(Sóng trẻ) - Đất Tổ Hùng Vương là cái nôi sản sinh ra biết bao nghệ nhân Hát Xoan vang danh nức tiếng. Khi nhắc đến Hát Xoan, người ta nhớ ngay đến một nữ trùm phường, kép trống mang tên Nguyễn Thị Lịch.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 5 đời Hát Xoan, bà Nguyễn Thị Lịch (1950) từ lâu đã nổi tiếng trong làng An Thái (xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về khả năng hát Xoan gạo cội của mình. Năm lên 9 tuổi, đào Lịch được ông và bố truyền dạy tất cả các làn điệu hát Xoan. Đến năm 13 tuổi, bà đã thuộc làu gần hết 14 làn điệu Xoan cổ và trở thành đào nương trẻ tuổi nhất của làng. Năm 2006, bà Lịch được bầu là Trùm Phường và cũng là nữ trùm Xoan duy nhất của tỉnh Phú Thọ.
Không chỉ am tường làn điệu Hát Xoan, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch còn là đào nương duy nhất thông thạo tất cả các bài đánh trống Xoan - một điều chưa hề có tiền lệ. “Việc làm bạn với chiếc trống, cây dùi - nhạc cụ chính của điệu Hát Xoan khiến tôi giống như người nhạc trưởng điều khiển toàn bộ màn diễn Xoan”, bà Lịch tự hào kể.
Theo Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, trống Xoan rất khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác như: hát chèo, hát ca trù,.... Đánh trống Xoan là hát bài nào đánh trống bài đó. Chính vì thế, đánh trống Xoan được coi là có độ khó cao. “Khó ở chỗ đảo phách liên tục, phải đánh theo lời hát. Trong rất nhiều người học đánh trống Xoan, số người thông thạo đánh trống Xoan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để tìm ra được một nữ giới biết đánh trống Xoan lại càng khó khăn hơn”.
Trải qua hơn 60 năm trong nghề Hát Xoan, bà Nguyễn Thị Lịch đã chứng minh được tên tuổi của mình với nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc như: Danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tài năng nhất,... Cùng với đó là trên 50 chiếc bằng khen đến từ nhiều đơn vị địa phương qua các năm.
Đối với Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, việc cống hiến cho văn hóa Hát Xoan là niềm vinh hạnh, tự hào lớn nhất trong đời bà. “Chỉ khi nào tay tôi không thể đánh trống, miệng không hát thành lời, bản thân còn sức nữa thì tôi mới ngưng Hát Xoan”, bà Nguyễn Thị Lịch nói.
Ngoài việc đi lưu diễn Hát Xoan tại nhiều nơi trên cả nước, đào Lịch còn giảng dạy hơn 100 lớp học Hát Xoan kể từ năm 2012 đến nay. Các đối tượng theo học lớp Hát Xoan của bà rộng khắp. Từ các ban ngành đoàn thể như những người làm công tác chính trị, công tác văn hóa, câu lạc bộ Hát Xoan, công an tỉnh Phú Thọ, Đài Truyền hình, Sở Khoa học - Công nghệ, Hội Phụ nữ đến các cá nhân yêu thích làn điệu Xoan.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch tâm sự: “Yếu tố quan trọng nhất đối với một nghệ nhân Hát Xoan là phải có tâm, có đức. Bởi lẽ Hát Xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Khi có tâm đức ắt sẽ nảy ra tình yêu và trách nhiệm đối với giá trị nghệ thuật Hát Xoan”.
Hơn nửa đời người gắn bó với điệu Hát Xoan, nữ trùm phường, “kép trống” ấy đã khiến không ít người nể phục, tôn kính. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp Hát Xoan của bà là lần biểu diễn cho đoàn khách Bắc - Trung - Nam. Sau khi diễn xong, một nam thanh niên đã quỳ trước mặt bà và hành lễ. "Bầm ơi, con quý bầm quá. Con lễ bầm ngàn lần vì tư tưởng con hiểu lầm Hát Xoan là bình thường", người thanh niên hối lỗi.
Giữa muôn hình vạn trạng loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, người nghệ nhân Hát Xoan vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sức sống trường tồn mãnh liệt của làn điệu dân tộc này. Bởi Hát Xoan giờ đây đã đến gần hơn với các thế hệ kế cận. Một vài nhạc sỹ như Hà Miêu, Pha Hồng Trang đã đưa câu Hát Xoan vào sáng tác của mình. Hát Xoan cũng đang được giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, Hát Xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Người dân Việt Nam luôn giữ gìn giá trị di sản, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, câu hát cội nguồn của dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ bị mất đi.
Cũng theo Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch, việc bảo tồn giá trị của làn điệu Hát Xoan chỉ có thể đảm bảo khi các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ. “Tôi mừng vì hiện tại các bạn trẻ yêu Hát Xoan vô cùng. Riêng thanh niên ở Phú Thọ hiện nay hầu như em nào cũng biết Hát Xoan. Bởi lẽ, làn điệu Xoan phát triển trong nhà trường từ tiểu học trở lên. Phường Xoan của chúng tôi nhỏ tuổi nhất là em 6 tuổi và lớn tuổi nhất là 94 tuổi. Thậm chí có gia đình năm thế hệ tiếp nối truyền thống Hát Xoan”, đào Lịch phấn khởi nói.
Bà hy vọng, thế hệ trẻ tìm hiểu sâu sắc hơn và cùng các nghệ nhân gìn giữ giá trị di sản Hát Xoan đến muôn đời. Đồng thời lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc này đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.