Trong mỗi chương trình múa rối nước, những người nghệ nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ bởi tài năng điều khiển rối mà còn ở sự khéo léo, kiên nhẫn và tỉ mỉ trong từng cử chỉ. Những người nghệ nhân múa rối khi trình diễn đều dày dặn kinh nghiệm như những người nghệ sĩ thực thụ, vô cùng tỏa sáng và thu hút. Đằng sau màn nước, người nghệ nhân phải không ngừng di chuyển, điều chỉnh từng con rối sao cho khớp với nhịp điệu của câu chuyện và âm nhạc. Những động tác tưởng chừng như nhẹ nhàng ấy đòi hỏi sức mạnh, sự phối hợp nhịp nhàng và sự tập trung cao độ để tạo nên những màn trình diễn sống động, mãn nhãn và chân thực.

Những con rối, được điều khiển khéo léo trên mặt nước, mang hình dáng gần gũi, thân quen với đời sống thường ngày của người dân. Những chú rối ấy không chỉ là bạn diễn mà còn là một nhân vật quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống và cuộc đời làm nghề của mỗi nghệ sĩ múa rối. Mỗi chương trình múa rối đều mang một ý nghĩa đặc biệt đối với nghệ sĩ trình diễn, bởi lẽ họ đã truyền tải được nét đẹp văn hóa dân gian tới du khách trong và ngoài nước với tất cả nhiệt huyết và tình yêu đối với nghề. Cũng vì sự nhiệt huyết với mỗi chương trình múa rối, NSƯT Trần Quý Quốc chia sẻ: “Những người nghệ sĩ cần phải có sức khỏe ổn định, sự tập trung để luyện tập và hoàn thành vai diễn đó một cách xuất sắc, đúng tính chất nhân vật nhất”. 

Bên cạnh sự thành công của mỗi chương trình múa rối nước, những người nghệ nhân làm nghề đã và đang trải qua nhiều khó khăn từ khi bắt đầu đến khi văn hóa múa rối nước được phát triển rộng rãi ở trong và ngoài nước. Quá trình học nghề, làm nghề của mỗi nghệ nhân đều mang nhiều kinh nghiệm quý báu, giá trị sâu sắc mà họ đúc kết từ nhiều năm. Trong sự khó khăn ấy, những ngọn lửa đam mê với nghề rối nước vẫn luôn sáng, luôn cần mẫn học hỏi và sáng tạo trong suốt quá trình học và làm nghề. 

Múa rối nước tại thời điểm hiện tại vẫn luôn được công chúng chào đón và công nhận là loại hình nghệ thuật tiêu biểu bởi tính nhân văn và sáng tạo trong sự kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn và yếu tố tự nhiên. Đặc biệt khác với các loại hình múa rối thông thường, sân khấu múa rối nước được xây dựng trên mặt nước mang đến một trải nghiệm mới lạ, độc đáo và thu hút khán giả. 

Trong mỗi vở diễn múa rối nước, người nghệ nhân múa rối là những người trực tiếp điều khiển con rối. Những người nghệ nhân đứng sau màn nước, biểu diễn rối với kỹ năng điêu luyện, biến từng con rối trở nên sinh động và lôi cuốn cùng với mỗi vai diễn khác nhau. Chính sự kết hợp giữa yếu tố quen thuộc mang đậm sắc dân gian ấy cùng với sự sáng tạo đã làm cho múa rối nước trở thành một phần di sản văn hóa phi vật thể của đất nước ta. Cùng với đó, văn hóa nghệ thuật dân gian này còn mang biểu tượng đại diện cho trí tuệ, tài năng và tinh thần đoàn kết của người Việt trong suốt nhiều thế kỷ. 

Người nghệ nhân múa rối nước tỏa sáng trong mỗi vở diễn với lòng đam mê và khát khao mang đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đầy sức sống. Đằng sau tấm màn nước lung linh, họ không chỉ là người điều khiển những con rối, mà còn là những người kể chuyện bằng đôi tay và trái tim đầy tâm huyết với nghề. NSƯT Trần Quý Quốc tiếp tục chia sẻ: “ Tôi có một cơ duyên đặc biệt với nghề múa rối nước. Tôi đã có cơ hội đi diễn ở nước ngoài, mang văn hóa dân gian Việt Nam sang nước bạn để trình diễn, đó là niềm vinh dự của tôi và những người làm nghệ thuật truyền thống”. 

Công việc múa rối nước tưởng chừng như đơn giản nhưng công việc đáng quý ấy đều cần một lòng yêu và hăng say với nghề. Ắt hẳn đối với mỗi người nghệ nhân múa rối, những con rối không chỉ là công việc hằng ngày mà thiêng liêng hơn cả múa rối nước là tinh thần và là đam mê của họ. Cùng với niềm đam mê với múa rối nước, mỗi người nghệ nhân múa rối đều đã từng trải qua nhiều sự khó khăn, thử thách trong quá trình làm nghề để có được chỗ đứng thành công, gặt hái được nhiều “kim cương” quý báu của nghệ thuật truyền thống. 

Dẫu vậy, đối với mỗi loại hình nghệ thuật, để có được sự công nhận, cổ vũ và quan tâm từ khán giả, đằng sau những ánh đèn sân khấu ấy là biết bao khó khăn, thử thách của người nghệ nhân biểu diễn. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật truyền thống đòi hỏi sức khỏe cao của những người làm nghề, họ cần có sự bền bỉ, ý chí vững vàng khi trình diễn. Cùng với đó, nghệ nhân múa rối phải luôn đối mặt với những thử thách thay đổi của thời tiết, dẫu cho nhiệt độ thấp, nước lạnh thì họ vẫn trình diễn bằng tất cả niềm đam mê đối với nghề, niềm tin yêu đối với những vị khán giả. 

Trong những năm tháng cống hiến cho sự nghiệp, người nghệ nhân múa rối nước cũng gặp nhiều khó khăn bao gồm các vấn đề bất lợi do thời tiết hay những yếu tố ngoại cảnh tác động tới quá trình diễn, NSƯT Quý Quốc tâm sự: “Chúng tôi phải thường xuyên lội nước để điều khiển rối có những ngày mùa đông, nước rất lạnh, dẫu vậy chúng tôi vẫn luôn cố gắng mang đến chương trình ấn tượng nhất cho khán giả. Cùng với đó, việc điều khiển những nhân vật rối cũng là một trong những khó khăn, trở ngại và việc điều khiển rối còn khó hơn rất nhiều so với diễn viên diễn xuất trên sân khấu”.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy biến động và không ngừng phát triển, đổi mới, những văn hóa dân gian vẫn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, bền vững trong đời sống tinh thần của người dân và truyền thống của dân tộc. Dù cho sự phát triển của khoa học công nghệ đang dần thay đổi lối sống con người trong công việc và hoạt động giải trí, dẫu vậy, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn trường tồn theo thời gian như một phần tất yếu của bản sắc dân tộc. Những loại hình nghệ thuật dân gian như múa rối nước là nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc được tiếp nối qua nhiều thế hệ và văn hóa truyền thống luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong xã hội hiện đại. 

Nghệ thuật múa rối nước được xây dựng và phát triển từ nhiều thế kỷ trước đây, dẫu vậy trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giá trị văn hóa dân gian này đang dần đứng trước nhiều thách thức. Bởi lẽ trên thị trường nghệ thuật Việt, trào lưu nhạc trẻ, nhạc rap đang dần chiếm ưu thế và thu hút được sự quan tâm từ nhiều khán giả trẻ. Có thể thấy nghệ thuật dân gian múa rối nước đang dần bị lãng quên trong tiềm thức người Việt. Nghệ thuật văn hóa múa rối nước đều được mọi người biết đến là văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân gian và truyền thống. Tuy nhiên người dân Việt Nam trong thời kỳ hiện đại chưa thực sự biết yêu, biết trân trọng và biết ơn các loại hình văn hóa, trong đó có múa rối nước.

Bên cạnh đó, bạn Quang Huy (20 tuổi, Hà Nội) là một bạn trẻ yêu thích những loại hình nghệ thuật dân gian chia sẻ về những ấn tượng của bản thân trong những lần đi xem múa rối nước: “Từ khi còn nhỏ, mình đã được gia đình cho đi xem múa rối nước. Mình ấn tượng về những con rối xuất hiện trong hình thù ngộ nghĩnh với cử động uyển chuyển, dẻo dai. Bên cạnh đó, âm nhạc trong mỗi vở diễn khiến cho mình có cảm giác như đang lạc vào một lễ hội thật sự”. 

Trái ngược lại với Quang Huy, Bạn Thùy Minh (19 tuổi, Lạng Sơn) chia sẻ rằng bạn chưa từng đi xem múa rối nước trực tiếp bao giờ: “Mình mới chỉ nhìn thấy loại hình nghệ thuật này thông qua các phóng sự trên truyền hình. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy bộ môn này không còn gần gũi với giới trẻ ngày nay và thậm chí là mờ nhạt”. 

Đứng trước trở ngại ấy, những người nghệ sĩ múa rối nước vẫn luôn ngày ngày miệt mài, hăng say với các chương trình được dàn dựng công phu, tâm đắc. Múa rối nước không chỉ là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mà hơn cả, múa rối nước còn là niềm đam mê của những người yêu nghệ thuật truyền thống. “Trong xã hội thịnh hành như ngày nay, những người nghệ nhân như chúng tôi càng cần phải trình diễn với tất cả nhiệt huyết, lòng yêu nghề để truyền tải cho khán giả những giá trị sâu sắc được đúc kết trong mỗi chương trình múa rối nước”, NSƯT Quý Quốc cho hay. 

Thời gian trôi đi, xã hội phát triển ngày càng hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, mới mẻ hơn được ra đời, thu hút sự chú ý của giới trẻ. Tuy vậy, múa rối nước vẫn luôn chiếm một vị trí cố định trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam để nhắc nhở con người phải biết trân trọng những giá trị truyền thống, biết giữ gìn tinh hoa văn hóa dân gian bởi văn hóa là bản chất, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc.

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN