Trầm cảm không chỉ là cuộc đấu tranh dai dẳng với những người bệnh mà còn là cuộc đấu tranh để lại những nỗi day dứt, trăn trở không hồi kết đối với cả một xã hội.

Theo báo cáo từ Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, trầm cảm đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tự tử ở Việt Nam, với tỷ lệ tử vong tiêu chuẩn do tự sát là 20,9 ở nam và 27,0 ở nữ, cao gấp 20–27 lần so với tỷ lệ chung. Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm,” bởi nhiều người trẻ không thể chia sẻ được với gia đình, bạn bè, cộng đồng xã hội về những khó khăn họ gặp phải bởi muôn ngàn lý do khó gọi tên. 

Bạn N.H.L (15 tuổi, Hà Nội) cảm thấy mình như bị mắc kẹt trong “một nhà tù vô hình.” Không thể chia sẻ với ai, L cảm thấy bản thân mất dần khả năng kết nối với người xung quanh và cuối cùng là “mất đi niềm hy vọng sống.” Những suy nghĩ đó chỉ càng làm tăng thêm cảm giác cô đơn, khiến L tin rằng “không còn ai quan tâm đến mình” và làm cô xa cách hơn với mọi người.

Cũng trải qua cảm giác như “ở sa mạc không người” và dần mất kết nối với thế giới, T.V.T (24 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ về giai đoạn thường xuyên đắm chìm trong chất kích thích để quên đi thực tại: “Đấu tranh với căn bệnh trầm cảm hơn 1 năm, tôi cảm thấy đó là giai đoạn đen tối nhất của mình, giai đoạn mà ranh giới giữa tồn tại và từ bỏ vô cùng mong manh. Tôi đã thường xuyên sử dụng chất kích thích để quên đi những nỗi đau tâm lý, kinh khủng là căn bệnh này còn để lại những hậu quả đến cả sức khỏe thể chất của tôi”. 

Trầm cảm có thể đến với bất cứ ai, bất cứ gia đình nào - đó là thông điệp chủ đạo trong cuốn sách nổi tiếng “Đại dương đen” của tác giả Đặng Hoàng Giang. Chia sẻ về cuốn sách, tác giả không khỏi ngỡ ngàng với thế giới của người trầm cảm: “Tôi không hình dung được thế giới của người trầm cảm lại kinh khủng, dữ dội đến thế. Trước kia, tôi chỉ lờ mờ đoán rằng họ cần được giúp đỡ, họ đang gặp khó khăn. Việc một người ở độ tuổi 30 hay 40, giỏi giang, được đào tạo tốt, lại bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị tàn phá bởi trầm cảm và bị bỏ mặc hoàn toàn, nằm ngoài sự hình dung ban đầu của tôi”. 

Trầm cảm có thể tàn phá cả thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến tất cả các mặt trong cuộc sống. Khi ở đỉnh điểm của cơn trầm cảm, người bệnh có thể cảm thấy như bị cuốn vào một vòng xoáy tuyệt vọng không hồi kết. Self harm (tự làm thương chính mình), sử dụng thuốc an thần, những đêm thức trắng,.. chỉ là một vài trong vô số những góc nhỏ ít được hé lộ về cuộc sống của những người mắc trầm cảm. 

Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn tạo ra một áp lực lớn tới gia đình của họ. ThS. Đặng Đức Anh chỉ ra rằng: “Khó khăn chủ yếu mà gia đình bệnh nhân gặp phải là phải chấp nhận sự thật rằng người thân của họ đang gặp vấn đề nghiêm trọng và có nguy cơ mất an toàn. Họ phần nào né tránh thực tế bởi sợ mang tiếng hoặc chưa nhìn nhận một cách toàn diện về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này”. 

Bà L.M.H (55 tuổi, Ninh Bình) chia sẻ về hành trình điều trị cho con trai bị trầm cảm: “Nhìn con chìm đắm trong đau khổ, tôi cảm thấy bất lực. Tôi từng né tránh đối diện với việc con trai đang dần ổn định công  việc lại dần từ bỏ đi tất cả. Tôi đã mất nhiều thời gian để chấp nhận thực tế. Quãng thời gian đó chúng tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều bởi những áp lực tài chính, và từ những người xung quanh. Điều này khiến tình cảnh gia đình thêm khó khăn.”

Thạc sĩ tâm lý học Đặng Đức Anh cũng nhận định rằng rào cản tài chính và sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần là những lý do chính khiến người bệnh và gia đình khó tìm đến sự hỗ trợ. Đặc biệt, định kiến xã hội khiến nhiều người không dám đối diện với căn bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khảo sát quốc gia vào năm 2014 và cho thấy rằng chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân. Con số này còn kém xa các nền kinh tế phát triển như Singapore, nơi có 3,8 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân và Mỹ, nơi có 12,40 bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân. 

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần tại Việt Nam của UNICEF, việc bệnh nhân tiếp xúc với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng bị giới hạn bởi sự phân bố địa lý, do các nhà cung cấp như bác sĩ tâm thần đang lưu trú tại các bệnh viện tâm thần, nơi chăm sóc sức khỏe tâm thần tập trung nhất. Kể từ năm 2015, Bộ Y tế đã mở rộng chương trình mục tiêu nhằm tiếp cận những người bị lo âu và trầm cảm. Những nỗ lực này đã phải đối mặt với nhiều thách thức do ngành y tế thiếu đào tạo và kinh nghiệm về sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam có nhiều bất cập bởi nguồn lực còn hạn chế: cả nước chỉ có khoảng 143 nhà tâm lý lâm sàng và trị liệu tâm lý, trong khi có đến 14 triệu người gặp vấn đề tâm thần. 

Nghiên cứu tại Australia đăng trên tạp chí Research in Medical Science năm 2014 chỉ ra rằng sự hỗ trợ xã hội, đặc biệt hỗ trợ từ gia đình có tác dụng ngăn, hoặc giảm nhẹ tình trạng trầm cảm. "Người thân có vai trò quan trọng trên con đường vượt qua giai đoạn trầm cảm của một người, song chỉ ở bên cạnh họ là chưa đủ", Sam Roberts, cố vấn lâm sàng tại Olive Branch Counselling and Treatment Haven, Singapore khẳng định. 

Chiến đấu với trầm cảm là hành trình đầy đau đớn nhưng nếu sớm nhận được sự điều trị và sự đồng hành từ gia đình, người thân, những người mắc trầm cảm sẽ dần thoát ly được thế giới tiêu cực đó. Nam ca sĩ Justin Bieber  đã từng viết tâm thư cho người hâm mộ rằng anh chàng sẽ tạm ngừng hát để chữa chứng trầm cảm. Điều này càng liên kết hơn với bê bối tình dục gây rúng động làng giải trí quốc tế của Diddy - ông bầu nổi tiếng của nhiều ngôi sao thế giới vào cuối tháng 09/2024.  Khi đó, người ta mới giật mình nhận ra chi tiết ẩn dụ cho đế chế này trong MV Yummy của nam ca sĩ Justin Bieber. Công chúng giờ mới hiểu được những nỗi đau mà đã giọng ca của ''Love Yourself'' đã chịu đựng trong suốt những năm qua. Bên cạnh câu chuyện đầy ám ảnh của Justin Bieber, người hâm mộ đã dành một sự cảm mến đến vợ của nam ca sĩ - Hailey vì đã luôn bên cạnh giúp anh đấu tranh với căn bệnh này.

Khi xã hội có cái nhìn cởi mở, đồng cảm và tích cực với trầm cảm, ta có thể tạo nên một môi trường an toàn, nơi người bệnh không còn phải chiến đấu lẻ loi trong bóng tối. 

Ở xã hội còn nhiều định kiến với căn bệnh trầm cảm, vẫn còn những cá nhân, tổ chức đã, đang và sẽ đồng hành cùng họ, giúp họ nhìn thấy những tia hy vọng đang le lói. Xã hội đang dần có cái nhìn cởi mở hơn về sức khỏe tinh thần. Đây là một tín hiệu tích cực, giúp người bệnh dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ. 

Quỹ “Ngày Mai” là một ví dụ điển hình cho các dự án đồng hành và hỗ trợ người trẻ mắc trầm cảm. Được sáng lập bởi tác giả Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, quỹ “Ngày Mai” hoạt động song song với đường dây nóng "Ngày mai" không chỉ nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tâm thần mà còn mang đến không gian an toàn để người bệnh tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu. Không chỉ chứa đựng sự hỗ trợ về mặt tinh thần, quỹ "Ngày mai" được xây dựng nhằm tạo ra nguồn hỗ trợ tài chính giúp người trầm cảm có nhu cầu được điều trị bằng thuốc hay được tham vấn, trị liệu tâm lý. 

Một dự án đáng chú ý khác là Murror - “đứa con tinh thần” của Vinh Trần -  người nhận đề cử “Nhân vật truyền cảm hứng” của WeChoice Awards. Murror là ứng dụng sử dụng công nghệ AI để cung cấp không gian viết nhật ký cảm xúc an toàn cho người bệnh. Vinh Trần chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng thiết kế ứng dụng: “Có 1 thống kê ở Mỹ là trên 50% người trầm cảm sẽ không muốn đi gặp bác sĩ hoặc chia sẻ cho người khác vì nó là vấn đề riêng tư sợ bị đánh giá, ở châu Á tỷ lệ này là 90%”. 

Bên cạnh những dự án cộng đồng hỗ trợ người mắc bệnh trầm cảm, những liệu pháp truyền thống vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị trầm cảm. Theo tổ chức nghiên cứu tâm lý học Hoa Kỳ APA, trị liệu hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy - CBT) đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc điều trị trầm cảm. CPT là một loại trị liệu tâm lý giúp người bệnh điều chỉnh các kiểu suy nghĩ nhằm thay đổi tâm trạng và hành vi. Các phản ứng trong quá trình điều trị sẽ giúp người bệnh ứng phó hoặc phục hồi từ những tổn thương tinh thần.

T.T.V (28 tuổi, TP.HCM) chia sẻ về quá trình mắc trầm cảm sau gần hai năm kiên trì điều trị bằng thuốc và liệu pháp CBT: “Đó là một quá trình dài và không dễ dàng. Tôi tin rằng mình không một mình, tôi tin vào những liệu pháp trị liệu và sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng. Nếu không có những điều đó, tôi không nghĩ mình có thể vượt qua giai đoạn đó”. 

Khi cộng đồng và xã hội sẵn lòng đồng hành cùng những cá nhân đang chiến với trầm cảm, những người từng chênh vênh trong bóng tối sẽ có cơ hội tìm thấy một lối thoát – như câu chuyện của T.T.V, người đã kiên trì trong hành trình vượt qua căn bệnh trầm cảm. 

Những nỗ lực đó là lời khẳng định rằng trầm cảm có thể biến mất khi có sự đồng hành, hỗ trợ từ gia đình, xã hội cùng hệ thống y tế. Hành trình vượt qua bóng tối của căn bệnh trầm cảm không chỉ là câu chuyện của một cá nhân lẻ loi nào cả. 

Theo dõi bài viết chi tiết tại: Kỳ 2 - Những nút thắt

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN