(Sóng trẻ) - Đã từ lâu, sữa luôn là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng và phù hợp với mọi độ tuổi. Nhưng khi sữa được sử dụng xong, những chiếc vỏ hộp lại trở thành “rác chết”- một mối lo ngại cho môi trường.
Theo số liệu năm 2019, một năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn chất thải nhựa, tăng 16-18% mỗi năm. Không chỉ rác thải nhựa, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề quản lý và tái chế rác thải nói chung, đặc biệt là rác thải bao bì đã làm gia tăng gánh nặng về môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng ngày càng lớn. Các loại bao bì sử dụng một lần được tìm thấy phổ biến nhất ở Việt Nam gồm chai, nắp chai nhựa, bao bì giấy, túi nilon, vỏ hộp sữa, vỏ hộp các loại đồ uống…
Chỉ tính riêng các vỏ hộp sữa, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường đến 10-15 tỉ vỏ hộp. Số lượng rác thải bao bì gia tăng nhanh chóng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người, đe dọa sự phát triển bền vững quốc gia.
Sau này, người ta đặt ra câu hỏi “Từ khi nào xuất hiện rác thải?”. Chúng ta đều biết, trong thiên nhiên, không có gì được gọi là rác. Bởi nó là kết quả của một vòng lặp tuyệt vời. Chất thải của sinh vật này trở thành nguồn năng lượng cho sinh vật khác hấp thụ. Từ lá cây thành phân bón, từ chất mùn quay về làm dinh dưỡng cho cây.
Sự quay vòng này tưởng chừng là một điều tuyệt vời mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Cho đến khi cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển, “chất thải” của con người đã không thể phân hủy thành những thứ có ích. Khi đó, “rác” ra đời.
Ban đầu, người ta tạo ra vỏ hộp sữa với những mục đích vô cùng “cao cả”. Nhưng dần dần, sau khi đưa vào sử dụng, nó chỉ còn là một tấm chắn bảo vệ. Khi hết tác dụng, vỏ hộp lập tức trở thành rác.
Nguồn sữa dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn từ môi trường bên ngoài. Những chiếc vỏ hộp hiện nay cũng là một giải pháp giúp bảo quản sữa được thơm ngon, lưu trữ được lâu. Cộng thêm việc tiện lợi khi có thể dễ dàng vận chuyển khắp nơi mà không lo sợ đổ vỡ, ngày càng nhiều nơi sử dụng sữa hộp. Với ưu điểm về giá thành và sự tiện lợi, hộp carton trở thành sự lựa chọn tối ưu và thống trị một trong những thị trường khổng lồ như Mỹ từ những năm 1950.
Những chiếc hộp gọn gàng đầy đủ thông tin về hạn sử dụng trở thành phương tiện truyền dinh dưỡng tiện lợi bậc nhất. Từ đó, cả thế giới nhảy vào một cuộc chạy đua để thiết kế những hộp sữa bắt mắt và tiện lợi hơn.
Để bảo quản được sữa, vỏ hộp phải được làm rất cẩn thận qua nhiều lớp. Vỏ hộp sữa giấy cấu tạo bởi sáu lớp, trong đó 75% giấy và 25% nhôm/nhựa. Tùy vào loại sữa mà vỏ hộp sẽ khác nhau về số lớp, nhưng chất liệu gần như chỉ có rất ít khác biệt. Đối với loại sữa bảo quản lâu (shelf – stable carton), vỏ hộp gồm có 3 lớp nhựa nhiệt dẻo (polyethylene) và xen kẽ một lớp bột giấy (paperboard) và một lớp nhôm mỏng. Loại còn lại là sữa phải bảo quản đông lạnh. Hộp dành cho loại này đơn giản là 2 lớp nhựa kẹp giữa lớp bột giấy.
Nếu để ở môi trường trong nhiệt độ thường, vỏ hộp sữa bằng giấy chỉ mất 5 năm để phân hủy. Nhưng với tốc độ tiêu dùng sữa của người Việt hiện nay, môi trường và thiên nhiên sẽ không thể “tiêu hóa” kịp số lượng rác thải con người tạo ra.
Chính vì vậy, dù vỏ hộp sữa có nhanh chóng phân hủy hơn các loại rác thải khác nhưng vẫn cần đến sự giúp sức của con người. Bởi nếu không làm gì đó, nó sẽ trở thành "rác" - một điều mà chính những vỏ hộp này cũng không muốn.
Vỏ hộp sữa giấy là loại rác có thể tái chế được vì nó có thành phần giấy, nhôm. Tuy nhiên, nó lại là thứ "bán không ai mua, cho không ai lấy" vì vỏ hộp sữa gồm 3 lớp: lớp nhôm trong cùng, lớp giấy ở giữa và lớp nhựa bọc ngoài. Trong vỏ sữa thường hôi hám do cặn sữa, gây khó khăn trong quá trình thu gom. Khi này, vỏ hộp sữa đã trở thành “rác chết” - không ai muốn tái sử dụng. Chỉ có thể xử lý bằng cách đốt hoặc chôn.
Khi đốt, một lượng lớn khói có chứa chất gây hại được thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu dùng đến biện pháp chôn lấp, vậy cần bao nhiêu diện tích để chôn hết số rác thải từ vỏ hộp sữa gây ra?
Để giải quyết vấn đề này, những sáng tạo, phát minh mới mẻ từ người trẻ được khởi xướng. Cùng đón đọc kỳ tiếp theo để theo dõi hành trình “cứu sống” những vỏ hộp sữa!
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.