Muôn kiểu tiết kiệm của sinh viên ở ký túc xá

(Sóng trẻ) - Ký túc xá (KTX) là sự lựa chọn của nhiều sinh viên khi rời quê hương lên thành phố học Đại học. Tuy nhiên, ở KTX cũng có không ít những “khó khăn” mà chỉ những sinh viên đã từng trải nghiệm mới có thể cảm nhận hết được. 

Tiết kiệm bằng... mồ hôi

Với mức thuê 200 ngàn đồng/tháng, Quốc Anh (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sống cùng 4 người bạn trong căn phòng không điều hoà, bình nóng lạnh tại một khu KTX trên đường Nguyễn Phong Sắc. Những ngày trời nóng nực hoặc lạnh buốt, các sinh viên phải cố gắng để “chống chọi” với thời tiết.

"Phòng mình ở có hai giường tầng, ở 4 người thoải mái rộng rãi nhưng không có điều hoà, bình nóng lạnh. Con trai chúng mình vẫn chịu khó tắm nước lạnh vào mùa đông, nhưng mùa hè đến thì khá chật vật”, Quốc Anh chia sẻ. 

z5732746787590_56f82dfe5deab65f8f128dd91c26ffb3.jpg
Những ngày Thủ đô nắng nóng đỉnh điểm, cả phòng thường chọn quán cà phê để học bài, khi "bí tiền" thì đành tiết kiệm bằng việc đổ mồ hôi. (Ảnh: Vượng Lê).

Còn với Đ.T.V (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm), mỗi tháng nam sinh mất 2,3 đến 2,5 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt. Căn phòng cũ, bí bách, ẩm thấp, không điều hoà, bình nóng lạnh… là nơi ở của 6 "thầy giáo tương lai". Tại KTX Trường Đại học Sư phạm có những toà mới hơn, có thêm bình nóng lạnh trong phòng nhưng "số lượng có hạn" và vì tiết kiệm, Đ.T.V cùng các bạn vẫn cố gắng xoay xở trong căn phòng tồi tàn.

z5732748094655_b23f21759b560b34ce380d24727afe82.jpg
Bên trong căn phòng tại toà A8 (toà cũ nhất) - KTX Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

"Mỗi tháng mình mất 90 nghìn tiền gửi xe và khoảng 250 - 350 nghìn tiền điện. Có những đợt ký túc xá mất nước, chúng mình phải mua nước bên ngoài, cũng tốn kém thêm một khoản tiền. Nắng nóng quá, chúng mình mua nước rồi “tá túc” ở cửa hàng tiện lợi, vì giá thuê phòng rẻ nên đành chấp nhận thiếu thốn và tìm cách khắc phục".

Nấu ăn trong “thấp thỏm”

Bên cạnh chuyện điều hòa, nóng lạnh, một số ký túc xá thường quy định sinh viên không được nấu ăn trong phòng để đảm bảo an toàn về mạng lưới điện, phòng cháy chữa cháy... Tuy nhiên, việc nấu ăn trong phòng là chuyện diễn ra hằng ngày với nhiều sinh viên.

Những cuộc kiểm tra bất ngờ của các thầy cô giám thị, quản sinh trở thành ký ức không thể quên với các sinh viên. Nhiều khu KTX có cả “kho” chứa nồi niêu, xoong chảo… bị tịch thu từ những lần kiểm tra phòng đột xuất. 

z5732746778094_dd00bc8e43077f101bd8be2886c353d5.jpg
Chiếc bếp điện được "nguỵ trang" bên trong những chiếc thùng xốp. (Ảnh: Vượng Lê).

Nhắc nhở, cảnh cáo, tịch thu và thậm chí nhiều sinh viên phải "rời nhà chung" nhưng tại sao việc nấu ăn bên cạnh quy định cấm vẫn luôn là "đặc sản" của ký túc xá? Bởi chuyện ăn uống chiếm phần lớn túi tiền của sinh viên.

"Có lần bạn cùng phòng mượn bếp của mình để rán xúc xích. Bạn mình hơi 'quá lửa', khói bay vào cảm biến báo cháy khiến còi báo động vang cả ký túc xá. Ngay sau đó mình bị thu chiếc bếp điện mới mua. Đó cũng là lần cuối chúng mình nấu cơm trong phòng" - Nguyễn Thuận (Khu KTX Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.

z5732746774291_eedf4fa41515c2ace6bd1ab8e1bdd94d.jpg
Để đảm bảo việc an toàn phòng cháy chữa cháy cho sinh viên, hoạt động tuyên truyền cảnh báo được diễn ra thường xuyên. (Ảnh: Vượng Lê).

"Gói xôi 15 nghìn đồng cho bữa sáng còn bữa trưa và tối mình ăn cơm quán 30 nghìn đồng/suất, một ngày tiền ăn dao động từ 75 đến 80 nghìn đồng. Riêng tiền ăn cơ bản đã hết 2 triệu 400 ngàn/tháng chưa kể đến tiền nước, lâu lâu bạn bè rủ ăn uống, cà phê, vậy là mình hết gần 3 triệu đồng" - Bài toán nhỏ từ Minh Tuấn (sinh viên năm 3 trường Đại học Giao thông Vận tải) sau 2 năm ở KTX. 

Tuấn nói vui: "Thời gian đầu, mình cũng bất ngờ vì chi phí sinh hoạt cao không khác gì bên ngoài, có những tháng mình xin mẹ đến 4 triệu. Mình thấy muốn tiết kiệm thì chấp nhận tự nấu trong lo sợ hoặc là nhịn ăn".

Nhiều sinh viên chia sẻ "bí kíp" để nấu ăn trong phòng như dùng túi nilon đen hoặc mang ba lô đi chợ, không nấu thức ăn có mùi... nhưng quan trọng nhất là độ "dễ tính" của các thầy cô giám thị, quản sinh. Thương sinh viên, nhiều thầy cô "buông lỏng" việc nấu nướng trong phòng, nhưng với nguy cơ cao mất an toàn PCCC như hiện nay, việc thắt chặt quy định để đảm bảo an toàn là điều chắc chắn phải làm.

z5732746792301_0c864c8d7d148cd8746adec5f4cb8da9.jpg
Nhiều sinh viên cho rằng, chi phí để sống tại ký túc xá hiện nay tương tự như chi phí thuê phòng trọ bên ngoài. (Ảnh: Vượng Lê).

Nhiều khu KTX có nhà ăn, căng tin dành cho sinh viên nhưng với mức giá ngang, thậm chí là cao hơn bên ngoài. Theo ghi nhận của PV, tại một số cửa hàng trong các khu KTX, mức giá chênh lệch đến 5000 đồng/sản phẩm.

Nhiều sinh viên chấp nhận di chuyển xa để tìm quán ăn phù hợp hoặc lựa chọn đặt đồ ăn trên các nền tảng online. Ngọc Huyền (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Chúng mình thường đặt đồ ăn qua ứng dụng online, tiện lợi nhưng không rẻ vì mất tiền ship. Mỗi hộp đồ ăn tốn khoảng 40 nghìn đồng, thêm 10 đến 15 nghìn đồng tiền ship. Thường là một người đại diện đặt cho cả phòng”. 

Hàng tháng, Huyền phải chi trả 500 nghìn đồng tiền phòng; hơn 300 nghìn tiền điện, nước; hơn 3 triệu tiền ăn uống… Mỗi tháng, sinh hoạt phí của Huyền khoảng 4,5 - 5 triệu đồng.

Để đảm bảo an toàn PCCC cho sinh viên, việc tăng cường kiểm tra, thắt chặt các quy định về PCCC tại các khu KTX là điều cần thiết. Khi ấy, cùng với những căng tin, nhà ăn hoạt động không hiệu quả, số tiền thực tế để đảm bảo đời sống sinh viên tại các khu KTX chắc chắn sẽ tăng cao. KTX tại nhiều trường đại học hiện nay có thực sự là sự lựa chọn giá rẻ, thuận tiện cho sinh viên hay chỉ là giải pháp để sinh viên sống "thắt lưng buộc bụng"?

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN