(Sóng trẻ) - Làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) là nơi dệt lên hàng triệu lá cờ Tổ quốc đến khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Trong câu chuyện kể về chặng đường 77 năm làm nghề, các tiền bối trong làng Từ Vân (Lê Lợi) đã tham gia may cờ từ những năm 40 của thế kỷ trước. Khoảnh khắc lịch sử của “làng cờ” Từ Vân diễn ra vào ngày 19/8/1945, khi cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền của quân và dân ta nổ ra, cách mạng tháng Tám 1945 thành công, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng thu Ba Đình lịch sử.

Thời điểm đó, không ít người dân làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng buôn bán các sản phẩm thêu, dệt, cờ may truyền thống trên phố Hàng Bông. Nhiều người may mắn còn được trực tiếp tham gia sản xuất tại tổ Cờ Đỏ và được giao nhiệm vụ thiêng liêng may cờ Tổ Quốc phục vụ Cách mạng.

Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay, nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân vẫn được duy trì. Hầu hết những lá cờ phục vụ lễ kỷ niệm, đại hội Đảng, các buổi mít tinh chào mừng hay các sự kiện lớn của đất nước. … đều do những gia đình, nghệ nhân làng Từ Vân làm ra.

Dù bằng cách ứng dụng máy móc hay sản xuất thủ công trong các sản phẩm, những lá cờ của làng Từ Vân vẫn chứa đựng bao sự tỉ mỉ, cần mẫn, tài hoa và lòng yêu nghề, yêu Tổ quốc của những người thợ.

 

Ghé thăm ngôi làng nức tiếng khắp Kinh kỳ vào dịp cận 30.4, các xưởng may tại Từ Vân ngập tràn trong sắc đỏ, máy móc “chạy” hết công suất, nhiều cơ sở sản xuất phải tăng cường hàng chục nhân lực để kịp cung ứng cho thị trường cả nước.

14h chiều, tại nhà anh Nguyễn Quang Phục (47 tuổi) - một trong những gia đình có truyền thống với nghề làm cờ Tổ quốc, đã có khoảng 10 người thợ tới cùng làm. Ai nấy đều khẩn trương, người thì đứng ở vị trí máy cắt, chốc chốc lại chỉnh lại tấm vải màu đỏ lớn cho đường nét được ngay ngắn. Người thì ngồi ở máy khâu chỉnh từng đường chỉ. Phía bên ngoài sân, nhiều người trung tuổi đang nhanh chóng lắp những lá cờ Tổ quốc cầm tay.

“30.4 năm nay, cả nhà lại tất bật từ sáng đến tối để kịp hoàn thành sản phẩm giao cho khách. Xưởng nhà tôi còn thuê thêm nhân công làm việc các vị trí khác nhau như may, chạy máy, xếp hàng với mức lương từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày”, anh Phục nói.

Anh Phục cho biết, trước đây, khi chưa có công nghệ, anh phải dùng sức người, cắt thủ công. Các vết chai hằn trên tay anh qua năm tháng vẫn không thể mờ đi. Hiện, anh tập trung đầu tư nhiều vào máy móc hiện đại và được lập trình bằng máy tính nên độ chính xác và năng suất cao hơn.

“Hiện gia đình tôi không còn làm cờ thêu truyền thống mà tập trung vào việc in cờ Tổ quốc, cờ dây và cờ vẫy. Trung bình mỗi gia đình may hàng nghìn chiếc cờ. Phần lớn khách hàng gửi đơn hàng qua email, sau đó tôi sẽ thiết kế cho phù hợp và tiến hàng in ấn”, anh Phục kể.

Được biết gia đình anh đã có 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc, nối nghiệp gia đình được 20 năm, mỗi năm xưởng cung ứng ra thị trường hàng triệu lá cờ Tổ quốc. Theo anh Phục, để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá...

“Sau khi cắt cờ xong, những người thợ sẽ dùng sơn vàng để in màu. Tùy nội dung mà mỗi lá cờ có các câu chữ khác nhau. Cờ sau khi in chữ được mang đi phơi khô. Vào những ngày trời mưa, phải dùng máy sấy. Cực nhất trong giai đoạn này là người sơn không được ngồi quạt hay điều hòa vì sẽ làm bay cờ, in chữ không chính xác”, anh Phục cho biết thêm.

Tương tự, tại gia đình của chị Nguyễn Thị Thảo, những ngày này, màu của biểu ngữ, băng rôn, cờ quạt rực rỡ ngay từ khoảnh sân.

Vừa luôn tay xem lại đơn hàng, vừa chạy ra chạy vào để kiểm tra các thùng carton chứa lá cờ đang được xếp lên chiếc xe tải nhỏ trước cổng xưởng, chị Thảo kể: “Bình thường xưởng chỉ có chục người làm, giờ thuê thêm tới gần 20 người. Mấy hôm nay nhân công toàn phải làm việc tăng ca để kịp xuất hàng cho khách. Hiện, cờ may thì khách đặt khoảng 10.000 chiếc, giá dao động từ 10.000 – 20.000 đồng, tùy kích cỡ. Ngoài may cờ, tôi cũng nhận làm nhiều việc từ may băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm… để xưởng có thêm doanh thu”.

Theo chị Thảo, mặc dù không khí sản xuất nhanh chóng nhưng những lá cờ, băng rôn, khẩu hiệu vẫn phải được làm tỉ mỉ từng công đoạn, đúng tiêu chuẩn. Bởi mỗi sản phẩm được hoàn thiện chứa đựng niềm tin, niềm hi vọng và niềm tự hào của người dân Việt Nam.

“Dù gia đình đã đầu tư mua máy may, máy vắt sổ và các máy in vải hiện đại cùng hơn chục nhân công, nhưng tôi và chồng vẫn là người trực tiếp hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để xứng đáng với “hồn Tổ quốc”, chị Thảo nói.

Nếu như trước đây, làng Từ Vân có đến hàng chục hộ may cờ thì nay chỉ còn gần 10 hộ lành nghề nhất với hơn 100 nhân công. Động lực cho họ tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống này đơn giản chính là niềm tự hào khi đã dệt nên một phần linh hồn của dân tộc.

Gia đình chị Vương Thị Nhung (47 tuổi) là một trong số ít những hộ thực hiện công việc may và thêu cờ theo cách thủ công. Bởi với chị tất cả các khâu từ chọn vải, chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch. 

​Bước vào khoảng sân nhỏ, 4 khung thêu được bày dọc sân. Tấm vải đỏ kéo căng hết cỡ, hai bên, mọi người chụm đầu tỉ mẩn thêu ngôi sao 5 cánh từ những sợi chỉ vàng. Người lớn tuổi nhất đã hơn 70 tuổi, người nhỏ tuổi nhất sắp lên 9, ai nấy đều cặm cụi với đường chỉ để cho ra những sản phẩm cờ đỏ sao vàng kịp 30.4.

“Dù trong làng nhiều hộ đã dùng máy, gia đình tôi vẫn cần mẫn từng mũi kim, sợi chỉ tự tay thêu bởi công nghệ có thể thay được nhiều bước, nhưng trong việc tạo hình ngôi sao vàng 5 cánh thì không. Dù vất vả nhưng khi được tự tay thêu lên lá cờ, tôi cảm thấy ý nghĩa hơn rất nhiều.

Ở gia đình tôi, con cháu trong nhà cứ tới tuổi là biết xỏ kim, tỉ mẩn ngồi khâu đính. Qua thời gian, khách hàng tìm tới đặt hàng đều do tin tưởng chất lượng. Các sản phẩm may, thêu được khách đặt làm dày đặc, các lá cờ cỡ lớn phải báo làm trước cả năm”, chị Nhung kể.

Được biết, vải may cờ phải là vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông). Chỉ thêu phải đúng loại lấy ở làng Triều Khúc (Thanh Trì). Đây đều là những nguyên liệu chất lượng cao để tạo nên một lá cờ bền đẹp, tinh tế. Chính vì vậy, cờ của gia đình chị Nhung không chỉ thu hút các cơ quan trong Hà Nội, mà còn trải dài từ Bắc vào Nam: Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tây Nguyên…với số lượng đơn hàng lớn.

Trung bình, một lá cờ Tổ quốc, Quân kỳ thêu mất khoảng 2-3 ngày để hoàn thành, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Từng đường kim mũi chỉ được thêu nên cờ phải đạt độ chính xác rất cao. Chính vì vậy, giá thành của một lá cờ thêu tay từ 600.000 – 1 triệu đồng, tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm được nhiều người ưa thích bởi độ bền về chất liệu và sắc nét về vẻ đẹp.

"Tự tay thêu cũng vất lắm, ngồi nhiều cũng đau lưng, mỏi mắt nhưng mỗi lá cờ thêu xong lại thấy ý nghĩa vô cùng, không yêu nghề không làm được đâu", chị Nguyễn Thị Xếp, thợ thêu đã gắn bó với nghề thêu 30 năm chia sẻ.

Dạy những đứa trẻ trong làng biết đến thêu từ sớm, và trả lương để chúng hiểu về giá trị của làng nghề là cách chị Nhung giữ lửa nghề cho các thế hệ. Khéo léo đâm mũi kim lên xuống, em Đặng Thị Yến (17 tuổi) cho biết: "Cứ mỗi lần có dịp lễ là bọn em lại qua đây giúp bác Nhung may cờ. Ngày nào cũng thêu từ sáng đến tối, tầm 3 ngày mới xong một sản phẩm. Vì là ngày nghỉ nên em cũng có nhiều thời gian rảnh và cũng muốn được rèn nghề cho quen tay để tiếp nối nghề truyền thống".

Nói về thu nhập, người dân trong làng cho biết là chỉ ở mức ổn định chứ không giàu có. Nhưng quan trọng, đối với họ, may cờ là sự may mắn, vinh dự không phải ai cũng có bởi mỗi lá cờ làm ra mang đến cho họ niềm tự hào vì đã dệt nên một phần linh hồn dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi những lá cờ Tổ quốc tung bay trên khắp phố phường của Thủ đô, trên khắp nẻo đường của đất nước, từ miền ngược tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo.

“Lá cờ lớn nhất tôi làm có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, treo ở đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. Lá cờ nặng cân, nặng tình, treo trên điểm cực Bắc của Tổ quốc là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc tôi và gia đình tiếp tục truyền thống hơn 70 năm làm công việc dệt hồn cho Tổ quốc”, anh Nguyễn Quang Phục chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Kỳ (61 tuổi) trưởng thôn Từ Vân, xã Lê Lợi cho biết, hiện nay, những sản phẩm cờ của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Thủ đô Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn.

“Trong những năm kháng chiến, lá cờ tung bay cùng với giai điệu của khúc hành quân đã cổ vũ tinh thần toàn quân, toàn dân ta làm nên những chiến thắng vẻ vang. Sau này, cờ đỏ sao vàng vẫn mãi là hình ảnh thiêng liêng mang hồn đất nước. Những lá cờ đỏ sao vàng, vời vợi, tung bay trước gió có mặt ở mọi miền Tổ quốc, khẳng định nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Kỳ bồi hồi nhớ lại.

Cũng theo ông Kỳ, dù bây giờ hay mãi mãi về sau, những sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, đều có lá cờ Tổ quốc của làng Từ Vân tung bay.

“Nghề may cờ ở Từ Vân có từ lâu, cứ người này truyền lại người kia, vừa giúp giữ được một nghề cao quý, vừa để có thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để gìn giữ làng nghề, cần có sự hỗ trợ để các nghệ nhân thêu có thể mở lớp truyền nghề cho lớp trẻ. Ngoài ra, cần có những chương trình giới thiệu sản phẩm để cờ Tổ quốc Từ Vân phủ sóng nhiều hơn ở thị trường trong và ngoài nước”, ông Kỳ nói.

Mời quý vị xem chi tiết bài viết tại đây: LONGFORM - CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI DỆT "HỒN" TỔ QUỐC

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật5 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN