(Sóng trẻ) - Nguyễn Thị Suốt, cô sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trở thành Chuyên viên chăm sóc cụm Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, thuộc ban thành lập phát triển của dự án "Sách và hành động".

“Sách và Hành động” (SVHĐ) trực thuộc Doanh nghiệp xã hội SVHĐ được thành lập vào năm 2013, với hai sứ mệnh là lan tỏa thói quen đọc sách và tinh thần hành động cho thế hệ trẻ với hơn 48.065 người theo dõi trên fanpage, đã hỗ trợ các trường THPT, Đại học, Cao đẳng thành lập 194 Câu lạc bộ “Sách và Hành động” tại 29 tỉnh thành trên cả nước.

Sách và Hành động
Sách và Hành động

Ngày nay với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự vươn lên mạnh mẽ của Internet khiến sách dường như bị bỏ quên trong một góc khuất nào đó. Nhiều người không tìm đến sách nữa mà thay vào đó là các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram, Tinder,.. Vì thế, văn hóa đọc cũng dần ngủ quên trong tiềm thức của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Trước thực trạng đó, Nguyễn Thị Suốt cùng các bạn trong dự án “Sách và Hành động” đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp lan toả văn hoá đọc đến với giới trẻ. 

Với chúng tôi, được tiếp xúc và trò chuyện với Suốt, cảm thấy ngưỡng mộ sức trẻ, muốn cống hiến cho hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Tất cả đã tạo nên một cô gái tuổi 20 có tình cảm, đạo đức và tri thức.

Qua cuộc trò chuyện này, Suốt mong muốn có thể truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng và quan trọng nhất là vận dụng điều đã đọc vào thực tiễn. “Không chỉ đọc xong để đấy, mà còn áp dụng thực tiễn, không chỉ đọc một mình, mà còn giúp thêm nhiều người thích đọc”.

Cô học sinh cấp 3 và niềm đam mê

Từ khi nào những trang sách cuốn hút bạn?

Để mà nói về từ khi nào em yêu thích đọc sách thì có lẽ vào khoảng cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3, chị gái của em bắt đầu mua cho em những cuốn sách đầu tiên và có một cuốn sách khiến cho em yêu thích nhất đó là cuốn sách viết về bà Oprah Winfrey, Nữ hoàng truyền hình của nước Mỹ, cuốn sách đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều để có thể lựa chọn theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Và từ đó em cũng thấy việc đọc sách không chỉ cho mình kiến thức mà còn tạo cảm hứng, nguồn động lực cho mình rất nhiều.

Cơ duyên đến với dự án "Sách và Hành Động"

Trước khi làm việc cho dự án, bạn có tham gia những hoạt động nào khác về lan toả văn hoá đọc không?

Trước khi vào dự án “Sách và Hành động”, hồi cấp 3 em cũng từng là thành viên và là chủ nhiệm của câu lạc bộ “Sách và Hành động”. Lúc đó chúng em cũng tổ chức khá là nhiều hoạt động để lan toả văn hoá đọc, ví dụ như mở phòng đọc sách miễn phí cho các bạn học sinh cũng như là tổ chức những chương trình như là ngày sách hay tọa đàm sách.

Cơ duyên nào đưa bạn đến với Sách và hành động?

Từ hồi cấp 3, ở trường em cũng có một câu lạc bộ “Sách và Hành động” trực thuộc dự án, lúc đó câu lạc bộ đang tuyển thành viên. Lên cấp 3 thì gần như đây là câu lạc bộ đầu tiên ở trường em nên em cũng khá là hứng thú và em quyết định đăng ký tham gia. Sau khi tham gia thì em cũng may mắn được cử làm chủ nhiệm của Câu lạc bộ. Vì ở cấp 3 em đã học được rất nhiều điều, có rất nhiều trải nghiệm ở câu lạc bộ, nên là lên đại học em vẫn muốn tiếp tục đồng hành cùng dự án. 

Tại sao dự án lại chọn đối tượng học sinh, sinh viên đầu tiên để khơi dậy và lan toả văn hoá đọc?

Đầu tiên, theo cá nhân em nghĩ văn hoá đọc không chỉ có học sinh, sinh viên mới cần mà tất cả chúng ta, lứa tuổi nào cũng nên đọc sách. Nhưng khi dự án ra đời thì chọn đối tượng chính là học sinh, sinh viên. 

Đơn giản là vì mô hình các câu lạc bộ ở trường học rất thiết thực, có rất nhiều trường chưa có câu lạc bộ nào. Ở cấp 3, việc tạo ra môi trường câu lạc bộ cho các bạn học sinh, sinh viên sẽ giúp các bạn ngoài học những kiến thức trên lớp sẽ có sân chơi để thể hiện kỹ năng khác của bản thân. 

Và lý do thứ hai, học sinh, sinh viên là thế hệ tương lai của đất nước, nên việc chúng ta khuyến khích các bạn đọc sách sẽ có ý nghĩa nhiều hơn cho sau này, các bạn ấy học xong sẽ áp dụng vào cuộc sống như thế nào. Và có thể trở thành một người tốt hơn để xây dựng đất nước.

Văn hóa đọc sách của giới trẻ

Bạn có nhận xét thế nào về văn hoá đọc sách của giới trẻ hiện nay?

Theo em thấy, hiện nay, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, quan tâm đến đọc sách khá là nhiều. Và mọi người cũng có thói quen đọc sách. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thì việc đọc sách có thể dần bị mai một đi, mọi người dành ít thời gian hơn. Mọi người có quan tâm tới việc đọc sách nhưng mà dành thời gian không nhiều và hiệu quả của việc đọc sách còn chưa cao. 

Hành động truyền lửa đọc sách cho học sinh, sinh viên

So với đọc sách, cái giới trẻ ưa chuộng hơn đó chính là xem phim, xem youtube hoặc là nghe nhạc. Vậy bạn với vai trò chuyên viên chăm sóc đã làm gì để truyền lửa đọc sách cho học sinh, sinh viên?

Bản thân em hồi trước cũng thích xem phim, nghe nhạc nhiều hơn đọc sách. Việc xem phim hay nghe nhạc cũng rất tốt, tuy nhiên về việc làm thế nào để các bạn vẫn yêu thích đọc sách, ý em muốn đề cập ở đây có nghĩa là đọc từng cuốn chứ không phải đọc qua mạng. Thì ở dự án này, cũng không bắt buộc mọi người chỉ đọc sách thôi, mà còn tổ chức các sự kiện để áp dụng những điều mà các bạn ấy tiếp thu được từ sách.

Và cũng thông qua những chương trình sự kiện như toạ đàm, những cuộc thi về sách, giúp cho các bạn học sinh, sinh viên cảm thấy hứng thú hơn.

Được biết 5 tháng vừa qua bạn đã vi vu đến 6 tỉnh thành để hỗ trợ các CLB ở  các trường THPT. Bạn có gặp khó khăn gì không?

Thật ra chính xác thì em đã đi được 7 tỉnh, vừa rồi em mới đi thêm một tỉnh nữa, đó là tỉnh Bắc Ninh. Cụm chăm sóc của em là cụm “Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh” nên là khá xa. Nhưng em thấy khó khăn hơn đó là việc em phải sắp xếp giữa thời gian học và thời gian tham gia hoạt động cùng các bạn ở cụm.  

Còn xuyên suốt quá trình đi, một là em có thể giao lưu, kết nối với các bạn ấy để truyền cảm hứng, thứ hai là có thể xem xét tình hình hoạt động, nhân sự của các bạn ấy, có thể đưa ra những định hướng để có hướng đi tốt hơn cho những hoạt động tiếp theo và giải quyết các vấn đề mà các bạn ấy đang gặp phải trong quá trình hoạt động.

Các bạn trẻ cùng dự án “Sách và Hành động
Các bạn trẻ cùng dự án “Sách và Hành động".

Sau chuỗi mini project gây quỹ diễn ra vào mùa hè này, bạn và team đã đạt được những thành tích gì? Có bật mí gì cho các sự kiện diễn ra sắp tới không?

Trong 1 năm qua, dự án đã triển khai nhiều chiến dịch và sự kiện. Ví dụ đợt tháng 2, tháng 3, chúng em có tổ chức 1 chiến dịch diễn ra với quy mô hơn 194 câu lạc bộ trên cả nước. Đó là chiến dịch mang tên “Đọc dần” để hưởng ứng ngày sách. Trong chiến dịch ấy, các bạn trong câu lạc bộ sẽ tổ chức các hoạt động liên quan đến đọc sách như “Ngày sách”, “Đêm sách”, hoặc những hội thi đi kèm liên quan đến sách để có thể hưởng ứng, lan tỏa thói quen đọc sách đến các bạn học sinh, sinh viên nhiều hơn. 

Và sau khi tổ chức “Đọc dần”, chúng em có tổ chức một chiến dịch để mừng sinh nhật 9 năm của dự án “Sách và Hành động”, đó là một chiến dịch lan tỏa lối sống sạch như việc trồng cây xanh, có tên là “Trồng 1 cây, học 1 đống” với quy mô là tất cả các câu lạc bộ trong cả nước tham gia. 

Sau đó là Sự kiện được CLB SVHĐ THPT Phú Xuyên A tổ chức vào đúng ngày bế giảng 27/5, với hoạt động chủ đạo là “đổi sách – nhận quà”, nhằm lan tỏa văn hóa đọc tới đông đảo các bạn học sinh trong và ngoài trường. Đặc biệt, “The gift” còn có một minishow âm nhạc “cây nhà lá vườn” vô cùng sôi động và thú vị, thu hút không chỉ học sinh mà còn cả phụ huynh và các thầy cô giáo cùng tham gia.

Hình ảnh dự án ​​“The Gift – Đổi sách lấy quà”
Hình ảnh dự án ​​“The Gift – Đổi sách lấy quà”

Sau chuỗi sự kiện liên quan đến sinh nhật thì có 1 Mini project hè, là 1 chiến dịch gây quỹ, 1 hoạt động thường niên của dự án, để có thể gây quỹ đi giúp đỡ các câu lạc bộ hay là tạo quỹ học bổng cho các câu lạc bộ. Trong Mini project hè đấy có khá là nhiều hoạt động. Ví dụ như hoạt động gây quỹ “Bán bàn chải tre”, lan tỏa lối sống xanh, tổ chức một đêm nhạc mang tên “Chưa bao giờ” với chủ để là gia đình. 

Đặc biệt khi tham gia 1 Mini project mang tên “Chợ phiên không rác”, với mục đích lan tỏa lối sống xanh, bán những sản phẩm thân thiện với môi trường, ví dụ như bàn chải đánh răng bằng tre, móc và len, sổ tay, những sản phẩm Handmade, những sản phẩm tái chế. 

Hình ảnh dự án “Chợ phiên không rác”
Hình ảnh dự án “Chợ phiên không rác”

Với “Chợ phiên không rác”, tổ chức 2 đợt và thời gian là 6 ngày, nhận được sự hưởng ứng của mọi người khá là nhiều. Với con số cụ thể, có khoảng hơn 200 người đến sự kiện trực tiếp, với doanh thu hơn 30 triệu đồng. Sau sự kiện đấy, chúng em đã lan tỏa được lối sống xanh đến với mọi người nhiều hơn cũng như là có được cái nguồn quỹ để có thể hỗ trợ các câu lạc bộ, tạo các quỹ học bổng. 

Sau chuỗi Mini project hè đấy thì dự án đang chuẩn bị cho những sự kiện cuối năm. Cuối năm nay sẽ có một cái Gala của dự án “Sách và Hành động” và Gala kết nối tất cả các câu lạc bộ trên cả nước với quy mô dự kiến là 1300 người đến dự trực tiếp. 

Trong tương lai, bạn có dự định làm công việc gì liên quan đến sách không?

Chắc trong tương lai gần, dự định của em vẫn tiếp tục đồng hành cùng dự án. Em cũng chưa xác định thời gian mình sẽ dừng hoạt động cá nhân tại “Sách và Hành động”. Dự định của em là chăm sóc các câu lạc bộ, giúp các bạn ấy sẽ có nhiều hoạt động tốt hơn. Nếu sau này, em không làm tại dự án “Sách và Hành động” nữa thì em sẽ luôn quan tâm tới các sự kiện liên quan tới sách. Bản thân em cũng định hướng sau này sẽ là người tổ chức sự kiện, có thể là những hoạt động về sách.

Bạn có lời khuyên gì cho những người trẻ cũng đam mê đọc sách như mình?

Chắc là em không dám đưa ra lời khuyên cho mọi người nhưng mà đây cũng là những trải nghiệm thực tế của em, những điều mà cá nhân em đã áp dụng và khá là hiệu quả. Điều đầu tiên, để cho việc đọc sách không bị chán, cũng như kiến thức mình đọc xong không bị quên, thì mọi người đọc xong có thể ghi chú lại hoặc là áp dụng vào trong cuộc sống thực tiễn của mình. 

Chẳng hạn như là mọi người đọc sách về lập kế hoạch, có thể lên kế hoạch cho bản thân mình trong vòng 1 tuần hoặc 1 tháng. Đó cũng là điều mà dự án chúng em khuyến khích, lan toả thói quen đọc sách và tinh thần hành động. Sau khi đọc xong 1 cuốn sách, các bạn có hoạt động đi kèm áp dụng thì sẽ có hiệu quả hơn. 

Thứ hai là nên chọn lọc những cuốn sách thực sự phù hợp. Em nghĩ mọi người có thể chọn lọc những cuốn mà thực sự tâm đắc, muốn tìm hiểu và dành thời gian cho nó. Đó là kiểu đọc ít nhưng chất lượng. 

Mọi người có thể chủ động lập một nhóm bạn bè để có thể cùng nhau đọc sách, tham gia các câu lạc bộ liên quan đến sách như là “Sách và Hành động", hoặc sự kiện khác để mọi người có thể hiểu hơn về sách. Có người tham gia cùng sẽ có động lực lớn hơn. 

Xin cảm ơn bạn đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân tình này!

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN