(Sóng trẻ) - Một vỏ hộp sữa tuy nhỏ và nhẹ với con người, nhưng lại là gánh nặng của môi trường. Khi này, môi trường cần sự giúp đỡ của con người. Chính những vỏ hộp cũng cần một cuộc đời mới, tươi đẹp hơn, có ích hơn.

Với lượng rác thải tiếp tục tăng, sớm muộn chúng ta sẽ sống trên một bãi rác, nơi mà nhà cửa, con đường, rừng cây, biển nước, không khí… đều ngập rác. Nếu thiêu hủy số lượng lớn rác thải ấy thì có thể bị ô nhiễm môi trường không khí hơn và con người sẽ phải hít thở trong bầu không khí độc hại.

May mắn khi giữa Hà Nội bon chen, một địa điểm thu gom và tái chế rác thải được hình thành từ những bạn trẻ. Nảy lên ý tưởng sản xuất các vật dụng từ “rác vỏ hộp sữa”, tổ chức này nhanh chóng nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 tỷ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng (tương đương 150.000 tấn) được thải bỏ, trong khi 100% vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành nguồn nguyên liệu và các sản phẩm có ích. 

Tuy nhiên, nhiều người dân không có thói quen thu gom và phân loại rác. Bởi khi sữa đọng lên men trong hộp sẽ tạo thành mùi hôi, khó thu gom. Việc không đập dẹp vỏ hộp cũng khiến nó trở nên cồng kềnh, khó vận chuyển. Càng khó khăn hơn là khi có quá ít các đơn vị thu mua hay tái chế vỏ hộp sữa. Những loại rác thải khác nhau được đựng chung trong bao tải, đưa về bãi tập kết rác và đốt.

Nhận ra rằng vỏ hộp sữa hoàn toàn có thể tái chế, tổ chức Dấu Chân Xanh bắt đầu công cuộc thu gom rác của mình. Chị Nguyễn Thị Hoàng Tiến, phụ trách chính việc thu gom tại Dấu Chân Xanh chia sẻ: “Thời gian đầu chúng mình chỉ thu gom và tái chế từ rác thải của người quen. Khi ra được sản phẩm tốt thì mới yên tâm mở rộng quy mô thu gom và tuyên truyền đến mọi người”.

Chị nhận định, vỏ hộp sữa là một “tài nguyên” có thể sử dụng. Không nên lãng phí để nó trở về thành rác. Thành phần vỏ hộp sữa thường có nhôm, giấy nên có thể được tái chế thành những chậu cây, đĩa lót chậu vô cùng tiện dụng. 

Tuy nhiên, công việc thu gom chưa bao giờ là dễ dàng. Chưa nhiều người có ý thức phân loại rác, nên khi thu về, các thành viên tổ chức thường phải phân loại và làm sạch bằng nước. Đụng vào những thứ rác bẩn thỉu, hôi hám, nhưng mỗi ngày, các thành viên đều cố gắng hết sức mình. Chia sẻ với phóng viên, bạn Nguyễn Hoàng San, thành viên đội thu gom bộc bạch: “Chúng mình gom rác về với mục đích tái chế, nhưng mục đích lớn hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người. Nếu ai cũng phân loại rác từ đầu thì không những tiện cho mình, mà còn góp phần giúp đỡ các cô, bác lao công khác”.

Cô Lê Miên (mũ đỏ) cho biết: “Phân loại rác là một thói quen tốt. Vì môi trường sống của con cháu sau này, chúng ta bây giờ phải hành động từ những điều nhỏ nhất. Mọi người nên tự đem rác đến địa điểm thu gom. Như vậy sẽ đỡ vất vả cho các bạn trẻ rất nhiều”.

Để giải cứu rác chết – vỏ hộp sữa, loại rác có thể tái chế nhưng lại bị vứt bừa bãi để chờ đốt hoặc bị chôn lấp gây ra gánh nặng cho môi trường, nhóm Dấu Chân Xanh đã có nhiều ý tưởng để mang đến màu xanh cho môi trường như tổ chức các chương trình thu gom vỏ hộp sữa, chương trình gom vỏ hộp đổi quà…Sau đó loại rác này được tái chế thành chậu trồng cây, đế lót chậu, lót đĩa, hộp quà rất hữu dụng. Chị Tiến cho biết mỗi chiếc chậu nhỏ xinh kích thước 12x12 này được tái chế từ 80 vỏ hộp sữa. Với các kích thước lớn hơn có thể giảm được đến 500 vỏ hộp.

Theo đó, vỏ hộp sữa sau khi được rửa sạch sẽ đưa vào dây chuyền tái chế hoàn chỉnh. Vỏ hộp đem đi xay, tách giấy, nung và ép khuôn sẽ ra được một chậu cây xinh xắn. Sản phẩm tái chế có thành phần 100% là nhôm nhựa và giấy nên nhiều ưu điểm: bền với thời gian, không rỉ sét; thân thiện với môi trường; có thể tái chế lại nhiều lần.

Giờ đây, từ những chiếc vỏ hộp bị coi là rác, không còn giá trị sử dụng, lại được khoác lên mình tấm áo mới, lột xác trở thành nơi đâm chồi nảy lá của những mầm cây. Có thể nói, nó đã mang trên mình một giá trị mới, một sứ mệnh mới. Từ bảo vệ sữa, những vỏ hộp sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình để bảo vệ cây con khỏe mạnh.

Nhìn ngắm những sản phẩm mới được tái chế từ vỏ hộp sữa, chúng ta không thể nào ngừng tán dương ý tưởng tái chế tuyệt vời này. Bởi từ đây, nếu cùng chung tay hành động, thu gom vỏ hộp và gửi đi tái chế, chúng ta không chỉ nhận lại những sản phẩm đảm bảo duy trì sự tiện dụng trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

“Dấu Chân Xanh tái chế không thêm bất kỳ chất phụ gia nào, hoàn toàn là vỏ hộp sữa, (nhôm, nhựa, giấy). Quan điểm của nhóm là tái chế để giảm rác chứ không tăng rác, nên quy trình sản xuất và sản phẩm sau khi được sử dụng có những vấn đề gì đều được cân nhắc”, chị Tiến chia sẻ. Chậu cây sau khi sử dụng nếu bị nứt, vỡ có thể đưa về xưởng để làm thành một sản phẩm mới với chi phí sản xuất rẻ hơn rất nhiều. 

Anh Thái Khắc Tiến - Kỹ sư phụ trách mảng tái chế (trong ảnh) chính là người phát minh ra sản phẩm tuyệt diệu này. Anh bỏ ra nhiều năm nghiên cứu để tạo nên một "vòng lặp tái chế", giúp các vật dụng sau khi sử dụng vẫn có thể giữ được giá trị của nó.

Không chỉ là vỏ hộp sữa, môi trường vẫn tồn đọng nhiều loại rác chết. Nhựa chính là một trong số những “tên lì đòn” cực kỳ nguy hại cho môi trường. Thông thường, các kiểu tái chế như dùng đồ nhựa trồng cây được gọi là tái chế thô. Sau một thời gian, nhựa bị giòn, trở về thành rác. Không muốn thực trạng đó tiếp tục diễn ra, nhóm của chị Tiến dự định nghiên cứu tái chế nhựa trong tương lai. “Hiện tại nhựa mới chỉ là phần phụ thêm trong quá trình tái chế vỏ hộp sữa, nhưng rác nhựa nhiều gấp mấy trăm lần rác vỏ hộp nên chúng mình cũng nghiên cứu để tái chế. Mục tiêu Dấu Chân Xanh là có thể tái chế hết các loại rác không được tái chế hiện nay, ví dụ nhựa, thủy tinh....trước mắt chúng mình đang khởi đầu thuận lợi với vỏ hộp sữa”.

Dấu Chân Xanh là một dự án vô cùng ý nghĩa và thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trong thời gian tới, khi nhu cầu tăng sử dụng chậu cây tái chế tăng lên, môi trường sẽ “nhẹ” thêm một chút. 

Những điều vĩ đại luôn bắt đầu từ những hành động nhỏ, những thói quen đơn giản. Ngạn ngữ có câu: “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”, như vậy, mỗi hành động nhỏ ý nghĩa nếu được tích góp và lan tỏa sẽ tạo nên hiệu quả lớn.

Hãy cùng thay đổi tương lai đó bằng giải pháp phân loại và tái chế rác thải ngay bây giờ. Nhờ tái chế, chúng ta có thể tiết kiệm được năng lượng, nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, cũng như giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

 

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN