(Sóng trẻ) - Trái đất ngày càng nóng lên, ô nhiễm môi trường gây biến đổi khí hậu và kéo theo nhiều hệ lụy. Nhận thức được điều đó, giới trẻ hiện nay có xu hướng tái chế rác thải để trang trí không gian sống, góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia đứng đầu thế giới có lượng rác thải ra nhiều nhất thế giới. Trên phạm vi thế giới, theo số liệu thống kê của WHO cho biết mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được sử dụng…  Ngoài ra còn rất nhiều các loại sản phẩm làm từ nhựa khác được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Trong 50 năm qua số lượng các sản phẩm làm từ nhựa được sử dụng tăng 20 lần và dự báo có thể gấp đôi trong vòng 20 năm nữa. Thống kê từ các tổ chức như WHO, EPA đã chỉ ra rằng trong số 6,3 tỉ tấn là rác thải nhựa đang tồn tại trong môi trường thì chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% rác thải nhựa được đốt và 79% còn lại vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên.

Các rác thải nhựa khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc hiên ngang nằm chờ dài trên những bãi rác. Chúng ta chẳng còn quá xa lạ khi bắt gặp những hình ảnh về cái chết đầy oan ức của những loài sinh vật biển khi vô tình nuốt phải các loại rác thải nhựa. Những chiếc túi nilon đã qua sử dụng khi bị ném xuống biển như chiếc lưới tử thần không lối thoát khiến hàng nghìn loài cá và sinh vật biển bị đe dọa trực tiếp tới tính mạng.

Không chỉ vậy, rác thải nhựa còn lại chất đống ngày càng nhiều ở những bãi rác gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không những không giúp phân hủy chúng một cách hoàn toàn mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc chôn lấp khiến nguồn nước dưới lòng đất bị ô nhiễm, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất, hoạt động nuôi trồng trên vùng đất đầy rác thải cũng không mang lại hiệu quả như kế hoạch.

Tất cả những điều đó đã trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà dường như chẳng ai để ý tới. Hoặc nói chính xác hơn, chúng ta dẫu biết hiện trạng ấy, dẫu biết những nguy hại tới sức khỏe nhưng cũng chẳng biết phải hành động như nào để thay đổi, chỉ đành tặc lưỡi mà chấp nhận.

Bởi vậy mà khoảng thời gian gần đây, xu hướng decor không gian sống từ rác thải tái chế của giới trẻ trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các chiến dịch tái chế rác thải ngày càng được quan tâm và dần trở thành xu hướng. Bên cạnh việc tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích, xu hướng trang trí trong nhiều không gian khác nhau từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ cho đến ban công, bàn học, bàn làm việc, quán cafe,...từ “rác” được các bạn trẻ đón nhận hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, việc biến những chai rượu cũ trở thành những bình hoa để trang trí cho không gian sống hay tái chế nhựa nilon thành những đèn ngủ xinh xắn cho căn phòng không còn gì xa lạ.

Chị Hạnh - chủ nhân của hàng loạt tác phẩm tái chế những bình rượu, nilon thành lọ hoa, đèn ngủ, đèn trần chia sẻ: “Mình chỉ mong mỗi ngày trôi qua càng có thêm những sản phẩm mới & được nhiều người yêu thích bình hoa tái chế từ chai rượu nhà mình hơn, khi đó mình càng có thể được làm những điều mình thích, phối các màu và phiêu theo cách riêng của mình để tạo ra nhiều bình hoa độc lạ & kiêu kỳ hơn”.

Bằng sự khéo léo và đầy sáng tạo, những chiếc nắp chai tưởng như bỏ đi đã được thổi hồn và trở thành những bức tranh treo tường nghệ thuật hay những chiếc dây chuyền xinh xắn.

Dù có bộn bề với công việc hằng ngày chị vẫn dành tất cả những lúc rảnh để làm những đam mê, những yêu thích để không lãng phí thời gian.

“Với mình, việc giảm thiểu tối đa rác thải khó phân huỷ ra môi trường luôn là ưu tiên và là động lực để mình sáng tạo ra các sản phẩm từ các sản phẩm chai thuỷ tinh, nhựa.... và còn nhiều ý tưởng nữa”. Chị Hạnh hào hứng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng giấy, dây thừng để tái chế thành những bức tranh treo tường đẹp đẽ, Giới trẻ tận dụng tất cả những gì có thể để sáng tạo thành những đồ vật có ích như chiếc chuông gió từ những quả thông, chiếc mành treo từ chai lọ cũ, mô hình làm từ gỗ và giấy,...

Không chỉ nhựa, chai lọ thủy tinh, những mảnh vải cũ cũng có sức sống và ý nghĩa của riêng chúng, Câu chuyện mà chị Hoa (Hà Nội) chia sẻ đã để lại nhiều ấn tượng: “Đây là cái mền bà ngoại mình đã may, chắp nối từ những miếng vải vụn từ quần áo cũ bỏ đi. Bà ngoại may cho mỗi đứa con 1 cái làm của để dành, hơn 20 năm rồi, mẹ mình vẫn giữ lại xài đến giờ chưa rách. Lúc nhỏ mình nghĩ sao cái mền xấu vậy, chắp vá, nhem nhuốc quá. Nhưng lớn lên, càng lớn lên mình thấy sao nó đẹp quá sức. Ông bà mình ngày xưa thực sự đã sống đúng tinh thần 5R (Reduce, Renew, Repair, Reuse, Recycle) trước khi ông bà biết được khái niệm này”.

Vẻ đẹp của chiếc chăn được tạo nên từ chính bàn tay kỳ công chứa tình cảm của bà ngoại dành cho những đứa con, từ sự nhặt nhạnh, không vứt bỏ lãng phí bất cứ thứ gì có thể còn dùng được.

Rác không chỉ được tái chế thành những vật dụng nhỏ để trang trí cho căn phòng, giới trẻ còn biến tấu những mảnh gỗ, thanh sắt vụn, lốp xe ô tô, lốp xe máy hỏng thành những món đồ đòi hỏi sự kỳ công hơn như bàn, ghế, xích đu, tủ treo quần áo,...Những đồ vật không chỉ giúp căn phòng trở nên đẹp đẽ hơn mà còn hữu ích và có thể sử dụng.

Song hành với đà phát triển trong xã hội cũng như sự vận động liên tục của con người, lượng rác thải tồn đọng cũng tăng nhanh đến chóng mặt. Vì vậy, tái chế phế liệu đã trở thành một hành động thiết yếu để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cũng giống như mỗi chúng ta, rác thải xứng đáng có cơ hội thứ hai. Và chính vì lẽ đó, phong trào chế tạo vật phẩm trang trí từ phế liệu ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong cộng đồng. Khi sử dụng và sáng tạo đúng mục đích, bạn có thể biến hóa ra những món đồ hữu ích để tô điểm cho ngôi nhà thân yêu của mình, đồng thời góp một phần quan trọng cho sứ mệnh bảo vệ môi trường.

Tái chế là phương pháp vô cùng thân thiện, giúp kéo dài tuổi thọ của các vật liệu, từ đó có thể giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường. Trên thực tế, các bãi rác thường phát sinh mùi chẳng mấy dễ chịu, cộng hưởng với điều kiện thời tiết gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, giảm rác thải tại các bãi chôn lấp được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để chữa lành vết thương cho trái đất, đồng thời bảo vệ cuộc sống của mỗi con người.

Ở một khía cạnh khác, việc tái chế thường sử dụng ít năng lượng hơn so với sản xuất sản phẩm từ các nguồn nguyên chất. Khi chúng ta tái sử dụng mọi thứ một cách sáng tạo, chúng ta có thể giảm nhu cầu năng lượng và nguyên liệu cần thiết để sản xuất các sản phẩm, vật liệu mới.

Nhu cầu tái chế những món đồ gần như đã hết giá trị sử dụng thành vật dụng trang trí mới cũng giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thay vì bỏ ra cả đống tiền để mua những món đồ đắt đỏ, mỗi người đều có thể tận dụng trí tưởng tượng của bản thân để thiên biến vạn hóa theo đúng sở thích.

Thay vì kết thúc vòng đời tại các bãi rác, chúng ta hãy để rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh bằng cách tái sử dụng chúng. Tái chế rất dễ dàng. Bạn có thể thực hiện ngay tại nhà với những thứ đơn giản như chai lọ bỏ đi, bình thủy tinh hay bất kỳ một vật liệu gì khác.

Những thứ do tự tay chúng ta tạo ra mang ý nghĩa tinh thần lớn, chứa đựng sự sự độc đáo, riêng biệt giúp tăng thêm giá trị và tầm quan trọng tổng thể. Cũng từ chính những việc làm này, bạn có thể rèn giũa tính khéo léo cũng như tỉ mỉ trong công việc.

Hay chúng ta cũng có thể tận dụng những món đồ tái chế đặc biệt để làm quà tặng cho người thân hoặc bạn bè. Tình cảm đôi bên chắc chắn sẽ trở nên gần gũi hơn khi họ biết được rằng, không thể tìm thấy những món đồ vô giá này ở bất kỳ cửa hàng nào, bởi nó chỉ được sáng tạo bằng chính đôi bàn tay khéo léo của bạn.

Nhìn chung, hãy xem việc tái chế phế liệu thành đồ vật phẩm trang trí là một cách để giúp bảo vệ thiên nhiên và môi trường, đồng thời mang lại một màu sắc mới mẻ và sinh động cho không gian xung quanh chúng ta. Xu hướng này cũng có thể coi là công cụ giáo dục rất thú vị để nâng cao nhận thức trong xã hội của tất cả mọi người về hệ quả của hành động mà chúng ta làm đối với môi trường.

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN