(Sóng trẻ) - Đã 52 năm trôi qua kể từ ngày đại thắng chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, nhưng ký ức về khoảnh khắc bắn hạ “bóng ma F-111” năm 1972 vẫn in đậm trong tâm trí người nữ tự vệ Phạm Thị Viễn.
Tôi ghé thăm nhà bà Phạm Thị Viễn vào một chiều cuối thu. Hình ảnh người phụ nữ tần tảo bên căn bếp nhỏ của gia đình không khỏi khiến tôi tò mò về quá khứ của người con gái đầu chít khăn tang, tay cầm súng pháo bắn hạ máy bay F.111 “cánh cụp cánh xoè” trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm xưa.
Đặt cốc trà ấm nóng xuống bàn, bà Viễn khẽ khàng kể: “Năm 15 tuổi, tôi khai tăng tuổi để được đi học nghề tại Nhà máy Cơ khí Mai Động…”
Năm 1967, chính quyền Johnson bắt đầu tiến hành không quân đánh phá miền Bắc bằng những loại vũ khí tối tân nguy hiểm. “Một quả bom bi chỉ bằng chừng một quả dứa, quả ổi thôi nhưng khi nó nổ ra lại tung toé thành nhiều mảnh bi con con, gây sát thương cho nhiều người” - bà Viễn tả.
Chính quả bom bi đó đã cướp đi người mẹ thân yêu và suýt nữa đã lấy đi mạng sống của thiếu nữ Viễn ngày đó. “Ở nhà mẹ mất, bản thân thì bị thương, gia đình ly tán, tôi chẳng biết đi đâu cả. Tới khi xin ra viện, trở về nhà thì người ta đã chôn cất mẹ tôi xong rồi…” - bà Viễn ngậm ngùi kể lại.
Nén lại nỗi đau và nước mắt, cô công nhân trẻ Phạm Thị Viễn xin gia nhập đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Vừa tăng gia sản xuất, bà vừa miệt mài luyện tập chờ ngày chiến đấu.
Tháng 12/1972, đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên, hòng biến miền Bắc trở về "thời kỳ đồ đá".
Suốt 12 ngày đêm kinh hoàng, hơn 660 lượt B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật trút xuống hơn 100 nghìn tấn bom đạn biến nhiều phố phường, làng mạc thành bình địa. Phố Khâm Thiên vốn đông đúc nay bị xóa sổ hoàn toàn. Hàng nghìn ngôi nhà, nhà máy, trường học, bệnh viện chìm trong biển lửa.
Trước khí thế sục sôi của cuộc kháng chiến cùng lòng căm thù giặc sâu sắc, bà Viễn và đồng đội ngày đêm túc trực, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô. "Khi ấy, tất cả đều sẵn sàng hòa mình vào cuộc chiến. Đàn ông ra trận, phụ nữ chúng tôi tham gia phong trào 'Ba đảm đang', 'Ba sẵn sàng’" - bà Viễn chia sẻ.
Ngày 18/12/1972, ngay khi nhận lệnh dự báo máy bay B52 của địch sẽ đánh bắn vào Hà Nội, bà Viễn cùng đồng đội di chuyển từ trận địa ven bờ sông Kim Ngưu (cách nhà máy Mai Động 200m theo đường chim bay) để tiếp đạn cho trận địa pháo 100mm tại phố Hai Bà Trưng. Người vác súng, người lắp ngòi nổ, mỗi người một nhiệm vụ. Khi ấy, không ai ngờ một cô gái với dáng vóc nhỏ nhắn lại có thể kéo được khẩu pháo 40kg nặng bằng cả sức mình.
“Lúc đó tôi chẳng nghĩ khoẻ hay yếu, chỉ biết làm được gì thì làm. Từ năm 15 tuổi tôi đã đi gánh lương thực ở hợp tác xã, có những gánh lên tới bốn mươi, năm mươi cân, điểm tại hợp tác xã cũng bằng người lớn. Chắc nhờ vậy mà tôi có thể vác được ụ súng pháo đó” - bà Viễn cười nói.
Suốt 4 ngày đêm ròng rã giữa mưa bom, bão đạn, bà Viễn cùng đồng đội kiên cường bám trụ trận địa. Hết chạy đi chạy lại để cứu thương, cứu sập, lúc lại lặng lẽ khâm liệm đồng đội xấu số mất do bị bom ném trúng quanh khu vực nhà máy. Mãi đến chiều ngày 22/12, khi nhận lệnh hành quân, bà mới tranh thủ thời gian chạy về nhà vơ vội nắm gạo, ít lương thực để tiếp tục lên đường cùng đơn vị.
Khoảng 19h, trời xâm xẩm tối cũng là lúc đội tự vệ A10 của bà di chuyển an toàn tới trận địa mới tại Vân Đồn. Không chút chần chừ, bà và đồng đội khẩn trương kéo pháo lên ụ, tỉ mỉ căn chỉnh từng khẩu súng. Giữa không khí căng thẳng, mệnh lệnh dứt khoát của chỉ huy Hoàng Minh Giám vang lên, phổ biến nhanh chóng các phương án tác chiến, sẵn sàng nghênh đón những đợt không kích của địch.
Không khí căng thẳng bao trùm trận địa suốt khoảng thời gian chờ đợi máy bay tới. Bà và đồng đội tập trung cao độ, thần kinh căng như dây đàn, sẵn sàng chiến đấu. Hơn 8 giờ tối, cả đoàn nhận được báo động liên hồi: “Máy bay địch đã bay vào cách Hà Nội chừng 80km!”. Chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi sau, tiếng còi hú lại rền vang, báo hiệu chiếc F.111 đang lao tới theo hướng 1:14, từ huyện Tam Đảo thẳng tiến vào thành phố.
“Nó to như cái thuyền thúng mà nó đen trụi” - bà Viễn tả. Rồi bà kể tiếp: "Khi đã căn được thời cơ, chỉ huy Giám hô vang một tiếng 'Bắn!' kèm theo hồi kẻng dồn thúc giục. Tất cả đồng loạt khai hỏa, điểm xạ ngắn. Một thoáng sau, cái máy bay ấy bay vèo qua đầu, loé lên một vệt sáng. Lúc ấy, chúng tôi thấp thỏm lắm, không biết nó có dính đạn hay chưa...".
“Đó là một đêm cả đơn vị không ngủ” - bà Viễn nhớ lại. “Ai nấy đều thấp thỏm, vừa mừng vừa bồn chồn. Mãi tới sáng hôm sau, khi nhận được tin đã bắn hạ được chiếc máy bay F.111 rơi tại Hoà Bình, bắt sống 2 phi công của địch, chúng tôi mới vỡ oà phấn khởi, ôm nhau reo hò nhảy múa” - bà Viễn không giấu nổi cảm xúc tự hào.
Tin chiến thắng vang lên, đơn vị A10 ngập trong những lời chúc, quà mừng và chiến lợi phẩm. Riêng với nữ tự vệ Phạm Thị Viễn khi ấy, phần thưởng quý giá nhất chính là niềm tự hào được góp sức trẻ bảo vệ Hà Nội - mảnh đất quê hương yêu dấu: “Sung sướng lắm chứ, khi ấy tôi chỉ là dân quân tự vệ thôi mà tôi đã được góp phần bảo vệ Hà Nội, mang lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không. Bao ngày tháng miệt mài khổ luyện, phơi nắng phơi sương cùng bao mất mát hy sinh… đều xứng đáng”.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bà Phạm Thị Viễn bỗng đón nhận hung tin bố và hai người anh họ qua đời do bị trúng bom B52 của địch. Một lần nữa, bà phải chịu đựng nỗi đau mất đi người thân yêu trong chiến tranh, lửa đạn.
Ngày 27, giữa chiến trường ác liệt, bà Viễn gặp lại hai em gái. Thay vì niềm vui chiến thắng, bà chỉ thấy hai em bùn đất lấm lem, quần áo xộc xệch, khuôn mặt hốc hác và tiếng nấc nghẹn ngào: “Chị ơi, bố mất rồi. Hôm qua bố bị máy bay thả bom trúng, mất rồi…”
Từ hôm ấy, người ta thấy một một nữ tự vệ trẻ, đầu chít khăn tang trắng, lặng lẽ ngồi bên mâm pháo, kiên định làm nhiệm vụ. Hình ảnh người con gái ấy đã đi vào bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu:
Tuy trải qua bao hy sinh, mất mát, bà Viễn vẫn luôn giữ vững tâm niệm:“Cuộc đời luôn có những vất vả thăng trầm, thiếu trước hụt sau cũng nhiều. Có những người còn bị mất cả gia đình vì chiến tranh lửa đạn chứ không riêng gì tôi, vậy nên tôi cũng tự nhủ phải cố gắng mà vượt qua, không thể trách được số phận” - bà Viễn khẳng định.
Năm 1991, bà Viễn chính thức về hưu và tham gia công tác Đảng, đoàn thể tại phường Mai Dịch, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Tổ trưởng Tổ Đảng, Tổ phó Khu dân cư, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, Tổ phó Tổ người cao tuổi…
Dẫu đã ổn định, an nhàn cuộc sống tuổi già, song, ký ức về những tháng ngày nằm gai nếm mật chinh chiến cùng đồng đội cũ vẫn luôn in đậm trong tâm trí của bà: “Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt sống chết có nhau. Năm nào cứ đến dịp 22/12 là đồng đội lại cùng nhau tụ họp, vui vầy ôn lại kỷ niệm”.
Ánh mắt của bà Viễn khi kể về những người đồng đội năm xưa luôn trực trào nước mắt. Có lẽ, người tự vệ ấy chưa bao giờ quên đi những tháng ngày khổ luyện “súng sáng lau sương - chiều lau bụi”, những ngày nắng cháy đổ lửa chạy ra “ngồi mầm pháo nóng giãy người” hay những lúc mưa bom lửa đạn, rau cháo có nhau.
Tất cả những ký ức hào hùng đó được nữ tự vệ năm xưa gìn giữ, trân quý từng chút một và luôn kể lại cho thế hệ trẻ chúng tôi như một cách để giáo dục lịch sử dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc với những hy sinh của thế hệ cha anh và trách nhiệm để tiếp tục xây dựng một đất nước Việt Nam mạnh mẽ, giàu đẹp hơn.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.