(Sóng trẻ) - Tết là khoảng thời gian ai cũng muốn trở sum họp cùng gia đình. Thế nhưng đối với nhiều người, Tết là nỗi nhớ cách xa hàng nghìn cây số. Với những người con xa xứ, Tết mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Mang Tết đi muôn nơi
Anh Đặng Thế Bảo học tập và làm việc tại Hàn Quốc đã được 5 năm và kể từ đó, anh chưa thể về quê ăn Tết cùng gia đình. Chia sẻ về những cái Tết xa nhà, anh Bảo cho biết tại Hàn Quốc, người Việt Nam có thể ăn Tết một mình, ăn Tết theo nhóm cộng đồng chung hay ăn Tết theo dạng một gia đình truyền thống,... “Nhưng dù là ăn Tết ở hình thức nào đi chăng nữa thì không khí Tết ở Hàn Quốc vẫn chưa thể trọn vẹn như ở quê”.
Tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt cũng có các hoạt động văn hóa nổi bật đầu xuân như: quây quần ăn uống, gói bánh chưng, làm mâm cơm truyền thống, xem táo quân, đón giao thừa, đi chùa đầu năm hay tổ chức các giải thể thao và có cả sự tham gia của các bạn người Hàn. Anh Bảo cho biết: “Trong các buổi giao lưu, gặp mặt đầu xuân cũng là cơ hội để giới thiệu văn hóa, lan tỏa truyền thống của Việt Nam đến nước bạn”.
Anh Đỗ Hoàng Đức hiện là du học sinh tại Cherepovets, Liên bang Nga. Anh đã đón 3 cái Tết xa quê, với anh “lúc nào cũng nhớ nhà, nhưng Tết đến thì nỗi nhớ ấy lại da diết hơn”. Lúc sang Nga là cận Tết Nguyên đán tại Việt Nam, khi ấy anh mới 20 tuổi, còn chân ướt chân ráo nhiều lạ lẫm, xa gia đình vào đúng dịp năm mới nên thấy càng tủi thân, nhớ nhà hơn.
Đón năm mới tại Nga, anh Đức cùng các bạn cũng chuẩn bị những món ăn đơn giản truyền thống của Việt Nam. Anh chia sẻ thêm “Vào dịp này, các bạn học của anh ở Belarus, Kazakhstan, Armenia,... thường gửi thiệp chúc mừng năm mới của Việt Nam và họ cũng thưởng thức những món ăn truyền thống của mình”.
Những hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống này không chỉ giúp những người Việt ăn Tết xa xứ vơi đi phần nào nỗi nhớ mong quê hương mà còn gắn kết cộng đồng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Việt Nam ra thế giới.
Nhờ Tết mà cộng đồng người Việt thêm gắn bó
Dù không thể trở về đón Tết trọn vẹn bên gia đình, người thân tại Việt Nam nhưng những người Việt ăn Tết xa quê cũng có những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm kết nối cộng đồng và chia sẻ niềm vui chung dịp đầu năm.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc chào xuân năm mới với các giải bóng đá, bóng chuyền giao hữu được tổ chức sôi nổi. Anh Đặng Thế Bảo cho biết: “Qua những hoạt động đầu xuân, mình có thêm nhiều người bạn mới. Từ đó, mối quan hệ được mở rộng, cộng đồng người Việt Nam ở đây cũng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống”.
Chị Dương Thị Lan (định cư ở Nhật Bản) 8 năm và cũng là ngần ấy năm ăn Tết xa quê. Dù đã có gia đình và nhiều bạn bè, đồng nghiệp tại Nhật Bản, nhưng với chị “dư vị Tết cổ truyền trên mảnh đất quê hương mình là đặc biệt nhất”. Vào những ngày cuối năm, chị lại nhớ đến bữa cơm ngày tất niên hơn bao giờ hết, nhớ đến những lúc ngồi gói bánh và canh bếp lửa luộc bánh chưng cùng bố mẹ.
Chị Lan chia sẻ: “Tuy bây giờ mọi thứ đều có thể mua ở các siêu thị tiện lợi nhưng nhiều năm nay mình vẫn tự tay chuẩn bị mâm cơm truyền thống ngày Tết Việt Nam”. Dịp đầu xuân năm mới chị và gia đình cũng mời nhiều bạn bè đồng nghiệp đến nhà cùng thưởng thức những món ăn truyền thống Việt Nam trong bầu không khí ấm áp, vui vẻ.
Lưu giữ những cái Tết trọn vẹn cho thế hệ sau
Anh Đỗ Hoàng Đức cho biết: “Những buổi gặp mặt, liên hoan đầu năm mới, chúng mình được các bác người Việt lớn tuổi đang định cư tại Nga kể về những nét đẹp của Tết Nguyên đán xưa, những kỉ niệm đón Tết khi còn ở Việt Nam. Đó là những cái Tết trong nỗi nhớ nhung, hoài niệm”. Qua những buổi gặp mặt đầu xuân thân tình như vậy, thế hệ trẻ như anh Đức được hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, “bản thân anh càng yêu quý và trân trọng hơn những giá trị đó”.
Dù ở xa quê nhưng chị Dương Thị Lan luôn mong mỏi có thể lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của cội nguồn. Chị chia sẻ: “Tết năm nay mình vẫn chuẩn bị đồ gói bánh, làm Tết để 2 bạn nhỏ chưa được về ăn tết Việt Nam cũng sẽ hiểu về Tết truyền thống quê hương mình”. Điều này khiến cho chị cũng cảm thấy hương vị Tết truyền thống len lỏi vào từng góc của ngôi nhà chị. Ngoài ra, việc chuẩn bị đồ Tết ở nơi xứ người còn giúp lan tỏa không khí Tết đến rộng rãi bạn bè quốc tế.
Đi xa rồi mới thấy thấm thía nỗi nhớ hương vị Tết quê. Nỗi nhớ đó thoảng vào trong ký ức với mùi thơm ngậy của những chiếc bánh chưng mới vớt ra khói còn bay nghi ngút, mùi của các loại mứt mẹ làm từ ngày 28 được mang ra bày, mùi củ hành, củ kiệu trong mâm cơm.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.