(Sóng trẻ) - Bên cạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của Khoa học tâm lý, giáo dục vào lĩnh vực can thiệp sớm và hỗ trợ hòa nhập, Trung tâm Ngọc Ân còn tạo ra môi trường thực nghiệm hướng nghiệp cho trẻ có rối loạn phát triển tại Hà Nội. Trung tâm dành nhiều tâm huyết trong việc giảm bớt gánh nặng xã hội, tạo ra các giá trị tích cực trong cộng đồng. Xưởng hướng nghiệp Thiên Ngọc ra đời giúp cho ước mơ ấy gần hơn với hiện thực.
Sau khi tham quan Trung tâm, chúng tôi được chị Hoàn giới thiệu sang Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc. Bước vào không gian Xưởng, chúng tôi thực sự choáng ngợp với các sản phẩm thủ công như Oản nghệ thuật và Lễ sắp thủ công được tạo nên bằng chính những đôi bàn tay của trẻ khuyết tật, tự kỷ. Chúng tôi có cơ hội trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Phương Oanh - Trưởng Trung tâm Ngọc Ân Cơ sở 5 (Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc) về câu chuyện đằng sau những sản phẩm nghệ thuật đầy màu sắc này.
Xưởng chọn Lễ sắp thủ công và Oản nghệ thuật như một nghề phù hợp với trẻ khuyết tật, tự kỷ vì nó có nhiều công đoạn và mang tính lặp lại. Hành vi của các em mang tính rập khuôn, nên chỉ cần một em đảm nhận được một công đoạn là tốt lắm rồi, cứ thế 3-5 em là hoàn thiện được một sản phẩm. Bên cạnh đó, công việc dành cho đối tượng lao động này không được liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như không gây nguy hiểm cho các em, đồng thời cần có sự lâu dài, ổn định.
Hiện nay, Xưởng hướng nghiệp có ba trò và ba cô, cũng là những nhân công duy nhất tại đây. Sáu người là sáu “nghệ nhân” đã cho ra đời các tháp oản, lễ sắp thủ công đầy kỳ công, hoành tráng và sẵn sàng phân phối cho các Đền, Miếu, siêu thị cho khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Các đứa trẻ khuyết tật tại Xưởng đã có thể tự dựng khung sản phẩm, những phần mào hay đầu con công, các em đều tự làm được. Các cô chỉ hỗ trợ kết nối các phần và tô điểm thêm để sản phẩm có tính thẩm mỹ hơn. Theo mô hình dự định của Xưởng, các em lớn sau khi “tốt nghiệp” tại Trung tâm Ngọc Ân sẽ được thuyên chuyển sang Xưởng để học nghề cũng như có chỗ để làm việc. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở vật chất nên chưa thể triển khai.
Xưởng hướng nghiệp đã hoạt động được khoảng 3 năm. Do thiếu nguồn nhân lực, Xưởng cố gắng duy trì bằng cách làm việc theo dây chuyền. Các đối tượng khuyết tật, tự kỷ lao động tại Xưởng không chỉ được giải quyết nhu cầu việc làm, mà luôn được quan tâm và thấu hiểu.
Như bao đứa trẻ khuyết tật, tự kỷ khác, trước khi đến làm việc tại Xưởng, các em cũng đã từng trải qua một quãng thời gian ở Trung tâm để can thiệp 1-1. Ban đầu khi đến Xưởng, các em rất nghịch, không thể tập trung, nhưng hiện cũng đã hiền hòa và chịu khó làm việc hơn. Khi đã hoàn thiện công việc đến một mức độ nào đó, các em sẽ được giữ làm kỹ thuật viên làm hướng nghiệp.
Chị Oanh chia sẻ, Xưởng mong muốn giữ nguồn nhân lực chính vẫn là các đối tượng khuyết tật, rối loạn phát triển, chứ không muốn thuê bên ngoài. Không thể tránh khỏi việc thiếu nhân công, người thì ít mà việc thì nhiều vô kể. Song, Xưởng vẫn luôn hướng tới sứ mệnh hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người rối loạn phát triển với tâm huyết mang nhiều giá trị tích cực cho xã hội.
Chúng tôi ghé Xưởng vào đúng mùa lễ hội cuối năm, khi không gian của Xưởng được bao phủ bởi sự lộng lẫy của những tờ giấy bóng kính trên tháp oản, bởi nét rực rỡ của các lễ sắp thủ công tỉ mỉ, công phu và bởi sự sang trọng của những chum rượu xếp ngay ngắn trên kệ... Sản phẩm tại Xưởng không chỉ chất lượng mà còn mang dấu ấn đặc biệt bởi chúng được tạo ra bởi đôi bàn tay tài hoa của những người khuyết tật, tự kỷ.
Đây cũng là thứ thu hút và níu chân các vị khách của Xưởng. Nhiều người không khỏi bất ngờ và ấn tượng bởi chất lượng sản phẩm được làm ra bởi những người khuyết tật, họ muốn ủng hộ những lao động đặc biệt này nên mỗi dịp Lễ, Tết đều ghé Xưởng mua hàng. “Chủ yếu là khách quen, nhưng họ lại giới thiệu ‘mối’ lớn cho mình. Bên cạnh hướng nghiệp, Xưởng vẫn phải bán hàng để duy trì kinh phí”, chị Oanh bộc bạch.
Hiện nay, xưởng là nơi sinh hoạt và làm việc quen thuộc của ba nhân công đặc biệt: Đạt, Cúc và Phương. Hai năm trước, ba em đã “tốt nghiệp” lớp hoà nhập tại Trung tâm Ngọc Ân và được đến Xưởng “thực tập”. Quy trình học nghề kéo dài 3 - 6 tháng, và cứ 6 tháng các em sẽ được đánh giá thực nghiệm một lần. Cho đến nay, nhìn chung các em đã ổn định về tay nghề và có thể ở lại Xưởng làm việc. Trải qua hai năm làm việc, dự tính sang năm, các em sẽ trở thành nhân viên chính thức của Xưởng.
Bên cạnh những tháp oản kỳ công, đập vào mắt chúng tôi là chiếc máy chấm công được đặt ngay ngắn cạnh cửa ra vào. Nghe chị Oanh kể, chúng tôi khá bất ngờ khi biết rằng nó không chỉ dành cho các cô giáo, mà các đối tượng lao động đặc biệt tại xưởng cũng phải chấm công hằng ngày như những nhân viên bình thường.
Chị Oanh chia sẻ: “Muốn cho các em công bằng trong cuộc sống thì phải cho đặt các em vào những trách nhiệm của người bình thường. Lúc đầu, các em hơi khó chịu nhưng do chúng tôi khá nghiêm khắc nên các em dần đi vào ‘guồng’. Công bằng cho người khuyết tật là công bằng cho chính mình”.
Nếu như không nói, chúng tôi cũng khó mà biết được Cúc, Phương, Đạt là những người lao động đặc biệt. Cúc bị Down, Phương thì bị chậm phát triển, còn Đạt may mắn hơn hai bạn, chỉ bị một chút khuyết tật về mắt.
Đã thành thông lệ, mỗi buổi sáng, Cúc thường chấm công, quét nhà và bắt đầu cắt giấy cho tháp oản. Em rất hay “dỗi” và chỉ làm những điều mình thích. Chị Oanh và các cô giáo ở đây cũng phải lựa việc, không thể bắt ép em thực hiện theo yêu cầu của mình. Khác với Đạt, Cúc không chịu ngồi vào bàn để làm việc, và Phương thì nghe theo Cúc. Hai em thường trải chiếu trên sàn rồi cứ vừa ngồi cắt giấy, gói đế oản, rót rượu vào chum… vừa chuyện trò ríu rít cùng nhau.
Trước đây, Đạt từng làm việc tại một số cơ sở hướng nghiệp cho người khuyết tật khác nhưng không hợp việc và tìm đến đây. Em rất tỉ mỉ, cẩn thận và cầu toàn. Từ các mảnh giấy vải được tạo hình xoắn ốc do Cúc và Phương phụ trách, Đạt là người sẽ cần mẫn chắp nối và kết dính chúng lại với nhau. Tầng tầng lớp lớp các “ốc vải” đều chằn chặn dần tạo thành chiếc đế oản hoàn chỉnh.
Đạt là đối tượng nhân công đặc biệt được trả lương cao nhất trong số ba em, với mức lương 4 triệu/tháng. Cúc và Phương cũng được trả lương nhưng có phần ít hơn vì chỉ hoàn thành một số công đoạn của quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm.
Mỗi lần xuất buôn, Xưởng cần rất nhiều sản phẩm, phải lên đến 70 - 80 tháp oản và đồ thủ công. Vì là đồ thủ công nên làm rất lâu, có những hôm các em phải làm ca đêm để kịp hoàn thiện hàng.
Vừa có ưu, vừa có nhược khi cho các bạn khuyết tật, tự kỷ từ Trung tâm sang Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp. Màu sắc bắt mắt của các sản phẩm thủ công thu hút rất nhiều sự chú ý của các em, tạo cho các em sự thích thú khi làm việc. Song chính điều này là khiến các em khó tập trung vào công việc.
Làm công việc giúp đỡ các đối tượng khó khăn nhưng cán bộ nhân viên ở cả Trung tâm Ngọc Ân và Xưởng hướng nghiệp Thiên Ngọc cũng xác định rằng không thể hỗ trợ toàn bộ. “Giúp đỡ được một trong số các em đã là niềm vui rất lớn đối với tôi rồi. Hồi trước, có một em đến Xưởng học nghề, gia đình rất kỳ vọng nhưng em đó lại không theo được. Tôi rất buồn và áy náy vì không thể giúp gia đình, bố mẹ em lại loay hoay đi tìm một cơ sở dạy nghề khác”, chị Oanh xúc động.
Khó khăn lớn nhất đối với các cán bộ nhân viên tại Xưởng hướng nghiệp là làm sao để cân bằng giữa việc bán hàng và giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp. Suốt mấy năm nay, số lượng các cô giáo vẫn vậy, mà học viên thì ngày một nhiều thêm. Các học viên thì bị khuyết tật và rối loạn phát triển nên thời gian dạy sẽ lâu hơn.
Chị Oanh cho biết, các cô tuy có thể kèm 1-1 nhưng vẫn phải đảm bảo công việc sản xuất, vấn đề tài chính, chăm sóc khách hàng chứ không thể chỉ tập trung dạy nghề cho các em. Xưởng hướng các bạn đến việc tự lao động để tạo thu nhập cho chính mình.
Mới chỉ thành lập được 3 năm, Trung tâm Ngọc Ân đã có 5 cơ sở và chuẩn bị mở cơ sở thứ 6 tại TP. HCM. Trung tâm Ngọc Ân tiếp tục chặng đường của mình sứ mệnh mang lại cơ hội học tập suốt đời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh thiếu niên và người tự kỷ, khuyết tật để họ có thể sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
Năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân cùng dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã được tôn vinh là 1 trong 10 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Thủ đô và đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hà Nội. Đây là lời bảo chứng cho những giá trị tích cực mà Trung tâm Ngọc Ân mang lại cho cộng đồng, xã hội.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.