Nilon, khói bụi, mùi xú uế hay thậm chí là ruồi nhặng đều là những thứ “quen mặt” với nhân công, người dân làng Khoai (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên). Thế nhưng chúng cũng là “tử thần” hàng ngày hàng giờ bào mòn đi sức khoẻ của họ theo thời gian. Bất đắc dĩ, họ đành chấp nhận hy sinh vì mưu sinh. 

Ở những bãi phân loại, lẫn trong những kiện nilon là những bịch rác thải y tế. Biết là nguy hiểm nhưng họ chỉ trang bị những dụng cụ bảo hộ đơn giản như găng tay vải, khẩu trang vải. 

Những nhân công phân loại rác thải y tế với những đồ bảo hộ đơn giản, thô sơ. Ảnh: Minh Toàn.
Những nhân công phân loại rác thải y tế với những đồ bảo hộ đơn giản, thô sơ. Ảnh: Minh Toàn.

Nhiều người đã bị kim đâm vào tay nhưng cũng chỉ đành bóp máu ra để làm tiếp. Ông Hoàng Văn Nam (64 tuổi, ở Sơn La) cho biết: “Làm thì phải cẩn thận. Chẳng may có bị đâm vào tay thì bóp máu ra mà làm tiếp thôi. Nhưng cũng không hay gặp đâu, năm thì mười họa mới gặp…”. 

Không chỉ kim tiêm mà rác thải y tế nói chung đều tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm. Điều đáng sợ hơn là nếu không được phân loại cẩn thận, chính những rác thải y tế mang mầm bệnh lại trở những ống út, túi nilon, hộp đựng xôi, đựng cơm… sau quá trình tái chế ở đây.  Chúng làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinhthực phẩm, thậm chí gây bệnh cho người sử dụng… 

"Tử thần" hiện diện ở mọi nơi trong làng Khoai, kim tiêm nói riêng và rác thải y tế nói chúng chính là những nguồn lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: Minh Toàn.

Không chỉ ngoài bãi mà trong các xưởng tái chế cũng hiện diện những nguy cơ gây hại trực tiếp đến sức khoẻ của nhân công. Bản chất bên trong các xưởng là quá trình đốt nilon, nhằm nóng chảy để dễ dàng tạo hạt. Các chất bốc lên từ hoạt động đốt nilon, nhựa thừa cũng là một trong số những tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Khí thải từ hoạt động này không chỉ gây hại cho nhân công trong xưởng mà còn gây hại cho cả làng bởi những cột khói đen sì được xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, bãi rác “thật” của làng cũng thường xuyên được đốt để giảm diện tích chứa rác. Cô Đặng Thị Lan (59 tuổi, ở Sơn La) cho biết: “Đêm thì đốt, ngày sẽ phun nước để tắt lửa cho xe chở rác còn hoạt động”.

Rác được đốt sau 7h tối để tránh ảnh hưởng đến kế sinh nhai của những người làm việc ở bãi rác và nhằm mục đích tiết kiệm diện tích bãi rác. Ảnh: Vượng Lê.
Rác được đốt sau 7h tối để tránh ảnh hưởng đến kế sinh nhai của những người làm việc ở bãi rác và nhằm mục đích tiết kiệm diện tích bãi rác. Ảnh: Vượng Lê.

Làng Khoai giàu lên nhờ rác, nhưng người dân chết cũng vì rác. Nghịch lý này ngày càng hiện rõ ở làng Khoai.

Theo TS Đào Thị Hồng Vân - Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Mở Hà Nội, nhựa (plastic) và rác thải y tế có chứa nhựa, khi đốt cháy ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất cực độc là Dioxin (PCDD) và Furan (PCDF); ngoài ra còn có CO2, HCl, kim loại nặng, … Nếu sử dụng lò đốt 2 cấp, đạt tiêu chuẩn thì sẽ hạn chế chất thải nguy hại này.

Sản phẩm nhựa phổ biến là PE (polyetylen), PET (polyetylen terephtalat), PS (polystyren), PP (polypropylen), PVC (polyvilyn clorua) và nilon, có bản chất là polymer hữu cơ tổng hợp. Quá trình sản xuất/tái chế nhựa tạo ra khí CO2, HCl, …sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới người sản xuất/tái chế và phá hủy môi trường.

Theo tổ chức Y tế thế giới, giới trị cho phép của tổng số dioxin/furan là 1-4 pg TEQ/kg/ngày (khuyến cáo là 1). Khi tiếp xúc ở mức độ nhẹ thì gây các bệnh về da, hô hấp, thần kinh, nội tiết. Ở mức độ nặng hơn thì gây các bệnh về gan, thận, máu, ung thư, phụ nữ có thai dễ sinh con thiếu tháng hoặc dị dạng, mức độ cao nhất là dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình tái chế (để tạo màu và làm tăng độ bền, độ dẻo, ổn định…) và chất độn (để làm giảm giá thành, giảm tính cháy), có thể làm tổn thương thần kinh, miễn dịch và một số cơ quan trong cơ thể đối người sử dụng sản phẩm.

Sau khi đốt nhựa, các nguyên tố vi lượng tồn dư trong tro như hóa chất xúc tác, các chất phụ gia, chất độn sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa là chưa được xác định. Do vậy, việc chôn lấp tro thải (cho dù đã được hóa rắn trước khi chôn lấp), về lâu dài những chất nguy hại còn tồn dư sẽ đi theo nước rác (nước rỉ từ bãi chôn lấp rác), làm ô nhiễm đất và nước ngầm, gây nguy hại cho người sử dụng nguồn nước và ăn thực phẩm canh tác trên đất/nước ô nhiễm đó (mức độ nguy hại như đã nói ở trên).

Ở làng Khoai cứ ra ngoài là ai nấy đều khẩu trang 3-4 lớp, nhìn không rõ mặt. Ảnh: Minh Toàn.
Ở làng Khoai cứ ra ngoài là ai nấy đều khẩu trang 3-4 lớp, nhìn không rõ mặt. Ảnh: Minh Toàn.

TS Hồng Vân cho biết: “Sản phẩm nhựa có thể được tạo thành từ nhựa nguyên chất hoặc nhựa đã qua sử dụng. Việc tái chế nhựa đem lại giá trị về mặt kinh tế vì tận dụng được nguồn tài nguyên, ngoài ra còn hạn chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế và nhựa tái chế bị đốt hóa lỏng nhiều lần sẽ giảm chất lượng. Trong quá trình tạo sản phẩm mới có bổ sung rất nhiều chất phụ gia, chất độn nên sản phẩm nhựa tái chế chứa những chất nguy hại khó lường. Vì vậy, không nên dùng nhựa tái chế để làm bao bì cho ngành thực phẩm…”. 

Nếu sản phẩm được tạo thành từ nhựa nguyên chất thì hạn chế mối nguy hại hơn, nhưng trong quá trình tạo sản phẩm vẫn có bổ sung phụ gia (chất màu, BPA, PBS, …), đây là nguồn gốc thôi nhiễm hóa chất vào thực phẩm. Hơn nữa, những hạt vi nhựa (microplastic), nhựa nano đi vào tế bào, mang theo hóa chất, kim loại, tích tụ lại và gây tổn hại tới sức khỏe con người.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viên Bạch Mai) cho biết: “Bản thân các loại nhựa, nilon khi cháy nóng bốc hơi lên, phát sinh ra chất mới, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, từ nhiễm độc, mắc bệnh truyền nhiễm. Nilon trắng thì đỡ nhưng nilon màu càng đậm thì càng độc…". 

Bác sỹ Nguyên chia sẻ thêm, trong quá trình làm việc đã gặp nhiều bệnh nhân nhiễm độc từ hoạt động tái chế nhựa, tái sử dụng các chất từ nhựa như nhiễm thiếc, nhiễm Asen, nhiễm chì… từ đó tiềm ẩn nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm.

Phát triển trước, chạy chữa sau. Nhưng còn chữa được không thì chẳng ai rõ. Bởi từ người già, trẻ nhỏ, đàn ông hay đàn bà thậm chí là người đã khuất cũng đang nằm cạnh "nguồn sống" của những đại gia "giàu sổi". Ô nhiễm là cuộc sống của làng Khoai. 

 
Đừng bỏ lỡ
Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Trung thu trong đôi mắt ngàn sao

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Tết Trung thu trong tín ngưỡng người Việt được xem là Tết của trẻ em. Nhưng, tại nhà X1, ngõ 17 Hoàng Ngọc Phách, phóng viên được chứng kiến một cái Tết Trung thu đặc biệt. Tết Trung thu của những đứa trẻ mang hình hài “trưởng thành”.

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

XEM THÊM TIN