

Làng lụa Vạn Phúc (làng lụa Hà Đông) thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm trứ danh và lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Với bề dày hơn 1000 năm lịch sử, Vạn Phúc là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Ngày 14/2/2025, làng lụa Vạn Phúc được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Lụa Vạn Phúc được dệt từ 100% tơ tằm tự nhiên, tạo nên chất liệu mỏng, nhẹ, mềm mại nhưng bền chắc. Lụa có độ bóng tự nhiên, bắt sáng tốt, vừa thoáng mát vào mùa hè, vừa giữ ấm vào mùa đông. Để đạt được chất lượng tốt nhất, quy trình sản xuất lụa truyền thống đòi hỏi nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, khiến giá thành sản phẩm cao. Công đoạn trồng dâu nuôi tằm không còn được thực hiện tại làng, thay vào đó, các chủ cơ sở nhập tơ tằm trực tiếp từ các cơ sở nuôi tằm ở miền Bắc để rút ngắn thời gian sản xuất. Từ đó, giá nguyên liệu tơ tằm không ổn định do phụ thuộc vào nguồn cung từ các vùng trồng dâu nuôi tằm.

Chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh từ các sản phẩm lụa công nghiệp giá rẻ đang đặt ra nhiều thách thức đối với lụa Vạn Phúc. Các loại lụa công nghiệp với mẫu mã đa dạng, giá thành thấp, dễ tiếp cận người tiêu dùng, đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Lụa Vạn Phúc thường có giá từ 460.000 đến 1.200.000 đồng/mét, tùy thuộc vào độ dày, họa tiết và chất lượng. Trong khi đó, lụa tơ tằm 80% pha với sợi tổng hợp có mức giá mềm hơn, khoảng 200.000 đến 300.000 đồng/mét. Như vậy, lụa tơ tằm có mức giá gấp khoảng 3 lần so với lụa pha trộn.

Bà Hà (55 tuổi, Hà Nội) - một nghệ nhân có 20 năm kinh nghiệm trong nghề, cũng là một tiểu thương tại chợ lụa Vạn Phúc cho biết: “Mặc dù chỉ 500.000 đồng/mét vải nhưng đến khi có thành phẩm thì giá tăng gấp 10 lần. Tức là, giá của một bộ áo dài được dệt bằng 100% lụa tơ tằm thì khoảng 5.000.000 đồng/bộ”.

Chất lượng cao nên mức giá khá đắt đỏ. Điều này khiến sản phẩm khó tiếp cận được với đại đa số khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang tràn ngập các loại vải công nghiệp giá rẻ. Ngoài ra, việc nhập khẩu các loại lụa đa dạng giá thành hơn ngày càng phổ biến bởi điều này có thể đáp ứng được nhu cầu của hầu hết các khách hàng với những mức giá phù hợp.

Thời trang nhanh đang trở nên phổ biến khiến thói quen tiêu dùng cũng thay đổi. Khách hàng ngày càng ít quan tâm đến sản phẩm thủ công cao cấp mà chú trọng tới kiểu cách, mẫu mã hơn là chất lượng và sự lâu bền của sản phẩm.
Bạn Phương Lan (27 tuổi) sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt lụa tại Vạn Phúc cho biết: “Thời trang nhanh đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng chính trong việc tiêu dùng hiện đại. Khách hàng ngày nay thường tìm kiếm những sản phẩm có giá cả phải chăng, dễ dàng thay đổi và bắt kịp xu hướng mới nhất. Lụa vẫn giữ được chỗ đứng đặc biệt, nhưng với một biến thể mới – đó là sự pha trộn giữa lụa và các chất liệu khác".
Thay vì chỉ giữ nguyên lụa tự nhiên, nhiều thương hiệu đã bắt đầu pha trộn lụa với các sợi tổng hợp hoặc các chất liệu khác để tạo ra sản phẩm vừa bền đẹp, vừa dễ dàng bảo quản và có mức giá hợp lý hơn. Đây là sự kết hợp giúp lụa trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở lợi dụng xu hướng này để bán lụa pha kém chất lượng với mác lụa thật, không pha trộn. Sự tràn lan của lụa giả, lụa pha kém chất lượng trên thị trường không chỉ khiến người mua khó phân biệt thật – giả mà còn làm suy giảm niềm tin vào sản phẩm truyền thống. Điều này ngoài việc ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề còn khiến việc cạnh tranh và duy trì thị trường gặp khó khăn.
Dù phải đối mặt với nhiều thử thách, làng lụa Vạn Phúc vẫn duy trì sản lượng ổn định mỗi năm. Theo thông tin từ UBND phường Vạn Phúc, sản lượng lụa trong năm 2024 ước tính đạt 1.200.000 mét vải các loại, doanh thu 200 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Nhưng để bảo vệ và phát triển bền vững nghề lụa truyền thống, cần có những chiến lược lâu dài và giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị và cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.