


Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) từng nổi tiếng với những tấm lụa mềm mại, hoa văn tinh xảo, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam. Thế nhưng ngày nay, trong khi nhiều hộ gia đình trong làng mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán sản phẩm may mặc từ lụa thủ công, thì những xưởng dệt truyền thống lại ngày càng “thưa thớt” bóng dáng người thợ. Nghề dệt lụa – từng là niềm tự hào của làng – nay phải đối diện với nguy cơ mai một khi lớp trẻ không còn mặn mà nối nghiệp.
“Ngày xưa, cả làng rộn ràng tiếng dệt suốt ngày đêm, nhà nào cũng có người làm. Giờ thì đếm trên đầu ngón tay” bà Hà, nghệ nhân hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt Vạn Phúc trầm ngâm nhớ lại.

Bên cạnh đó, bà Hà chia sẻ thêm: “Dệt lụa là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, lại phải làm liên tục bên khung cửi, nhưng thu nhập thì không cao. Các con tôi cũng không đứa nào theo nghề cả. Chúng bảo vất vả quá, không đủ trang trải cuộc sống”.
Thu nhập trung bình của một công nhân dệt chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/ngày, trong khi công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, làm việc liên tục trong môi trường có tiếng máy móc ồn ào. Phần lớn người trẻ tại làng Vạn Phúc hiện nay không còn tham gia sản xuất mà chuyển sang kinh doanh các sản phẩm từ lụa công nghiệp với thu nhập ổn định hơn.

Sự thay đổi này khiến không ít nghệ nhân lo lắng. Những kỹ thuật dệt thủ công từng tạo nên thương hiệu lụa Vạn Phúc đang mai một khi thế hệ trẻ không còn tiếp nối. “Người làm nghề giờ toàn trên 50 tuổi, già yếu rồi cũng phải nghỉ. Không biết vài chục năm nữa, lụa Vạn Phúc có còn giữ được chất riêng của nó không?”, bà Hà thở dài.
Chị Phương Lan (27 tuổi), sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề dệt lụa cho biết: “Nghề này rất vất vả, đòi hỏi kiên trì và tỉ mỉ, trong khi thu nhập lại không cao. So với các công việc khác, dệt lụa tốn nhiều thời gian. Ngoài ra sản phẩm từ lụa truyền thống còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm công nghiệp giá rẻ bởi vải công nghiệp giá rẻ".

Theo chị Lan, ngày càng ít người trẻ theo nghề dệt vì những áp lực từ thị trường. Phần lớn thế hệ trẻ trong làng chọn công việc khác có thu nhập tốt hơn. Bên cạnh đó, chị Lan còn bày tỏ lo lắng khi làng nghề sẽ khó giữ chân lớp trẻ nếu như không có những thay đổi mới về sản xuất và thị trường.
Trước thực trạng thiếu hụt lao động trẻ trong nghề, làng lụa Vạn Phúc đối mặt với nguy cơ mai một. Nếu không có những chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao thu nhập và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, việc duy trì và phát triển nghề dệt lụa truyền thống sẽ ngày càng khó khăn.

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm công nghiệp và sự thay đổi của xu hướng thị trường, nhiều hộ gia đình tại làng Vạn Phúc đã nhanh chóng thay đổi cả về mẫu mã, chất liệu lụa cũng như cách tiếp cận khách hàng để phát triển kinh doanh. Nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang kết hợp giữa kỹ thuật dệt thủ công và dệt công nghiệp để tạo ra những sản phẩm bắt kịp xu hướng.
Bên cạnh đó, không ít người chọn cách mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm về lụa, đưa lụa vào các thiết kế thời trang. Những sự thay đổi tích cực này nhằm đưa sản phẩm từ lụa truyền thống đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo dấu ấn cho du khách quốc tế.
“Tôi muốn đưa sản phẩm làm từ lụa Vạn Phúc đến với khách hàng với một giá thành dễ tiếp cận hơn. Cửa hàng tôi chủ yếu bán các sản phẩm áo dài, khăn lụa, túi xách, chăn, ga… với các mẫu mã đa dạng, bắt mắt và hợp xu hướng. Vài năm trở lại đây, các sản phẩm thủ công từ lụa được rất nhiều bạn trẻ săn đón, tôi thấy rất vui”, chị Phương Lan chia sẻ.
Giờ đây, lụa Hà Đông được biến hóa thành rất nhiều sản phẩm đa dạng, giá thành phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Ngoài ra, nhiều lớp học thủ công làm ra các sản phẩm như bàn cờ, tranh, ví, hộp quà… từ các mảnh lụa vụn, được một số bạn trẻ mở ra để thu hút khách du lịch.

Nhờ những nỗ lực đổi mới, lụa Vạn Phúc đã có bước phát triển tích cực trong xu hướng thời trang hiện tại. Các sản phẩm ngày càng đa dạng, phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng, nhiều tiểu thương mạnh dạn đưa lụa vào các thiết kế sáng tạo, giúp mở rộng thị trường. Những chương trình quảng bá, sự kiện văn hóa như Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Thương mại cũng góp phần đưa hình ảnh lụa Vạn Phúc đến gần hơn với công chúng.

Tuy nhiên, để lụa Vạn Phúc không bị mai một theo thời gian, đồng thời khẳng định vững chắc vị thế giữa thời đại công nghiệp hóa và hội nhập, cần có sự chung tay giữa chính quyền địa phương và người dân. Chính quyền cần hỗ trợ quảng bá, tổ chức lễ hội văn hóa, tham gia mạng lưới thủ công thế giới và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận nghề dệt. Các nghệ nhân và tiểu thương có thể chủ động đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội từ các sự kiện sự kiện trưng bày, trình diễn, sáng tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, việc Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa và các đề án bảo tồn làng nghề đến năm 2050 đã cho thấy sự cam kết lâu dài trong việc phát triển bền vững.
Việc đổi mới này không chỉ giúp làng nghề giữ được bản sắc truyền thống mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, từ khách du lịch trong nước đến thị trường quốc tế, nhất là khi Vạn Phúc đã được công nhận là “Làng nghề thủ công thế giới về dệt lụa”, khẳng định vị thế của lụa Việt Nam trên bản đồ thủ công mỹ nghệ toàn cầu.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.