


Sự hiện diện của phụ nữ trong ngành khai khoáng bị kìm hãm bởi các khuôn mẫu giới, định kiến giới như những lớp trầm tích lâu năm vẫn đang âm thầm bám chặt vào tư duy xã hội và cơ cấu tổ chức ngành nghề. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tính đến năm 2019, ngành khai khoáng có khoảng 21,4 triệu lao động trên toàn cầu, trong đó nam giới chiếm phần lớn với khoảng 18,3 triệu người, còn nữ giới chỉ chiếm khoảng 3,1 triệu người.
Cán cân về giới mất cân bằng, thậm chí ngành khai khoáng lâu nay vẫn thường bị mặc định là “lãnh địa” của nam giới. Ở đó, nam giới gắn liền với sức mạnh thể chất và khả năng làm việc trong môi trường khắc nghiệt, còn định kiến giới về sự “yếu đuối” của nữ giới lại tạo ra một trong những rào cản đầu tiên, vô hình nhưng mạnh mẽ, khiến nhiều phụ nữ không được trao quyền để phát triển bền vững trong ngành.

Chị Diệp Huỳnh Thúy Nga - chuyên viên quản lý bảo dưỡng tại Công ty Cổ phần Dịch vụ khai thác dầu khí PTSC (PTSC PS) chia sẻ: “Có thể có sự không tin tưởng từ đồng nghiệp nam hoặc khách hàng, vì ngành này vốn dĩ thường xuyên gắn liền với hình ảnh nam giới làm chủ. Các đồng nghiệp nam cũng sẽ có những định kiến cho rằng mình không thể chịu được khối lượng công việc nặng nhọc hoặc không đủ khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp.”
Bên cạnh đó, ngành khai khoáng cũng là biểu hiện rõ nét của cấu trúc phân tầng giới – nơi các vị trí quản lý, điều hành chủ yếu thuộc về nam giới. Một nghiên cứu về phụ nữ trong ban lãnh đạo các công ty khai khoáng do PricewaterhouseCoopers thực hiện vào năm 2013 cho thấy phụ nữ chỉ nắm giữ 5% số ghế trong hội đồng quản trị tại 500 công ty khai khoáng hàng đầu. Nghiên cứu kết luận rằng ngành khai khoáng có tỷ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo thấp nhất so với bất kỳ ngành nào trên thế giới.
Ngoài ra, định kiến xã hội về “thiên chức” cũng khiến phụ nữ phải gánh trách nhiệm kép - vừa đi làm, vừa phải đảm bảo vai trò chăm sóc gia đình. Với môi trường công việc vốn được thiết kế chủ yếu cho nam giới, phụ nữ dễ bị đánh giá là “không ổn định”, “khó sắp xếp thời gian”, từ đó bị loại bỏ trong tuyển dụng hoặc không được đề bạt.

“Gần như mặc định trong xã hội Việt Nam mình là phụ nữ ngoài công việc ở nơi làm việc còn cần đảm đương rất nhiều công việc gia đình, nội trợ, con cái,...”. Ông Phan Thủy - Quản đốc Xưởng khai thác Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn - Đơn vị khai thác đá vôi đá sét đã thẳng thắn thừa nhận về lý do nữ giới đang chưa được ưu tiên tuyển dụng trong lĩnh vực khai khoáng.
Thực tế, khi phụ nữ làm khai khoáng, việc gánh gồng những lớp định kiến và khuôn mẫu giới đã đè nén chặt chẽ cơ hội nghề nghiệp của họ. Song, điều này cũng giới hạn tiềm năng phát triển bền vững của chính ngành khai khoáng. Bởi bất kỳ một lĩnh vực nào cũng đều cần đa dạng hóa nguồn nhân lực để thích nghi với những chuyển động của công nghiệp hiện đại và phát triển xanh.

Việc “kiến tạo sâu tầng” không đơn thuần là thay đổi những trầm tích định kiến đã tích tụ qua hàng thế kỷ, mà cốt lõi là xây lại nền móng nội tại để đảm bảo phụ nữ nói riêng và các nhóm yếu thế nói chung có thể ở lại, phát triển và trở thành một phần trung tâm trong guồng máy vận hành của doanh nghiệp. Đó là sự kết hợp của rất nhiều những hành động thực tiễn đến từ tất cả các giới, các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cả chính sách của nhà nước.

Trên thế giới, không ít tập đoàn, công ty khai khoáng đã tham gia mạnh mẽ vào hành trình thúc đẩy bình đẳng giới. BHP - một tập đoàn khai thác khoáng sản và kim loại đa quốc gia có trụ sở tại Úc - nổi bật với những thành tựu phản ánh sự thay đổi mang tính cấu trúc trong cách hoạch định nguồn nhân lực. Tính đến ngày 30/6/2024, phụ nữ chiếm 37,1% lực lượng lao động của BHP - một con số ấn tượng nếu so với mức 17,6% vào năm 2016, thời điểm tập đoạn bắt đầu đặt mục tiêu cân bằng giới.
Còn tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng không ngừng quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong các lĩnh vực cụ thể nói riêng. Trong đó, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định rõ mục tiêu "Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Ý thức rõ bình đẳng giới không chỉ là yêu cầu về mặt chính sách, mà còn là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển bền vững, ông Phan Thủy đã nêu ra những giải pháp thiết thực mà Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Bút Sơn đang thực hiện: “Công ty tạo điều kiện cho nữ lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề, đồng thời bảo đảm các chế độ chính sách về thai sản, sức khỏe, cũng như hỗ trợ cân bằng giữa công việc và gia đình. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, không phân biệt đối xử”.

Những chuyển động sâu tầng còn đến từ cá nhân mỗi người phụ nữ. “Để vượt qua những định kiến, điều quan trọng nhất là chứng minh năng lực qua kết quả công việc. Tôi và các đồng nghiệp nữ đã chứng tỏ rằng năng lực không phụ thuộc vào giới tính mà là vào sự tận tâm, kiến thức chuyên môn và khả năng giải quyết vấn đề.” - Chị Nga tin rằng chính thái độ làm việc, sự chủ động trong học hỏi và tinh thần không ngừng vươn lên sẽ là chìa khóa giúp phụ nữ tự tin khẳng định vị thế trong ngành khai khoáng.


Truyền thông luôn đóng vai trò đặc biệt trong việc hình thành và dẫn dắt nhận thức xã hội. Trong những lĩnh vực còn mang nặng định kiến giới như khai khoáng, truyền thông không chỉ là phương tiện truyền tải thông điệp, mà còn là “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy những thay đổi sâu rộng từ nhận thức, tư duy đến hành động.

Thông qua các nền tảng mạng xã hội, báo chí, truyền hình hay các chiến dịch nội bộ tại doanh nghiệp, truyền thông trở thành cầu nối giữa các cá nhân, tổ chức và chính sách - góp phần tạo nên tiếng nói chung cho mục tiêu bình đẳng giới. Những định kiến giới dưới hầm mỏ sâu thẳm được soi chiếu trực tiếp, bóc tách từng lớp, để từ đó công chúng và thậm chí chính những người làm việc trong ngành khai khoáng vẫn thường nhìn nhận bất bình đẳng giới một cách vô thức có thể nhận thức đúng đắn và hành động hiệu quả.
“Những chiến dịch truyền thông không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn khuyến khích phụ nữ tự tin theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành.” Lời khẳng định của chị Nga đã phần nào cho thấy vai trò thiết thực của truyền thông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Năm 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ban hành Bộ chỉ số về giới trong truyền thông để các tổ chức truyền thông có thể đánh giá hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới và khuyến khích các tổ chức truyền thông phản ánh về giới trong nội dung truyền thông, làm cho các vấn đề bình đẳng giới trở nên công khai. Bộ chỉ số này được dịch sang tiếng Việt và chính thức ban hành để áp dụng vào hai năm sau đó. Đến năm 2021, sau khi được phê duyệt, Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 cũng được đưa vào triển khai sâu rộng trong các bộ, ban, ngành.
Các chương trình truyền thông do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) khởi xướng đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa hành động truyền thông về bình đẳng giới. Thông qua loạt hội thảo, diễn đàn, tập huấn, cuộc thi và các chiến dịch truyền thông của tổ chức, hình ảnh phụ nữ trong ngành khai khoáng được ghi lại một cách sinh động, tích cực và đa chiều hơn.
Cuộc kiến tạo sâu tầng về bình đẳng giới không phải là một thay đổi mang tính hình thức hay nhất thời, không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Đó là hành trình dài hơi, đòi hỏi sự kiên định và đồng hành từ nhiều phía, bao gồm cả chính sách của nhà nước, tầm nhìn của doanh nghiệp, “đòn bẩy” của truyền thông và sự bền bỉ của mỗi cá nhân. Cũng cần tin rằng, những chuyển động tích cực về giới trong khai khoáng vẫn đang từng ngày được hình thành - chậm rãi nhưng chắc chắn.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.