Tới làng Tràng Cát vào thời điểm cận Tết, sân nhà nào cũng phủ kín một màu xanh của lá dong. Đứng từ ngoài ngõ, từng đoàn xe nối đuôi nhau thành hàng, các thương lái trên khắp cả nước tụ hội về đây để kiếm tìm thứ “ngọc xanh”. Phần lớn khách tới đây là những thương lái đến đặt hàng trước, hiếm khi thấy sự xuất hiện của những vị khách đơn lẻ.

Theo lời kể của người dân địa phương, thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng lá dong. Đây là nghề truyền thống có từ thời thành lập làng đến nay. 

Từ lúc dịch COVID-19 kết thúc, ngôi làng đã bớt đi phần nào ảm đạm. Năm nay, lá dong bán chạy hơn các năm trước, người dân làng Tràng Cát càng thêm phấn khởi khi việc buôn bán diễn ra thuận lợi trước thềm năm mới.

6 giờ sáng, ông Nguyễn Đức Tâm (thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai) đã bắt đầu công việc. Như thường lệ, đôi bàn tay ông thoăn thoắt rửa từng chiếc lá, rồi phơi và xếp thành từng xấp gọn gàng. Xong xuôi, ông lại chuẩn bị những chậu nước lớn, đợi thêm lá từ người nhà rồi lại tiếp tục chu trình. Hơn 15 năm gắn bó với nghề truyền thống quê hương, ông Tâm cho biết, đôi bàn tay này trở nên thuần thục lúc nào không hay. 

Tết tới gần, nhu cầu mua lá lại càng cao, đòi hỏi người bán phải đáp ứng trong thời gian ngắn, tuy nhiên, nhiều gia đình lại không đủ người làm. Do đó, các hộ trồng lá dong với quy mô lớn thường phải thuê thêm nhân công để kịp công việc với giá 400.000 đồng/người/ngày.

Lá dong được chia ra thành 2 loại: lá dong loại 1 có chiều dài khoảng 60cm có giá bán dao động từ 100.000-140.000 đồng/100 lá, lá dong loại 2 dài khoảng 40-50cm có giá bán dao động từ 50.000-70.000 đồng/100 lá. 

Ông Tâm bày tỏ: “Trồng lá dong đỡ vất vả hơn so với làm nông nghiệp thông thường, ví dụ như trồng lúa, trồng rau. Thu nhập từ cây lá dong cũng cao hơn rất nhiều. Vào những ngày Tết, có những hộ thậm chí thu về 60-80 triệu đồng từ việc bán lá dong”.

Chia sẻ cách bảo quản lá dong, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai) cho biết: “Sau khi rửa lá với nước, chúng tôi sẽ xếp lá thành từng bó. Nếu muốn giữ lá dong tươi lâu, cần phủ lá chuối hoặc bạt lên trên, sau đó tiếp tục tưới nước hằng ngày để giữ độ ẩm cho lá”.

Theo bà Hoa, khác với lá dong rừng, lá dong làng Tràng Cát là loại lá dong quê, được ưa chuộng bởi tàu lá dẻo. Lá dong nơi đây thường được dùng để gói bánh chưng, bánh giầy, bánh giò,... khi luộc lên sẽ cho màu xanh vô cùng đẹp mắt cùng hương vị đặc trưng. Lá dong đạt tiêu chuẩn phần lớn là nhờ đất bồi sông Đáy, đất càng chắc thì lá càng đẹp.

Những năm qua, tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ cạnh sông Đáy, nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây ăn quả như cam, bưởi,... để có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, chỉ được một vài năm, cây cam dần thoái hóa và cho năng suất thấp. Vì vậy, người dân trong vùng lại quay trở về trồng lá dong là chính, kết hợp trồng đan xen thêm các loại cây trồng khác như ổi, mít, chuối,... 

Trồng lá dong không tốn nhiều công chăm bón, đây là loại cây trồng một lần nhưng lại có thể thu hoạch nhiều năm. Tuy nhiên, để đạt sản lượng lá dong cao, chất lượng tốt, người dân trong làng cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại, hàng tháng đều phải ra vườn làm cỏ, bón phân.

Lá dong không chỉ phục vụ dịp Tết Nguyên Đán mà còn được thu hoạch quanh năm. “Lá bán các tháng trong năm sẽ có kích thước nhỏ hơn. Phần lớn số lá này sẽ cung cấp cho các nhà hàng, một số ít sẽ dành cho những người buôn bán nhỏ làm bánh bán hàng ngày”, bà Hoa chia sẻ. 

Lá dong làng Tràng Cát giờ đây không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên,... mà còn được vận chuyển vào các tỉnh phía nam, thậm chí xuất đi nước ngoài. 

Vài năm gần đây, lá dong được xuất khẩu tới các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Mỹ,... để phục vụ bà con Việt kiều đón tết. Lá dong xuất khẩu là những lá được tuyển chọn với các tiêu chí như lá to vừa phải, màu đẹp, tươi và được đóng gói kỹ càng. 

Lá dong  trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các hộ dân làng Tràng Cát. Những ruộng lá xanh tươi ấy đã nuôi sống bao gia đình và làm giàu có thêm mảnh đất quê hương. Năm này qua năm khác, người dân làng Tràng Cát vẫn luôn cố gắng giữ nghề, cũng chính là giữ “linh hồn” Tết cổ truyền Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN