Trò chuyện trực tuyến: Nhà văn, Đại tá Đặng Vương Hưng và những kỷ vật
Chương trình trò chuyện trực tuyến là cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu của thế hệ cha anh đi trước; đồng thời, qua những trang nhật ký thời chiến, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh, động lực, nuôi dưỡng lòng yêu nước và ý chí vươn lên.
Hơn 20 năm qua, Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng vẫn miệt mài sưu tầm những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam. Ông được biết tới là một người chuyên về tư liệu chiến tranh và là nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, đã 2 lần xác lập Kỷ lục Việt Nam về bộ sách này. (Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” dày gần 5.000 trang, và tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” dày gần 1.000 trang).
Để độc giả có thể giao lưu, trò chuyện và hiểu hơn về cuộc sống, sự nghiệp của người sưu tầm những lá thư, nhật ký thời chiến Việt Nam, nhóm sinh viên Báo mạng điện tử K41 đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - Nguyên Phó TBT Báo An ninh thế giới - Công an Nhân dân; Trưởng BBT Sách Văn học, NXB Công an Nhân dân; người sưu tầm và giới thiệu nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Chương trình có sự tham gia của Đại tá Đặng Vương Hưng, một cựu chiến binh và nhà văn tài năng, đã không ngừng sưu tầm, biên soạn và công bố những lá thư, nhật ký quý báu từ thời chiến tranh. Với một tâm huyết đặc biệt dành cho tư liệu lịch sử, ông đã trở thành người tiên phong trong việc xây dựng bộ sách đồ sộ “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, góp phần quan trọng vào việc lưu giữ và tôn vinh ký ức hào hùng của dân tộc. Bộ sách đã hai lần xác lập Kỷ lục Việt Nam: Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” dày gần 5.000 trang, và tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” dày gần 1.000 trang.
- PV: Thưa Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, cuốn "Nhật ký Mãi mãi tuổi 20" ra mắt năm 2005, cùng với cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đã thổi một cái nhìn sâu sắc hơn về những người lính sinh viên một thời. Điều đã làm nên sức hút của những cuốn nhật ký này?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Trước hết cho tôi được gửi lời cảm ơn tới các thầy cô tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cách đây tròn 40 năm, tôi thi đỗ vào trường Báo. Dù chỉ theo học tại trường 2 năm nhưng tôi đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá, học hỏi được rất nhiều điều từ ngôi trường này.
Trong quá trình tôi đi sưu tầm những lá thư, nhật ký của người lính tại chiến trường, anh trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - tác giả của nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" đã tiết lộ với tôi những trang nhật ký đó. Gia đình của anh rất muốn xuất bản những bức thư thành sách, in bìa cứng. Họ cho tôi đọc nhật ký và thực sự nó có rất nhiều điều đáng kinh ngạc. Những ghi chép của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là những ghi chép của người có trí thức tại Hà Nội, nội dung nói về những cách sống, triết lý. Ngoài ra, nó còn trích dẫn cả văn học Nga, Trung Quốc và đặc biệt anh rất giống Phạm Tiến Duật.
Đầu tiên, tên của cuốn sổ tay đó rất đơn giản thôi: “Chuyện đời” nhưng gia đình đề xuất thành “Chuyện đời của anh lính binh nhì”. Cơ duyên thay đổi tên nhật ký mà các bạn biết hiện nay đến từ một sự tình cờ đầy duyên phận. Khi ấy, các bạn sinh viên đến thực tập tại báo Công an nhân dân. Họ gặp chị Như Anh (TS Nguyễn Thị Như Anh) - người bạn gái liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc có hỏi rằng: “Bác Như Anh ơi, cái thời bác yêu anh Nguyễn Văn Thạc có giống như chúng cháu yêu nhau bây giờ không?”.
Và tôi nhận một thứ rất lạ: “bác” Như Anh và “anh” Nguyễn Văn Thạc. Nếu liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc còn sống thì bây giờ cũng 60 tuổi, hơn cả tuổi TS Nguyễn Thị Như Anh nhưng các bạn ấy lại gọi như vậy. Tôi nhận ra rằng anh hy sinh vào độ tuổi 20 - tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Thế nên cái tên “Mãi mãi tuổi 20” ra đời và cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" tiếp tục phong trào tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.
- PV: Bạn đọc ngày nay đều biết, "Mãi mãi tuổi 20" là những dòng nhật ký đầy chân thật, gần gũi và bình dị ghi lại một thời chiến tranh ác liệt của một người lính tại chiến trường. Khi còn là một người lính chiến đấu bảo vệ tổ quốc tại biên giới phía Bắc, chắc hẳn Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng cũng từng viết thư tay, nhật ký. Và có khiến ông cảm nhận dễ dàng hơn giá trị của những lá thư, những trang nhật ký và nội dung trong đó hay không?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Đúng như vậy! Tôi là một người lính nhập ngũ 1976, thế hệ chúng tôi là thế hệ những người lính chiến đấu bảo vệ biên giới. Những người lính trong chiến tranh tóm tắt trong ba chữ: đói, rách, rét. Bữa ăn chủ yếu là rau rừng, sang thì có thịt, ăn độn, bo bo, sắn. Quanh năm chúng tôi cởi trần dù hè hay đông, hàng chục ngày không được thay quần áo. Người lính bị bệnh ghẻ lở, hắc lào là chuyện bình thường. Mùa lạnh trên các miền núi phía Bắc lạnh thấu xương, không được trang bị như bây giờ. Chúng tôi phải đốt lửa để sưởi ấm. Thời đó chưa có Internet hay mạng xã hội, muốn liên lạc chỉ có cách viết thư. Tôi đã viết phải đến hơn chục cuốn nhật kí.
Nhật ký là thể loại riêng tư, tâm sự dành cho chính mình. Nhật ký như một người bạn. Trong thời kháng chiến chống Mỹ và Pháp, hầu như nhật ký chỉ viết một chiều. Đường ra trận đẹp vô cùng nhưng rất vất vả, đổ nhiều máu, nước mắt… Những điều đó văn học không nói đến nhưng nhật ký lại nhắc đến một cách chân thực, khách quan. Những trang nhật ký mà tôi sưu tầm được để xuất bản thành những cuốn sách cũng nhắc tới những điều như vậy. Và tôi cho rằng, đó là điều thuyết phục được người đọc.
- PV: Thưa Đại tá, cuốn sách “Nhật kí thời chiến Việt Nam” và tuyển tập “Những lá thư thời chiến” được bắt đầu với một cuộc vận động vận động sưu tầm và xuất bản những lá thư và nhật ký thời chiến do ông phát động cách đây 20 năm. Cơ duyên nào đưa ông tới với cuộc vận động đó?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Đó là vinh dự và may mắn khi tôi cầm súng bảo vệ miền Bắc nhưng lại làm báo. Những giá trị văn, võ hội tụ trong tôi. Nếu tôi không phải người lính thì không hiểu được những giá trị đó. Ngược lại, nếu tôi không học báo thì sẽ không biết cách biến những trang thư thành báo.
Thời gian còn công tác tại báo Công an Nhân dân, tôi nhận ra, khi viết những bài về chiến tranh, nếu mình đưa những câu chuyện, đặc biệt là những kỷ vật của liệt sĩ vào trong bài, ví dụ như là thư tay, những trang nhật ký vào bài viết thì bài viết mang tính thuyết phục rất cao.
Ví dụ sau khi thuyết phục được anh trai ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, ngay lập tức, tôi đã viết 1 loạt bài phóng sự nhiều kỳ, đăng trên tạp chí An ninh Thế giới. Ngay lập tức, tập phóng sự gây được tiếng vang và rất nhiều cựu chiến binh cùng thế hệ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc liên hệ với tôi.
Đó là cũng là cách để thuyết phục gia đình và gia đình đã đồng ý cho in thành sách. Với tôi và tôi tin chắc rằng cả với các bạn, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm là đại diện cho thế hệ tri thức tại Thủ đô, đúng một cặp đủ nam-nữ.
Thế hệ anh Thạc và chị Trâm là thế hệ sinh viên lên đường nhập ngũ. Chúng tôi hiểu rằng họ là thế hệ vàng và đều có trình độ. Như Nguyễn Văn Thạc chẳng hạn, anh rất giỏi, đặc biệt là văn học và đủ điểm du học nước ngoài. Nhưng cũng như hàng vạn sinh viên, anh quyết định lên đường nhập ngũ. Họ đều viết nhật ký và nhiều người may mắn đã trở về.
- PV: Quá trình sưu tầm và biên soạn để ra được những tập sách rất đồ sộ như vậy, chắc hẳn với ông và đội ngũ của mình cũng gặp không ít những khó khăn?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Sự thành công của bài báo chính là cú hích để anh trai ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Thạch yên tâm giao toàn bộ cuốn sách, bản thảo nhật ký của anh cho tôi. Vào thời điểm 2005, việc xuất bản khó khăn lắm. Những cuốn sách in ra chủ yếu để tặng, và thường những bản in khoảng 500 bản, sách 300 bản mà có khi tặng cũng không hết.
Ấy vậy mà chúng tôi phải dùng mọi cách để thuyết phục nhà xuất bản Thanh Niên. Nói đến đây, tôi thực sự muốn gửi lời cảm ơn tới phóng viên, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Thời gian đó anh Cầm còn là cộng tác viên Tạp chí An ninh thế giới và anh cũng là đồng môn cùng học với anh Thạc, cùng đi bộ đội 1 ngày, cùng 1 đơn vị nên anh rất quan tâm tới bản thảo nhật ký tuổi 20.
Cũng rất may mắn, hồi đó NXB Thanh Niên - anh Mai Thuỳ Chính là 1 người anh em với nhà thơ Hoàng Việt Cầm và tôi nhờ anh Hoàng Việt Cấm thuyết phục anh Chính in quyển sách này. Tôi cam kết rằng: “Cứ in đi, tôi đảm bảo cuốn sách này sẽ bán được, tôi đảm bảo cuốn sách này sẽ không bù lỗ”. Dễ hiểu thôi, bao giờ NXB cũng quan tâm tới doanh thu mà. Như một cơ duyên, ngày 2.5.2005, sách chính thức xuất bản. Và cũng trong hôm đó, truyền hình Việt Nam có chương trình đầu tiên ra mắt “Chào buổi sáng” và Đài Truyền hình Việt Nam đã giành toàn bộ chương trình đó để nói về “Mãi mãi tuổi 20”.
- PV: Có những lá thư hay những tập nhật ký là những di vật còn lại duy nhất về người liệt sĩ đó đối với gia đình, cũng có thể là những trang nhật ký rất riêng tư trong “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Chắc hẳn ông đã từng rất khó khăn để thuyết phục thân nhân liệt sĩ đồng ý trao cho mình. Có nhiều không những câu chuyện như vậy và ông đã làm thế nào để thuyết phục họ?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Với nhiều người, cầm trên tay trang thư viết cách đây nhiều năm (50 năm) thì nhòe mờ hết rồi. Không hiểu giá trị của nó thì vô cảm. Nhưng chúng tôi lại khác, nhiều khi vớ được trang thư như vớ được vàng. Còn với các gia đình cựu chiến binh khi nhận được lá thư thì đó là một phần đời, đó là số phận của người thân và sự hiện thân của người ruột thịt.
Điển hình khi chúng tôi gặp gỡ bà mẹ ở Vân Hồ, bà nói chúng tôi có lá thư muốn gửi anh. Tuy nhiên hai năm sau tôi trở lại vẫn chưa nhận được lá thư. Phải đến lần thứ ba cụ dẫn lên bàn thờ và trao cho tôi lá thư. Cụ thắp hương mới lấy thư đưa tôi. Cụ nói rằng cụ già, cụ mất thì không ai gìn giữ nó nữa. Nó là không phải là kỉ vật, mà là di vật vì là đồ của người đã khuất. Giá trị thiêng liêng vô cùng.
Thời gian đầu tôi mất ngủ triền miên, tôi tưởng tượng có rất nhiều người quan sát mình. Đó phải chăng là vong linh của những người tôi đang ấp ủ, tôi muốn làm cho họ một thứ thiêng liêng. Sau áp lực quá, tôi không làm việc ban đêm nữa. Nhờ các bạn sinh viên làm việc và tôi chỉ làm việc bạn ngày nên công việc đỡ áp lực hơn.
Vào năm 2005, chúng tôi đặt vấn đề và tìm các công ty truyền thông liên để liên hệ lấy địa điểm tổ chức chương trình ra mắt sách. Chúng tôi phải chuyển địa điểm liên tục nhưng tôi không từ bỏ.Bởi tôi luôn có hy vọng, tin rằng các vong linh liệt sĩ luôn ủng hộ cho chúng ta nên phải làm đến cùng.
Với tập “Những lá thư tình đi qua chiến tranh”, tôi phải thuyết phục trong suốt 15 năm gia đình mới đồng ý xuất bản. Từ một trang thư, kỷ vật, di vật gia đình đồng ý cho công khai vì tính riêng tư của nó, tôi đều vô cùng trân trọng bởi chúng ta đều biết những gì công khai đều rất dễ “nhạy cảm”. Khi xuất bản được bạn đọc được đón nhận, tôi thấy rất cảm động.
- PV: Khi đã đồng ý trao cho ông, các gia đình liệt sĩ mong mỏi lớn nhất điều gì?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Nhiều người có tuổi như bà mẹ ở Vân Hồi thì cụ nghĩ khi cụ mất thì nhiều người sẽ không quan tâm. Và nếu trao cho tôi thì nó sẽ thành tác phẩm có ích cho cộng đồng.
Tôi đang điều hành tổ chức “Trái tim người lính”. Nhờ có chút kinh nghiệm làm báo, tôi xuất bản thành những cuốn sách “Trái tim người lính miền tây”, “Trái tim người lính Thủ đô”,..
Gia đình liệt sĩ chia sẻ rằng, thông qua những trang sách đó, họ thấy được phần đời của người thân, thấy được cuộc sống của người lính và đồng đội. Đối với tình thân ruột thịt, nó có giá trị vô cùng, giá trị với cuộc đời, với xã hội, với giới trẻ. Để chúng ta sống với sự biết ơn và hiểu rằng ông cha đã hy sinh ra sao để đổi lấy hòa bình như ngày hôm nay.
Chúng tôi thường xuyên có những hoạt động giá trị và công khai để lan tỏa. Thông qua những hoạt động như này, gia đình các liệt sĩ đều cảm nhận được người thân của mình còn tồn tại, người thân của mình còn giá trị với cuộc đời, còn tác động tích cực tới xã hội. Đó là điều quan trọng nhất, nhân văn nhất.
- PV: Trước đây ông đã nhiều lần từng nói sẽ tôn trọng tối đa sự thật trong các cuốn nhật ký. Nếu những cuốn nhật ký đó tường thuật các mặt không tốt trong chiến tranh, ông sẽ làm như thế nào?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Đúng như vậy. Tôi luôn tôn trọng tối đa văn bản gốc. Tôi đã phải xin ý kiến của người thân các chiến sĩ, tham khảo ý kiến các chuyên gia. Lấy ví dụ như cuốn “Mãi mãi tuổi 20”, các bạn mở lại sẽ thấy những ký tự ngày tháng được viết theo cách khá là “mới lạ” với bạn trẻ bây giờ. Chúng tôi giữ nguyên những kí tự ngày tháng như bản gốc của cuốn nhật kí đó.
Tôi để những ký hiệu y nguyên của chiến sỹ vì thể hiện được cảm xúc của nhà văn, nhà thơ… Thậm chí tiếng nước ngoài tôi cũng để nguyên, những từ ngữ riêng tư chỉ gia đình hiểu được tôi cũng để nguyên. Tôi tin rằng, chính sự riêng biệt đó đã hấp dẫn bạn đọc.
Về nội dung, chiến tranh có rất nhiều nỗi buồn, nước mắt, máu, sự hy sinh. Trong nhật kí, trong thư của người lính đều được kể lại hết. Hôm nay có ai hy sinh, hôm nay chôn bao nhiêu đồng đội, người lính đối diện với cái chết như thế nào...
Tác giả Trần Duy Chiến có một cuốn nhật ký viết trong chiến tranh biên giới Campuchia, anh ấy viết hết thói hư tật xấu của đồng đội. Những gì không nói được bằng lời, nhật ký chỉ nhật kí sẽ mới thực hiện điều đó.
- PV: Thưa Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, nhật ký chiến tranh ghi chép lại một cách chân thực bao gồm đầy những câu chuyện chết chóc, hy sinh. Câu chuyện từ những lá thư, nhật ký nào khiến ông cảm thấy xúc động nhất?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Thực ra thì mỗi một người lính ở mỗi địa phương nào đó đều có một hoàn cảnh riêng. Và khi chúng tôi đã chọn đưa vào tuyển tập, mỗi người có một nét riêng không ai giống ai.
Chi tiết xúc động nhất là tôi hiểu người lính bình thường với sư đoàn trưởng rất xa cách nhau, nhưng chiến tranh kết thúc, sư đoàn trưởng lại đi bốc mộ cho chiến sĩ của mình. Những người xuất hiện trong nhật kí của anh đều hy sinh hết. Đó đều là những câu chuyện ám ảnh và xúc động nhất trong trái tim tôi.
Đọc nhật ký của Chu Cẩm Phong sẽ thấy, thời đó làm báo vất vả vô cùng. Vừa làm báo, vừa phải tăng gia sản xuất. Có 1 lần tòa soạn tiếp khách quý, Chu Cẩm Phong đã phải mời họp chi bộ có nên nấu củ mỳ hay nấu cơm để mời khách. Thiếu thốn đến mức độ như thế đấy! Tôi khuyên những nhà báo trẻ nên đọc cuốn này để thấy rằng thời đó, họ đã làm báo trong khó khăn và vượt qua khó khăn ra sao.
Nhà báo nữ có thể đọc nhật ký của Chu Thị Xuân Quý, cùng hành quân với bộ đội Trường Sơn, cũng ba lô dép lốp, nam vất vả một thì nữ vất vả gấp mười lần nhưng chị Xuân quý vượt qua hết. Và chị đã hy sinh, hy sinh bi tráng vào 8/3/1969.
Chu Cẩm Phong bị khui hầm bí mật, lính Mỹ nhặt được nhật ký của ông và chuyển cho một chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, cũng là thầy giáo của chế độ cũ. Thầy giáo đó rất nhiều lần mang cuốn nhật ký này của Chu Cẩm Phong để giảng dạy cho học trò. Phải nói người thầy đó rất dũng cảm và liều lĩnh. Khi hoà bình lập lại, người thầy giáo đó trao trả lại cho đồng đội.
Tôi nhớ về những ngày ở chiến trường, thậm chí cách đây 5 năm thôi, ta còn dè dặt không nhắc đến trận chiến đó mà chỉ nhắc đến chiến trường Vị Xuyên. Nhưng thật ra trận đó kéo dài 10 năm, giờ vẫn còn hàng nghìn người truy tìm hài cốt. Khi đọc những trang sách đó, tôi thấy đồng đội của tôi trở về và tôi thấy mình phải nói hộ đồng đội tôi.
Không phải ai cũng có cơ hội làm báo, không phải ai cũng có cơ hội được lên tiếng. Nhiều người bị thương lắm, không nói đến những người bị hi sinh. Tôi rất muốn thông qua chương trình này, rất hy vọng bạn trẻ quan tâm hơn về những cuộc chiến của chúng ta.
Cũng rất may mắn được tiết lộ với khán giả của Sóng Trẻ, khi nhật ký của Trần Duy Chiến ra đời, Đảng bộ chính quyền địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng rất quan tâm, nhiều lần mời tôi vào nói chuyện. Cách đây 2 năm, hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên đường mang tên Trần Duy Chiến - một liệt sĩ rất trẻ.
- PV: Là một người lính từng trải qua sự khốc liệt của chiến trường nên Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng có thể dễ dàng cảm nhận được giá trị từ nội dung của những lá thư, nhật ký đó. Vậy còn những thế hệ người trẻ hiện nay thì sao? Theo ông, những bộ sách này làm thế nào để thu hút được với độc giả trẻ?”
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Gần đây chúng tôi có tổ chức chương trình “Phục dựng di ảnh màu cho anh hùng liêt sĩ. Các bạn trẻ tham gia phục dựng rất giỏi về công nghệ, AI. Những di ảnh được ra mắt đầu tiên là những người có công với kháng chiến. Thời trẻ, các chiến sĩ đẹp trai, hồn nhiên, phong độ vô cùng.. Các cụ còn hồi đó còn trẻ như vậy, như chúng ta bây giờ mà làm dc nhiều điều như thế. Vậy thì tại sao ngày ngay các bạn trẻ lại không làm được như thế?
Thể loại nhật ký là thể loại riêng tư. Tính trung thực của nhật kí đã thuyết phục bạn đọc. Các bạn có thể đọc để hiểu từ suy nghĩ các bậc tiền bối. Tôi tin các bạn sẽ học được rất nhiều điều trong những lá thư này, thấy được những cái thuận lợi, khó khăn. Các bạn có thể tìm hiểu để áp dụng trong các ngành nghề sau này. Đó là cách các cuốn sách này thu hút các bạn trẻ.
- PV: Vậy còn tình yêu của những người lính trong lá thư, nhật ký được thể hiện như thế nào, thưa ông
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Cái tình yêu trong chiến tranh khác bây giờ lắm, tất nhiên là sự rung động của tuổi 18,20 hay 80 tuổi cũng giống nhau cả thôi. Thời đó thì tình yêu đôi lứa đặt vào cái chung tình yêu đất nước. Dù riêng tư nhưng đặt lợi ích chung của đất nước lên trên.
Có người lấy vợ xong, hàng tháng sau anh mới ra bưu điện nhận mấy chữ chồng gửi về “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trở về”. Mấy chữ thôi nhưng có rất nhiều thông điệp. Một là người lính đó vẫn có ý chí cực kỳ là quyết tâm. Quyết tâm như thế thì sức khoẻ anh phải cực tốt. Anh đi từ rừng ra, anh có cái khẩu hiệu như này, anh đánh được bức điện như thế tức là tâm hồn anh phải lạc quan như thế nào thì mới có thể mạnh mẽ
Có người vừa cưới vợ xong, anh nói “anh nhớ em lắm, anh nhớ Hà Nội, anh nhớ Trung ương Đảng, anh nhớ Bác Hồ”, tưởng buồn cười nhưng ngẫm thì sâu sắc vô cùng.
Tổ quốc cần thì chúng ta xa nhau, đặt tình yêu đôi lứa xuống bên dưới tình yêu đất nước, tình yêu tự do.
- PV: Năm 2025 là kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước. Liệu Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng có tiếp tục công cuộc sưu tầm và biên soạn những “Lá thư hay Nhật ký thời chiến” Việt Nam?
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng: Hiện nay chúng tôi vẫn đang sưu tầm. Những năm gần đây mạng xã hội phát triển rất mạnh. Bản thân tôi cũng sử dụng mạng xã hội và có một diễn đàn mang tên “Trái tim người lính”. Hàng tuần tôi vẫn thường xuyên đăng bài, vận động sưu tầm thư và di vật của người lính. Các gia đình gửi tư liệu cho chúng tôi, hầu như tuần nào cũng có. Chúng tôi hy vọng vọng dịp kỷ niệm này có thể ra mắt “Nhật ký thời chiến tập 5”.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí vì để xuất bản một cuốn tốn đến hàng trăm triệu đồng. Nguồn kinh phí chủ yếu của chúng tôi là nguồn xã hội hóa. Rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của xã hội để các tác phẩm sớm đến tay bạn đọc.
Hiện nay, chúng tôi sưu tầm hàng vạn lá thư mà không biết biết người nhận còn sống hay đã mất. Một số lá thư được đã trải qua dấu tích thời gian rất mờ, khó xử lý. Mong tới đây nhận được tư liệu thì sẽ thuyết minh rõ hơn, ở đâu… để rõ thông thông tin hơn. Tương lai, chúng tôi dự định mở một bảo tàng mang tên online “Trái tim người lính” và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các bạn trẻ để thực hiện được dự định đó.