Nền giáo dục Việt Nam đã tồn tại, phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ của 77 năm phát triển, thay đổi không ngừng của giáo dục Việt Nam từ năm 1945 đến nay.

Sau 77 năm chặng đường phát triển của ngành giáo dục, mỗi thầy cô trực tiếp đứng trên bục giảng đều mang trong mình những cảm xúc, những tâm sự muốn chia sẻ sau nhiều năm gắn bó với nghề.

Cô Bùi Thị Hoa (giáo viên trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội), người đã có 31 năm kinh nghiệm dạy học tâm sự: “Nền giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều chuyển biến, đặc biệt là trong việc thay đổi các bộ sách giáo khoa cho phù hợp với sự phát triển của đất nước cũng như bắt kịp với thế giới. Các nội dung dạy học cũng được giảm tải, không nặng về lý thuyết mà thay vào đó là những bài tập thực hành, vận dụng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của các em. Trình độ nhận thức của học sinh cũng như khả năng sáng tạo, tư duy của các con ngày một tốt hơn nên đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên phải bổ sung thêm kiến thức, tham gia các lớp bồi dưỡng, các buổi tập huấn, chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng hiện đại, đảm bảo cho việc dạy và học của thầy và trò”.

Còn cô Vũ Thúy Bình - giảng viên khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), người có hơn 40 năm đứng trên bục giảng, lại có những nhận xét khách quan về sự thay đổi của nền giáo dục Việt Nam.

“Là một cán bộ, là một giáo viên đã tham gia giảng dạy trong suốt 40 năm, tôi thấy được sự chuyển biến của giáo dục Việt Nam. Thứ nhất, số lượng trường Đại học gia tăng, các vùng miền của tổ quốc đã có ngày càng nhiều trường Đại học và trải rộng khắp mọi miền, có thể thấy hình thức tiếp cận giáo dục và đào tạo của nước nhà là tương đối tốt. Số lượng sinh viên tăng lên, các trường Đại học trải rộng ra và đấy chính là quyền lợi của người dân và quyền lợi của người học đã được tiếp cận. Thứ hai cũng dễ dàng nhận thấy là chúng ta đã từng bước tăng cường được quyền tự chủ trong các trường Đại học và chất lượng giảng dạy từng bước nâng lên. Điều này cho thấy được là hàng năm, các tổ chức đánh giá của thế giới đã xếp đại học tại Việt Nam ở vị trí tốt và có xu hướng gia tăng sau các năm. Cuối cùng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, chúng ta đang bắt nhịp với tiến bộ nói chung của xã hội và ứng dụng công nghệ làm cho lĩnh vực học tập, giảng dạy, nghiên cứu chất lượng ngày một cao hơn”.

Song, bên cạnh những mặt tích cực trong quá trình phát triển của nền giáo dục, vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo đó, nền giáo dục của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nền giáo dục của Việt Nam đã có những bước thay đổi nhằm mục tiêu đổi mới, hội nhập so với khu vực và thế giới đang ngày càng tiến bộ. 

Tuy nhiên, một trong những khó khăn nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay chính là việc “thiếu giáo viên”. Trong một phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã đề cập cụ thể tới một số giải pháp để giải bài toán thiếu giáo viên như quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; các địa phương theo phân cấp cần chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học. Tăng cường chuyển đổi số, mở rộng hệ thống bài giảng điện tử, nhất là đối với các môn học đặc thù như: Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật…; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có điều kiện. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết: “Trước mắt, giải pháp đối với ngành giáo dục là tiếp tục tham mưu, phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính. Cần phải xác định và nhìn nhận rõ ràng, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là hạt nhân quan trọng, đầu tư, quan tâm đến giáo dục là điều kiện tiên quyết nếu muốn đất nước phát triển toàn diện hơn". 

Hiện nay, ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc dạy học giúp nhà trường hiểu về giá trị chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Ngành Giáo dục đang tiếp cận công nghệ với xu hướng “đi từng bước” và “bước tới đâu chắc tới đó”. 

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình trả lời phỏng vấn của phóng viên

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc phương thức giáo dục truyền thống đó là phi truyền thống và truyền thống kết hợp với nhau. Quan trọng nhất là phương pháp luận, cách thức tư duy của tổ chức hoặc cá nhân sẽ quyết định cái sự thành hay bại của nền giáo dục trong công nghệ và ngược lại. 

“Ngày trước, vẫn còn tồn tại nhiều lầm tưởng về việc đưa công nghệ vào quá trình giảng dạy. Là một người đứng đầu ngành giáo dục quận Ba Đình, tôi cho rằng chúng ta cần phải xác định rõ: giáo viên chính là trung tâm chứ không phải công nghệ. Cần đào tạo các giáo viên tốt hơn về kiến thức và kỹ năng bởi đó mới chính là yếu tố cốt lõi tạo nên nền giáo dục phát triển, sau đó mới đến đầu tư vào công nghệ giảng dạy. Công nghệ phải là phương tiện giúp cho công việc hiệu quả hơn chứ không được cản trở, gây bất lợi” – ông Lê Đức Thuận chia sẻ. 

Sau 77 năm phát triển, giáo dục Việt Nam đang chạy đua cùng với sự phát triển về khoa học công nghệ. Đặc biệt, sau hai năm COVID-19, việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy đã trở thành phương thức truyền tải kiến thức mới. Xã hội đòi hỏi có một nền giáo dục kiểu mới để tạo nguồn nhân lực thích ứng với nền kinh tế số. Đây cũng là trở ngại lớn cho các thầy cô như về kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ thông tin để kết hợp hài hoà giữa phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại.

Trong điều kiện hiện nay, hơn lúc nào hết, cần có cơ chế và chính sách khơi dậy niềm đam mê của người học, người thầy, nhà trường và toàn xã hội để nền giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN