Tấc đất, tấc vàng quả đúng khi nói về nơi ăn chốn ở của những hộ dân sinh sống tại đây. Khống dám mong cầu một chỗ ở đầy đủ tiện nghi, người dân sống trong những con ngõ tối đen như mực vẫn đang ngày đêm cố gắng bám trụ lấy những căn gác xép lụp xụp, những nóc nhà vệ sinh dột nát để làm chỗ ở hay đơn giản là một nơi ngả lưng khi đêm về.

Toạ lạc trên con đường đông đúc bậc nhất của phố cổ, ngõ 26 phố Hàng Cân sở hữu một bề ngang kiêm tốn, chỉ vừa vặn 1 người đi. Mỗi khi có ai muốn ra vào con ngõ này đều phải lom khom luồn lách, cúi đầu mới có thể di chuyển. Suốt chiều dài ngõ là một con đường thẳng tối đen như mực cùng mùi ẩm mốc bốc lên khiến ai lần đầu đặt chân vào nơi đây cũng phải ngao ngán, chùn bước.

Vậy nhưng sâu tận cùng con ngõ ấy là khu tập thể cũ đã tồn tại hơn 50 năm; đó cũng là nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Thành Tuân (58 tuổi) cùng gần 15 hộ dân khác. Lối đi lên nhà ông Tuân là một chiếc cầu thang bằng gỗ mục bới tay vịn đã rỉ sét, tróc vảy theo năm tháng. Hai bên hành lang là những chiếc tủ chằng chịt hình vẽ trẻ con; chúng được đặt thành hàng bên ngoài, một phần cũng để cơi nới diện tích sinh hoạt bên trong .

"Gia đình tôi ba đời sống ở đây, từ đời cha tôi, đời tôi rồi đến đời các con tôi. Chỗ này là khu tập thể cũ, được xây từ thời Pháp thuộc nên mọi thứ giờ cũng xuống cấp nhiều. Ngõ bé nên nhiều cái bất tiện lắm, muốn sắm đồ đạc mang vào cũng khó, nhà nào có xe máy phải đem gửi ở đầu ngõ chứ không dắt vào được hoặc phải bẻ bớt núm tay lái, gập gương chiếu hậu để di chuyển vào ngõ. Bất cập là thế những hễ có hộ dọn đi là lại có gia đình khác tới ở, già có mà trẻ cũng có", ông Nguyễn Thành Tuân chia sẻ.

Có một sự thật rằng, người sống ở đây đã khổ nhưng người chết trong những con ngõ tối tăm này còn khổ hơn gấp trăm đường. Tại những “khe nứt” ấy của Thủ đô, việc tổ chức ma chay là điều không thể. Theo lời ông Tuân, ở khu này nhà nào có người sắp mất thì người thân phải tức tốc cõng ngay ra nhà tang lễ. Thậm chí, nếu lìa đời trước khi ra khỏi ngõ, người nhà cũng phải cõng xác chết đưa ra ngoài bởi ngõ quá hẹp, quan tài không thể vào được.

Chung nỗi khổ với ngõ 26 phố Hàng Cân là hàng trăm ngõ khác nằm rải rác khắp khu vực phố cổ. Những ngôi nhà trong các con ngõ ấy số đông đều xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khi có cháy nổ. Một số hộ gia đình vì diện tích nhà quá chật nên đành xếp đồ đạc la liệt ở đầu ngõ, từ xoong, nồi, chậu, rổ rá cho tới cả bình ga.

“Tôi sống ở đây cả đời rồi thì chết cũng chết ở đây”, đó là lời ông Phùng Văn Hải (92 tuổi), người đã sống hơn 40 năm tại ngõ 107, phố Hàng Bạc. Căn nhà của ông nằm tận cùng con ngõ sâu hun hút. Gọi là nhà cho sang vì thực chất, nơi ở của hai vợ chồng ông Hải được xây từ những mảnh tôn cũ kỹ, han rỉ ghép lại, dựng trên nóc nhà vệ sinh tập thể. Căn “nhà dù” rộng vỏn vẹn hơn 10m2 nhưng lại là nơi sinh sống của 2 thế hệ với 4 thành viên.

 

Ở cái tuổi xế chiều, khi người ta chỉ việc an nhàn bên con cháu thì hằng ngày, ông Hải vẫn cặm cụi hành nghề bơm vá để kiếm thêm thu nhập rồi lại cặm cụi đi về, leo lên những bậc thang phủ đầy rêu phong để vào nhà. Ông kể, căn nhà “có một không hai” này hiện chỉ còn hai vợ chồng ông sinh sống vì cả hai người con đều đã lập gia đình, người con gái theo nhà chồng, con trai cũng đi ở rể.
Nói về lý do vẫn lựa chọn sống ở trên nóc nhà vệ sinh dù đã tuổi cao sức yếu, ông Hải bộc bạch: “Con trai tôi đi ở rể, tôi đi theo làm sao được, nhà như thế này thì phải ở rể là đúng rồi. Vợ chồng tôi vẫn còn khỏe, đi lại được nên ở đây để không phiền hà đến con cháu”.

Bà Sâm, vợ ông, kể rằng nhà vệ sinh này là của tất cả các hộ gia đình sinh sống trong ngõ dùng chung nên không thể tránh được chuyện mùi xú uế, hôi hám bốc lên, tràn vào căn nhà nhỏ phía trên của hai vợ chồng ông bà. Không chuyển đi và cũng không thể chuyển đi vì có đi hai ông bà cũng chẳng biết đi đâu. “Giờ đi đâu được, chỉ mong Nhà nước có biện pháp gì giúp đỡ cho bớt khổ thôi”, bà Sâm nói. Không đủ kinh tế để di dời là một chuyện nhưng đối với nhiều người khác, họ lại không muốn chuyển đi mà lựa chọn “sống khổ” trong những con ngõ nhỏ hẹp cùng điều kiện sống hết sức bất tiện. Lý giải cho điều này bởi nhiều người dân nơi đây đã quen với cuộc sống “hữu danh vô thực” khi làm dân phố cổ.

“Nhà có chục mét vuông thì biết bán cho ai? Ai người ta mua? Kể cả bán được thì biết dọn đi nơi nào, làm gì ăn để mà sống?”, bà Đinh Thị Dậu, người dân sinh sống tại ngõ 44 Hàng Đường cho hay. Một số người vừa cố gắng bám trụ, vừa tận dụng mọi không gian trống để làm nơi mưu sinh. Họ kinh doanh đủ loại mặt hàng trong ngõ, từ quán nước, hàng ăn, tiệm may, bơm vá… Hay có những hộ dân vẫn tiếc cái được gọi là đất vàng thủ đô khi giá nhà đất tại phố cổ thuộc hàng đắt nhất nhì Hà Nội.

Sống tại tầng 2, khu tập thể Hàng Bông, căn phòng của bà Phan Thị Hảo (67 tuổi) đã xuống cấp, xập xệ trầm trọng. Nhưng bà Hảo vẫn khẳng định, căn phòng khi rao bán sẽ có giá không dưới 1,5 tỷ đồng. Cũng vì lẽ đó mà hàng nghìn hộ dân vẫn không ý định chuyển đi nơi khác, mặc cho những căn nhà ngày càng xuống cấp và đề án giãn dân vẫn đang là kế hoạch bị bỏ ngỏ.

Năm 1998, UBND TP. Hà Nội bắt đầu khởi động dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực này từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, ước tính khoảng 27.000 người. Dự kiến vào năm 2030 sẽ có ít nhất 215.000 người dân phải rời khỏi nội thành.

Đề án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân. Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020. Theo lý thuyết là vậy, tuy nhiên sau 25 năm ngủ đông, đến nay đề án giãn dân vẫn chưa đi vào thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng vẫn tồn tại nhiều bất cập trong quá trình chuyển hóa từ đề án sang thực tiễn: “Đề án giãn dân phố cổ đã đề ra gần 30 năm, từ quy hoạch thành phố chung được duyệt năm 1998. Dù Hà Nội đã xây dựng rất nhiều định hướng nhưng khi thực hiện lại không được như mong muốn.

Thứ nhất, việc tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả. Các cấp quản lý chưa vận động để người dân thấy được những lợi ích từ việc giãn dân. Bên cạnh đó, thành phố đang chỉ tập trung vào chỗ ở chứ chưa bám sát vào điều kiện sống cũng như sự giúp đỡ để tăng thu nhập cho người dân. Cần phải đẩy mạnh hơn những cơ chế, chính sách khuyến khích hay những đặc quyền, ưu đãi đối với những hộ dân nằm trong khu vực phải di dời”.

TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết thêm, hiện Hà Nội đang có hơn 800 ngôi nhà cổ có giá trị. Đề án được đánh giá sẽ tác động rất nhiều đến định hướng phát triển và việc bảo tồn bản sắc, giá trị văn hóa xưa cũ của Thủ đô. Chính vì điều này, mô hình nên chú trọng nhiều hơn những di sản phố cổ như ẩm thực địa phương, các phố nghề… Ngoài ra, để hiệu quả hơn trong công tác vận động người dân di dời ra khỏi những khu vực xuống cấp, cần phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân giãn ra từ từ và rà soát dân số ở lại. Trên cơ sở ấy vừa tổ chức, sắp xếp lại cuộc sống người dân mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa phố cổ.

Xem toàn bộ tuyến bài tại: Bám trụ tại thủ đô 

 

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN