Sáng 29/5, tại vòng Chung khảo Giải thưởng Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), dự án HeritageFlash XR của nhóm sinh viên Khoa Lịch sử đã gây ấn tượng mạnh với bộ thẻ giáo dục di sản tích hợp công nghệ thực tế ảo. 

Sản phẩm HeritageFlash XR mang đến cơ hội khám phá các di sản thông qua trải nghiệm tương tác đa phương tiện, sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Điểm nhấn của bộ thẻ nằm ở sự “hòa quyện” giữa giáo dục truyền thống và công nghệ tiên tiến. Chúng tôi có cơ hội trò chuyện với bạn Phạm Hoàng Anh Phương - Đồng sáng lập dự án, để hiểu thêm về quá trình tạo  nên bộ thẻ độc đáo này.

PV: Ý tưởng làm ra những tấm thẻ để quảng bá di sản là điều không quá mới. Thế nhưng, lần đầu tiên tôi được nghe đến việc tích hợp công nghệ AR/VR vào chúng. Bạn hãy chia sẻ lý do vì sao có sự kết hợp thú vị này?

Anh Phương: Ở bộ thẻ HeritageFlash XR, chúng tôi đã kết hợp phương pháp truyền thống lẫn hiện đại: Thẻ vật lý tích hợp công nghệ số. Về công nghệ thực tế ảo, đây là yếu tố tất yếu để bắt kịp xu thế hiện nay. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả ngành nghề, lĩnh vực và càng cần thiết hơn trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá.

Về thẻ vật lý, đây là một phương thức quảng bá hiệu quả, sinh động, bắt mắt, để mở rộng tệp người tiếp cận. Bộ thẻ được trang bị website chung. Mỗi thẻ tương ứng với một di sản, mỗi di sản lại có một website riêng chứa đựng đầy đủ thông tin, bao gồm: các tệp đa phương tiện, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, mô hình 3D hiện vật…

Nhóm nghiên cứu hy vọng, bộ thẻ là phương pháp học tập mới mẻ cho người dùng, có thể phục vụ cho công tác giảng dạy học phần liên quan đến di sản văn hoá Việt Nam hay quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.

PV: Bộ thẻ HeritageFlash XR bao gồm 25 thẻ, chia làm 4 nhóm: Di sản văn hóa vật thể; Di sản văn hóa phi vật thể; Di sản hỗn hợp và thiên nhiên; Di sản tư liệu. Không biết, con số 25 có mang ý nghĩa đặc biệt nào không?

Anh Phương: Tôi khá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi về vấn đề này. Con số 25 phát âm gần giống với “2 năm”, là một cách để nhóm lưu dấu thời gian gắn bó và miệt mài nghiên cứu lĩnh vực di sản văn hoá. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, số 25 tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở vĩnh hằng. Đây cũng là tinh thần chủ đạo mà nhóm nghiên cứu hướng tới - không ngại khó, ngại khổ để theo đuổi mục tiêu và đam mê.

PV: Khi quan sát mỗi tấm thẻ, tôi thấy chúng đều có hình ảnh, thông tin ghi danh, vị trí kèm theo một mã QR. Bạn có thể giải thích về cách sử dụng thẻ chính xác nhất?

Anh Phương: Mặt trước mỗi thẻ bài gồm nội dung bao quát về di sản, đưa ra những thông tin đặc trưng và ngắn gọn nhất, giúp người dùng có cái nhìn đầu tiên đầy ấn tượng. Để tìm hiểu kĩ hơn thông tin chi tiết về di sản, người dùng cần thực hiện quét mã QR để truy cập vào website riêng. 

Trên thẻ vật lý có hai mã QR: một mã QR của riêng di sản, một mã QR chung của cả bộ thẻ. Mã QR riêng tích hợp thông tin chi tiết, chọn lọc, mang tính chuyên môn cao, giúp người dùng tiếp cận kho tàng tri thức độc đáo về mỗi di sản. Tấm thẻ tích hợp công nghệ XR mở ra trải nghiệm ngắm nhìn hiện vật trong không gian 3D. Đặc biệt, mã QR còn đưa đến trò chơi tương tác và phản hồi, giúp người xem đắm chìm trong không gian đặc sắc về di sản văn hoá Việt Nam.

Mã QR chung dẫn người dùng đến website tổng hợp, bao gồm các thẻ di sản đã được số hóa ngay tại trang chủ. Khi người dùng muốn “tham quan” một di sản bất kỳ, chỉ cần nháy chuột vào tấm thẻ, không gian số của di sản sẽ được mở ra.

Hiện tại, với tâm huyết đưa di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, nhóm nghiên cứu mang đến cơ hội độc đáo: Chỉ với một tấm thẻ, người dùng có thể tiếp cận miễn phí 25 di sản quý báu trên cả nước.

Ngoài ra, thẻ vật lý cũng là một vật phẩm lưu niệm đẹp mắt mà nhóm gửi tặng đến mọi người.

PV: Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, công đoạn nào bạn cùng các cộng sự cảm thấy khó khăn nhất? 

Anh Phương: Để hoàn thiện dự án, chúng tôi đã trải qua không ít khó khăn, thử thách, bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống lý luận chặt chẽ, cho đến thiết kế thẻ vật lý, làm website và in ấn. Trong quá trình đó, công đoạn khó khăn nhất có lẽ là quá trình tìm hiểu kiến thức khoa học về mỗi di sản, để tích hợp vào website và trên mặt thẻ.

Từ những nguồn sử liệu quý, nhóm nghiên cứu phải chắt lọc thông tin một cách công phu, tỉ mỉ. Tiến trình này đòi hỏi nhiều chất xám. Không ít lần, chúng tôi rơi vào ngõ cụt, cảm thấy bất lực khi cố gắng tháo gỡ những thông tin rắc rối. Tuy nhiên, với sự kiên trì và niềm đam mê cháy bỏng, cùng sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ và bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, chúng tôi đã thành công vượt qua giai đoạn ấy.

Tôi tự hào rằng, HeritageFlash XR là một sản phẩm không chỉ mang tính thị trường, dễ tiếp cận công chúng, mà còn sở hữu thông tin chuyên môn cao, khoa học, được thực hiện đúng chuyên ngành bởi các sinh viên đến từ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

PV: Trong quá trình thu thập tư liệu cho sản phẩm, Anh Phương đã du ngoạn đến nhiều nơi, trò chuyện với nhiều du khách trong lẫn ngoài nước. Nhìn lại hành trình đầy tự hào đó, kỷ niệm nào đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức của bạn? 

Anh Phương: 25 chuyến đi - 60 quần thể di tích - 15 điểm trường, những con số đại diện cho một hành trình dài của tôi cùng các bạn. Tôi nghĩ đây là hành trình đáng nhớ, bởi lẽ, nó mang đến cho mỗi thành viên những kỷ niệm khó quên.

Kỷ niệm tôi ấn tượng nhất, có lẽ là chuyến đi vào Huế để thu thập tư liệu. Lần đó, cả nhóm quyết định chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. Tôi chưa từng đi tàu bao giờ nên ban đầu rất háo hức. Không ngờ, chuyến đi kéo dài đến 13 tiếng đồng hồ. 5 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Huế. Và chỉ hai tiếng sau - 7 giờ sáng, cả nhóm phải bắt tay vào công việc ngay lập tức. Dù vậy, khi ngoái lại, tôi vẫn thấy đây là một kỷ niệm đẹp, bởi ở đó có in dấu từng bước chân chứa đầy nhựa sống cùng hoài bão tuổi đôi mươi - cái tuổi dám đam mê, dám thực hiện.

PV: Kỷ nguyên số đang dần thay đổi cách thức quảng bá văn hoá dân tộc và bộ thẻ HeritageFlash XR là một ví dụ điển hình. Bạn có nghĩ đây là một trong những phương thức tiếp cận lịch sử kiểu mới cho người trẻ?

Anh Phương: Nhóm nghiên cứu hoàn toàn tin rằng, sản phẩm này đại diện cho một phương thức tiếp cận lịch sử sáng tạo và hiệu quả. Với hình thức trình bày bắt mắt, thu hút thị giác, cùng cách thức khám phá đầy lý thú, mang tính tương tác, các bạn trẻ sẽ không đơn thuần tiếp nhận thông tin về di sản văn hóa. Hơn thế nữa, họ còn có cơ hội thực sự hòa mình vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận và thấu hiểu tinh hoa mà cha ông để lại một cách sâu sắc và sống động hơn bao giờ hết.

PV: Là một gen Z, bạn suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và lan tỏa các di sản của dân tộc, một cách đúng đắn và sáng tạo?

Anh Phương: Trong thời đại 4.0, nhịp sống hối hả, công nghệ tiên tiến, mạng xã hội và văn hóa toàn cầu không còn là khái niệm xa lạ. Đây cũng là lý do vì sao, gen Z thường bị “gắn mác” dần xa rời giá trị truyền thống. Thế nhưng, chính những điều này lại biến “nguy” thành “cơ” cho gen Z : Làm cho di sản trở nên sống động hơn cả trong thế giới hiện đại.

Di sản không chỉ bó hẹp trong bảo tàng, trang sách hay các di tích in đậm dấu vết thời gian. Thay vào đó, nó là nguồn cảm hứng bất tận để gen Z tạo ra những điều mới mẻ, từ âm nhạc, thời trang, thiết kế, phim ảnh cho đến những ứng dụng công nghệ tiên tiến. Bằng cách kết nối quá khứ với hiện tại, thế hệ trẻ đã và đang thổi một luồng khí mới vào di sản, giúp chúng tiếp tục phát triển và thích nghi với thay đổi của thời đại.

Sáng tạo là vậy, song, sáng tạo phải dựa trên hiểu biết gốc rễ. Các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, ý nghĩa chứ không đơn thuần sao chép biểu tượng văn hóa để trang trí hay “xu hướng hóa” di sản một cách nhất thời. Việc hiểu sai, dùng sai có thể gây “tổn thương” văn hóa thay vì lan tỏa giá trị vốn có.

Lòng yêu nước, yêu di sản, ai cũng có. Nhưng tình yêu đó phải đi kèm hành động đúng!

PV: Bộ thẻ có lẽ chính là bước khởi đầu cho những dự án lớn hơn phía trước. Anh Phương có thể bật mí về dự định tương lai của nhóm không?

Anh Phương: Trong tương lai gần, tôi cùng các cộng sự vẫn sẽ kiên trì nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hoá nhưng ở nhiều khía cạnh khác. Không dừng lại ở những hiện vật cũ, sản phẩm sắp tới sẽ tập trung vào những “con người cũ” - những danh nhân kiệt xuất được dân tộc và toàn thế giới ghi danh, công nhận. 

Di sản là “báu vật” ở quá khứ để lại cho ngày nay và đây sẽ là lĩnh vực tiềm năng để nhóm nghiên cứu tiếp tục khai thác, sáng tạo. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ, giúp các bạn luôn nhớ về cội nguồn và không ngừng cống hiến cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh thế giới không ngừng vận động và đi lên.

Xin cảm ơn Anh Phương đã tham gia phỏng vấn! Chúc bạn nhiều sức khoẻ và có thêm thành công trong các dự án sắp tới!

Đừng bỏ lỡ
Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Người đẹp Thái Lan đăng quang Miss World 2025

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/5, đêm chung kết Miss World 2025 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế HITEX, thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Đại diện Thái Lan - Opal Suchata Chuangsri đã xuất sắc đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi. 

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

XEM THÊM TIN