(Sóng trẻ) - Chà vá chân nâu là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm đang trong tình trạng nguy cấp tại Việt Nam. Không chỉ là biểu tượng của sự đa dạng sinh học, voọc chà vá chân nâu còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng và sức khỏe của hệ sinh thái.

Việt Nam, với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, là quê hương của nhiều loài động vật quý hiếm. Trong số đó, voọc - loài linh trưởng nhỏ bé nhưng mang vẻ đẹp độc đáo - đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Với bộ lông sặc sỡ, đôi mắt to tròn và những cử chỉ linh hoạt, voọc không chỉ là một loài động vật hoang dã mà còn là biểu tượng của sự đa dạng sinh học Việt Nam. 

Tuy nhiên, hiện nay, sự tồn tại của voọc đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là do mất môi trường sống, săn bắn trái phép và biến đổi khí hậu. Việc phá rừng bừa bãi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình thủy điện đã làm thu hẹp diện tích rừng, phá vỡ môi trường sống tự nhiên của voọc. Bên cạnh đó, việc săn bắt voọc để lấy thịt, làm thú nuôi hoặc buôn bán trái phép cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm số lượng của loài này. 

Sự biến mất của voọc không chỉ là mất mát về đa dạng sinh học mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác, như mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến du lịch và làm mất đi giá trị văn hóa. Bài toán bảo vệ loài voọc trên con đường nan giải khi chưa thực sự tìm được lời giải thỏa đáng. 

Voọc chà vá chân nâu thuộc họ Khỉ cựu thế giới. Trong cùng chi chà vá còn có 2 loài khác gần giống với Voọc chà vá chân nâu là Voọc chà vá chân xám và Voọc chà vá chân đen. Về cơ bản, ngoại hình và tập tính của 3 loài này khá giống nhau, chỉ khác nhau đặc trưng ở màu sắc cẳng chân là nâu, xám và đen.

Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó. 

Người dân ở xung quanh bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng thường gọi con Voọc chà vá chân nâu là con Giáo hoàng vì nó mặc bộ áo lông màu sặc sỡ và quyền quý. Hoặc người ta gọi Khỉ bảy màu vì nó khoác tấm áo có đến 7 màu sắc khác nhau. Hoặc ít gọi hơn là cái tên Khỉ chú lính vì trên đầu có đội cái mũ bê rê (dải màu đen trên trán) và cuối cùng là Giấu đầu hở đuôi vì khi nó sợ người sẽ lấy các cành lá che mặt, để thòng lòng mấy cái đuôi dài trắng mút đu đưa rất dễ nhận thấy.

Voọc chà vá sở hữu những điểm nổi bật trong màu lông. (Nguồn: GreenViet). 
Voọc chà vá sở hữu những điểm nổi bật trong màu lông. (Nguồn: GreenViet). 

Voọc chà vá chân nâu sở hữu vẻ đẹp độc đáo với bộ lông nhiều màu sắc sặc sỡ, bao gồm vàng, nâu đỏ, cam, xám, đen và trắng. Con đực thường lớn hơn con cái, có túm lông trắng ở mông và bộ râu dài quanh mặt. Tuổi thọ trung bình của chúng khoảng 20-25 năm.

Vòng đời sinh sản của voọc chà vá chân nâu khá đặc biệt. Cá thể cái có thể bắt đầu sinh sản từ 3 tuổi, trong khi con đực thường từ 4-5 tuổi. Thời gian mang thai khoảng 180-200 ngày và chúng thường sinh một con non mỗi lứa. Voọc mẹ chăm sóc con non rất kỹ lưỡng trong những tháng đầu đời. 

Về tập tính, voọc chà vá chân nâu là loài động vật xã hội, thường sống thành các nhóm nhỏ - với duy nhất 1 con đực trưởng thành, 2-3 con cái (vợ), và những đứa con. Kiểu cấu trúc gia đình này được gọi là đàn đơn đực. Thỉnh thoảng trong ngày, nhiều gia đình có thể tập trung lại với nhau thành một đàn lớn lên đến hơn 50 cá thể. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày, dành phần lớn thời gian để tìm kiếm thức ăn trên tán cây. Thức ăn của voọc chủ yếu là lá, quả và hoa của các loài cây trong rừng. Nhờ chế độ ăn giàu chất xơ, voọc có thể thích nghi tốt với cuộc sống trên cây.

Theo báo cáo nghiên cứu về sự phân bố và tập tính vận động của họ Khỉ Voọc (Cercopithecidae) tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng), quần thể Voọc chà vá chân nâu tập trung chủ yếu ở hai sinh cảnh chính: rừng lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới (60,8%) và rừng phục hồi (39,2%). Trong khi đó, các sinh cảnh khác như trảng cây bụi, cỏ hoặc khu vực dân cư chưa ghi nhận sự hiện diện của loài này.

Đáng chú ý, trong sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh, quần thể Voọc chà vá chân nâu chiếm ưu thế với tỷ lệ 38,7%. Tại rừng phục hồi, tỷ lệ này là 32,8%, cho thấy khả năng thích nghi tốt của loài với các khu vực rừng đang trong quá trình tái sinh.

Về sử dụng không gian sống, Voọc chà vá chân nâu chủ yếu hoạt động ở tầng vượt tán (68,62%), tiếp đến là tầng ưu thế (27,46%), và rất ít khi xuất hiện ở tầng cây bụi (3,92%). Điều này phản ánh tập tính sinh thái của loài, thường chọn các vị trí cao trong rừng để sinh sống và di chuyển, giúp giảm nguy cơ bị đe dọa từ các loài săn mồi hoặc con người.

Pie Chart
Infogram

Kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để hiểu rõ hơn về sinh thái của Voọc chà vá chân nâu, từ đó xây dựng các giải pháp bảo tồn phù hợp cho loài linh trưởng quý hiếm này.

Voọc chà vá chân nâu không chỉ là một loài động vật sở hữu vẻ đẹp độc đáo mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái rừng. Là loài cờ hiệu của hệ sinh thái rừng, sự hiện diện của voọc cho thấy một hệ sinh thái rừng nguyên sinh, giàu đa dạng sinh học và còn tương đối nguyên vẹn. Nhờ khả năng di chuyển linh hoạt trên tán cây và chế độ ăn đa dạng, voọc góp phần phân tán hạt giống, giúp tái sinh rừng và duy trì sự đa dạng của các loài thực vật. Nhờ đó, chúng gián tiếp tạo nên một môi trường sống phong phú cho nhiều loài động vật khác, góp phần duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái.

Ông Hoàng Quốc Huy (Phó Giám đốc - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Quản lý dự án Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh) cho biết: “Voọc Chà Vá chân nâu là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn của rừng. Chúng góp phần phân tán hạt giống, duy trì sự cân bằng sinh thái. Ngoài ra, Voọc Chà Vá chân nâu còn là đối tượng nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học về hành vi, sinh thái và tiến hóa của loài linh trưởng”.

Về giá trị kinh tế, voọc chà vá chân nâu là một nguồn thu hút khách du lịch lớn. Hình ảnh những chú voọc với bộ lông sặc sỡ, di chuyển linh hoạt trên tán rừng đã trở thành một điểm nhấn độc đáo thu hút du khách đến với các khu bảo tồn thiên nhiên. Việc phát triển du lịch sinh thái dựa trên loài voọc không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã. Bên cạnh đó, voọc còn là một nguồn gen quý giá cho các nghiên cứu khoa học về sinh thái, di truyền và bảo tồn. 

Về giá trị văn hóa, voọc chà vá chân nâu đã trở thành một biểu tượng của sự đa dạng sinh học Việt Nam. Hình ảnh của voọc xuất hiện trên nhiều ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ voọc cũng là một cách để bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc. Được nhiều người yêu thích và bảo vệ, voọc chà vá chân nâu đã trở thành một biểu tượng của tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo tồn của cộng đồng.

Xem chi tiết 3 kỳ tại đây: "Nữ hoàng linh trưởng" trước nguy cơ tuyệt chủng 

* Trong bài viết có sử dụng video từ GreenViet 

 

 

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN