(Sóng trẻ) - Tại số 26 Lò Rèn, giữa muôn vàn âm thanh ồn ào của máy cưa, máy hàn, tiếng đập búa trên đe sắt của ông Nguyễn Phương Hùng (65 tuổi) vẫn vang lên đều đặn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề rèn, ông Hùng đã tiếp xúc với sắt và than từ khi lên 4 tuổi. Qua lời kể của ông nội, ông biết được con phố này trước kia có tên Hàng Bừa. Người dân làng Hòe Thị vốn đã có nghề rèn từ lâu. Họ lên Thăng Long quây quần làm ăn tại đây, rèn nông cụ cho bà con như cày, cuốc, xẻng, dao, kéo… Do đó mà thành tên phố.
Vào thời Pháp thuộc, quân Pháp sang nước ta mang theo nhiều máy móc để xây dựng nhà cửa, đường xe lửa, cầu sắt. Thợ rèn lúc ấy làm thêm bu lông, bản lề, đinh ốc. "Hầu như toàn bộ công cụ bằng sắt đều phải nhờ thợ rèn sửa chữa. Như cây cầu Long Biên, ông tôi cũng tham gia vào làm. Từ sáng sớm, tiếng búa, tiếng đe đã vang vọng khắp phố, tạo nên không khi làm việc vô cùng hăng say đến tối muộn", ông Hùng nói.
Đến thời bao cấp, bố của ông Hùng chuyển qua làm đạo cụ sân khấu. Các thợ rèn phải tập trung làm việc tại hợp tác xã dưới Hàng Chiếu nên có một thời gian nghề này bị suy giảm. Sau khi đất nước mở cửa, các bễ lò lại đỏ lửa. Không khí lao động, mua bán càng thêm hối hả, rộn rã.
Tuy nhiên, đến thế hệ của ông Hùng, khi công nghiệp hoá trở nên phổ biến, nghề rèn thủ công dần mai một. Nhiều gia đình, trong đó không ít người là truyền nhân đời thứ 3 - 4 của nghề rèn lần lượt buông tay quai búa hoặc chuyển sang làm hàn, cơ khí, bán vật liệu xây dựng.
Bản thân ông Hùng cũng thừa nhận thời trẻ rất ghét nghề rèn vì vất vả, lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, lấm lem bụi than. Vì vậy, ông chọn đi học sửa chữa ô tô tại trường Trung cấp Giao thông sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nhưng có lẽ dòng máu người thợ rèn khiến ông không thể từ bỏ công việc truyền thống của gia đình. Nghe theo lời bố khuyên, ông Hùng quay về thử làm rèn bốn tháng mà không biết từ bao giờ trở nên yêu thích công việc này.
Quả thật, nghề rèn đã không "phụ" ông Hùng. Trong ký ức tuổi thơ, bố của ông là người kỷ luật, cẩn thận với công việc. Bây giờ ông cũng như vậy, đặt trọn tâm huyết trong từng sản phẩm nên lò rèn nhỏ dần trở lên nổi tiếng và "đắt" khách từ nhiều nơi trong thành phố. Thậm chí, có cả những khách từ thời bố của ông bây giờ vẫn quay lại vì sản phẩm hàng đặt chất lượng hơn đồ làm công nghiệp. Nhờ đó, gia đình người thợ rèn có thu nhập ổn định, xây được nhà, nuôi được hai con tốt nghiệp đại học thành đạt.
Thường xuyên xuất hiện trong bộ quần áo lấm lem bụi than, con cái khuyên ông nên đóng cửa dưỡng già. Tuy nhiên, sau hơn chục năm gắn bó với bễ lò, bây giờ ông cho rằng khi đã đam mê thì chẳng có gì là khổ cực. "Khi làm, tâm hồn tôi rất thoải mái vì biết mình còn lao động được, làm được việc có ích cho cuộc sống, gìn giữ danh tiếng phố Lò Rèn", ông Hùng bộc bạch. Nhưng "con cái tôi không ai muốn theo nghề nữa", ông chia sẻ với nỗi buồn man mác.
Trong không gian chật hẹp vỏn vẹn 4m2, tách biệt khỏi căn nhà mặt phố, ông Hùng hàng ngày miệt mài bên bễ lò đỏ lửa. Bên trong cửa hàng chất đầy sắt thép và những đồ khách đặt làm nên ông dọn cho mình một chỗ ngồi phía ngoài.
Theo ông Hùng, người thợ rèn giỏi nhất là người thợ rèn đa năng, ai yêu cầu rèn gì cũng làm được. Mỗi sản phẩm rèn như một tác phẩm nghệ thuật. Nếu người thợ không chuyên tâm vào canh nhiệt, dùng lực cánh tay uốn nắn khối kim loại thì không thể tạo ra một sản phẩm chất lượng, đẹp mắt. Đó chính là bí quyết để giữ chân khách hàng.
Ba món đồ quan trọng nhất của thợ rèn truyền thống là cái bễ, hòn đe và chiếc búa. Người thợ rèn hiện nay có rất nhiều công cụ để hỗ trợ làm việc. Bễ có thể thay bằng bễ điện, búa có thể dùng búa tự động. Nhưng ông Hùng cho rằng như thế sẽ làm mất cái chất truyền thống và chẳng khác hàng công nghiệp là bao. Do đó, dù công cụ hiện đại có thể hỗ trợ, ông vẫn ưu tiên sử dụng sức người để tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Tuy nhiên, ông Hùng chia sẻ làm nghề truyền thống ở thời đại hiện nay cũng không thể dựa vào mỗi kinh nghiệm của thế hệ trước. Người thợ rèn cần biết thêm các kiến thức kỹ thuật như cách nhận biết các loại sắt để làm sản phẩm phù hợp, cách tính toán để nâng cao hiệu quả công việc. May mắn của ông là được đào tạo về cơ khí khi còn trẻ nên lúc quay lại nghề rèn nắm bắt rất nhanh. Những kiến thức 4.0 giúp ông làm việc năng suất hơn.
"Kinh nghiệm của ông tôi, bố tôi rất quý giá nhưng cũng có một số điều đã lỗi thời. Ví dụ như để tính đường kính, bố tôi dùng sợi dây uốn tròn lại sau đó đo thủ công. Cách làm đó cũng được thôi nhưng sẽ không đảm bảo chính xác hoàn toàn. Tôi áp dụng toán học làm việc sẽ nhàn hơn", ông Hùng nói.
Ông Hùng vừa chuyện trò vừa thoăn thoắt đóng búa. Thi thoảng có khách nước ngoài đi qua lại tấm tắc khen ông và xin chụp ảnh làm kỷ niệm. Điều đó càng làm ông tự hào hơn về công việc của mình.
“Tôi muốn các bạn trẻ hiểu rằng, nghề rèn hay những nghề thủ công khác không chỉ là một công việc để kiếm sống mà còn là một cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm thủ công luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt mà sản phẩm công nghiệp không thể sánh bằng. Vì vậy, kiếm tiền từ từ nghề thủ công là rất dễ nếu như các bạn chịu rèn luyện”, ông Hùng chia sẻ.
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, ông Hùng cho biết sẽ cố gắng làm nghề này đến ít nhất là năm 80 tuổi như bố của ông: "Làm cho có sức khỏe, để đầu óc lúc nào cũng vận động. Mình bằng lòng bản thân mình, có cuộc sống tươi vui. Đó là điều quý nhất".
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.