22 giờ đêm, tại một quán bar nhỏ trên con phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tiếng nhạc xập xình vang lên xen lẫn tiếng hò reo của nhiều vị khách. Không gian khá bé nhưng các quầy bar đều chật kín người. Những vị khách hôm nay tới không phải để thưởng thức đồ uống mà bởi đêm nay họ sẽ được hòa mình vào những màn trình diễn vô cùng đặc biệt.
“Nhạc đã đủ cháy chưa khán giả yêu quý ơi?” Người đứng đầu show diễn kiêm MC đêm nay - Fiona HiLee bước ra. Sau những lời mở màn hết sức duyên dáng, show diễn được bắt đầu: “Cảm ơn tất cả mọi người đã đến với ‘Bede by night’, không để quý vị chờ đợi lâu nữa, sau đây chính là màn xuất hiện của một trong số các ‘nữ hoàng’ nóng bỏng - Bede Chile!”.
Ánh sáng xung quanh vụt tắt, thay vào đó chỉ còn ánh đèn tập trung trên sân khấu. Sau cánh gà, Chile bước ra bằng một điệu nhảy cuốn hút trên nền nhạc EDM. Ánh mắt cùng thần thái xuất sắc của cô đào khiến khán giả ngồi dưới càng reo hò nồng nhiệt hơn. Vậy nhưng chắc không mấy người biết, chỉ vài tháng trước, Chile vẫn còn là một chàng trai khép mình với nhiều ước mơ chưa dám thực hiện.
Bede Chile tên thật là Trần Tuấn Phong, 21 tuổi. Ngay từ khi còn là một cậu bé, Phong đã phát hiện mình không giống những bạn nam cùng lứa tuổi. Thay vì vòi vĩnh bố mẹ mua những món đồ chơi như ô tô, mô hình, cậu lại có hứng thú hơn với búp bê - sở thích tưởng chừng chỉ dành cho các bé gái. Càng lớn, Phong càng nhận thức rõ hơn về xu hướng tính dục của mình.
“Cái ngày bố mình biết mình là gay, ông đã khóc” - nhớ lại khoảnh khắc bản thân come out với bố mẹ, giọng Phong bỗng trầm xuống - “Thấy bố mình khóc, mình cũng khóc theo. Lúc ấy, bố ôm mình và nói rằng con không phải khóc, dù con có là ai đi chăng nữa, con vẫn là con của bố và bố mãi là bố của con”.
Dù biết bản thân có “máu” nghệ thuật nhưng Tuấn Phong chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mình bén duyên với Drag Queen. Thậm chí, chàng trai còn từng có cái nhìn khá khắt khe về nghề này: “Lần đầu nghe, mình đã thấy nó khá thiếu nghiêm túc. Vậy nhưng, trải qua khoảng thời gian giam mình trong nhà vì áp lực và tự ti, mình tình cờ xem được một Drag show của nước ngoài. Chương trình ấy đã truyền cảm hứng để mình tự nhủ rằng, bản thân sẽ phải trở thành một Drag Queen”.
Nghệ thuật Drag Queen lần đầu tiên xuất hiện tại Anh vào năm 1870. Từ "Drag" (Dress Resembling A Girl - ăn mặc như một cô nàng) ra đời nhằm chỉ các hoạt động biểu diễn, hóa thân thành những người phụ nữ. Drag Queen du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước. Dần dần, nó trở thành một loại hình nghệ thuật, không quy định tuổi tác, giới tính và phong cách.
Tính đến nay, Tuấn Phong đã đồng hành cùng Drag Queen được gần nửa năm. Quãng thời gian chưa quá dài, song cũng đủ để Phong thấu hiểu nỗi vất vả đằng sau cái nghề còn mang nặng định kiến này. “Công việc này yêu cầu tính sáng tạo cao. Với mỗi show diễn, bọn mình phải tự chuẩn bị trang phục, tóc giả, makeup, phương tiện đi lại, tất tần tật mọi thứ” - Phong tâm sự.
Nhờ có Drag Queen, Phong mới tìm ra Chile - bản ngã của mình. Không phải những cái tên mỹ miều như bao Queen khác, cậu chọn hai từ “Bede” để ghép cùng tên “Chile” với ý nghĩa rất đặc biệt: “Từ ‘bê đê’ thường dùng với hàm ý dè bỉu hay trêu ghẹo các bạn gay. Nhưng mình không cảm thấy xấu hổ hay khó chịu khi bị người khác gọi vậy, thậm chí muốn biến nó thành một phần trong nghệ danh. Bởi đơn giản, mình yêu và chấp nhận con người thật của bản thân”.
Phải theo chân Phong tới đêm diễn mới hiểu được những điều mà các Drag Queen phải đánh đổi để theo đuổi niềm đam mê đặc biệt này. Trong một góc chật hẹp sau cánh gà chẳng thể gọi là phòng thay đồ, cậu cùng các thành viên vội vã sửa soạn, thay trang phục, chỉnh lại tóc tai chuẩn bị lên sân khấu. Để chuẩn bị cho 2 tiếng đứng trước khán giả, cả đoàn phải sửa soạn trước đó nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. “Có hôm mình phải lên đồ, trang điểm từ 2 giờ chiều cho một show diễn ra lúc 10 giờ tối” - Phong kể.
Ngoài tiêu chuẩn khắt khe về ngoại hình, các Drag Queen còn phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe. Phong không khỏi rùng mình khi nhớ về những vết thương sau các đêm diễn: “Có những hôm đi diễn về, chân mình đau rã rời, không nhấc lên nổi, đặc biệt khi nhảy trên giày cao gót”. Sau mỗi lần được tỏa sáng là những vết bầm tím, đau rát để lại trên cơ thể, điều này đã quá đỗi quen thuộc với các Queen.
Khi được hỏi “Phong có bao giờ sợ những định kiến xã hội nhắm vào mình không?”, Phong chỉ mỉm cười. Cậu đã quá quen với những ánh mắt soi xét, dòm ngó, những lời trêu đùa đầy sự dè bỉu từ khi bản thân còn là một cậu bé. Đã từng buồn tủi, chán nản nhưng điều quan trọng là Phong dám biến sự kỳ thị đấy thành đòn bẩy để cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày.
“Văn hóa Việt Nam khắt khe hơn phương Tây khá nhiều. Chúng mình ai cũng hiểu để tất cả mọi người chấp nhận văn hóa Drag là điều cực kỳ khó, nhưng không phải không thể. Tất cả mọi thứ đều cần quá trình, còn có cơ hội chúng mình vẫn sẽ cố gắng” - Phong tâm sự.
Dẫu khá mệt sau một tiết mục nhảy tốn sức, Phong vẫn chia sẻ rằng được đứng trên sân khấu đã là một niềm tự hào với bản thân cậu. “Dù có ngã dập đầu gối nhưng được làm Bede Chile, mình cũng chấp nhận. Công việc này khiến mình duy trì dù nó thực sự khó khăn. Trở thành Drag Queen cho mình nhiều thứ, bạn bè, tình cảm của khán giả, những người hết lòng ủng hộ dù chưa hề quen biết nhau”.
Một trong những điều Phong trân quý nhất khi bước chân vào thế giới Drag Queen, đó là tìm được một gia đình thứ hai - nơi cậu cảm thấy thực sự an toàn khi hòa mình vào tập thể. Quan trọng hơn, ở đó còn có những người chung cộng đồng, có chung niềm đam mê và sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ nhau hết sức mình.
“Sau một thời gian hoạt động cá nhân, mình biết tới team House of Fiona HiLee. Đó là team của anh Phong Lê, chính là Drag Queen có nghệ danh là Fiona HiLee” - Phong cười. Vừa mở những tấm hình chụp chung cả nhóm, cậu vừa tỏ ra vô cùng tự hào khi kể về người đồng nghiệp của mình. “Mình tin rằng những người trong giới chỉ cần nhắc tới Drag Queen Hà Nội là sẽ nghĩ tới Fiona”.
Những ngày đầu, Tuấn Phong còn khá ngần ngại khi bước ra đường với gương mặt trang điểm đậm cùng những bộ đồ diễn. Có lần, kết show, khi cả nhóm rủ nhau đi ăn, cậu đã bị nhiều thanh niên say rượu không ngừng trêu chọc ngoại hình. Lúc ấy chính Fiona là người “giải vây” giúp Phong, thậm chí còn dạy cậu phải cứng rắn, mạnh mẽ trước những lời bỡn cợt không đáng để tâm. “Fiona không sợ những người đó. Nhờ Fiona của lúc đó mà mình sau này đã tự tin hơn rất nhiều”.
Chính những người bạn trong ngôi nhà chung đã hướng dẫn Phong từng động tác trong phòng nhảy, cách chọn trang phục tôn lên được cá tính của bản thân. Mỗi khi có show, các thành viên lại í ới gọi nhau đi diễn chung; rồi khi hết show, cởi bỏ bộ tóc giả, họ lại trở về là những chàng trai cùng nhau cười đùa tại quán ăn ven đường.
“Những khi ở cùng nhau, chúng mình được là chính bản thân và thoải mái bộc lộ những gì chân thật nhất. Trước đây mình chỉ có 1-2 người bạn thân, nên lâu lắm rồi mới tìm được một hội nhóm mà mình cảm thấy an toàn khi ở trong đó. ‘Haus of Fiona HiLee’ cho mình sự thoải mái và gần gũi, giống như người thân chứ không đơn thuần chỉ là những người bạn” - Phong cười.
Trở thành một Drag Queen, Phong có thêm những tình bạn đẹp, những người yêu quý mình và quan trọng hơn hết là được sống đúng với bản ngã, được làm Bede Chile. Tuy vậy, Phong chia sẻ cậu cùng các thành viên không thể chỉ dựa vào nguồn thu nhập sau các đêm diễn để duy trì cuộc sống.
Nhìn cách Phong ngập ngừng khi tiết lộ thu nhập của mình cũng đủ hiểu số tiền mà cậu kiếm được từ đam mê của mình không cao. Phong bộc bạch phải vài tuần, có khi cả tháng nhóm mới kiếm được show lớn, mỗi người thu về cũng chỉ 2-3 triệu đồng/show. Số tiền ấy đắp lên tiền mỹ phẩm, trang phục cũng hết, các thành viên cũng đều phải làm thêm ngành nghề khác để sống.
Phong chia sẻ thêm, các Drag Queen ở Hà Nội còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn hơn so với trong miền Nam. Trong Nam, văn hóa nghệ thuật này được phủ sóng rộng hơn, luôn có những đội ngũ ekip hỗ trợ trước khi các Queen lên sàn diễn. Còn ở ngoài Hà Nội, Drag Queen vẫn đang từ bước sơ khai đi lên; những người như Phong sẽ phải tự đảm nhiệm tất cả các khâu chuẩn bị cho đêm diễn.
Khi được hỏi về lý do tại sao không Nam tiến để phát triển sự nghiệp, Phong bỗng im lặng trong giây lát rồi nói: “Mình biết trong đó sẽ dễ phát triển hơn nhưng thay vì vậy, tại sao không cố gắng xây dựng và nâng tầm Drag Queen ở Hà Nội? Cộng đồng Drag miền Bắc tuy vẫn còn non trẻ và gặp nhiều khó khăn, nhưng lượng người vẫn luôn kiên trì ủng hộ, theo dõi chúng mình cũng không phải là con số nhỏ”.
May mắn khi được gia đình ủng hộ và yêu thương nhưng Phong cũng hiểu, ngoài kia vẫn còn rất nhiều người có chung đam mê với mình nhưng vẫn phải sống giữa những định kiến gay gắt. Vì vậy, điều cậu cũng như các thành viên cùng nhóm mong muốn nhất là làm sao để công chúng Việt Nam có cái nhìn cởi mở và những suy nghĩ đúng đắn về “nghề đặc biệt” này.
Đêm diễn hạ màn, sau cánh gà, chàng trai 21 tuổi cẩn thận lau đi từng lớp phấn son trên khuôn mặt; lau đi cả dáng vẻ của Bede Chile để trở về hình hài thường nhật. Rời khỏi quán khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ, Phong cùng những người bạn tìm một quán ăn ven đường nào đó để lót dạ. Vất vả có, mệt mỏi có nhưng trên gương mặt mỗi người đều ánh lên niềm hạnh phúc bởi họ tự hào về chính mình; tự hào với những gì bản thân đang làm.
Phá bỏ lớp vỏ bọc gai góc để sống với phiên bản tuyệt vời nhất, chàng trai 21 tuổi nhận ra cuộc đời vẫn còn nhiều thứ tươi đẹp trước mắt. Giờ đây, Phong có thể tự tin khoác lên người bộ đồ cậu yêu thích, để kiểu tóc cậu mong muốn và dõng dạc nói với cả thế giới về niềm đam mê mà cậu đang theo đuổi: “Tôi là Drag Queen!”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.