Chúng tôi tìm đến “xóm thận”, khu trọ của hàng trăm bệnh nhân suy thận, nằm sâu trong con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đối nghịch với những tòa nhà cao tầng nơi “tấc đất tấc vàng” giữa lòng Thủ Đô là những căn nhà cấp 4 xiêu vẹo, ẩm thấp, chật chội. Mỗi con người nơi đây là mỗi mảnh đời dang dở, dù cho ước mơ chắp cánh bay cao vẫn bị hiện thực “ghì sát đất”. 

Ông Mai Anh Tuấn (48 tuổi, H.Ba Vì, Hà Nội), trưởng xóm chạy thận cho biết hiện cả xóm có 110 nhân khẩu, đều xuất thân từ các vùng nông thôn, điều kiện kinh tế eo hẹp. 

 



Hai lần tìm đến xóm thận, chúng tôi mới gặp được anh Giáp (20 tuổi, Ninh Bình) - người trẻ tuổi nhất xóm. Ấn tượng đầu về nam thanh niên là thân hình nhỏ con, gầy gò, chưa cao nổi mét tư. Nếu không biết về hoàn cảnh của Giáp, có lẽ không ai tin chàng trai này đã đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người. 

Phòng trọ của Giáp nằm tận cùng con ngõ, chật chội và thiếu thốn đủ thứ. 
Phòng trọ của Giáp nằm tận cùng con ngõ, chật chội và thiếu thốn đủ thứ. 

Căn phòng anh đang ở nhỏ nhất xóm, anh Giáp chọn ở đây vì giá phòng rẻ, 800.000 đồng/tháng. Mọi sinh hoạt đều gói gọn trong 6 mét vuông, thậm chí bếp, bình ga đặt sát cạnh giường nằm. Đồ ăn nhà tài trợ cho, anh để riêng một góc, quần áo không có tủ đựng nên treo móc ngổn ngang. 

Giáp đã sống ở đây được 5 năm. Anh bị suy thận bẩm sinh, nhà lại có 8 anh chị em nên kinh tế rất khó khăn. Ốm đau bệnh tật, chạy chữa triền miên, anh học hết lớp 4 là dừng hẳn. Ban đầu, gia đình đưa anh đi chữa ở viện tỉnh, đến khi bệnh chuyển nặng hơn, một mình anh xuống Hà Nội “chạy thận”. 

“Đây là cái nghiệp tiền kiếp của tôi rồi. Bình thường đâu ai vừa ra đời đã nhận ‘án tử’ như tôi”, anh Giáp cười buồn tâm sự với chúng tôi. Anh coi số phận đã an bài cuộc đời mình từ khi sinh ra đã gắn liền với bệnh viện, học hành dở dang và một tương lai mù mịt. 

Đa phần các bệnh nhân chạy thận đều được Nhà nước hỗ trợ trong bảo hiểm. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng cần thêm tiền để mua thêm thuốc điều trị, tiền ăn uống, sinh hoạt. Ngoài 3 ngày trong tuần đi chạy thận, hoặc những lúc đỡ mệt khi hết ca chạy, Giáp đi đánh giày thuê quanh bệnh viện Bạch Mai. “Ngày nào mát trời, người ta đi giày nhiều thì hôm đó tôi kiếm được vài trăm. Còn bình thường chỉ được dăm bảy chục nghìn, tôi làm cũng không đều vì mệt thì không làm được gì ra hồn”, anh chia sẻ. 

Chàng trai trẻ giơ 2 cánh tay da bọc xương cho chúng tôi nhìn những vết chằng chịt, u cục nổi lên, đó là dấu vết sau nhiều năm chạy thận. Anh giải thích: “Chạy thận lâu thì cục này nó càng to giống như tập gym ấy, vùng cơ nào phải hoạt động nhiều thì nó căng to cơ lên. Máu chạy từ tay vào người nhanh hơn tim, nên để lại vết tích trên người.”

Hà Nội vào mùa mưa, phòng trọ của anh Giáp dột nặng. Bố anh tranh thủ xuống lợp lại cho con rồi về luôn trong đêm vì hôm sau còn đi làm. Anh chị ở quê cũng bận học hành, mưu sinh, hiếm khi lên thăm anh. Đã rất lâu rồi chàng trai này chưa được về quê, chưa được ăn cơm với gia đình. Không có bạn ở đất thủ đô, cuộc sống ngày qua ngày của anh cứ thế trôi qua trong sự cô độc. 

Người dân ở xóm thận tâm sự với chúng tôi, sáng dậy mở mắt ra thấy mình vẫn còn sống là may mắn, bởi có người mới hôm qua trò chuyện, nay đã không còn nữa. Có người không phải chỉ bị suy thận mà cơ thể yếu ớt còn phải gồng gánh những căn bệnh khác nữa. 

Chị Trang (35 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) chính là người chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh của anh Giáp. Không hơn gì Giáp, cuộc đời chị Trang gắn liền với máy bơm máu, lọc thận khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi. Chị ví mình “như cây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sĩ, gia đình”. Nhà chị chỉ cách viện vài ba chục cây số nhưng cả năm trời mới được nhìn thấy ngôi nhà của mình, vì cuộc sống phải bám lấy những chiếc máy chạy thận. Tính đến nay đã hơn 13 năm, chị Trang “sống chung với lũ”. 

Bệnh tật ập đến liên tục khiến chị Trang không đủ khả năng lao động. 
Bệnh tật ập đến liên tục khiến chị Trang không đủ khả năng lao động. 

Cả ngày chỉ ngồi trên giường, đấm bóp bên chân đau nhức, chị kể cho chúng tôi khoảnh khắc định mệnh chỉ vừa diễn ra đầu năm nay thôi, nhưng đã khiến cuộc đời của người con gái Hà Nội này rẽ sang bước ngoặt mới. Chiều mùng 2 Tết Giáp Thìn, khi chuẩn bị đồ đạc về ăn nhà với bố mẹ, chị bỗng thấy xây xẩm mặt mũi, khó thở. Được mọi người đi đưa cấp cứu, và khi tỉnh lại thì một bên chân của chị đã bị cắt bỏ. 

“Ban đầu, người nhà giấu tôi, nhưng tỉnh táo lại thấy chân mình không còn nữa, tôi muốn gục ngã, khóc không khóc nổi. Hóa ra tôi bị nhiễm khuẩn mô mềm hoại tử, để bệnh nặng quá nên bác sĩ bảo chỉ còn cách bỏ chân mới giữ được mạng”, chị Trang kể với giọng buồn rầu. 

Sức khỏe vốn đã yếu nay lại càng yếu hơn. Ngoài máy lọc thận, chị Trang có thêm 2 cái chống nạng, cái chân giả làm bạn. Việc đi lại của chị cũng gặp khó khăn hơn mọi người. 

Cũng giống chị Trang, chị Ly (31 tuổi, Nam Định) phát hiện mắc bệnh suy thận khi vừa tròn 20 tuổi. Nếu chỉ nhìn thoạt qua, khó ai biết được cô gái thân hình nhỏ nhắn như học sinh cấp 2 đang ngày ngày đối mặt với hàng tá bệnh. 

Từ ngày chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai, chị Ly hiếm có cơ hội về quê. 
Từ ngày chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai, chị Ly hiếm có cơ hội về quê. 

“Chi phí hàng tháng dành cho thuốc men nhiều lắm. Uống nhiều thuốc tây thì ảnh hưởng dạ dày phải mua thuốc dạ dày, rồi lại đến canxi, thuốc tim, thuốc huyết áp, thuốc bổ gan,... Đấy còn chưa tính nếu mệt mỏi thì truyền đạm”, chị Ly liệt kê và nói tiếp: “Uống sợ thuốc luôn, có những viên thuốc to đắng, nghĩ vẫn thấy ám ảnh.”

Bệnh chồng bệnh, sức khỏe của chị Ly yếu ớt nên chỉ có thể nhận những công việc không đòi hỏi di chuyển nhiều. Chị nhận làm tranh thủ công tại nhà, số lượng hoàn thành mỗi ngày phụ thuộc vào sức khỏe nên thu nhập rất bấp bênh. 

Theo chị Ly, bệnh suy thận sợ nhất mùa hè. Chị cho hay: “Tôi hay chóng mặt, huyết áp thấp chỉ 40/60. Người thường nóng chút chịu được, còn bệnh như tôi thì nóng khó thở lắm, vì sức đề kháng kém mà, có khi đang bình thường lại mệt lả đi. Nhưng chỉ cần truyền chai nước muối lại tỉnh, bệnh này như bệnh giả vờ ấy".

Trong căn phòng 10 mét vuông, những người bệnh như chị Trang, chị Ly chỉ biết ngày ngày nhìn ra cửa chính, ánh mắt chứa đựng nhiều tâm sự. Họ chấp nhận sống trong cảnh “chim giam lồng sắt”, sống chật vật, tù túng. Khu trọ lập tấm fibro nên mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông lại thấu xương. Họ đã sống như thế nhiều năm, sống nhưng không dám ôm hi vọng vì sợ cuộc đời một lần nữa lại gieo rắc thêm sự trớ trêu. 

Xem trọn Kỳ 2: Phận đời đang dở nơi "xóm chạy thận".

 
Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN