Những cư dân ở “xóm chạy thận”, “xóm ung thư” đến từ những miền quê khác nhau, nhưng đều có chung một ước mơ được sống, được khỏe mạnh dù điều đó còn xa xôi. Ở hai xóm này, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh thì khát vọng sống lại càng mạnh mẽ, trái ngược với ý nghĩ thông thường: “Bị bệnh này coi như cuộc đời chỉ còn lại màu đen”.
Trong căn phòng ẩm thấp, tối tăm tận cùng khu trọ của anh Giáp (quê Ninh Bình) lại chứa rất nhiều sách. Những cuốn sách được anh trai mua cho để đọc cho bớt chán đến những cuốn sách chàng thanh niên tự mua từ việc chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ công việc đánh giày, đều được anh xếp gọn gàng một nơi cao ráo nhất, thoáng nhất trong phòng. Đây là món quà tinh thần tiếp thêm cho Giáp niềm tin vào điều tốt đẹp trong cuộc sống, là động lực để vượt qua những ngày cô đơn, lạc lõng giữa chốn Hà thành.
Và cũng giống như bao người bệnh phải “sống chung với lũ”, chàng trai quê Ninh Bình luôn mong muốn được khỏi bệnh, may mắn sẽ đến gõ cửa. Gia đình là chỗ dựa tinh thần, là ước mơ đoàn tụ giúp anh sống mạnh mẽ, lạc quan, đầy hy vọng.
Khi được hỏi về ước mơ, anh trả lời đầy hồn nhiên: “Tôi muốn được đi học lắm, muốn học một cái nghề để có thể lo cho bản thân, rồi về quê làm việc. Tôi rất thích sống ở quê, vì có bố mẹ, anh chị và nhà gần biển nữa”.
Cô Liên (Bắc Giang), cư dân “xóm ung thư” là minh chứng cho nghị lực sống mạnh mẽ. Khi phát hiện bệnh đã di căn giai đoạn 3, bản thân cô có nhiều nỗi lo sợ, song cô vẫn lạc quan, giữ tâm thế đón nhận mọi thứ. “Mới đầu biết bệnh, đêm nằm nghĩ ngợi, chán chường khóc suốt đấy. Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng không được ủ rũ, vì còn con còn cháu, cứ buồn mãi cũng ảnh hưởng đến nó, nó đi làm không yên tâm”, cô Liên cho hay.
Dường như chưa quen với cái đầu đã rụng hết tóc của mình, cô Liên cứ xoa xoa đầu, cảm thấy ngại khi có người hỏi thăm,“Phụ nữ mà mất tóc trông xấu đi nhiều lắm đấy, cũng không tự tin đâu vì trông già đi hàng chục tuổi”. Dù vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, nụ cười luôn nở trên môi cô, ánh mắt đôn hậu, vui vẻ.
Trong những ngày xa nhà, điều khiến cô vui vẻ nhất chính là những lúc ngồi ngắm ảnh con, cháu quây quần. Những bức ảnh lưu lại trong điện thoại giúp người bà, người mẹ thêm nghị lực sống, chiến thắng bệnh tật để sớm rời khỏi “xóm ung thư”, được về quê đoàn tụ với gia đình.
Cùng ngõ với khu trọ của cô liên, khu trọ nơi ông Trường (Ninh Bình) đang sống luôn ngập tràn tình thương, sự đoàn kết. Họ trao cho nhau sự ấm áp, sức mạnh để cùng vượt qua nghịch cảnh, nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn. “Ở đây thoải mái hơn ở nhà, mình không ảnh hưởng tinh thần con cái. Khu trọ này vui lắm, tứ xứ đổ về đây, cũng bệnh tật cả. Tối đến ngồi hành lang nói chuyện, chỗ nấu ăn chung, có gì đem ra ăn với nhau”, ông Trường vừa kể vừa giơ lọ chè cầm từ Ninh Bình lên, coi như đây là quà để anh em có cái ngồi nhâm nhi.
Ở xóm chạy thận, không ai không biết đến câu chuyện tình yêu giữa chị Trang (Thanh Oai, Hà Nội) và anh Thưa (Nam Định). Cả hai nên duyên từ khu trọ này, những mảnh đời dở dang tìm thấy nhau giữa bộn bề cơ cực. Họ dọn về “góp gạo thổi cơm chung”, nương tựa vào nhau đã nhiều năm qua. Không dám mơ về mái ấm gia đình, những đứa con thơ, chị Trang nói mình tự nguyện nên không cần giấy tờ kết hôn ràng buộc, chỉ mong anh thương chị, vậy là đủ.
Trong những khoảnh khắc sinh tử nhất của đời mình, chị Trang luôn có anh Thưa bên cạnh đồng hành, tiếp thêm hy vọng sống. “Mùng 2 Tết, nghe tin tôi vào viện phải cắt bỏ một bên chân, anh lại từ quê xuống Hà Nội ngay trong đêm. Anh động viên tôi rất nhiều trong lúc tôi tuyệt vọng, túng quẫn”, chị Trang kể lại với giọng bùi ngùi.
Những ngày không phải đi lọc thận, anh Thưa chạy xe ôm kiếm thêm thu thập. Chị Trang không thể đi lại nhiều nên chỉ quanh quẩn ở phòng trọ, nấu ăn, đợi anh về. Chi phí sinh hoạt của cả hai phụ thuộc vào đồng tiền anh làm ra.
Dẫu khó khăn, họ vẫn hạnh phúc và dành cho đối phương nhiều cử chỉ yêu thương, lãng mạn. Trong căn phòng trọ nhỏ, vẫn có chỗ để một bó hoa hồng mà anh đã dành tặng cho chị cùng những tấm hình chụp chung. “Anh thích hình thức và cũng là một người lãng mạn, nhờ có anh mà chị vui vẻ hơn nhiều, cả hai cùng nương tựa vào nhau sống”, chị Trang nhắc về người bạn đời với đôi mắt long lanh, nụ cười hạnh phúc.
Cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận hay ung thư giống như “một cổ hai tròng”, bởi gánh nặng chi phí điều trị lẫn nỗi lo cơm áo gạo tiền đến cùng một lúc, đè nặng trên vai. Như người đời hay nói, trong cái khó mới thấy tình người, nhiều cá nhân, tổ chức đã chung tay giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Mỗi người một việc, tất cả đều làm bằng tình thương đối với những mảnh đời nhỏ bé kém may mắn.
Mở phòng trọ đã hơn 5 năm, ông Chu Văn Chánh (chủ nhà trọ số 40, Tổ 15, P.Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội) tâm niệm luôn sát cánh hỗ trợ, chia sẻ với những người bệnh tới thuê trọ. Ông nói: “Ở ngoài kia, mạnh thường quân tài trợ cháo từ thiện, bánh trái thì tôi làm nhà trọ cũng phải giúp đỡ người bệnh cho đúng lẽ, lúc nào cũng tạo điều kiện hết sức. Với những bệnh nhân ở lâu, thiếu thốn, tôi cũng đỡ đần một phần. Ví dụ người ta phải đóng 10 thì tôi chỉ thu 8. Giá phòng một đêm là 150.000 thì tôi chỉ lấy 100.000 - 120.000 thôi. Về nấu nướng, tôi hỗ trợ tiền ga, tiền điện, một phòng 2 - 3 người chỉ thu 10.000, gọi là cho có”.
Nhóm Từ Tâm được thành lập với 3 thành viên chính, âm thầm làm việc thiện suốt gần 8 năm qua. Khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhi éo le, không có khả năng thuê trọ nên phụ huynh và các cháu phải lang thang, vạ vật khắp nơi, chị Vũ Thị Hằng (Hà Nội) cùng các thành viên Từ Tâm quyết định thành lập nhà trọ 0 đồng, mở cửa miễn phí chào đón họ. Hiện tại, nhà trọ 0 đồng đang có 2 cơ sở, đều nằm ở vị trí gần bệnh viện K Tân Triều (Hà Đông, Hà Nội) để thuận lợi cho việc di chuyển, khám bệnh của các cháu.
Chi phí thuê mặt bằng dao động hơn 20 triệu đồng/tháng, nhóm Từ Tâm kêu gọi mạnh thường quân cùng chung tay, góp sức. Mô hình nhà trọ 0 đồng của chị được nhiều người hưởng ứng, đánh giá cao. Bố mẹ nhi dành nhiều sự biết ơn cho nghĩa cử cao đẹp này. “Các cô rất có tâm có đức, hỗ trợ từ nhà trọ, điện nước đến ăn uống. Tình cảm, vật chất, các cô kết nối với mạnh thường quân chung tay giúp đỡ các con ở đây nên cũng đỡ rất nhiều. Vì vậy, bố mẹ các cháu bảo ban nhau cùng dọn dẹp, chăm bẵm, đỡ đần nhau để các con được sống thoải mái nhất…”, chị Nguyễn Thị Ngọc - phụ huynh cháu Trường chia sẻ.
Chị Hằng tâm niệm hỗ trợ các bệnh nhi và phụ huynh hết sức, hết lòng. “Nếu các cháu xuống Hà Nội chữa bệnh mà hết phòng, chúng tôi sẵn sàng thuê phòng trọ riêng cho các cháu ở tạm. Nhóm Từ Tâm chắc chắn rằng không để cháu nào có nhu cầu ở 0 đồng mà lại mất tiền đi thuê trọ. Mọi chi phí do nhóm tôi tự chi trả, hỗ trợ phụ huynh và các cháu hết khả năng”, chị Hằng quả quyết cho biết.
Những phần quà mỗi dịp lễ Tết, những lời hỏi han, động viên về bệnh tình các em nhỏ tuy giản đơn nhưng là một niềm an ủi lớn đối với các bậc phụ huynh. Niềm vui ánh lên trong mắt những người cha, người mẹ khi từ nay họ đã bớt đi gánh nặng lo chuyện ăn, ở để chuyên tâm, dốc sức vào điều trị cho những thiên thần bé nhỏ của mình.
Chia sẻ về công việc không lương này, chị Hằng cho biết bản thân làm vì cái tâm và sự biết ơn với cuộc đời. Hiếm muộn hơn chục năm, cuộc đời chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có con. Nhưng khi phép màu xảy ra, chị lại càng tin hơn vào luật nhân quả, vào những trái ngọt mà công việc thiện mình đang làm.
Chung một trái tim yêu thương như nhóm Từ tâm, chi hội Phụ nữ tổ dân phố 14 phường Kiến Hưng, Hà Đông đều tổ chức 2 đợt phát quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại bệnh viện K3 Tân Triều, vào dịp Tết Nguyên đán và tháng 9 nhân dịp Tết Trung thu.
Bà Trần Thị Tuyến (63 tuổi), đại diện Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 14 cho biết, đợt phát tặng quà trung thu ngày 13/9, chi hội đã kêu gọi và vận động được 10.400.000 đồng và 104 túi quà cho các em nhỏ.
Bà Tuyến tâm sự: “Sống ở khu này đã hơn nửa đời người, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ quên lên thành phố chữa bệnh, và nhất là các cháu bị bệnh, tôi rất thương. Tôi cùng với các thành viên trong chi hội bảo nhau, đề xuất làm chương trình tặng quà hàng năm. Nhìn các cháu nhận tấm quà vui lắm, trong lòng tôi cũng thấy hạnh phúc”.
Ngoài ra, cá nhân bà Tuyến có 7 phòng trọ cho thuê, giá cho thuê thì lấy giá rẻ hơn để vơi bớt phần nào gánh nặng kinh tế cho người bệnh.
Ẩn sâu trong đôi mắt những người bệnh ở xóm ung thư, xóm thận vẫn là sự cam chịu, chấp nhận số phận. Nhưng tình yêu thương giữa con người và giữa những người đồng cảnh ngộ đã giúp họ có thêm nghị lực để lạc quan đối diện với cuộc đời. Dẫu chẳng dễ dàng vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, nhưng họ vẫn đùm bọc, đoàn kết bên nhau, chiến đấu với hy vọng chiến thắng được "án tử" đang cận kề, để khát khao về một tương lai tươi sáng phía trước.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.