Trò chuyện với thầy Tình qua điện thoại, ấn tượng đầu tiên của tôi là giọng nói miền Trung trầm ấm, dịu dàng của một người đàn ông giản dị, chất phác. Ở thầy toát lên hình ảnh của một nhà giáo mộc mạc mà gần gũi. Cặm cụi với việc giảng dạy ngoài đảo - nơi thiếu thốn điều kiện về công nghệ, thầy vẫn cố gắng tìm cách để tâm sự, chia sẻ với tôi thêm những câu chuyện xoay quanh sự nghiệp giảng dạy của thầy. Đôi phút trò chuyện với người có 4 năm công tác nơi đảo xa, tôi đã hiểu hơn đằng sau câu chuyện về quyết định viết đơn tình nguyện giảng dạy tại đảo Trường Sa của thầy. 

Với khát khao được cống hiến nơi đảo xa, ngay khi biết tin Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa tuyển chọn giáo viên ra Trường Sa, thầy viết một lá tâm thư bằng tay, dài gần 5 trang A4, bộc bạch toàn bộ tâm tư. "Đêm tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma, cảm xúc trào dâng, tôi viết xuyên đêm, giãi bày hết gan ruột của mình," thầy chia sẻ.  Chính sự chân thành ấy đã gắn thầy với danh xưng “nhà giáo Trường Sa”.

Kể về cơ duyên đưa mình đến với Trường Sa, thầy Tình chia sẻ: “Ngay khi biết tin Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển giáo viên ra công tác tại đảo Trường Sa, gần như ngay lập tức, tôi liền viết đơn tình nguyện. May mắn là lá đơn của tôi được chấp nhận, dù có rất nhiều đơn tình nguyện từ các thầy cô không chỉ trong tỉnh mà còn từ những nơi xa như Hà Nội, TP.HCM".  

Thầy mãn nguyện hơn bởi quyết định ra đảo xa của mình nhận được sự ủng hộ từ gia đình, đồng nghiệp và bạn bè: "Họ hiểu rằng, cũng như tôi, tất cả đều mong những đứa trẻ nơi đây được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt nhất, dù điều đó đòi hỏi sự nỗ lực không hề nhỏ. Những lời động viên ấy tiếp thêm sức mạnh để tôi bước vào một hành trình thật khác, đầy thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa”. 

Trong suốt 5 năm công tác tại Trường Sa, thầy Tình gặp không ít những câu chuyện vui, buồn, đáng nhớ, nhưng khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, thầy bộc bạch về lần đón tết xa nhà đầu tiên: “Đó là một cái Tết đặc biệt trong căn phòng tuy nhỏ bé nhưng vô cùng ấm áp. Tôi đón Tết cùng với phụ huynh, học sinh, cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên toàn đảo Trường Sa.

Tôi còn được các em học sinh tặng những bó hoa được kết từ những đặc sản trên đảo như cây phong ba, cây bão táp. Tuy đơn sơ nhưng chan chứa tình cảm của các em, của phụ huynh và cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Điều đó đã tiếp thêm động lực để tôi thêm gắn bó với nơi đây”, thầy Tình xúc động nhớ lại.

Ở thị trấn Trường Sa, trường tiểu học được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Khi bắt đầu dạy học trên đảo, thầy Tình nhận dạy lớp ghép có 5 em,  học sinh lớn nhất lớp 4, hai học sinh lớp 2, cháu nhỏ học mầm non 4 tuổi. Đó là một điều khó khăn với thầy. Tuy nhiên, do trước khi đi thầy đã được tập huấn kỹ, được trang bị những kiến thức, kỹ năng còn thiếu nên trong quá trình dạy học, thầy đã khắc phục khó khăn. Tuy nhiên tâm sự về nỗi lo hiện tại nơi đảo xa, thầy Tình nói: “Vẫn còn thách thức lớn nhất là điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin của thầy và trò”.

Trên hành trình gieo con chữ tại đảo Trường Sa, thầy Tình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ tự hào, nuối tiếc, hạnh phúc đến biết ơn. Những em học sinh nơi đây chính là một phần quan trọng của những kí ức đáng trân quý đó đối với thầy. 

Thầy Tình hoài niệm lại câu chuyện tính toán chỗ ngồi cho các em: “Lớp có ít học sinh nhưng các cháu rất hiếu động, cháu ở tuổi mầm non còn chưa tự vệ sinh được nên tôi phải dạy hai lớp luân phiên. Khi học sinh mầm non không học nữa thì mình cho chơi đồ chơi, rồi tranh thủ dạy cho học sinh tiểu học. Phải dạy xen kẽ, nếu lớp 4 học Toán thì lớp 2 học Tiếng Việt. Nhưng cũng may mắn, lớp có ít học sinh nên tôi có cơ hội chỉ bài cho từng em, các em tiến bộ rất nhanh”. Công việc tuy vất vả vì phải chạy qua, chạy lại nhưng với tâm huyết và sự đam mê của mình, thầy giáo Bành Hữu Tình vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người nhà giáo chân chính. Với thầy, nguồn động lực giữ chân thầy ở mảnh đất nắng gió này là lòng yêu nghề, yêu trẻ và mong muốn được sẻ chia với các em học sinh nơi đây.

Niềm vui của người thầy giáo đơn giản chính là được “gieo trồng” những mầm non nhỏ. “Tháng đầu chưa quen, học sinh còn nghịch, việc chỉ dẫn khá mệt, tôi mất tiếng luôn. Đến nay, các em đã vào nề nếp, chăm chỉ học hành, phụ huynh quan tâm phối hợp tốt với thầy giáo. Kết thúc năm học, kết quả học tập của các em đều rất tốt.” - thầy Tình bồi hồi tự hào kể lại.

5 năm gắn bó với Trường Sa là 5 năm người nhà giáo ấy nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thầy Tình hạnh phúc bộc lộ: “Bản thân tôi cảm thấy rất biết ơn, bởi vì đã chọn đi đúng hướng, chọn đúng nghề. Nghề giáo giúp tôi trưởng thành, tự tin hơn, mạnh dạn hơn và đặc biệt là cảm thấy yêu quê hương đất nước hơn”. 

Một ngày mới của thầy Tình ở đảo bắt đầu từ lúc 5 giờ 30, tập thể dục cùng lính đảo, sau đó lên lớp sáng, chiều. Hết giờ học chiều, thầy lại cùng các em khi thì vui chơi, đá bóng, khi thì hướng dẫn cách trồng rau xanh. Với thầy, bản thân dường như không còn xem mình chỉ là người nhà giáo, làm công tác giáo dục mà còn là một người “cha hiền”, dành trọn tâm tư tình cảm và trách nhiệm với những đứa con thơ của mình. 

Thầy luôn tâm niệm: “Mục đích cuối cùng của giáo dục là giáo dục con người, giáo dục về nhân cách, giúp các em có nhân cách tốt, có phẩm chất tốt, từ đó trở thành người có ích cho xã hội”. Chính vì vậy, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, thầy Tình còn chú trọng giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương - nơi mà các em đã được sinh ra và lớn lên.

Ngoài công việc giảng dạy, thầy Tình cũng tích cực tham gia các hoạt động chung như tăng gia sản xuất, hoạt động văn nghệ thể thao… Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn của Thị trấn Trường Sa, thầy Tình luôn quan tâm và phối hợp triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống cho đoàn viên. Ngoài ra, thầy cũng chủ động cập nhật những kiến thức mới thông qua tài liệu tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cung cấp để đáp ứng nhu cầu dạy và học, đảm bảo kiến thức cho các em học sinh.

Không chỉ quan tâm đến khía cạnh giảng dạy, thầy Tình còn có những cái nhìn xa hơn, sâu hơn về giáo dục. Thầy nhìn nhận được những thách thức tồn đọng tại những môi trường ở vùng sâu, vùng xa, những khó khăn của cá nhân, cơ quan đoàn thể đang công tác tại những khu vực như vậy. Song thầy cũng có góc nhìn tích cực và tràn đầy hy vọng về tương lai xán lạn của giáo dục tại vùng sâu, vùng xa bởi thầy tin rằng chúng ta đều đang nỗ lực để đem đến cho các em một môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh và đủ đầy nhất. 

Chia sẻ về những mong muốn cho giáo dục tại Trường Sa nói riêng và các vùng sâu vùng xa nói chung, thầy Tình cho rằng: “Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, để thu hút và giữ chân giáo viên bám trụ lâu dài với nghề, cần có thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp để người dân và học sinh trên đảo được tiếp cận với công nghệ thông tin một cách thuận lợi hơn”.

Được nghe, được tâm sự cùng thầy Tình, tôi lại hiểu hơn về con người ấy. Một người cha hiền, một người thầy tốt không ngại việc khó, không ngại gian lao để thắp con chữ giữa mông mông biển cả. Hẳn rằng, qua lời nói, ánh mắt và thứ tình cảm thiêng liêng phát ra từ chính người thầy Trường Sa này, ai cũng sẽ yêu hơn về con người này, về đồng bào nơi đây và cuộc sống cách đất liền hàng trăm kilomet.

Thầy Bành Hữu Tình là một trong những cá nhân tiêu biểu đại diện cho những con người Việt Nam nhiệt huyết, yêu nước và yêu nghề. Thầy khiến tôi liên tưởng đến dự án “Cõng chữ lên non” - một dự án mang đầy ý nghĩa nhân văn, nhằm đưa con chữ đến với trẻ em vùng cao. Dự án là một trong vô số những dự án của cá nhân và cộng đồng, tất cả cùng chung một hy vọng: không để bất kỳ đứa trẻ nào bị thiếu thốn con chữ. Bởi lẽ, giáo dục chính là con đường ngắn nhất để dẫn lối cho các em tới một cuộc sống hạnh phúc, bền vững hơn. 

Trong tương lai, những con người tận tâm với trái tim đầy yêu thương và khát vọng cống hiến mãnh liệt, như thầy Tình và biết bao cá nhân khác, sẽ mãi là những tấm gương sáng ngời. Họ đại diện cho một Việt Nam tràn đầy lòng nhân hậu, tử tế, với những cống hiến âm thầm mà thật đẹp đẽ.

Xem toàn bộ 4 kỳ tại: https://preview.shorthand.com/PCxGDS0QUgnJDMj8

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN