(Sóng trẻ) - Có mặt trong danh mục những loại chất thải nguy hại, tuy nhiên, rác thải điện tử lại chưa được người dân chú ý và coi trọng trong cách xử lý. Việc này đang tiềm ẩn mối nguy hại lớn, đe dọa môi trường tự nhiên và sự sống con người.

Số lượng rác thải điện tử trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng và vượt quá khả năng tái chế, tạo ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe, môi trường và khí hậu. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các quốc gia trên thế giới đã tạo ra 62 triệu tấn chất thải điện tử. Lượng chất thải này có thể lấp đầy khoảng 1,55 triệu xe tải 40 tấn, xếp thành một vòng tròn bao quanh xích đạo.

Theo báo cáo từ Liên minh Điện tử viễn thông quốc tế (ITU) và Viện nghiên cứu Liên hợp quốc về nghiên cứu và đào tạo (UNITAR), khối lượng rác điện tử thải ra năm 2022 là 65 triệu tấn, mức cao kỷ lục và tăng tới 82% so với năm 2010. Đến năm 2024, Báo cáo Giám sát Rác thải Điện tử Toàn cầu (GEM) cho thấy lượng rác thải điện tử toàn cầu cũng đang tăng ở mức báo động, dự kiến đạt 82 triệu tấn vào năm 2030. 

Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề ngày càng tăng về rác thải điện tử do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin. Thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Những con số “ấn tượng” đến từ nhóm chất thải nguy hại cho thấy không có một quốc gia nào nằm ngoài “vùng phủ sóng” của rác thải điện tử. Bức tranh ảm đạm về rác thải điện tử không chỉ dừng lại ở những con số thống kê, mà còn hiện hữu qua những hệ quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Trên thực tế, “đế chế” này đang âm thầm "len lỏi" vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ những khu đô thị sầm uất đến những vùng quê nghèo khó. Hình ảnh những bãi rác thải điện tử lộ thiên, nơi các thiết bị điện tử bị vứt bừa bãi, rỉ sét và phân hủy, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến môi trường và chính sức khỏe người dân.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1000 hợp chất khác nhau. Thành phần chủ yếu của các thiết bị là kim loại nặng, kim loại quý, có nhiều chất độc hại như: bari, đồng, niken; berili (trong các bo mạch chủ), cadmium (trong điện trở và chất bán dẫn); crom (trong đĩa mềm); chì (trong pin, màn hình máy tính) hay thủy ngân (trong đèn huỳnh quang, pin, nhiệt kế, một số sản phẩm y tế)…

Các hợp chất thường có trong rác thải điện tử.
Các hợp chất thường có trong rác thải điện tử.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ và rõ ràng về mối nguy hại tiềm ẩn của rác thải điện tử. Bà Hồng Thu (55 tuổi, Thái Bình) cho biết: “Máy tính cũ, tivi hay các đồ điện tử gia đình không còn sử dụng, tôi thường đúc vào tải chung với chai nhựa, để ngoài vườn đợi mang bán. Cũng không biết phân loại để làm gì, mang đi bán được vài chục ngàn là hơn rồi”.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, dù đã sắp đến thời hạn, hoạt động này hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đặc biệt với rác thải điện tử, dù sự nguy hiểm từ loại rác thải độc này thường xuyên được các cơ quan chức năng và báo chí cảnh báo, tuy nhiên trên thực tế, việc phân loại các loại đồ điện tử cũ của người dân hiện nay lại chưa được chú trọng. 

Đi dọc đường Thụy Lâm đến Thư Lâm (Đông Anh, Hà Nội), không khó để bắt gặp những khu tập kết rác. Từ lớn đến nhỏ, quy mô dù khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung: trộn lẫn rác thường với rác điện tử. 

Tại một số hộ dân, quạt, dây điện, bóng đèn, ắc quy… hàng loạt đồ điện tử hỏng “mắc kẹt” giữa “nồi lẩu” rác khổng lồ. Những bao tải chồng chất, bên trong với hỗn tạp các loại phế thải: chai nhựa, bìa cứng, gỗ, nilong, tôn nhôm… Không phân loại, không che chắn, rác điện tử nằm la liệt hứng chịu nắng mưa và sự thay đổi của thời tiết. Nhiều linh kiện đã bị ăn mòn, rò rỉ nằm phơi trần dưới đất từ lâu. 

Thói quen chất đống rác thải điện tử với rác thải nhựa của nhiều hộ dân. (Ảnh: Xuân Ly)
Thói quen chất đống rác thải điện tử với rác thải nhựa của nhiều hộ dân. (Ảnh: Xuân Ly)

Tiếp tục đi thẳng đường Thư Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội), nhóm Phóng viên bắt gặp một bãi tập kết rác tràn lan. Không chỉ có rác thải sinh hoạt, tại đây còn ghi nhận rải rác thêm nhiều đồ điện tử hỏng như bóng đèn, pin, đồ chơi… Mùi hôi thối bốc lên từ các loại rác thải phân hủy cộng với mùi nồng của gỉ kim loại, hút theo hàng đàn ruồi nhặng bu bám, khiến không khí trong khoảng bán kính vài trăm mét trở thành nỗi ám ảnh. 

Rác thải điện tử len lỏi ở mọi nơi. (Ảnh: Xuân Ly)
Rác thải điện tử len lỏi ở mọi nơi. (Ảnh: Xuân Ly)

Nghiêm trọng hơn, khoảng vài tiếng sau khi phản ánh thực trạng, bãi rác ấy đã dần trở thành đống tro tàn. Không cần biết đó là loại rác nào, độc hại ra sao, tất cả đang cùng chìm trong lửa đốt. Dưới màn khói mờ âm ỉ, đen kịt, một quang cảnh quen thuộc mà ai cũng mường tượng được tác hại khôn lường của nó như thế nào.

Khói mù mịt khắp nơi trong làng. (Ảnh: Xuân Ly)
Khói mù mịt khắp nơi trong làng. (Ảnh: Xuân Ly)

Để đường đi của rác thải điện tử được đúng hướng, việc phân loại rác thải tại nguồn là vô cùng quan trọng. GS.TS Đặng Thị Kim Chi (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Việc gom chung rác thải điện tử với rác thải sinh hoạt đã tồn tại từ lâu. Hiện tại, hình thức thu gom rác gia đình phổ biến nhất vẫn là bằng xe đẩy tại từng khu vực dân cư trước khi đưa ra bãi tập kết”. Do đó, nhiều người dân vẫn cho rằng việc phân loại rác sinh hoạt tại gia đình là vô ích, bởi sau đó rác sẽ được thu gom về cùng một nơi. 

Chính những thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại của người dân sẽ gây ra những tác động tiêu cực vô cùng lớn với môi trường sống. Cũng theo GS.TS Kim Chi, việc đồ điện tử không được cất đúng nơi quy định hay thậm chí đốt chung rác sinh hoạt là vô cùng độc hại, lâu dài các chất độc thoát ra sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng sức khỏe người dân.

 

Xem chi tiết 3 kỳ tại: Nan giải tìm hướng đi cho “đế chế” rác thải điện tử

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN