
Chào đời với cơ thể nhỏ bé và đôi tay co rút, Chương Đình Phúc sớm đối mặt với một thế giới lạnh lùng, nơi mỗi ngày là một cuộc chiến thầm lặng. Những năm tháng đi học, cậu lặng lẽ gồng mình trong nỗi tự ti sâu thẳm.
Đôi tay không chỉ là khiếm khuyết, mà còn như sợi dây vô hình trói chặt những ước mơ trẻ thơ. Đằng sau ánh mắt đượm buồn là một tâm hồn nhạy cảm, mang theo những vết thương không lời.
Biến cố gia đình khi bố mẹ ly hôn khiến thế giới của Phúc hoàn toàn sụp đổ. “Lúc ấy, tôi thực sự lạc lõng, không biết phải đối diện thế nào khi vết thương cũ chưa lành, vết thương mới lại đến”, cậu nghẹn ngào.

PV: Được biết Phúc qua chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", đó là một chương trình vinh danh những con người có nghị lực vươn lên và có số phận không may mắn của bản thân. Đặc biệt, Phúc còn nằm trong top "Những người trẻ nghị lực của Việt Nam". Bạn có thể chia sẻ động lực nào giúp bạn bước ra khỏi vùng tăm tối của bản thân?
Đình Phúc: Mãi đến hết cấp 2, tôi nhận thức được rằng mình không thể sống mãi trong cuộc sống đen tối này. Tôi xem rất nhiều video truyền động lực của chị Khánh Vy và chị Giang ơi, có rất nhiều video trong đó thôi thúc tôi phải thay đổi.
Tôi bắt đầu công việc dẫn chương trình từ năm lớp 10 và đã nỗ lực rất nhiều để được mọi người đón nhận. Đây cũng là cơ hội giúp tôi phát triển bản thân và nhận được sự công nhận từ thầy cô, bạn bè.
Vào đại học, tôi quyết tâm thay đổi nhiều hơn nữa. Tôi tích cực tham gia các phong trào Đoàn hội và các câu lạc bộ ở trường. Đặc biệt, tôi rất tự hào khi bản thân được trở thành thành viên trong câu lạc bộ "Sinh viên 5 tốt" của trường Đại học Tây Nguyên. Ngoài ra, tôi còn tham gia câu lạc bộ phát triển sinh viên tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, tôi đã học được rất nhiều kỹ năng sống cho bản thân và có thêm nhiều cơ hội mới.
PV: Từ những biến cố không may trong cuộc đời và số phận bất hạnh, còn yếu tố nào khác ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của Chương Đình Phúc? Điều gì đã giúp anh trở nên tích cực, luôn nhiệt huyết và cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội?
Đình Phúc: Sinh ra với những khiếm khuyết bẩm sinh, thay vì chùn bước, tôi đã biến những giới hạn ấy thành ngọn lửa nghị lực của nội tại - một nguồn động lực mãnh liệt thôi thúc mình không ngừng khám phá, rèn luyện và khẳng định giá trị bản thân.
Ngoài ra, tôi may mắn có một cộng đồng và những người bạn thân thiết luôn bên cạnh, trở thành chỗ dựa vững chắc. Chính tình yêu thương vô điều kiện, sự tin tưởng tuyệt đối từ họ đã tiếp thêm sức mạnh để tôi vượt qua những ngày tháng tăm tối nhất. Đã có lúc tôi muốn buông xuôi, nhưng nhờ có họ luôn đồng hành và động viên, tôi tìm lại được nghị lực để tiếp tục cố gắng.
Chính niềm tin vào bản thân, được tôi luyện qua thời gian và khẳng định qua sự công nhận của mọi người, đã giúp tôi đứng vững và không ngừng vươn xa. Hơn thế, tôi nhận ra mình mang trong mình một tầm nhìn và sứ mệnh cao cả: lan tỏa tinh thần tích cực, hỗ trợ những người có hoàn cảnh tương tự để họ cũng tìm thấy ánh sáng trong bóng tối.

