

Trong những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc, khi sắc cờ đỏ rực rỡ tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc, hàng triệu trái tim Việt Nam lại cùng đồng lòng hướng về ngày 30/4 – Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây không chỉ là một cột mốc vàng son trong hành trình dựng nước và giữ nước, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của ý chí, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc.
“Để có được tự do, hòa bình không phải dễ”, cha ông ta đã phải chiến đấu kiên cường, không ít người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đầy rẫy những bom đạn của kẻ thù. Trong thời chiến, họ là những chàng trai trẻ mang trong tim những lý tưởng Cách mạng lớn lao, họ sẵn sàng từ bỏ tuổi trẻ mà xung phong ra trận, bảo vệ quê hương, đất nước. Dẫu vậy, trong thời bình, tình yêu nước luôn hướng về về Tổ quốc vẫn chưa bao giờ lụi tắt trong tâm tư của những người cựu chiến binh yêu nước.

Khi người dân Việt Nam đang được sống trong thời kỳ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” thì những người chiến sĩ, nay đã trở thành các cựu chiến binh đầy tự hào và các cuộc chiến tranh năm ấy giờ cũng chỉ còn nằm trong ký ức của những người lính. Đặc biệt, giờ đây cũng chính những nhân chứng sống của lịch sử oai hùng, thiêng liêng ấy lại tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước qua những câu chuyện chân thật, bình dị về cuộc chiến tranh chống giặc, cứu nước.
Dù tuổi đã cao, ông Đoàn Tước vẫn luôn miệt mài, kiên trì làm quen với mạng xã hội, livestream trên TikTok để kể lại những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng ấy. Việc ông chia sẻ những ký ức đó không chỉ giúp bảo tồn những giá trị lịch sử mà còn là cách để ông kết nối với thế hệ trẻ, truyền lại những kiến thức quý giá về một thời oanh liệt của dân tộc ta.

Tính đến thời điểm hiện tại, tài khoản TikTok của ông thu hút được 429,6 nghìn người theo dõi cùng với hơn 600 nghìn lượt yêu thích. Đặc biệt, mỗi lượt livestream của ông đều đón nhận hơn 1 triệu khán giả theo dõi và bình luận tích cực cũng như bày tỏ niềm tự hào về lịch sử nước nhà. Nhận được nhiều tình cảm từ người xem trên cả nước, ông Tước chia sẻ: "Ông lập kênh với mong muốn truyền tải chân thật nhất những điều ông cùng đồng đội từng trải qua mà có thể trên sách, báo, tài liệu sẽ không thể hiện được đầy đủ".


Dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn chọn cách kết nối với thế hệ trẻ qua từng buổi livestream, kể lại những trang sử hào hùng đã viết bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm của người lính. Thời gian ông Đoàn Tước livestream kể chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ là khoảng từ 19h30 tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Những câu chuyện mộc mạc ấy không chỉ tái hiện một thời khói lửa với những người lính kiên cường, bất khuất mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do.

Ở những năm kháng chiến, tuổi mười tám, đôi mươi, cựu chiến binh Đoàn Tước đã khoác ba lô lên đường "xẻ dọc" Trường Sơn, hành quân vào chiến trường cứu nước. Là một chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông chính là hiện thân cho một thế hệ chiến sĩ trẻ “vì nước quên thân”, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Năm 1965, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông Đoàn Tước đã xung phong vào miền Nam nhập ngũ, tham gia quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, gian khổ, phải đeo gạch đá để cùng đồng đội “xẻ dọc” dãy Trường Sơn vào miền Nam. Ông chia sẻ: “ Khi chuẩn bị đi kháng chiến, chỉ huy có nói rằng: Chúng ta đi đợt này là đợt đầu tiên của bộ đội miền Bắc đi vào Nam chiến đấu”. Trên hành trình “vượt” đường Trường Sơn, bộ đội ta hoàn toàn phải đi đường bộ trong vòng 4 tháng từ Hà Nội và có mặt tại tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) vào tháng 8/1965.
Hơn hết, tuổi trẻ của người chiến sĩ Cộng sản ấy gắn liền với khói lửa chiến trường, với năm tháng không ngại hy sinh, gian khổ để góp phần làm nên những chiến công vang dội cho Tổ quốc. Mỗi tấm huân chương trên ngực áo không chỉ là biểu tượng của vinh quang, mà còn là ký ức sống động về một thời tuổi trẻ oanh liệt của người lính Cách mạng trong dòng chảy lịch sử dân tộc.


Cùng với đó, người cựu chiến binh chia sẻ thêm: “Tôi vinh dự được nhận những huy hiệu, huân chương cao quý ấy từ thời tham gia quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Dù cho những món đồ đó đã xuất hiện nhiều vết tích của thời gian nhưng ông vẫn không chọn đi đổi vì đây là niềm tự hào, là kỷ niệm của một thời tuổi trẻ khi những người chiến sĩ và đồng đội cùng xông pha bảo vệ Tổ quốc.
“Những tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn đâu Tổ quốc?”. Những người chiến sĩ trẻ với biết bao lý tưởng, hoài bão nhưng họ luôn khát khao được tham gia kháng chiến, đóng góp cho đất nước. Bởi lẽ, lý tưởng của họ là độc lập, hoài bão của họ là hòa bình của toàn dân tộc.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.