(Sóng trẻ) - Đã 50 năm kể từ ngày đoàn văn công Hà Bắc xuất kích phục vụ bộ đội Trường Sơn thế nhưng ký ức từ tháng 12 năm 1970 vẫn vẹn nguyên trong mỗi người nghệ sỹ năm ấy.
Chiến trường, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nơi đó sai lầm là tối kỵ bởi mỗi phút giây đều có thể là phút giây cuối cùng. Với nhiều người, chiến trường là nỗi sợ, là sự khiếp đảm. Nhưng với đoàn văn công xung kích Hà Bắc, được phục vụ bộ đội trên tuyến đường huyền thoại ấy là một sứ mệnh thiêng liêng, là niềm vinh dự của bất kỳ người nào khi đó.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những ký ức về chiến trường Trường Sơn vẫn sống động trong tâm trí ông Nguyễn Hữu Luận - nguyên Phó đoàn văn công xung kích Hà Bắc (81 tuổi, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Khó quên là bởi, chính ông Luận là người đã trực tiếp tham gia chiến trường, trực tiếp đối mặt với những khoảnh khắc sinh tử ở Trường Sơn.
Ông nhớ như in cái ngày đoàn văn công vượt qua trọng điểm Bến Mới (trọng điểm 71) đầy hiểm nguy, trực tiếp đối mặt với bom đạn kẻ thù. Đó là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời những “bông hoa lửa nơi chiến trường". Họ phải vượt qua mưa bom bão đạn để mang tiếng hát, điệu múa đến với chiến sĩ, giúp họ vơi đi những nỗi lo âu, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu.
Ngày 14/01/1971, đoàn văn công Hà Bắc nhận lệnh vượt trọng điểm Bến Mới. Với 15 thành viên chia thành 5 tổ, mỗi tổ 3 người, mỗi người cách nhau 5m, mỗi tổ cách nhau 50m để vượt trọng điểm.
Đúng 7h sáng, đoàn văn công Hà Bắc được lệnh xuất phát vượt trọng điểm. Khi tổ đầu tiên đến sông Sê Băng Hiêng thì tổ cuối cùng mới xuất phát được vài trăm mét. Ngay lúc đó, tiếng súng báo hiệu cho đoàn dừng lại từ đài quan sát vang lên. Một chiếc OV10 (loại máy bay cường kích hạng nhẹ kiêm do thám, trinh sát) lượn nhiều vòng để do thám ngay trên vị trí của đoàn.
Ông Luận kể: “Nó ném hoả mù xuống chỗ nghi ngờ, rồi thả bom xuống đó. Nhưng may sao nó ném hoả mù sau lưng nên chúng tôi vẫn cứ ngồi yên. Lần đó, chỉ cần có một người chuyển động đội hình đoàn văn công xung kích Hà Bắc sẽ không còn một ai. Sau đó chúng tôi chạy thục mạng về cửa hang nhưng tổ cuối chưa về đến hang thì chiếc OV10 khác đã xuất hiện. Hết chiếc này đến chiếc khác. Thật hú vía". Sau khi thoát khỏi đợt tấn công của máy bay địch, giữa trời nắng nóng các chiến sĩ đã nhường chỗ mát cho các nghệ sĩ nghỉ ngơi.
Đúng 12h trưa, đoàn văn công tiếp tục hình trình vượt qua cửa khẩu Bến Mới. Khi 3 tổ đầu đã an toàn bên kia sông Sê Băng Hiêng chuẩn bị tiến vào bãi B52 thì tin báo về đợt không kích bằng B52 gửi tới. Tổ 4, tổ 5 vẫn đang cố gắng vượt qua địa hình hiểm trở, phải đối mặt với nguy cơ bị máy bay địch phát hiện và tấn công bất cứ lúc nào.
Ông Luận hồi tưởng: “Khi nghe tin B52 sắp tới, tim tôi như thắt lại. Cả đoàn nằm im phắp dưới hố bom, mắt hướng lên bầu trời. Chúng tôi nhìn thấy những chấm đen ngày càng lớn dần và rõ nét hơn. Mỗi giây trôi qua đều như một thế kỷ. Khi nghe tiếng đồng đội hét lên "Dài rồi, dài rồi...", tôi như trút được một gánh nặng lớn. Tất cả đều thở phào!".
Biết đã thoát chết, đoàn ông Luận vừa ôm bụng, vừa thở, vừa cúi, vừa chạy mà không sao chạy nổi. Chỉ được vài chục mét, mọi người lại lăn ra đường nằm thở. Dù đã sức cùng lực kiệt nhưng đoàn văn công vẫn kiên trì lặp đi lặp lại nhiều lần, một số người cũng về đến nơi an toàn…
4h chiều, 2 tổ còn lại vượt trọng điểm. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, tất cả mọi người đều đã an toàn. “Chúng tôi ôm nhau khóc, không phải vì sợ mà vì mọi người đều đã vượt qua trọng điểm ác liệt mà không tổn thất gì. Khóc vì thương mấy anh bộ đội, nắng thì nhường hang cho văn công nằm. Rồi mới chỉ 15 phút sau khi chúng tôi rời đi, pháo tọa độ bắn thẳng vào hang đoàn từng trú. Toàn bộ 7-8 đồng chí trong hang đều hy sinh trong đó có cả đồng chí sáng đã dẫn đường cho chúng tôi…”, ông Luận khóc khi nhớ lại ngày vượt trọng điểm Bến Mới năm ấy.
Cua Đá là một đèo rất nguy hiểm. Mỹ đã lợi dụng sự nguy hiểm này thả bom đánh phá ta liên tục, hòng cắt đứt sự chi viện của ta. Máy bay OV10 không ngừng do thám thấy hiện tượng gì khả nghi, ném hỏa mù lập tức pháo kích ngay. Cấp trên cân nhắc, tính toán mãi mới cho Đoàn văn công xung kích Hà Bắc vượt đèo Cua Đá bằng ôtô.
“Nơi đạn bom Mỹ thả từng giờ
Xe dừng lại vì mấy người chiến sỹ
Xin được nhìn cô gái hậu phương.”
Do là một trong số những trọng điểm nên việc xe dừng lại trên đèo Cua Đá là điều rất nguy hiểm với cả lái xe và đoàn văn công. Tuy nhiên, đoàn xe đã dừng lại. “Đáng ra là xe không nên dừng lại đâu, nhưng chúng tôi phải dừng lại để cho các chú bộ đội nhìn thấy các cô thiếu nữ. Bộ đội khát khao một bóng dáng phụ nữ đến như thế…”, ông Luận kể lại.
Xe đến đỉnh đèo thì xe không đi được vì một số chiến sĩ quân đội ta xin được: "Nhìn thấy các cô gái miền Bắc" trong tình thế vượt đèo khẩn cấp, không còn cách nào khác, chúng tôi phải khẩn trương xuống xe để thỏa mãn yêu cầu của các anh.
Khi ấy, đoàn văn công không thể phục vụ trên đỉnh đèo. “Chúng tôi không muốn văn công phục vụ, chúng tôi chỉ muốn nhìn thấy các cô thiếu nữ của đoàn văn công thôi…” một chiến sĩ khi đó đã nói với đoàn văn công xung kích Hà Bắc.
Giữa trọng điểm, nhưng những nữ nghệ sĩ của đoàn văn công đã xuống để bộ đội nhìn. Họ chỉ nhìn nhau trong một phút rồi lại lên xe đi ngay. Sau đó, cả văn công cùng bộ đội đều khóc, khóc vì thương nhau, khóc vì nhớ bóng dáng của hậu phương.
Đèo Cua Đá nguy hiểm là bởi Mỹ thả bom “vô tội vạ”. Nếu dừng đúng lúc thả bom thì nguy hiểm cho cả đoàn văn công và cả quân đội của ta. Thế nhưng khi đoàn xe dừng lại, thì không có loạt bom nào dội xuống. Cả đoàn chia tay nhau trong nước mắt của cả đoàn văn công và chiến sỹ.
Ông Luận cho biết: “Đã năm mươi năm trôi qua rồi, mỗi khi nghĩ đến đèo Cua Đá, chúng tôi không thể nào quên được hình ảnh các anh Bộ đội nhìn thấy các cô nữ văn công đã ngoảnh mặt đi, lau nước mắt”.
Đoàn văn công Hà Bắc luôn được ưu ái, bảo vệ như vậy. Bởi ai cũng biết, ai cũng hiểu tầm quan trọng của việc khích lệ tinh thần bộ đội trong chiến trường. Thế nhưng không phải lúc nào đoàn văn công cũng may mắn như vậy. “Có lần, nếu tiến thì chúng tôi gặp địch, cả đoàn đành phải đi tắt qua rừng. Không một dấu chân người. Cả đoàn phải trèo đá, bám dây để vượt qua. Gót chân người này chạm mũi người kia. Như thế mới về được nơi an toàn…”, ông Luận cho biết.
Nhiều buổi đoàn văn công phải diễn trong hang, có những hang rất to rộng và đẹp chứa vài ba trăm người. Đang diễn B52 thả bom cách khoảng 3km sức ép mạnh làm tắt cả đèn măng sông, rách cả màn che biểu diễn. Lại có hôm diễn ở trong hang quá nhỏ, chỉ có một khoảng trống hơn chiếc giường đôi để làm sân khấu, bộ đội ngồi xem đủ các tư thế trong các ngõ, ngách.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.