“Nếu đến 90 tuổi, tôi không đau chân, đau tay hay bị ốm thì tôi vẫn duy trì lớp học tình thương. Vì ngoài kia, còn rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang cần tôi” 

Suốt 24 năm qua, cô Phạm Thị Huyền (68 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã cần mẫn, chăm chút lớp học xóa mù chữ dành cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, trong căn phòng nhỏ tại phường Thanh Xuân Nam, cô trò lại say mê với những con chữ vỡ lòng. 

Dù đã gần 70 tuổi nhưng với sự tận tâm của mình, biết bao thế hệ học sinh trong suốt 24 năm qua đã thoát cảnh mù chữ. Các em tìm đến lớp học tình thương của cô Huyền ở mọi độ tuổi khác nhau, ở mọi vùng miền Nam Bắc và mỗi người lại có hoàn cảnh khó khăn riêng. 

Những học sinh tại lớp học tình thương của cô Huyền
Những học sinh tại lớp học tình thương của cô Huyền

Ngay sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô Huyền đã được phân công về dạy tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, học sinh của cô Huyền chủ yếu là con em dân tộc Tày và dân tộc Cao Lan. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô đã nhận ở lại và gắn bó trong nhiều năm. 

Đến năm 1997, vì điều kiện gia đình nên cô chuyển về sống tại Quận Thanh Xuân. Cô Huyền chia sẻ khi sống ở đây cô chứng kiến rất nhiều em không được đến trường vì các lý do khác nhau. Thậm chí, nhiều em theo bố mẹ từ quê lên Hà Nội kiếm sống, dù lên 8 tuổi vẫn không biết chữ. Những hoàn cảnh đáng thương ấy đã thôi thúc cô Huyền mở lớp dạy học miễn phí nhằm mục đích xóa mù chữ, giúp các em được hòa nhập và trở thành người có ích cho xã hội. 

Cô Huyền vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên mở lớp, nhiều người không tin lớp học tình thương của cô là miễn phí. Dù nguồn lực kinh tế của gia đình eo hẹp nhưng cô vẫn đến từng nhà, vận động từng gia đình cho con em theo học. Lớp học đầu tiên cô Huyền dạy xóa mù chữ chỉ vỏn vẹn 6 học sinh, sau dần tăng lên 10 - 15 em, có thời điểm lên tới 25 em. Cô Huyền nhớ lại: “Lúc đầu có nhiều người khuyên tôi không nên mở lớp vì tôi cũng xấp xỉ 50 tuổi rồi. Dạy học vừa vất vả mà tốn kém nhiều chi phí”. 

Những lời nói ấy không khiến cô nản lòng, ngược lại cô Huyền càng có thêm động lực để đứng lớp dạy học, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. “Chưa bao giờ, tôi nghĩ đến việc đóng cửa lớp hay không dạy các em nữa. Có biết bao học sinh ngoài kia bị mù chữ, ao ước được đến lớp, tìm đến con chữ đang cần tôi. Tôi coi các em như con mình và tôi yêu ngành, yêu nghề nên sẽ luôn duy trì lớp khi còn có thể”.

Lớp học xóa mù chữ của cô Huyền không giống bất kỳ lớp học bình thường nào khác, mỗi học sinh là một giáo án khác nhau. Vì các em ở nhiều lứa tuổi và có hoàn cảnh sống riêng biệt. 

Cô Huyền tận tâm với từng nét bút của học trò
Cô Huyền tận tâm với từng nét bút của học trò

Lớp học được duy trì tại nhà riêng của cô trong 13 năm. Sau một vài thay đổi, cô Huyền mượn được phòng Hội họp của Hội phụ nữ tổ dân phố số 6 (phường Thanh Xuân Nam) để làm lớp học. Đến nay, lớp học đã ổn định được 6 năm và cơ sở vật chất cũng dần được hoàn thiện như: bàn ghế, bảng, điện, quạt…

Không chỉ dạy văn hóa, cô Huyền còn dạy các em kỹ năng mềm trong cuộc sống. Cô nói: “Các bạn học tập cùng nhau rất đoàn kết, không xảy ra xích mích hay cãi cọ bao giờ. Tôi luôn ở trong lớp nên bạn nào nói bậy, tôi sẽ chỉnh đốn ngay”. Ngoài ra, cô Huyền cũng thường xuyên mở các buổi dạy nấu ăn, cắm hoa, làm bánh… để các em có thể tự chăm sóc bản thân mình.

Mặc dù mở lớp học miễn phí, nhưng cô thường xuyên mua tặng các em đồ dùng học tập như: bút, sách, vở… Cứ đầu năm, cô Huyền may cho mỗi em một bộ quần xanh, áo trắng. Sang mùa đông thì tặng áo khoác ấm… mục đích để các em được “bằng bạn bằng bè” ngoài kia. 

Sau 24 năm gắn bó với lớp học tình thương, cô Huyền không khỏi xúc động khi kể về những người học trò của mình. Rất nhiều học sinh đã tốt nghiệp lớp 5 được chuyển sang trường giáo dục thường xuyên, có em đỗ vào Trung cấp, Cao đẳng, Đại học. Thậm chí có em đã lập gia đình và sinh con. Đó là những niềm hạnh phúc không thể cân đo đong đếm được của người thầy tâm đức.

Cô Huyền tận tình chỉ bài cho học sinh mới đến lớp
Cô Huyền tận tình chỉ bài cho học sinh mới đến lớp

Sau bao thế hệ đi qua, cô Huyền vẫn nhớ rất rõ mình đã tận tay chỉ dạy cho gần 200 học sinh. Biết thêm con chữ, các em tự tin trong cuộc sống tương lai. Còn với cô Huyền, được nhìn thấy lớp lớp học trò của mình sống hạnh phúc, ấm no là đủ mãn nguyện. 

Nhớ lại những học sinh của mình, ánh mắt cô không dấu được niềm tự hào: “Có một cựu học sinh ở vùng cao Hà Giang, bạn ấy là con gái, 27 tuổi mới đến xin vào lớp học. Tôi dạy bạn ấy từ những chữ cái đầu tiên A, B, C.. Hiện tại, bạn ấy có trình độ văn hóa lớp 4 nhưng am hiểu về công nghệ, dùng thành thạo điện thoại. Sau khi học ở đây thì bạn về huyện Đan Phượng lập gia đình và mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Trước khi đi, bạn ấy xin được gọi tôi là “mẹ” và cứ đến ngày 8.3, ngày 20.11 thì bạn ấy gọi điện hỏi thăm hoặc cùng gia đình về thăm tôi.”

Cô Huyền cũng cho biết, kể từ lần đầu tiên học sinh gọi cô là “mẹ”,  cô cảm thấy xúc động và có nhiều động lực cống hiến hơn. Vì cô biết, trong lòng các em, cô không chỉ là người mang đến con chữ mà còn giữ vị trí cao cả hơn thế, đó là “người mẹ thứ hai” của các em. 

Cô Huyền nhớ đến một cựu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khác: “Tôi nhớ một bạn có ông nội vướng vào vòng lao lý, mẹ cũng đi tù, bạn ấy không được đi học. Có lần, bạn vào trường Thanh Xuân Nam ăn trộm một chiếc xe đạp và bị đưa lên phường. Khi đó, các chú công an lấy lời khai, bạn một mực không trả lời. Tôi đã xin công an đưa bạn về nhà để thuyết phục. Sau khi tâm sự với bạn ấy, tôi để bạn tự viết bản tường trình, kể lại toàn bộ sự việc diễn ra. Đến nay đã 20 năm, tôi vẫn giữa nguyên vẹn bản tường trình. Khi mẹ bạn ấy ra tù và đọc được, bà ấy đã ôm lấy tôi và khóc: “Cảm ơn cô, nếu không có cô thì con không được đi học, không được như ngày hôm nay”

Nhìn những nét chữ đều tăm tắp của cô Huyền trên bảng, em Trần Thị Hoài, 18 tuổi, đang theo học chương trình lớp 5 nói: “Em không có ước mơ gì hết. Em chỉ mong cô có nhiều sức khỏe để dạy chúng em học tập trưởng thành. Em quý mến và thương cô nhiều lắm”.

Cô mong đến một ngày sẽ không còn lớp học xóa mù chữ nữa, mong ai cũng được đến lớp, được đi học
Cô mong đến một ngày sẽ không còn lớp học xóa mù chữ nữa, mong ai cũng được đến lớp, được đi học

Gần 70 tuổi, nhiều người mong muốn được nghỉ ngơi, tận hưởng tuổi già, cô Huyền vẫn ngày ngày cần mẫn với lớp học tình thương nhỏ của mình. Cô mong đến một ngày sẽ không còn lớp học xóa mù chữ nữa, mong ai cũng được đến lớp, được đi học. Đối với cô Huyền, “nét chữ” không chỉ là “nết người”, mà còn là giá trị sẽ theo những cô cậu học trò nhỏ suốt cuộc đời. 

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN