(Sóng trẻ) - Cùng nhóm PV đến 3 địa điểm ô nhiễm nặng nhất, anh Dũng ngậm ngùi nói tất cả 83 tuyến sông đều đang khoác chiếc áo đen kịt và bốc mùi.
Đặt chiếc máy ảnh trên vai, anh Dũng lần theo các bờ sông, bờ kênh để chụp dòng nước đen kịt, chất đầy những rác. Hơn 5 năm làm công việc mà nhiều người cho rằng “lo chuyện bao đồng”, anh Dũng vẫn không bỏ cuộc. Đó là sự đấu tranh mạnh mẽ của người con đất Hưng Yên. Tất cả những gì anh đã và đang làm là sự mong cầu giành giật lại sự sống cho dòng sông Bắc Hưng Hải đã hơn 10 năm oằn mình cõng rác.
Ánh mắt anh đau đáu nhìn những bức ảnh mà rác thải đày đọa dòng sông. Trong ký ức của anh, dòng sông Bắc Hưng Hải là một bản tình ca châu thổ, nuôi dưỡng cho nền nông nghiệp của 3 tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.
Anh Dũng nghe người xưa kể lại về những gian truân, vất vả của nhân dân khi xây dựng công trình thủy lợi này. Trước khi có hệ thống thuỷ điện Bắc Hưng Hải, người dân nơi đây sống trong cảnh “mười năm chín hạn”, “sống ngâm da, chết ngâm xương”.
Bao nhiêu năm cống hiến thân mình để chăm lo cuộc sống nông nghiệp của nhân dân, nhưng giờ đây, hệ thống Bắc Hưng Hải gần như “kiệt sức”. Nếu coi dòng sông là một cơ thể sống thì sự ô nhiễm là những tế bào ung thư di căn toàn bộ các mạch máu, bộ phận của dòng sông. Theo lời anh Dũng, suốt 12 năm nay, chưa một ngày nào dòng sông thối bốc mùi hôi thối, cũng chưa một ngày nào người dân ven sông được sống trong bầu không khí trong sạch. Dường như, sống lâu với ô nhiễm, người dân đã quen với dòng nước đen kịt, mùi tanh tưởi dưới lòng sông toàn rác và sình lầy.
Bà Đinh Thị Loan, 63 tuổi, khom mình tưới những cụm rau xanh mởn được trồng bên bờ sông Dị Sử (một nhánh sông đổ ra Bắc Hưng Hải). Ngày nào cũng thế, bà Loan đều kéo một đoạn ống nước dài để dẫn nước sạch từ nhà ra để chăm bẵm cho luống rau. Gặp gỡ với PV, bà Loan nói: “Nhà gần sông nhưng có dám dùng nước của sông đâu. Gần chục năm nay, tôi đều phải bỏ tiền mua nước sạch để tưới tiêu. Dùng nước sông để sinh bệnh, để chết à?”
Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp mà sự ô nhiễm còn tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Dòng sông uốn quanh ngôi làng Dị Sử, chảy thẳng qua trường THCS Dị Sử. Ngay từ khi chuyển vào học, nhiều em học sinh đã phải chịu cảnh sống chung với không khí ô nhiễm. Trong trí nhớ non dại của các em, không ai biết rõ dòng sông chết từ khi nào, cũng chẳng biết bao giờ được cứu sống.
Đối diện với trường THCS là Trạm Y tế vắng người qua lại. Trạm y tế là nơi để người dân đến thăm khám, chữa bệnh và nghỉ ngơi. Liệu rằng, bên cạnh dòng nước hôi hám, bẩn thỉu, người dân có sẵn sàng đến đây chữa bệnh hay không?
Từ trạm y tế, anh Dũng lần theo những con mương nhỏ chảy ra sông Cầu Giuộc (một nhánh sông của Bắc Hưng Hải). Giữa cánh đồng mênh mông, trơ trọi, con mương gầy guộc, cằn cỗi cõng trên mình quá nhiều nước thải. Không ngại ngần, anh Dũng mò xuống bờ mương, bật nắp cống che đậy đi nước thải chưa qua xử lý. Nhìn qua khe nhỏ hẹp giữa 2 nắp cống, hình ảnh nước thải đặc quánh, đen kịt xuất hiện. Cùng theo đó là mùi thối xộc thẳng vào não.
Theo chân anh Dũng khoảng một cây số, nhóm PV bắt gặp 5-6 ống xả thải bị bít tắc. Xung quanh đó ngập đầy những rác. Nước thải từ nhà máy, xưởng công nghiệp đổ thẳng xuống con mương, hoà lẫn vào lượng nước tưới tiêu của nông dân. Dần dần, con mương đã bị lãng quên, chẳng còn ai dám sử dụng nước ở đây để phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Nhìn ruộng đồng bị bỏ hoang vụ đông, bà Nguyễn Thị Trúc, 50 tuổi ngậm ngùi cho biết: “Nước thải ở nhà máy khiến cho cuộc sống của nông dân lao đao. Mùa hè còn có nước mưa, chứ mùa đông vừa ít vừa bẩn, có ai dám trồng trọt gì đâu”.
Người dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng tố cáo “Công ty TNHH Giặt 89” (Xuân Dục, Mỹ Hào, Hưng Yên) - một trong những nguyên nhân của “tế bào ung thư”. Hành vi xả nước thải không qua xử lý ra môi trường của các nhà máy, khu công nghiệp là vi phạm pháp luật. Tuy đã bị xử phạt vì vi phạm luật bảo vệ môi trường, nhưng đến nay, vẫn không giải quyết triệt để được vấn đề này.
“Bệnh” của dòng sông để lâu không ai xử lý sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khỏe con người. Người dân ngán ngẩm khi kể về sự ô nhiễm ở sông Như Quỳnh (một nhánh sông đổ ra Bắc Hưng Hải). Nơi đây được gọi bằng cái tên mà không mấy ai mong muốn - “làng ung thư”.
Đã nhiều năm, ngôi làng này gắn liền với dòng sông Như Quỳnh. Dòng sông từng ôm ấp tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ, từng nuôi dưỡng ước mơ của biết bao con người Văn Lâm. Thế nhưng, đến bây giờ, Như Quỳnh không thể bảo vệ con người, cũng như con người không thể bảo vệ dòng sông dù gồng mình hết sức.
Giờ đây, 2 ven sông nổi lềnh bềnh rác rưởi. Nước tung bọt trắng xóa và phả ra mùi nồng nặc. Trên mặt nước còn xuất hiện những hạt nhựa li ti từ làng nghề xả thải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của con người.
Đây chính là lý do lớn nhất mà anh Dũng và biết bao người dân nơi đây đau đáu tìm hướng giải quyết. Với anh, tìm lại sự sống cho dòng sông cũng chính là tìm lại sự sống cho bà con quê mình.
Nhận định về sức khỏe con người khi sống trong môi trường ô nhiễm nước, ThS.Bác sĩ da liễu Nguyễn Thị Diệp cho biết: “Người dân dễ mắc nhiều loại bệnh do nguồn nước bẩn trong sinh hoạt như: các bệnh về da, viêm da cơ địa, ung thư da,... Chính vì tình trạng ô nhiễm nước đã khiến cho tỉ lệ người bệnh cấp và mãn tính như: ung thư, viêm da, tiêu chảy,... tăng lên ngày một nhiều. Cần có những biện pháp xử lý kịp thời để sức khỏe người dân được đảm bảo”.
Cho đến bây giờ, tình trạng ô nhiễm của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải nói chung và các nhánh sông nhỏ nói riêng vẫn chưa được xử lý. Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, diễn ra vào chiều 16/03/2022, trả lời câu hỏi về giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm của dòng sông Bắc Hưng Hải, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường cho biết:
“Vấn đề ô nhiễm trên sông Bắc Hưng Hải là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay và trở thành điểm nóng cùng với sông Nhuệ, sông Đáy. Tới nay, Bắc Hưng Hải không còn là một nơi có thể chứa nước thải. Dòng sông này chỉ phục vụ một mục tiêu duy nhất là cung cấp nước sạch cho hoạt động sản xuất nông nghiệp”.
Để giải quyết vấn đề này, ông kiến nghị: “Vì vậy, chúng tôi đã có kiến nghị vào năm 2018 với Bộ Phát triển Nông thôn về việc bổ sung, xây dựng các trạm bơm vào mùa khô để bổ sung nguồn nước. Khi có nước chảy thì chất lượng nước mới có thể được cải thiện”.
Trải qua 12 năm oằn mình cõng rác, hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã mất đi sự đẹp đẽ vốn có. Giờ đây, ước vọng “úp mặt vào sông quê” chỉ còn trong câu hát. Những câu hỏi như: “Khi nào dòng sông được hồi sinh?” hay “cuộc sống con người nơi đây sẽ ra sao?” vẫn thật khó để có câu trả lời…
* Tên của một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
Được xây dựng từ năm 1958, hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải có tổng chiều dài tuyến sông chính khoảng 232km, cung cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho gần 200.000 ha đất canh tác. Hệ thống còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp. Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT thực hiện trên 83 tuyến kênh chính và kênh nhánh vào mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, cho thấy tình trạng ô nhiễm đáng báo động trên hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Cụ thể, có đến 40/83 tuyến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 23/43 tuyến kênh còn lại bị ô nhiễm ở mức độ trung bình; còn lại 20 tuyến kênh đang ở mức độ ô nhiễm nhẹ. |
Xem chi tiết bài viết tại: Bức tử hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.