PV: Khi đối mặt với những khó khăn và điều không mong muốn, nhiều người sẽ chọn cách chữa lành, trong khi số khác lại vô tình tự gây tổn thương cho bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Còn bạn, khi gặp phải những vấn đề tương tự, bạn thường làm gì để trấn an bản thân và tránh ảnh hưởng tiêu cực đến chính mình cũng như những người xung quanh?
Đình Phúc: Tôi không chọn cách giam mình quá lâu trong căn phòng hay đi du lịch để giải tỏa cảm xúc, vì nó chỉ làm tôi vui trong một khoảng thời gian nhất định. Đến khi nghĩ lại về chuyện đó, tôi vẫn sẽ buồn. Chính vì vậy, tôi chọn cách đối diện trực tiếp với điều đó, tìm và tháo gỡ từng nút thắt của vấn đề hơn là trốn tránh nó.
Tôi không biết có ai giống mình không, nhưng tôi có một phong cách khá “dị” – tôi thường xuyên tự nói chuyện với bản thân. Thay vì chỉ đối thoại trong suy nghĩ như nhiều người, tôi nói trực tiếp thành lời. Khi mắc lỗi và bị mắng, tôi dễ buồn và có suy nghĩ tiêu cực. Những lúc như vậy, tôi tự đặt câu hỏi và tự trả lời để tìm hướng giải quyết. Nhờ đó, tôi dần điều hòa cảm xúc và rút ra bài học cho chính mình.
PV: Theo quan điểm của bạn, khi bạn đã tìm thấy ý nghĩa của hạnh phúc qua những trải nghiệm, qua những câu chuyện bạn vừa chia sẻ thì bạn đã từng tự hình dung con đường phía trước của mình đi như thế nào chưa?
Đình Phúc: Trước đây, tôi từng nghĩ cuộc đời mình tăm tối, không có một con đường cụ thể để đi. Tuy nhiên, khi vào đại học, tôi đã nhận ra rằng có nhiều hướng đi để lựa chọn. Tôi mong muốn theo đuổi con đường giáo dục vì tin rằng "Học là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công". Hiện tại, tôi nỗ lực học tập thật tốt và đặt mục tiêu tiếp tục học lên thạc sĩ. Xa hơn nữa, tôi mong muốn cống hiến cho nền giáo dục nước nhà bằng chính những tri thức và hiểu biết mà mình đã tích lũy được.
Ngay từ những ngày đầu tham gia hoạt động Đoàn - Hội, tôi đã ấp ủ một dự định cho riêng mình: tiếp tục dấn sâu hơn vào phong trào này. Tôi mong rằng khi có cơ hội làm việc tại các trường THCS, THPT, tôi sẽ được gắn bó với công tác Đoàn. Điều đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội để tôi vừa cống hiến trong môi trường giáo dục, vừa góp phần rèn luyện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, đồng hành cùng các em trên con đường phát triển toàn diện.

PV: Bạn có lời khuyên nào dành cho những người đang cảm thấy tự ti về bản thân mình hoặc đang mất phương hướng, chưa tìm thấy chính mình?
Đình Phúc: Tôi từng rất tâm đắc một câu nói của chị Giang ơi, nó đã truyền động lực rất lớn cho tôi, là nguồn sống giúp tôi thoát ra khỏi cái kén của bản thân: "Rồi cuộc đời của bạn thì bạn sẽ đi vào một căn hầm, căn hầm đấy sẽ thật sự rất tối và bạn sẽ đi mãi đi mãi. Bạn sẽ đi và bạn không biết khi nào mình thoát khỏi căn hầm đó. Nhưng nếu bạn tiếp tục đi, bạn cứ đi như vậy, bạn không ngừng nghỉ thì chắc chắn một điều là bạn sẽ đi khỏi căn hầm đó thôi. Và khi bạn đi khỏi căn hầm đó chắc chắn ánh sáng sẽ đến và bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng thôi". Đây là câu nói thôi thúc tôi phải bước tiếp, không được dừng lại. Nếu như dừng lại thì chắc chắn tôi sẽ mãi ở trong cái vòng tối đó. Nhưng nếu cứ tiếp tục đi thì kiểu gì ánh sáng cũng sẽ tới thôi.
Từ trải nghiệm cá nhân của tôi, chúng ta ngã ở đâu hãy đứng lên ở đó. Nếu như bạn chưa tìm ra được chính mình chưa biết nên bắt đầu từ đâu bạn hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ bạn luôn tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng bạn đang thiếu ở đâu? Bạn chưa có điều gì và bạn đã có điều gì? Từ đó, bạn sẽ tìm ra được định hướng phát triển cho bản thân mình.

PV: Cuối cùng, bạn mong muốn điều gì nhất cho tương lai của mình và cho cộng đồng người khuyết tật nói riêng và toàn xã hội nói chung không?
Đình Phúc: Hy vọng những người khuyết tật ở Việt Nam hay cả những người khuyết tật thế giới cũng nhận ra rằng họ không chỉ là một người có có hoàn cảnh khó khăn mà họ còn có thể làm được nhiều điều phi thường hơn những gì họ nghĩ. Chỉ cần có ý chí, luôn nỗ lực không ngừng trên hành trình tìm kiếm bản thân và phá bỏ tất cả những giới hạn của chính mình, thì ta có thể đánh bật được nghịch cảnh.
Bên cạnh đó, những người có khiếm khuyết về cơ thể cũng cần phải tin rằng, chính họ vẫn có khả năng góp sức dù nhỏ bé để mang đến những giá trị lớn lao và những điều có ích cho xã hội. Vậy nên tôi luôn mong muốn họ sẽ nhận ra giá trị của bản thân, để những người bình thường ngoài kia có cái nhìn mới về họ.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Chương Đình Phúc ngày càng vượt qua giới hạn của chính mình để chứng minh “hoàn cảnh không thể định nghĩa con người”. Khát khao và ý chí sống kiên cường ấy đã đưa Phúc tiến gần hơn đến những ước mơ lớn lao. Không đơn giản là sống để đạt được những hoài bão mà mình nuôi nấng mà còn lan tỏa động lực đến những người xung quanh. Hành trình của cậu là minh chứng sống cho câu nói: “Chỉ cần có quyết tâm, mọi giới hạn đều có thể bị phá vỡ, mở ra cánh cửa đến với tương lai tươi sáng".
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.