Sân khấu nhỏ Ibsen là một dự án được thực hiện bởi chị Nguyễn Ngọc Bảo Dung (SN 1984), tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Sân khấu nhỏ là nơi chị Dung mang nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau cho những người muốn trải lòng, cần được chia sẻ và lắng nghe.
Chị Dung gây bất ngờ với hình ảnh một người phụ nữ chững chạc và một nụ cười tươi luôn nở trên môi. Cách nói chuyện cởi mở, nồng nhiệt phần nào thể hiện được niềm đam mê “xê dịch” và khát khao được kết nối với mọi người của chị. Tuy nhiên, ẩn sau con người ấy từng là một cô gái trầm tư, nhạy cảm, hàng ngày chật vật với đống suy nghĩ ngổn ngang trước khi tìm ra Sân khấu nhỏ Ibsen.
Chị Dung kể: “Tôi từng có thời gian rơi vào trầm cảm vì quyết định thi vào Đạo Diễn Sân Khấu tại TPHCM. Những thay đổi về môi trường sống là lý do lớn nhất khiến tôi ‘ngạt thở’. Trước đó tôi sống với nếp sống gò ép, nghiêm ngặt tại một nhà thờ nên đến khi trở thành sinh viên nghệ thuật, cách mọi người tự do thể hiện ‘cái tôi’ khiến tôi có phần khó thích nghi”.
Phong cách sống thoải mái, tự do của bạn bè trong môi trường nghệ thuật khác hẳn với cuộc sống trước đó khiến chị Dung chênh vênh không tìm được hướng đi cho chính bản thân mình. Đứng giữa hai luồng ý kiến trái ngược, cuộc sống vốn theo chị 18 năm qua tại nhà thờ nói với chị rằng đi theo nghệ thuật dễ “hư”, trong khi ngành nghệ thuật thì đang “định nghĩa” chị là người mang tư tưởng cổ hủ, không phù hợp với ngành.
Mỗi ngày trôi qua là một ngày chị Dung đấu tranh để tìm thấy lối đi riêng và khẳng định chính mình nhưng khả năng chưa cho phép khiến chị dần rơi vào trầm cảm. Những dày vò trong suy nghĩ thời điểm đó đã có lúc thôi thúc chị Dung tìm tới những cách tự hủy hoại bản thân để giải tỏa. May mắn thay, chị đã kịp thời gặp gỡ chuyên gia tâm lý trước khi những điều tồi tệ diễn ra.
Khi được hỏi về cơ duyên thành lập dự án Sân khấu nhỏ Ibsen chị Dung chia sẻ: “Năm 2017, tôi có dịp tới thăm bảo tàng của Ngài Henrik Ibsen, kịch tác gia nổi tiếng của Nauy, tại Skien - Nauy. Tôi bị cuốn hút bởi Mô Hình Sân Khấu Nhỏ của Ngài và muốn làm một dự án liên quan”.
Không chỉ dừng lại ở đó, cùng năm chị Dung cũng có chuyến đi tới một ngôi làng ở Đức để thực hiện dự án cộng đồng. Từ đây, chị cũng thấy được hiệu quả cao về mặt tinh thần của việc kết nối, chia sẻ đối với những người cao tuổi. Ngoài ra, cũng có nhiều cơ duyên khác tạo động lực cho chị hình thành Sân Khấu Nhỏ Ibsen tại Thái Lan vào tháng 4/2019 trước khi mang về quê hương Việt Nam tháng 5/2019.
“Sử dụng tên của ngài Ibsen để đặt tên cho dự án là cách để tôi tri ân ngài và cũng như để ghi nhớ, giữ mãi tinh thần nhiệt huyết của mình”, chị Dung tâm sự.
Tại Việt Nam lúc bấy giờ cũng xuất hiện một số mô hình Ibsen mang tính giáo dục và tâm lý như: kịch hình thể, kịch ứng tác, kịch ứng dụng,... Còn mô hình Ibsen của chị Dung thiên về trò chơi tương tác nhiều hơn khi tạo ra các tình huống giả định để người chơi tự giải quyết.
Đối với họ, chị Dung không cố gắng để đi tìm cách giải quyết cho mọi vấn đề mà họ gặp phải, chị chỉ mang đến cho họ một sân chơi để họ tự giải quyết những vấn đề của mình.
Chị Dung mang tinh thần cởi mở và chủ động đó vào từng sân khấu nhỏ: “Ibsen không phải thứ gì ‘đao to búa lớn’, mọi người đến đây phải thật tự do, thoải mái thể hiện theo cách riêng. Như chúng ta được trở lại thành những đứa trẻ, đâu có nghĩ chơi ô ăn quan để tính toán giỏi hay phải chơi cô dâu chú rể để lo chuyện chồng con sau này”.
Vở kịch tại Ibsen thường không có kịch bản chi tiết mà chỉ có khung sườn chính cho người chơi thỏa sức sáng tạo bằng những ý tưởng trong đầu. Chị Dung ví dụ bằng một trò chơi vượt đại dương: “Khung sườn là mọi người leo lên thuyền vượt biển để đến được đảo. Còn làm sao để đến được đảo là do mỗi người tự ứng biến vì trong quá trình vượt biển sẽ có những thử thách bất ngờ xảy ra”.
Chị Dung luôn nỗ lực để bất cứ ai khi đến với Ibsen cũng thấy được chào đón, được tôn trọng, thấy câu chuyện của mình được lắng nghe. Từ tâm thế thoải mái ai cũng có thể an tâm nói lên tiếng lòng của mình.
“Tôi thấy được lòng can đảm của họ khi dám chơi, dám thử sức sáng tạo của mình trước những vấn đề giả định được đặt ra mà không có kịch bản sẵn. Tôi thấy được niềm vui và cũng có khi là nỗi buồn của người tham gia. Mọi thứ diễn ra tự nhiên, đúng như những gì cuộc sống vẫn diễn ra”, chị Dung tâm sự.
Mặc dù vậy, khi được nhắc đến với vai trò người “chữa lành”, chị Dung lắc đầu: “Tôi thấy xấu hổ vì mọi người gọi dự án của tôi là ‘sân khấu chữa lành’. Đây chỉ là sân khấu để mọi người đến chơi và tự cảm thụ. Hơn nữa, chữa lành thì cần nhiều thời gian còn Ibsen chỉ diễn ra ít ngày. Chỉ nên xem đây là cơ hội làm mới bản thân một chút hoặc đơn thuần chỉ là giây phút được ‘cởi trói’”.
Chị dùng từ “kết nối lại” để hợp ý hơn, có nghĩa là bản thân mỗi người đều đã có những sợi dây kết nối riêng nhưng không may bị đứt quãng, Ibsen chỉ là nơi để họ đến tự kết nối lại với bản thân, với người khác và với thiên nhiên.
Những nụ cười, sự vui vẻ, cởi mở của mọi người sau khi tham gia vào những buổi chơi của sân khấu nhỏ Ibsen là mục tiêu mà chị Dung luôn hướng tới. Điều ấy không chỉ giúp mọi người mà còn mang tới cho chị niềm vui và ý nghĩa trong 4 năm hơn gắn bó với Ibsen.
Trong suốt hành trình ấy, chị Dung cảm nhận được nhiều điều thôi thúc mình thực hiện dự án. Chị kể rằng trong một buổi chơi có yêu cầu về xử lý rác đại dương, có một cậu bé đã thốt lên: “Cô ơi cô, trước khi làm sạch đại dương, con nghĩ mình phải dọn sạch gầm giường của nhà mình”. Ngẫm lại, chị Dung nói: “Đôi khi tổ chức một sân khấu, người được nhận nhiều giá trị nhất lại chính là bản thân mình”.
Cũng từ khi đồng hành với dự án sân khấu nhỏ Ibsen, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, chị Dung thấy trân trọng hơn những giây phút được sống: “Nhiều khi tự dưng thốt lên, à, mình phải trân trọng khoảnh khắc này, mối quan hệ này, trân trọng bố mẹ đang sống bên mình”.
Cùng với đó, chị nhận ra dường như chính bố mẹ và họ hàng cũng chưa nhận ra việc mình đang làm có ý nghĩa gì, chị quyết định dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ Ibsen tới gia đình.
Chị Dung vui mỗi khi nhắc tới những kỷ niệm, đã có những câu chuyện làm chị khóc, làm chị cười. Nhưng chị vẫn nhớ mãi hình ảnh một cậu nhóc nghịch ngợm xòe bàn tay có viên kẹo tròn nho nhỏ và nói: “Con thèm nãy giờ mà con không dám ăn, con tặng cô đó”. Chị cảm động không thôi, bởi với các em có hoàn cảnh khó khăn, một viên kẹo cũng rất quý giá, chị xem đó là thù lao giá trị nhất đối với mình.
Đôi khi theo đuổi mục tiêu cũng khiến chị mệt mỏi đến độ không thể tiếp tục chơi nữa. Quá tải công việc khiến chị trở nên nhạy cảm quá mức, đau lòng tới suy sụp trước hoàn cảnh éo le của người khác.
Hành trình tìm lối đi riêng cho bản thân giúp chị Dung thay đổi được nhiều thứ kể cả trong tính cách. Chị cũng khám phá được các phương pháp khác nhau để chơi Ibsen, trong đó có chuyển đổi không gian từ phòng kín ra ngoài thiên nhiên.
Mọi thứ trở nên thực sự tốt hơn là khi chị nhận được lời khuyên từ một cô giáo người Mỹ gốc Ấn Độ điều phối trò chơi “Play for Peace” cho các em vùng chiến tranh: “Em đừng nghĩ có thể thay đổi được điều gì, kỳ vọng về kết quả nào đó sẽ làm em càng áp lực và thấy Ibsen không hiệu quả. Nếu em đặt ra nhiều kỳ vọng, em sẽ bị dìm chết trong đống kỳ vọng đó”.
Nhờ lời khuyên ấy, chị Dung trở nên sống thoải mái, biết nhận diện và đồng cảm tốt hơn với thế giới. “Bây giờ mình không suy nghĩ nhiều, cứ nương theo kiểu ‘cứ chơi thôi’. Bởi vì vạch ra kế hoạch này kia mà không đạt được thì sẽ dễ bỏ cuộc, ước muốn nhiều mà không đạt được thì buồn. Còn khi đạt được mình sẽ dễ kiêu ngạo”, chị nói thêm.
Trong đôi mắt chị luôn có vẻ gì đó rất sáng và tràn đầy nhiệt huyết, có lẽ nó xuất phát từ lòng đam mê nghệ thuật và thú “xê dịch” để đem niềm vui đến cho mọi người thông qua mô hình Ibsen. Với lòng nhiệt huyết ấy thì chắc hẳn “con dao cùn” mà chị Dung nói vẫn sẽ còn sắc nhọn hơn nữa trong tương lai.
Thành tích: - Năm 2006: Tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu, trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM và hiện là hội viên Hội Sân khấu TP.HCM, hội viên Chi hội Tác giả kịch bản sân khấu. |
Xem chi tiết bài viết tại: https://preview.shorthand.com/d0jCb8N3D4Vd80eU
Triển lãm “Cây Quân tử”: Khi tranh phác họa từ văn chương
(Sóng trẻ) - Triển lãm ”Cây Quân Tử” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ trẻ Hoàng Thiện Phúc lấy cảm hứng từ những nét đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa đang thay đổi tại quê hương - làng chài ven biển thuộc tỉnh Bình Thuận.
Triển lãm “Ngày rộng” – Khoảng lặng giữa nhịp sống hiện đại
(Sóng trẻ) - Triển lãm “Ngày rộng” không đơn thuần là nơi trưng bày về nghệ thuật mà là không gian để giới trẻ tìm về những khoảnh khắc yên bình, thoát khỏi cuộc sống hối hả và suy ngẫm về chính mình.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trước thềm đón khách tham quan
(Sóng trẻ) - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa chỉ mới ở quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024 và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.