Hờ Phương (Hoàng Hà Phương) lớn lên trong một môi trường được ảnh hưởng bởi nhiều môn nghệ thuật thị giác. Cùng với việc gắn bó, ăn ngủ cùng mỹ thuật, niềm đam mê ấy lớn dần theo năm tháng, thôi thúc cô gái trẻ dấn thân vào con đường làm nghề và tìm hiểu nghề. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Phương bắt đầu hành trình đặt chân lên mọi vùng đất trên cả nước để đi tìm nguyên liệu sáng tác phù hợp. Hành trình rong ruổi của Phương là hành trình khám phá, trải nghiệm và trưởng thành. Những con người chân chất, những câu chuyện đời thường và cả những giá trị tinh thần quý báu bồi đắp tâm hồn cô, trở thành nguồn cảm hứng bất tận giúp Phương dũng cảm đi tiếp và làm mới con đường nghệ thuật của mình.

PV: Từ cấp 3 chị đã làm chủ nhiệm KAC (Kimlien Art Club), lên đại học cũng học chuyên ngành liên quan tới mỹ thuật. Vậy đâu là lý do chị chọn đi theo con đường nghệ thuật?

Hờ Phương: Mình may mắn được sống và học trong một môi trường mà có nhiều điều kiện tiếp xúc và làm quen với mỹ thuật từ khi còn nhỏ. Mình từng được thử qua nhiều chất liệu trong nghệ thuật thị giác nói chung và hội hoạ nói riêng. Nhưng dù sử dụng bất kỳ chất liệu nào, mình cũng luôn vô thức chìm đắm trong những thứ mang họa tiết lặp lại. Theo thời gian, mình yêu chúng một cách có ý thức hơn. Và mình bắt đầu đi tìm, tạo ra, cách điệu, sáng tác và làm nghề cùng những hoa văn đó. Cũng nhiều người từng đặt câu hỏi rằng mình đi 1 mình những chuyến đi dài và xa như thế thì bố mẹ có cấm cản không, mình nghĩ ở gia đình mình, khi đến một giai đoạn nhất định, bố mẹ mình sẽ “thả” để mình tự sinh tự diệt, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời.

PV: Lý do gì khiến chị lựa chọn kết hợp hai chất liệu sáp ong - sắc chàm trong các tác phẩm của mình?

Hờ Phương: Theo như mình biết, ở Việt Nam có hai chất liệu nhuộm lạnh phổ biến và hiệu quả tốt đó là nhuộm chàm và nhuộm củ nâu, còn lại thường nhuộm nóng. Tuy nhiên, nhuộm nóng sẽ không thể sử dụng sáp ong vì sáp dùng nhiệt độ cao để giũ. Nhuộm nóng làm chảy sáp ong và không thể định hình được trên vải. Vậy nên hiện tại, sáp ong cùng chất liệu nhuộm lạnh là sự kết hợp tối ưu, mình cũng hy vọng có thể thử và tìm ra nhiều màu sắc đa dạng trong tương lai.

PV: Chị có thể mô tả quy trình sáng tác một tác phẩm sử dụng hai chất liệu này?

Hờ Phương: Quy trình thực hiện để có thành phẩm sẽ bắt đầu từ công việc trồng và làm cao chàm. Vào mùa này, cây chàm mọc tự nhiên trên núi khá nhiều, đồng thời cũng có nhiều nhà trồng ở đồi riêng. Mình từng được sử dụng cao được làm từ cây chàm nhà cô giáo dạy mình trên bản. Tiếp đến là công đoạn “nuôi” thùng chàm, phương pháp mình được học là phương pháp sử dụng vi sinh vật để lên men tự nhiên của người Mông ở Sapa. Một chị bản bên đùa mình rằng “nuôi” chàm có vài điểm tương đồng với lên men sữa chua chúng ta làm tại nhà. Song song với quá trình nuôi thùng chàm, mình phác thảo ý tưởng định vẽ ra giấy hoặc lên máy trước để đảm bảo không vẽ sai sau này. Khi thùng chàm lên men thành công, mình sử dụng sáp ong vẽ lên vải bông, sau đó đem nhuộm đến khi đạt được màu ưng ý, vậy là hoàn tất quá trình sáng tác 1 tác phẩm. Sáp ong và vải bông trong công đoạn sau mình mua của người dân bản địa.

PV: Tác phẩm “Sự tiến hóa của giun đất” nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Chị có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng thực hiện đến với độc giả được không?

Hờ Phương: “Sự tiến hoá của giun đất” là một trong số những sản phẩm mình hoàn thiện trong đợt thử nghiệm đầu tiên với kỹ thuật vẽ sáp ong - nhuộm chàm. Về mặt ý tưởng, mình được truyền cảm hứng từ lần đầu xem bộ phim “I origins” (“Nguồn gốc”). Đây cũng là bộ phim mình yêu thích nhất tính đến hiện tại. 

SoFi, một nhân vật trong phim, cho rằng giun đất sống mà không hề biết đến ánh sáng, không thể tưởng tượng ra nó là gì vì đơn giản là chúng không có khả năng nhìn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ánh sáng không tồn tại. Ánh sáng vẫn ở đó, ngay trên đầu chúng, nhưng chúng không thể cảm nhận được. SoFi tiếp tục suy luận, có thể chỉ cần một chút đột biến, giun đất có thể bắt đầu nhìn thấy ánh sáng. Có lẽ, một số người hiếm hoi đã trải qua đột biến, sở hữu những giác quan khác, cho phép họ nhận thức về một thế giới khác, nằm ngay trên đầu chúng ta, giống như ánh sáng với giun đất.

Mình cũng có cảm giác như vậy.

PV: Trong suốt hành trình theo đuổi đam mê mỹ thuật, hẳn chị sẽ gặp phải những khó khăn khiến bản thân chùn bước. Vậy chị đã vượt qua những rào cản ấy như thế nào?

Hờ Phương: Về quá trình di chuyển và lái xe một mình, mình hay mang theo dụng cụ để tự sửa khi xe hỏng hóc nhẹ. Có một lần xe bị thủng săm ở Sơn La, săm rách to nên không đi tiếp được. May sao có một anh chạy xe tới “hú” mình, anh dẫn đường về nhà anh tít trên đồi, để thay cho chiếc săm xe cũ. Mình cảm ơn rối rít rồi lại tiếp tục đi. 

Trong suốt chặng đường, mình cứ đi một đoạn là bơm hơi để tới chỗ sửa xe. Vì là săm cũ mà (cười). Mình cũng từng bị lạc trong rừng vì mất phương hướng. Khi đó không có lấy một bóng người, mình phải ngủ trên cây, đợi đến khi trời sáng rồi “mò” về. Bây giờ kể lại nhẹ nhàng chứ lúc đó mình sợ lắm.

Về phần làm nghề, vì đang ứng dụng một chất liệu truyền thống, nhưng mình hướng đến cách kể, cách vẽ hiện đại hơn, nên điều khó khăn mà mình gặp phải đó là chưa có người thầy nào dạy cho mình toàn bộ quy trình hoàn thiện tác phẩm. Chẳng hạn ở bước phác hình, mình sử dụng tư duy hiện đại được học để lên ý tưởng, cảm thấy hình này lên máy rất ổn, nhưng đến bước phóng hình lên vải thì bất khả thi do cách thể hiện bằng sáp ong có phần hạn chế hơn. Khi mình cần góp ý thì giáo viên mỹ thuật sẽ không biết về sáp ong, người dạy mình nhuộm thì chưa từng học vẽ hay thiết kế. Điều này đôi khi hơi mất thời gian và có những ý kiến trái chiều.

PV: Trong khoảng thời gian gắn bó với các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là Sapa, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ với con người nơi đây không?

Hờ Phương: Mình thấy có nhiều điểm khác biệt giữa trẻ con ở bản với trẻ con thành phố. Đi chơi với các bạn ấy sẽ có những trải nghiệm khiến mình bất ngờ: “Ồ, hóa ra nó hoạt động như vậy”. Có một lần bọn trẻ trong bản tới rủ mình đi chơi, tay cầm theo cuốc. Khi ấy mình cũng tò mò nhưng cứ theo chân các em. Thì ra các em dẫn mình leo núi, ngọn núi không có đường nên các bạn ấy cầm cuốc đào đường còn mình theo sau. Cứ một lúc bọn trẻ lại quay xuống bảo: “Chắc cô không leo được đâu”. Về sau mình vẫn leo được. Nói chung nó cũng “kỳ quặc” lắm

Còn với người lớn ở bản, mọi người hay dạy mình nói tiếng Dao, tiếng Mông. Mình có ghi chép lại một số từ thông dụng, thật ra cũng chưa dùng được nhiều, cơ mà để ý sẽ thấy cùng một dân tộc nhưng các nhánh khác nhau sẽ nói khác nhau, kiểu như người Kinh mình cũng có tiếng phổ thông và tiếng địa phương ấy. Trong quá trình di chuyển, sinh sống từ xưa đến nay, mình thân thiết và gắn bó với nhiều dân tộc khác nhau, ngoài người Kinh, cũng có các bạn - anh chị em người Mông, người Dao, người Nùng, người Tày,.. dành cho mình nhiều tình cảm và đồng hành cùng mình.

Trong khoảng thời gian gắn bó, mình tự khám phá và phân tích được nhiều thứ khác nhau từ cách ăn, cách mặc, cách ở và lựa chọn nguồn nước. Điều đó phụ thuộc vào tập tính sống của từng dân tộc.

PV: Chị có thể chia sẻ một ngày của chị diễn ra như thế nào không ạ?

Hờ Phương: Vì không bị ai thúc ép nên khi ở trên núi mình sống rất “chill”. Buổi sáng mình thức dậy khá muộn, dành chút thời gian vui chơi với chó mèo rồi mới mở tranh ra vẽ. Ở Hà Nội mình vẽ ít nhất 8 tiếng, có những ngày ở trong phòng vẽ 20 tiếng cũng thấy bình thường. Từ lúc ở trên núi, mỗi ngày mình vẽ 4-5h đồng hồ, còn lại cuộc sống trên đấy mình chỉ “thở”, thậm chí không nghĩ gì. Mặc dù ở Hà Nội mình là một người “overthinking” điển hình, mình nghĩ quá nhiều, nhưng khi di chuyển như vậy, mình có nhiều “hộp rỗng” trong đầu hơn.

PV: Được biết chị đã đi được 1/3 hành trình xuyên Việt và lựa chọn sáp ong, vải chàm làm chất liệu để sáng tác. Vậy chị có điều gì muốn chia sẻ thêm về dự định của mình trong 2/3 hành trình còn lại?

Hờ Phương: Dự định ban đầu của mình là đi để tìm ra các chất liệu mới ứng dụng vào tác phẩm, mình cũng được giới thiệu một số chất liệu để tìm hiểu như vẽ pháp lam ở Huế, kỹ thuật in cyanotype... Tuy nhiên giai đoạn hiện tại mình đã tìm được chất liệu yêu thích nên mình sẽ khoanh vùng, tập trung hơn vào nhuộm vải. Chẳng hạn ở một số vùng như Tây Nguyên, kỹ thuật nhuộm của họ cũng có nhiều điều mình mong có cơ hội được học hỏi.

Về lộ trình di chuyển cũng có một chút thay đổi nhỏ, mình quyết định không đi xuôi từ Bắc xuống mà mình sẽ đặt vé máy bay vào TP.HCM, mua một con xe máy ở đó rồi tiếp tục khám phá miền Nam, miền Trung, sống ở các tỉnh theo tháng rồi lái xe dần trở lại cho đến khi về miền Bắc.

PV: Chị có lời chia sẻ nào dành cho những người yêu nghệ thuật và những bạn trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật?

Hờ Phương: Khi chia sẻ với mọi người, mình thường không “nhắm” vào mỹ thuật. Mình tin hội họa hay mỹ thuật chỉ là một trong số những ngôn ngữ biểu đạt để kể câu chuyện đời mình. Đến với mỹ thuật hay bất cứ điều gì, bước đầu tiên luôn là thử. Thử kể câu chuyện của bản thân bằng các chất liệu - cách thức khác nhau, sẽ đến một thời điểm mọi người thấy đâu là ngôn ngữ phù hợp nhất dành cho đời mình - trong từng giai đoạn.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN