Hơn 1 thập kỉ cầm ống kính để theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh, đến nay, nhiếp ảnh gia Lê Bích vẫn miệt mài đi và khám phá về nét văn hoá làng quê Việt Nam còn sót lại trên khắp cả nước. Bởi nét đẹp của làng như một khối nam châm có sức hút đặc biệt với anh.
Ấn tượng đầu tiên về vị nhiếp ảnh gia này là một người nhiệt tình, đôn hậu và đầy đam mê. Anh hơn nhiều tay máy khác ở sự kiên nhẫn và sự công phu. Anh ghi chép, kể những câu chuyện bằng ảnh và bằng cả những phần lời ngắn gọn khơi gợi tự tò mò của cộng đồng khi đến với những tác phẩm của anh.
Thuộc thế hệ 7X, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuổi thơ của nhiếp ảnh gia Lê Bích gắn với những kỷ niệm, những hình ảnh của Hà Nội xưa cũ.
Anh Bích nhớ lại lần đầu tiên cầm máy: "Bố tôi là họa sĩ, ông thường chụp lại những khoảnh khắc đẹp để về chuyển thành tranh vẽ nên tôi may mắn được tiếp xúc với máy ảnh ảnh từ năm 13 tuổi. Có lẽ, niềm đam mê cái đẹp trong tôi cũng bắt đầu từ đó".
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, anh Bích làm việc cho một công ty nước ngoài, nhiếp ảnh chỉ là thú vui thư giãn của anh trong những ngày nghỉ cuối tuần. Anh tham gia câu lạc bộ và chỉ ghi lại những cái cảm xúc lãng đãng, những khoảnh khắc của cuộc sống thường ngày.
"Người ta bảo chơi nhiều thành chuyên. Sau 1 thời gian chơi ảnh tôi luôn suy nghĩ là chơi, chụp ảnh để làm gì? Cái ảnh đấy nó sẽ dùng vào việc như thế nào? Nó có tác động như thế nào? Như duyên nợ tôi quyết định thôi việc, dấn thân vào nghiệp ảnh và phấn đấu sống hoàn toàn bằng nghề", anh Bích tâm sự.
Nhiều năm theo nghề, bàn chân Lê Bích đã đi rất nhiều nơi, rong ruổi tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống. Điều thú vị là anh không chụp như khách qua đường mà luôn tìm hiểu những câu chuyện xung quanh mỗi bức ảnh mà anh lưu lại. Bởi vậy, ảnh của anh ngày càng đẹp hơn, có chiều sâu, có ý tưởng. Hiện tại, vị nhiếp ảnh gia này là cộng tác viên của nhiều báo, tạp chí và gặt hát thành công qua một số cuộc thi.
Một trong những chủ đề mà nhiếp ảnh gia Lê Bích yêu thích là làng nghề và văn hóa làng. Những giá trị xưa cũ, truyền thống có nguy cơ mất đi luôn cuốn hút ống kính của anh. Trong mỗi bộ ảnh, anh quan tâm đến số phận của những con người đóng góp công sức của mình vào gìn giữ, phát triển những nét đẹp độc đáo, tinh hoa của làng nghề. Đó thật sự là một kho tư liệu nhiều giá trị.
Anh nói: "Dành nhiều thời gian để nghiên cứu, làng nghề là đề tài thú vị, dài hơi mà tôi xác định làm cả đời không hết. Đã có nhiều làng nghề không còn nữa, có làng giờ chỉ còn 1, 2 người giữ nghề. Có rất nhiều người làm về đề tài này và tôi vẫn đang tìm con đường riêng để thể hiện sâu sắc nhất thông điệp là hãy gìn giữ làng nghề và lưu giữ nó bằng hình ảnh".
Làng là kết tinh đốc đáo của Đồng bằng Bắc Bộ được thăng hoa thành nét văn hóa đặc trưng với 3 biểu trưng rõ nét là cây đa, giếng nước, sân đình. Cũng là lưu giữ những giá trị văn hoá làng, nghệ sĩ Quách Đông Phương chọn lưu giữ rất nhiều bức ảnh về cổng làng xưa trước khi chúng bị phá bỏ. Còn nhiếp ảnh gia Lê Bích chọn giữ riêng cho mình những bộ sưu tập ảnh và những câu chuyện về giếng làng.
"Thực tế, những giếng làng đang bị mất dần vì nhu cầu sử dụng nước ngầm không còn, vì sự phát triển của đô thị. Tiếc khi nhìn những di sản của dân tộc bị mất dần. Chính điều đó khiến tôi ý thức, tôi phải chụp và giữ lại những điều sắp mất. Khi chụp ảnh làng nghề tôi dần tập trung sự chú ý vào giếng. Và danh xưng "Bích Giếng" có từ đó", anh Bích bộc bạch.
Giếng cổ không chỉ thu hút ống kính của vị nhiếp ảnh gia bởi hình thù, cách xếp gạch, vết chạm khắc trên thành giếng, màu nước hay lớp rêu phong. Xa hơn thế, chúng đều là chứng nhân của những câu chuyện đặc biệt về cách con người ứng xử nhau, cách con người gìn giữ những di tích, văn hoá xưa…
Nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ: "Câu chuyện thiêng hóa nguồn nước không phải là điều lộ thiên dễ thấy, đó là quá trình đòi hỏi người làm nghề phải đào sâu, tìm kiếm trong thời gian dài. Tôi theo đuổi giếng một cách kiên trì để kể lại câu chuyện văn hóa đằng sau những chiếc giếng làng bằng nhiếp ảnh".
Làng vừa đẹp về mặt thị giác, vừa đẹp bởi lớp phù sa văn hóa bên trong, làng mang hồn cốt của người Việt. Những vẻ đẹp đơn sơ ấy giúp nhiếp ảnh gia Lê Bích định danh rõ hơn tình yêu làng, cảm nhận bằng trái tim và thể hiện nó bằng chiều sâu của những bức ảnh.
Nhưng, khi đặt mình trong vai trò một phóng viên chuyên nghiệp, phải nhìn trực diện, phải nhận thấy cả cái tốt, cái xấu, cả tích cực và tiêu cực. Anh còn nhiều trăn trở bởi: “Nhiều làng tiêu biểu làng ven đô bị phá vỡ về mặt cấu trúc, kiến trúc cũng như văn hóa làng nói chung, mất dần sự thân thương vốn có của làng quê. Rồi môi trường ô nhiễm, làng nghề mai một, giếng bị bỏ hoang và mất dần…".
Mong muốn lớn nhất của Bích Giếng là đi trải nghiệm hết các làng nghề, biết về làng nghề, lắng nghe những câu chuyện. Và cố gắng cùng với những người cũng yêu thích làng nghề làm những việc thiết thực, tôn vinh và gìn giữ những nét đẹp của văn hoá làng quê Việt Nam.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.