(Sóng trẻ) - Mặt nạ chú Tễu, mặt nạ Thị Nở, mặt nạ ông Địa… được bồi từ giấy là những đồ chơi truyền thống thân thuộc trong dịp Tết Trung thu. Đằng sau nụ cười khoái chí của trẻ thơ khi vui chơi với chúng là bàn tay người nghệ nhân trút hết sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tâm huyết níu giữ một nghề làm thủ công từ xa xưa.

Giai đoạn đồ chơi nhựa tràn sang, cả làng ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) lao đao vì những mẫu mã lung linh làm lu mờ đi đường nét chân phương của đồ chơi truyền thống.

Vài năm đổ lại đây, khi một số đồ chơi nhựa bị cảnh báo không an toàn cho trẻ nhỏ, đồ chơi truyền thống phần nào lấy lại được vị thế. Làng Ông Hảo lại trở về không khí rộn ràng vì đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về.


Trong khoảng sân rộng khoảng 40m2, vợ chồng ông Vũ Duy Đông (69 tuổi) và bà Vũ Thị Hạnh (64 tuổi) cùng cô cháu gái đang tất bật hoàn thiện đơn hàng. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, bàn tay run run của tuổi già, nghệ nhân Vũ Huy Đông lúi húi vẽ từng đường nét cho chiếc mặt nạ giấy bồi. Thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng với ông, đây là việc phải làm để giữ nghề cổ truyền.

“Những ngày này là nôn nao vậy đó, ai cũng phải làm việc không ngừng nghỉ hết. Hầu như hôm nào chúng tôi cũng thức đến 1-2h sáng. Sáng 6h là bắt đầu một ngày làm việc mới. Mệt nhưng vui lắm, đã lâu rồi những người làm mặt nạ chúng tôi có lại cảm giác hạnh phúc khi thấy người dùng nâng niu và yêu thích các sản phẩm của mình”, ông Đông thổ lộ.

Gắn bó với nghề hơn 40 năm, theo ông Đông để làm một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi là một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Điều này đòi hỏi người người làm nghề phải thật tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết mới có thể cho ra những sản phẩm đẹp.

Trước tiên là phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp sau được dán chồng lên lớp trước bằng một loại hồ nấu từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một sản phẩm.

Đặc biệt, công đoạn khó nhất là vẽ đầu lân, đầu sư tử để cho ra được sản phẩm có thần thái, có được cái “hồn.” Người vẽ phải nhấn vào các chi tiết râu, mắt… để trở thành những món đồ chơi không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.

 “Ai cũng có thể nắm được các bước làm, tuy nhiên, để có mặt nạ đẹp, mang đúng hồn cốt cần sự khéo tay và dành tâm huyết cho nó. Mỗi khi vẽ xong một chi tiết trên mặt nạ phải mang ra phơi ngay. Sau khi mặt nạ khô mới vẽ các phần khác”, ông Đông chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, gia đình ông chỉ hoàn thiện được khoảng 50 chiếc mặt nạ. Mỗi mặt nạ phải đặt lên, hạ xuống làm các bước ít nhất 7 lần mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 30.000-50.000 đồng/chiếc.

Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa các tông…được ông Đông và các thợ thủ công khác “phù phép” để tạo ra những chiếc mặt nạ với nhiều hình dáng bắt mắt, đa dạng như: Mặt nạ chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm; mặt nạ con vật như đầu lân, đầu sư tử…

“Hàng thật, hàng truyền thống rất dễ phân biệt với hàng giả. Khung mặt nạ chắc chắn, nét vẽ tinh tế, đậm sắc, giấy cũng phải là giấy thật tốt chứ không như những loại mặt nạ làm theo số lượng như hiện nay. Tôi làm vì chất lượng, vì cái tâm để giữ nghề và tạo thương hiệu riêng cho mình”, ông Đông khẳng định.

Sau hai năm chật vật vì dịch COVID-19, tình hình kinh doanh của ông Đông và làng Ông Hảo hiện đã hồi phục trở lại. Đến thời điểm này, cơ sở của ông đã bán đi hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi và tới tay khách hàng nhiều tỉnh thành trên cả nước…

“Đến thời điểm này, cơ sở của tôi đã bán đi gần 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi tới tay khách hàng trên khắp cả nước. Dù số lượng này so với thời điểm trước dịch COVID-19 không bằng nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng”, ông Đông chia sẻ.

 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo vị thế trong các hoạt động văn hóa dân gian, những chiếc mặt nạ giấy bồi tại làng Ông Hảo đang dần để lại dấu ấn riêng. Mỗi sản phẩm đều được làm ra bằng sự hăng say, lòng nhiệt huyết của những người thợ làm nghề, khiến cho mùa Trung thu thêm rực rỡ.

“Những năm gần đây, mặc dù có sự cạnh tranh với các mặt hàng điện tử, đồ chơi Trung Quốc, nhưng tôi không ngại mà tự tin đối đầu vì sản phẩm mình làm ra an toàn chất lượng, không mang tiêu chí bạo lực và giá thành rất rẻ. Mỗi năm chúng tôi luôn cố gắng sáng tạo ra nhiều cái mới dựa trên những gì ông cha để lại. Đầu tiên là để thu hút khách hàng, mang lại lợi nhuận, tiếp đó nhằm khuyến khích con cháu theo nghề. Gia đình tôi có truyền thống làm mặt nạ giấy bồi 3 thế hệ, từ bố tôi đến tôi, giờ tôi đang truyền nghề lại cho con út của mình”, ông Đông nói.

Trong bối cảnh hội nhập, sản phẩm mẫu mã của làng nghề đã được cải tiến, thu hút khách hàng, mang lại lợi nhuận nhưng vẫn giữ được cái hồn bản sắc dân tộc, vẹn nguyên nét truyền thống, để lại dấu ấn riêng khó phải mờ.

https://sway.office.com/fMNzdyxZutYFo1rD?ref=Link

 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN