Đôi mắt không thấy nhưng tay vẫn thoăn thoắt trên từng phím đàn; không nhìn, chỉ dùng đôi tay để sờ lên bản nhạc mà tiếng ca vẫn cất lên vang dội. Vào một buổi sáng đầy nắng, trong căn phòng nhỏ tại phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), chàng trai Nguyễn Đức Thiện đang cùng các bạn nhỏ luyện chơi các bản nhạc để chuẩn bị đi biểu diễn nghệ thuật vào cuối tuần. 

Khi được hỏi về cơ duyên đến với âm nhạc, Thiện chia sẻ: “Hồi 5 tuổi, tôi không được đi học như các bạn, cả ngày cứ quanh quẩn ở trong nhà, tự chơi một mình. Lúc đó, mẹ tôi là giáo viên dạy nhạc, đã mua tặng tôi cây đàn organ với mong muốn cho tôi có thêm niềm vui nho nhỏ. Kể từ đó, tôi bắt đầu tự mày mò và khám phá cây đàn mẹ tặng”.

Món quà của mẹ đã trở thành dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời của chàng trai khiếm thị. Bắt đầu từ những phím đàn chơi một cách ngẫu nhiên, Thiện dần cảm nhận được giai điệu, tiết tấu của âm nhạc và tò mò muốn khám phá thêm các loại nhạc cụ khác. Niềm yêu thích âm nhạc trong cậu bé 5 tuổi nhen nhóm từ đó.

Có những ngày, từ sáng đến tối, ngôi nhà tràn ngập âm thanh từ tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát ngân nga. Thiện tâm sự: “Không chỉ bản thân tìm thấy niềm vui từ âm nhạc, bố mẹ cũng hạnh phúc hơn mỗi khi thấy tôi vui tươi hát ca, đánh đàn. Từng khoảnh khắc nhỏ cũng đủ gom nhặt thành ước mơ lớn. Bố mẹ lại càng có thêm niềm tin vào con đường theo đuổi nghệ thuật của tôi”.

Năm 7 tuổi, khi bắt đầu xa gia đình để theo học nội trú tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Đức Thiện đã dành thời gian luyện tập và học hỏi từ những người có cùng hoàn cảnh giống mình về cách chơi các loại nhạc cụ. Âm nhạc đã giúp Thiện có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người khiếm thị, gặp gỡ những người anh, người thầy có chuyên môn về âm nhạc.

“Nhờ có âm nhạc, tôi được kết nối với nhiều người hơn trong cộng đồng, được làm quen với nhiều bạn cùng cảnh ngộ. Không chỉ giúp tôi kết nối với xã hội mà ngược lại âm nhạc đã giúp những người tưởng như xa lạ lại trở nên gần gũi hơn. Chúng tôi hiểu nhau và cũng thông cảm với nhau nhiều điều. Tôi luôn biết ơn, vì nếu không có âm nhạc, tôi cũng loay hoay không biết kết nối với xã hội bằng phương tiện gì”, Thiện tâm sự.

Dù đôi mắt không sáng, nhưng với sự nỗ lực và khả năng cảm nhận âm nhạc của mình, Thiện đã có thể thổi được sáo trúc, đánh phách, kéo nhị, chơi piano và organ. Đức Thiện bày tỏ: “Âm nhạc không chỉ là ngọn ánh sáng soi đường để tôi phát triển bản thân mà còn là minh chứng cho câu nói ‘không gì là không thể nếu bạn luôn nỗ lực’”.

Chính sự nỗ lực đó, năm 18 tuổi, Thiện tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc của mình. Anh đã thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm 29, trong đó điểm năng khiếu đạt tuyệt đối 10/10. Đó chính là dấu mốc quan trọng để Thiện nhận thức rằng: “Học viện Âm nhạc sẽ là ‘bến đỗ’ để tôi có thể đi học như các bạn khác và điều đó thôi thúc tôi không được phép lùi bước”. 

Năm 18 tuổi cũng là dấu mốc đáng nhớ của Thiện, khi anh cùng thầy Trần Bình Minh thành lập câu lạc bộ “Mái ấm Đông Đô” và ban nhạc “Nắng mới”, với mong muốn không chỉ là nơi chia sẻ tình yêu với âm nhạc mà hơn hết là nơi để các bạn khiếm thị tìm thấy ước mơ, mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp. 

Việc thành lập câu lạc bộ “Mái ấm Đông Đô” và ban nhạc “Nắng mới” đã cho chàng trai Nguyễn Đức Thiện có thêm cơ hội lan tỏa ánh sáng của những thanh âm, tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống đến những người khiếm thị. 

Nhớ lại những ngày đầu tiên thành lập, Thiện cho biết: “Mái ấm Đông Đô khi mới mở lớp chỉ có 5 thành viên. Sau đó lớp học lan tỏa, được nhiều người biết đến và nhờ sự tin tưởng của nhiều phụ huynh, số lượng các bạn nhỏ khiếm thị tìm đến lớp học ngày một nhiều hơn”. 

Căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2, nhưng nơi đó lại chứa đựng những ước mơ và hy vọng của những em nhỏ khiếm thị. Lớp học trở thành “ngôi nhà” ấm áp, nơi Thiện và các em nhỏ đang quây quần bên nhau, người đàn, người hát, người đánh phách, cứ thế những thanh âm trong trẻo của lời ca, tiếng đàn đã giúp cho lớp học thêm phần vui tươi và sôi động hơn. 

Anh chia sẻ, đặt bản thân mình vào thế giới chỉ toàn âm thanh, thì quả thật âm nhạc chính là thanh âm đẹp nhất. Dù sinh ra thiếu đi may mắn nhưng họ lại có đôi tai nhạy bén nhất. Nếu biết cách sử dụng đôi tai đó để theo đuổi âm nhạc thì khả năng thành công của các bạn sẽ cao hơn. 

Để các em có thể tự tin ca hát và chơi được các loại nhạc cụ như ngày hôm nay, Thiện chia sẻ: “Những ngày đầu các bạn nhỏ đến với lớp học rất rụt rè, sống khép mình và còn ngại ngùng khi nói chuyện với mọi người. Lý do là bởi các em đang sống trong thế giới chỉ toàn là màn đêm và cả ngày chỉ lủi thủi ở nhà suốt nên các em luôn mặc cảm, ít nói, thậm chí có bạn còn bị tự kỷ”.

Mỗi bạn đến với lớp học đều có những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, do đó, Thiện luôn tìm hiểu và lắng nghe để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng bạn. Mong muốn của anh là giúp các bạn nhỏ tìm thấy niềm vui sau những giờ học, hoặc sau những lúc buồn bã, mệt mỏi, các bạn được đánh đàn, đánh trống và ca hát, khi đó tâm trạng của các em sẽ thoải mái và vui vẻ hơn. Đó cũng là điều Thiện luôn hướng tới để duy trì lớp học. 

Bằng tình yêu âm nhạc và sự nhiệt huyết của mình, Thiện đã mở ra một thế giới đầy ánh sáng của âm nhạc đến với các bạn khiếm thị. Anh bộc bạch: “Khi được tiếp xúc với âm nhạc, được chính tay các em tạo ra những thanh âm, các em đã dần kết nối với mọi người, tìm thấy niềm vui từ những giờ học ít ỏi và cảm thấy ít cô đơn hơn”.

Âm nhạc không chỉ giúp các em khiếm thị tìm thấy ước mơ mà còn là nơi kết nối những trái tim đặc biệt xích lại gần nhau hơn. Thiện chia sẻ: “Có những hôm hết giờ học, bố mẹ đến đón nhưng các em nhất quyết không chịu về, đòi ở lại để được vui chơi và ca hát với mọi người”.

Thấy được niềm vui của các em, Thiện lại càng có thêm động lực hơn để cố gắng. Hơn 7 năm hoạt động tại mái ấm, có rất nhiều những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi dạy các em nhỏ. Nhắc đến những kỷ niệm đó, Thiện nhoẻn miệng cười, tâm sự: “Có những hôm dạy học, sờ mãi không thấy tay các em đâu, tôi phải mò từng ngón tay của các em để đặt lên nhạc cụ, hướng dẫn từng động tác, uốn nắn kĩ để các em hình dung được các nốt nhạc”.

Suốt chừng ấy năm gieo mầm tại Mái ấm Đông Đô, có bao bạn nhỏ khiếm thị đã trưởng thành từ chính mái nhà chung này. Đức Thiện không giấu nổi niềm tự hào: “Nhớ nhất là bạn nhỏ Vũ Mạnh Tú (sinh năm 2009). Đến với lớp học khi mới 10 tuổi, Tú là cậu học sinh có chút năng động và nghịch ngợm. Sau 5 năm học nhạc tại mái ấm, bạn dần dần chăm chỉ học hành và cũng nhận thấy được khả năng của mình. Đến hiện tại, Tú đang học hệ trung cấp tập trung tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam”.

Thành quả của cậu học sinh Vũ Mạnh Tú chính là động lực và niềm tự hào để Thiện tiếp tục hành trình mang âm nhạc thắp sáng cho con đường của mình và những người đồng cảnh ngộ.

Thế nhưng, hành trình Thiện đang đi không phải lúc nào cũng thuận lợi, anh tâm sự: “Có lúc sức khỏe không cho phép, tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản, muốn từ bỏ tất cả. Những lúc đó, tôi lại nghĩ về lý do đầu tiên thành lập mái ấm, nhớ về những giờ học vui vẻ, nhớ về câu chuyện của các em và cho phép bản thân mường tượng về sự phát triển của các bạn khiếm thị sau khi tham gia lớp học. Lúc đó, tôi lại thấy có thêm động lực để vượt qua những cảm xúc tiêu cực nhất thời”. 

Với Thiện, âm nhạc chính là sợi dây kết nối với cộng đồng, là nơi anh được tỏa sáng, vượt qua thế giới bóng đêm để chạm ước mơ. Hơn hết, âm nhạc chính là những thanh âm tươi đẹp nhất trong đôi mắt của các bạn khiếm thị tại Mái ấm Đông Đô, giúp họ có nghị lực và niềm tin hơn vào con đường mình đang theo đuổi.

Thiện tâm sự: “Tương lai, các bạn sẽ có một nghề nghiệp trong tay, để có thể tự mưu sinh và đứng vững trên đôi chân của mình bằng khả năng âm nhạc. Vì người khiếm thị như chúng tôi không có quá nhiều nghề nghiệp để lựa chọn. Hơn hết, tôi mong muốn xã hội hãy cho những người mù, người khiếm thị có cơ hội và niềm tin, chúng tôi sẽ tự đứng trên đôi chân của mình”. 

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Thiện vẫn luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều nhạc cụ và làm mới các bản nhạc. Thiện cùng các thành viên trong câu lạc bộ của mình dành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, được tham gia Festival âm nhạc dành cho người khiếm thị tại Thái Lan, Thiện trở thành một trong 35 Gương tỏa sáng nghị lực Việt 2023 và mới đây, anh đã góp mặt trong lễ vinh danh Gương điển hình tiên tiến người tốt việc tốt Thủ đô 2024. Đó chính là động lực để Thiện tiếp tục hành trình chữa lành những vết thương bằng thanh âm tươi đẹp của âm nhạc. 

Thành tích:

- Năm 2017: Thi đỗ vào hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi vừa học hết lớp 9; đảm nhận cương vị Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt - câu lạc bộ đàn, hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị tại Việt Nam.
- Tháng 7/2023: Nhận học bổng mang tên Giáo sư Trần Văn Khê dành cho sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống.
- Tháng 11/2023: Một trong 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
- Năm 2024: Góp mặt trong lễ vinh danh Gương điển hình tiên tiến người tốt việc tốt Thủ đô 2024.

Xem chi tiết bài viết tại: https://preview.shorthand.com/d0jCb8N3D4Vd80eU

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN