PV: Thưa PGS.TS, ngày 10/10/1954, khi Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 (đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô) mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội, hàng vạn người dân vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về. Hình ảnh ấy cho ông suy nghĩ gì?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Tháng 2/1947, người dân Hà Nội cùng bộ đội và Trung đoàn Thủ đô rút khỏi địa phương để bảo toàn lực lượng, nhằm phục vụ kháng chiến lâu dài. Trước khi đi theo kháng chiến, những người dân ấy đã viết lên bức tường hẹn ngày sẽ quay lại Thủ đô thân yêu. Vì cực chẳng đã, họ phải rời bỏ mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, ngày đêm mong mỏi Hà Nội sạch bóng kẻ thù.
Sau 8 năm kháng chiến trường kỳ (từ năm 1947 đến năm 1954), cuối cùng họ cũng được trở về quê nhà. Ngày 10/10/1954 trở thành một ngày hội giải phóng và chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp quản Thủ đô.
Lịch sử vẫn còn lưu giữ những bức ảnh, thước phim về người dân Hà Nội hân hoan, vui vẻ và hồ hởi chào đón đoàn quân giải phóng. Các tầng lớp nhân dân và những người yêu nước ở Hà Nội đổ ra mọi ngả đường và các cửa ô để đón những người chiến thắng trở về.
Và khi đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô, những người dân còn mang trong mình một cảm giác háo hức xem trong dòng người trở về liệu có người thân của mình trở về hay không, nếu có, niềm vui trong họ cũng nhân lên gấp nhiều lần. Cho nên, bầu không khí lúc đó rất háo hức, phấn khởi là vậy.
Đến 15h chiều cùng ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Thủ đô tham dự lễ chào cờ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long), do Ủy ban Quân chính tổ chức, đứng đầu là đồng chí Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô.
Như vậy, 70 năm trôi qua, ngày 10/10/1954 là một ngày rất trọng đại của Hà Nội, đánh dấu mốc đánh dấu Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.nhân dân đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.
PV: Nhìn lại chặng đường lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp, sự kiện Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đóng vai trò như một điểm hội tụ của những nỗ lực đấu tranh từ trước. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của sự kiện trên trong việc khẳng định sự toàn thắng của giai đoạn lịch sử này?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của đất nước, vậy nên việc địa phương này được giải phóng đầu tiên có tầm ảnh hưởng rất lớn, phản ánh thực tế kháng chiến đã thắng lợi.
Sự kiện này vừa mang tính dẫn dắt, vừa mang tính lan tỏa mạnh mẽ đến các tỉnh thành khác. Để rồi, người dân khắp cả nước nhìn vào đây để họ hướng theo các hoạt động của Thủ đô và khôi phục lại địa bàn của mình. Bởi vậy, Hà Nội là một thành phố được Trung ương Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm.
Trước khi vào giải phóng Thủ đô 20 ngày, Bác Hồ đã gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 thôn Tiên Phong ở Đền Hùng. Bác đã dặn một câu rất nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Bác dặn, khi vào tiếp quản, ta phải làm gì để vẫn giữ vững hình ảnh của người bộ đội. Người chiến sĩ giải phóng phải đạo đức, kỷ luật với dân và làm sao để tránh được những cái cám dỗ của đô thị. Bởi lẽ, trước đây, bộ đội toàn ở rừng núi, ăn uống kham khổ, giờ về lại đô thị, cần phải có tư tưởng tránh được những “viên đạn bọc đường”. Bác dùng những từ ngữ như thế để cho cán bộ, chiến sĩ chúng ta hiểu rằng ta không được sa vào những cám dỗ khi bước vào một môi trường mới hoàn toàn so với trước kia, phải làm sao giữ vững được phẩm chất của quân nhân.
Tóm lại, việc chúng ta vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội nó trở thành một hình mẫu cho các địa phương khác trong việc tiếp quản và tổ chức các hoạt động xây dựng lại địa phương. Sự kiện 10/10/1954 có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, quyết định nhiều chiến thắng trong các giai đoạn lịch sử sau này.
PV: Đứng ở góc nhìn là người nghiên cứu lịch sử, ông có thể lý giải tại sao Hà Nội được chọn làm Thủ đô - trái tim của cả đất nước không?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Trước hết, nếu xét theo góc nhìn phong thủy, Thăng Long là thế đất “Rồng cuộn Hổ ngồi”. Không phải ngẫu nhiên mà vua Lý Thái Tổ dời đô về đây và càng không phải tình cờ khi triều Lý kết thúc, các triều đại phong kiến khác như Trần, Lê, Nguyễn tiếp tục chọn đây là kinh đô. Nơi này hội tụ được các điều kiện về tâm linh, văn hóa và giá trị con người. Chúng mang tính nền tảng, là cơ sở để phát triển đất nước và lan tỏa ra các vùng xung quanh. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là nơi hội tụ giao thương, đóng vai trò trung chuyển giữa các địa phương - Một trong những khía cạnh quan trọng để phát triển kinh tế.
Hà Nội được công nhận là Thủ đô của nước Việt Nam mới từ sau Cách mạng Tháng Tám. Nhưng nếu nhìn xa hơn, trong suốt hơn 1000 năm lịch sử, Hà Nội đã không ít lần bị quân xâm lược chiếm đóng. Lịch sử buộc chúng ta với các yếu tố khách quan, chủ quan và kẻ thù luôn luôn xác định “muốn chiếm được một quốc gia thì phải chiếm được thủ đô, chiếm được cái kinh đô đó”.
Cho nên người dân Việt Nam không bao giờ mong muốn Thủ đô lại xảy ra chiến trận, binh đao nào ở đây cả. Thành ngữ “Thăng Long phi chiến địa” như khẳng định điều đó. Câu thành ngữ lâu đời ngụ ý “Thăng Long” là thành Thăng Long, “phi chiến địa” tức là nơi không bao giờ nên để xảy ra chiến tranh, chiến trận.
Thủ đô Hà Nội giải phóng, thành phố mang trong mình biểu tượng: một thủ đô của lương tri và phẩm giá của con người Việt Nam. Vì vậy, Hà Nội được UNESCO và thế giới vinh danh là thành phố vì hòa bình. Điều đó trở thành một niềm tự hào nhưng cũng trở thành cái trọng trách của người Hà Nội, của các cấp Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, phải làm sao xây dựng được Thủ đô này ngày càng phát triển nhưng phát triển trong hòa bình phải hài hòa với các cái địa bàn khác.
Bởi vậy, tôi rất ấn tượng và luôn tự hào về những đặc sắc riêng của Hà Nội, đó là thành phố vì hòa bình, sống vì hòa bình, đấu tranh vì hòa bình và xây dựng cũng vì hòa bình.
PV: Trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay, ông cho rằng những bài học lịch sử từ sự kiện 10/10/1954 cần được áp dụng như thế nào vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa chính là chiều sâu của sức mạnh dân tộc, bao gồm cả sức mạnh vật chất và tinh thần, trong đó sức mạnh tinh thần gắn liền với nền văn hóa. Điều này thể hiện qua sức sống mãnh liệt của dân tộc ta – lý do tại sao sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam không bị đồng hóa.
Để phát triển và xây dựng Hà Nội, việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô là vô cùng quan trọng. Văn hóa được coi là hồn cốt, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của xã hội và kinh tế. Nếu con người không có nền tảng văn hóa và tinh thần dân tộc, họ sẽ dễ mất phương hướng trong quá trình xây dựng và phát triển.
Người Hà Nội ngày nay tự hào về bản sắc văn hóa riêng của mình, và đó chính là điều cần được bảo tồn và phát huy. Điều này không chỉ là niềm tự hào mà còn là nhiệm vụ và bài học xuyên suốt trong quá trình xây dựng Thủ đô. Chúng ta cần phát triển nhưng không nên quá chú trọng vào chỉ mỗi kinh tế mà đánh mất cảnh quan và di tích văn hóa.
PV: Để phát triển bền vững mà vẫn giữ được nét văn hoá riêng, theo ông, Hà Nội cần làm gì?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Việc phát triển Hà Nội cần phải song hành với việc giữ gìn bản sắc văn hóa, vì đó chính là hồn cốt của Thủ đô.
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 8000 lễ hội được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, hầu hết đều giữ nguyên bản sắc Việt. Đây là minh chứng rõ nét cho sức sống bền bỉ của văn hóa dân tộc.
Bây giờ, Hà Nội cũng không ngừng triển khai, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về du lịch, một trong những ngành công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng của Thủ đô. Đó cũng là một cách để phát triển bền vững mà vẫn giữ được nét văn hoá riêng.
PV: 70 năm qua, tầm vóc, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng cao, khẳng định con đường đi lên của chúng ta. Theo ông, thế hệ trẻ, đặc biệt là đoàn viên thanh niên hiện nay cần phải làm chỉ để bảo vệ và phát huy thành quả mà cha ông ta đã để lại?
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Bác Hồ từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong đó, cần phải giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
“Hồng” là đạo đức, “chuyên” là chuyên môn. Có chuyên môn nhưng thiếu đạo đức thì cũng không bền vững. Đạo đức ở đây bao gồm lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu lớp trẻ tiếp thu và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông, kết hợp với tri thức và tinh hoa văn hóa thế giới, Thủ đô sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, trách nhiệm giữ gìn và phát triển nền văn hóa ấy được đặt lên vai thế hệ trẻ. Thanh niên cần hiểu và tự hào về văn hóa dân tộc, đưa những giá trị ấy vào công việc và cuộc sống, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng hùng mạnh. Văn hóa chính là nền tảng để xây dựng một quốc gia vững mạnh, và nhiệm vụ của thế hệ trẻ là tiếp nối, phát huy và làm giàu thêm nền tảng đó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà!
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội
(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá
(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác
(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.