(Sóng trẻ) - Bên cạnh quần thể di tích lịch sử, Làng cổ Hùng Lô còn nổi tiếng với HTX sản xuất mì gạo truyền thống, góp phần xây dựng giá trị bền vững của tỉnh Phú Thọ.

Thành lập từ năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Mì gạo Hùng Lô đã và đang xây dựng nền móng kinh tế vững chắc từ những giá trị văn hoá. Nghề làm mì gạo truyền thống của địa phương ngày càng phát triển khi sản phẩm được đóng gói bao bì, tem mác và tiêu thụ trên khắp cả nước. Đồng thời, thương hiệu Mì gạo Hùng Lô cũng mang đến nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, xây dựng giá trị văn hoá, kinh tế đan xen trong làng cổ.

Làng cổ Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5km. Đến nay, địa phương vẫn còn mang màu sắc lịch sử khi lưu giữ gần 50 kiến trúc cổ từ 100 - 200 năm tuổi cùng quần thể di tích Đình - Đền - Chùa. 

Nhận được đặc ân từ thiên nhiên với mảnh đất phù sa màu mỡ, người dân Hùng Lô quen thuộc với những mùa lúa chín, các làng nghề làm mì, miến, gạo cũng vì vậy mà ra đời. Vài năm trở lại đây, khi HTX hình thành ngày một nhiều, làng cổ Hùng Lô đã góp phần không nhỏ cho tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ.

“Không chỉ giúp địa phương giữ gìn nghề làm mì gạo truyền thống, HTX còn nâng tầm giá trị kinh tế của xã Hùng Lô nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung. Đến nay HTX Mì gạo đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, sản lượng tiêu thụ trên thị trường trong nước và quốc tế cũng được duy trì ổn định. Nhiều lãnh đạo tỉnh cũng từng đến Hùng Lô và khuyến khích, động viên bà con trong HTX”, chị Nguyễn Thị Thuý, Kế toán HTX Mì gạo Hùng Lô chia sẻ.

HTX ra đời cũng là lúc thu nhập của những người làm mì gạo truyền thống được cải thiện. Theo chị Thuý, trung bình mỗi hộ gia đình tham gia sản xuất trong HTX có thể kiếm từ 50 - 100 triệu/tháng. “So với việc chỉ trồng lúa và sản xuất nhỏ lẻ thì HTX đã mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho người dân Hùng Lô”, chị Thuý nói thêm.

Anh Cao Đăng Duy, Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô thông tin: “Để tăng sự ổn định trong giá trị kinh tế, HTX chúng tôi đã ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp, siêu thị lớn trên cả nước như: Công ty TNHH Nông nghiệp Phú Nam, Công ty Golden Scorpio, Siêu thị BigC, Vinmart…”.

Hiện HTX Mì gạo Hùng Lô đang tập trung nghiên cứu và sản xuất dòng sản phẩm mì gạo cao cấp nhằm mở rộng đối tượng sử dụng, nâng cao doanh thu cho sản phẩm. “Đến năm 2025, HTX dự định sẽ đạt được mục tiêu tiêu thụ 1.000 tấn/năm, đồng thời nâng hạng các sản phẩm lên tiêu chuẩn OCOP 5 sao”, anh Duy chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Thị Thuý, kế toán HTX Mì gạo Hùng Lô, để sản phẩm vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa khẳng định truyền thống của địa phương, chất lượng của từng sợi mì là điều quyết định: “Từ khâu chọn nguyên liệu đến từng bước sản xuất, HTX đều chắt lọc từ công thức, quy trình của những người làm mì gạo lâu năm trong xã”.

Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào từng bước sản xuất thủ công, sản phẩm sẽ không đủ số lượng để đáp ứng thị trường. Chính vì vậy HTX mì gạo Hùng Lô đã tiến hành đầu tư thêm máy móc đồng thời đào tạo nhân công chất lượng cao cho từng công đoạn làm mì.

“Để đầu tư máy móc, HTX đã nghiên cứu rất nhiều. Thực tế khi mua thiết bị công nghệ cao về, việc đầu tiên là phải điều chỉnh tốc độ, kích thước… sao cho phù hợp với tiêu chuẩn sợi mì của địa phương”, chị Nguyễn Thị Thuý chia sẻ.

Trong thời đại người tiêu dùng không còn ưa chuộng cách mua bán truyền thống, HTX Mì gạo Hùng Lô cũng tích cực đẩy sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử nhằm tăng sức tiêu thụ. Trên cơ sở đổi mới một phần quy trình sản xuất cùng cách tiếp cận công nghệ, HTX đã đưa sản phẩm mì gạo sạch từ làng đi khắp cả nước.

Sử dụng máy móc có thể giúp sản lượng tăng một cách đáng kể nhưng khi công nghệ chi phối hoàn toàn vô hình trung sẽ tác động đến chất lượng sản phẩm. Thấu hiểu điều đó, HTX Mì gạo Hùng Lô đã sản xuất mì gạo theo mô hình bán tự động, chỉ có một số công đoạn nhỏ sử dụng máy móc, còn lại đều được làm theo cách truyền thống.

“Trên thực tế, nếu muốn sản phẩm vừa được sản xuất nhanh, vừa đảm bảo chất lượng truyền thống như mấy chục năm trước thì rất khó. Tuy nhiên HTX Hùng Lô đã khắc phục bằng cách sử dụng máy móc ở một số bước như xay xát, đóng gói, còn những công đoạn trộn bột, đùn mì thì hoàn toàn được làm bởi những người thợ lành nghề”, anh Cao Đăng Vân, Phó Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô chia sẻ.

Những hộ gia đình tham gia sản xuất trong HTX Mì gạo Hùng Lô cho biết dù thu nhập khá ổn định nhưng không thể phủ nhận nghề làm mì rất vất vả: “Chủ yếu là yêu nghề và muốn giữ truyền thống văn hoá sản xuất cho địa phương, bởi hầu hết người trẻ trong làng cổ không lựa chọn đi theo nghề này”.

Hàng năm, HTX Mì gạo Hùng Lô đều có chương trình khuyến khích người dân tiếp tục tham gia sản xuất để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại. Cùng sự cố gắng của HTX và chính sách của tỉnh Phú Thọ, Làng cổ Hùng Lô đã trở thành địa phương phát triển toàn diện về văn hoá truyền thống và kinh tế.

Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh năm nhất với phần thi ứng xử song ngữ xuất sắc trở thành Hoa khôi Báo chí 2023

Nữ sinh năm nhất với phần thi ứng xử song ngữ xuất sắc trở thành Hoa khôi Báo chí 2023

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Tối ngày 31/3, Chung kết cuộc thi Press Beauty 2023 được tổ chức tại Hội trường C - Học viện Báo chí và Tuyên truyền với màn thể hiện xuất sắc của 10 thí sinh.

Talkshow "Người làm báo trong kỷ nguyên số”: Công chúng ở đâu, nhà báo phải có mặt ở đó

Talkshow "Người làm báo trong kỷ nguyên số”: Công chúng ở đâu, nhà báo phải có mặt ở đó

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, sáng ngày 18/3, Talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số” diễn ra với những chia sẻ hữu ích về chuyện nghề báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số

Muôn màu hoạt động của Bảo tàng Hà Nội tại Hội báo Toàn quốc 2023

Muôn màu hoạt động của Bảo tàng Hà Nội tại Hội báo Toàn quốc 2023

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2023, bên cạnh chuỗi sự kiện về nghiệp vụ báo chí, Hội báo năm nay còn thu hút đông đảo công chúng bằng các chuyên đề trưng bày và sự kiện văn hóa truyền thống do Bảo tàng Hà Nội tổ chức.

XEM THÊM TIN