văn quân đội khác không chỉ viết về chiến tranh mà còn truyền tải những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, và sự kiên cường của người lính trong cuộc sống hiện tại. Các tác phẩm của họ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, về những hi sinh của cha ông, từ đó khơi dậy trong họ lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN